Ngày 11/8 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư ban hành quy định quản lý dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.
Chia sẻ về vấn đề này, nhiều giáo viên cho rằng việc giảng dạy trực tuyến cho học sinh tiểu học nhất là các em chuẩn bị bước vào lớp 1 sẽ gặp nhiều khó khăn và đặc biệt cần có sự đồng hành của các bậc phụ huynh.
Học sinh chưa biết mặt chữ, dạy trực tuyến rất khó
Cô Lê Thị Huyền Trang, giáo viên Trường Tiểu học Kim Lũ (huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội), cho biết việc dạy học trực tuyến cũng mang lại hiệu quả khá tốt nhưng so với việc dạy học truyền thống trực tiếp trên lớp thì khó có thể bằng được.
Đặc biệt là đối với các em học sinh lớp 1 thì càng khó khăn hơn, các con có sự tập trung không lớn, chỉ tầm 40 phút là đã nản.
Hơn nữa, giáo viên khó kiểm soát được các con có làm việc riêng hay không, bởi đa số phần mềm trực tuyến chỉ cho phép hiển thị một số ít học sinh khi cô giáo đang giảng bài.
“Việc dạy viết giáo viên cần phải cầm tay uốn nắn từng nét, chỉ rõ độ cao, thấp, rộng, hẹp trong khổ giấy ô ly, cách lia bút hay là tốc độ viết để con cảm nhận chứ không chỉ nhìn giáo viên làm mà các con có thể tự viết được. Đây là vấn đề khó khăn nhất trong dạy trực tuyến”, cô Trang cho hay.
Các em học sinh tham gia lớp học trực tuyến trong dịch Covid-19 (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Cô Bùi Thùy Linh, giáo viên một trường tiểu học tại Hà Nội cho rằng, việc học trực tuyến với các em học sinh đặc biệt là những em chuẩn bị bước vào lớp 1, các em chưa nắm rõ mặt chữ nên việc truyền tải sẽ rất khó.
Theo cô Linh, thời gian vừa rồi, khi dạy học trực tuyến đối với các em học sinh, số học sinh tham gia lớp học chỉ được khoảng 1 nửa, lớp có 20-24 em thì chỉ được 10 em học.
“Nhiều gia đình bố mẹ còn trả lời thay câu hỏi cho các em, có những em lại vừa ăn vừa học, nói tự do trong lớp; bố mẹ bận rộn không thường xuyên check bài tập cô giáo giao”, cô Linh kể.
Chính vì vậy, với những em học sinh vào lớp 1 tới đây, khi chưa quen với môi trường học tập, vừa bắt đầu học chữ, nhiều em ở với ông bà nên việc không có bố mẹ đồng hành thì sẽ rất khó đạt hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên, phụ huynh Trương Thị Loan (phường Thành Công, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội), chia sẻ:
“Cháu bé nhà tôi năm nay bước vào lớp 1, tuy nhiên nếu học trực tuyến sẽ là một điều đáng lo ngại. Bản thân tôi đi làm bận rộn, nhiều khi không có thời gian để kèm cặp các cháu.
Hơn thế nữa, hiện tại, nhiều mặt chữ cháu còn chưa nắm rõ, số đếm chưa thông thạo, vì vậy để các cháu tiếp thu bài học qua màn hình máy tính là điều vô cùng khó khăn”, chị Loan cho hay.
Không có sự đồng hành của phụ huynh sẽ khó hiệu quả
Là người có nhiều năm kinh nghiệm dạy lớp 1, cô Mạc Lệ Hiền, giáo viên Trường Tiểu học Tân Việt (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), cho rằng việc dạy trực tuyến với học sinh lớp 1 là rất khó vì các em chưa được làm quen với nề nếp học, chưa biết chữ.
Theo cô Hiền, vào thời gian trước của dịch Covid-19, khi lần đầu tiên tiếp xúc với hình thức học trực tuyến này thực sự khó khăn. Lớp có 33 em học sinh thì có 4 em phụ huynh đi làm ăn xa, ở nhà với ông bà và không có mạng để học.
Cô Mạc Lệ Hiền giảng dạy trực tuyến cho các em học sinh lớp 1 (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Trong quá trình học, tập trung chủ yếu cho ba môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh. Học sinh sẽ học 10 tiết mỗi tuần, mỗi tiết không quá 40 phút.
Tuy nhiên, được sự quan tâm của phụ huynh, sau khi giảng dạy cô yêu cầu phụ huynh chụp lại bài làm, quay video học sinh đọc bài để cô nhận xét qua Zalo.
Hải Dương hiện nay cũng là một trong những nơi mà dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Trường Tiểu học Tân Việt cũng đã chuẩn bị những phương án giảng dạy cho học sinh trong năm học tới.
Tuy nhiên, điều kiện kinh tế cũng là một cản trở lớn cho việc dạy học trực tuyến ở các nhiều địa phương, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng còn khó khăn. Bởi vì, không phải gia đình nào cũng có điều kiện ở nhà dạy con em mình và có đủ kinh tế mua sắm phương tiện học online.
“Học sinh không thể đến trường trong tình hình dịch Covid-19 thì giáo viên chủ nhiệm cần tuyên truyền, làm tốt công tác tư tưởng để phụ huynh hỗ trợ trong việc dạy học trực tuyến với học sinh lớp”, cô Hiền nhấn mạnh.
Đối với giáo viên dạy lớp 1 tại trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thì việc dạy học trực tuyến gây nhiều khó khăn hơn.
Cô Ma Thị Viễn, giáo viên Trường Tiểu học Thổ Bình (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ, đợt dịch Covid-19 ở giai đoạn 1, ngay tại trường của cô vẫn chưa áp dụng hình thức học trực tuyến và bài tập phải gửi đến tận nhà cho các em học sinh học tập.
Cô Ma Thị Viễn trong ngày khai giảng Trường Tiểu học Thổ Bình (2019-2020) (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
“Trong thời gian tới đây, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nếu áp dụng hình thức học trực tuyến này đối với các trường vùng sâu, vùng xa, tôi lo rằng không hiệu quả.
Các em học tại đây, về nhận thức còn kém hơn so với các học sinh ở thành phố, hơn nữa về điều kiện vật chất còn thiếu thốn, kinh tế khó khăn, không phải gia đình nào cũng có điều kiện mua điện thoại thông minh.
Vì thế, hình thức dạy học trực tuyến chỉ nên khuyến khích các trường, các thầy cô triển khai”, cô Viễn tâm sự.