Nếu tăng ngân sách đầu tư cho GDĐH, người học sẽ được hưởng lợi gì?

16/11/2023 06:36
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nên bắt đầu với các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu, đào tạo mũi nhọn, khoa học công nghệ mới, kinh tế số nếu tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục ĐH.

Việc tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học được Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Nguyễn Đắc Vinh nêu ra tại Hội thảo Giáo dục 2023 vừa qua đã nhận được nhiều ý kiến góp ý từ đại diện các trường đại học.

Hiện nay, ngân sách chi cho giáo dục đại học ở nước ta chỉ chiếm 0,25%-0,27% GDP. Do vậy, ông Vinh đặt vấn đề, nếu tăng ngân sách đầu tư lên gấp đôi (tức chiếm khoảng 0,5% GDP, mức chi chỉ tăng thêm khoảng 300 triệu đô la Mỹ, tương đương khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng) sẽ không ảnh hưởng đến nguồn lực ngân sách chung vì chỉ cần thay đổi về cơ cấu chi.

Trước vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Quách Thanh Hải - Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, nếu tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học lên gấp đôi như vậy sẽ là động lực lớn cho các trường đại học, hiện thực hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website nhà trường).

Theo thầy Hải, việc tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học lên gấp đôi sẽ cho thấy sự quyết tâm rất lớn của nhà nước. Tuy nhiên, nguồn tài chính tăng lên này vốn không phải quá lớn mà chỉ tương đương bằng tổng thu mỗi năm của 5 trường đại học hàng đầu nước ta hiện nay. Trong khi đó, số lượng cơ sở giáo dục đại học của nước ta lại khá nhiều.

Chính vì vậy, phải sử dụng nguồn ngân sách đầu tư này một cách trọng điểm, trọng tâm, tránh đầu tư dàn trải mới tạo ra được “cú hích” và có hiệu quả.

Để làm được việc đó, cần phải có sự quy hoạch để lựa chọn những cơ sở đào tạo có thể đóng vai trò như những "con sếu đầu đàn" cho việc phát triển giáo dục đại học. Có thể bắt đầu với các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu, có thế mạnh để phát triển khoa học công nghệ mới, kinh tế số, đào tạo có chất lượng những ngành mũi nhọn để phát triển đất nước.

Thầy Hải bày tỏ, theo quan điểm triết học, lực lượng sản xuất luôn đóng vai trò quan trọng, trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất, là chủ thể, nguồn lực của sự phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, muốn tận dụng nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học một cách hiệu quả phải chú trọng đầu tư vào nhân lực, đặc biệt là đội ngũ của giảng viên các ngành học trọng điểm, mũi nhọn. Tiếp đến mới là đầu tư cho cơ sở vật chất.

Để tránh việc đầu tư ngân sách cơ sở vật chất bị dàn trải, không nên chỉ tập trung vào các cơ sở vật chất hữu hình mà nên tập trung vào các cơ sở vật chất vô hình như các bằng phát minh, sáng chế, vấn đề về xử lý thông tin, các giải pháp để quản lý tốt.

Trong việc đầu tư vào các cơ sở vật chất hữu hình, cần chú trọng vào đầu tư các máy móc, trang thiết bị hiện đại cho công tác nghiên cứu khoa học mới có thể tạo ra được các phát minh đột phá nhằm đem đến những sản phẩm có giá trị cao đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện đại góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

“Hiện nay, nguồn thu của các trường đại học chủ yếu từ nguồn học phí, vậy nên, nếu được đầu tư vào cơ sở vật chất cho công tác nghiên cứu sẽ tạo nên những sản phẩm chất lượng, từ đó sản sinh ra những đồng tiền lớn cho nhà trường. Do đó, chúng ta cũng không nên đầu tư vào các cơ sở vật chất thuần túy như trước đây, bởi khi có cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu tốt, tất yếu giảng viên cũng sẽ tạo các bài giảng, học liệu chất lượng hơn”, thầy Hải nói.

Cũng theo thầy Hải, hiện nay nhiều trường đại học vẫn gặp khó khăn trong việc phát triển do cơ chế, chính sách chưa thông thoáng. Cụ thể, việc đào tạo theo địa chỉ cho các doanh nghiệp vẫn phải xin chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo; cơ chế hợp tác đầu tư với doanh nghiệp còn nhiều hạn chế nên nhiều doanh nghiệp thường lựa chọn giải pháp mua công nghệ từ nước ngoài, điều đó khiến chúng ta càng khó có thể làm chủ được công nghệ.

Chính vì vậy, một trong những giải pháp tốt nhất là tiếp tục tăng quyền tự chủ của các trường, nhất là về tài chính để tạo cơ chế chính sách thông thoáng, minh bạch và hiệu quả qua việc rà soát và khơi thông những điểm nghẽn của Luật Giáo dục đại học hiện hành để các trường đại học có thể giải phóng mọi nguồn lực có được…

Trước vấn đề trên, thầy Khổng Trung Thắng - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nha Trang cho rằng, việc tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học là đúng đắn và cần thiết.

Nhìn vào thực trạng hiện nay, việc tăng này nên đầu tư cho yếu tố con người (thu nhập, hỗ trợ cho giảng viên); cơ sở vật chất để phục vụ giảng dạy đặc biệt là các cơ sở đào tạo khối ngành kỹ thuật, công nghệ cần có máy móc, trang thiết bị tiệm cận với thực tế sản xuất; tăng chi phí đầu tư cho các đề tài nghiên cứu khoa học bởi hiện nay ngân sách của nhà nước cấp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các đề tài nghiên cứu cấp Bộ, chương trình cấp Bộ còn hạn chế.

Bên cạnh đó, để tránh nguồn ngân sách đầu tư tăng lên này bị lãng phí, nên ưu tiên đầu tư cho một số cơ sở giáo dục đại học phù hợp với chiến lược phát triển của giáo dục Việt Nam và phân bổ nguồn đầu tư sao cho phù hợp.

Thầy Thắng cũng cho rằng, việc tăng thu nhập, hỗ trợ cho giảng viên sẽ giúp các nhà trường tuyển chọn được những giảng viên có chất lượng, chuyên môn cao cùng cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo tốt hơn tất yếu người học sẽ được hưởng lợi, tiếp thu được nguồn kiến thức tốt, trở thành nguồn nhân lực có chất lượng trong tương lai.

Khánh An