Chú ý chất lượng công nghiệp hóa năng lượng
Mục tiêu của nước ta là đến năm 2020, tức chỉ còn gần 10 năm nữa, Việt Nam sẽ cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tiến lên hiện đại không có nghĩa là sản xuất ra nhiều điện mà là sản xuất ra ít điện nhưng làm được nhiều tiền, nhiều của cải.
Không phải cứ có nhiều điện là anh theo kịp thế giới. Hàng năm, chúng ta tăng điện 14-15% để có GDP tăng 6-7%, tốc độ tăng điện của ta gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP, trong khi các nước khác tốc độ tăng điện và tốc độ tăng trưởng GDP gần như nhau thậm chí tốc độ tăng điện còn ít hơn. Nền kinh tế của ta được xếp vào loại tăng trưởng cao trên thế giới nhưng chủ yếu dựa trên thâm dụng lao động giản đơn, vốn, năng lượng và tài nguyên.
Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ Công thương, tôi sẽ chú ý hơn đến vấn đề tiến lên hiện đại bằng năng lượng.
Chúng ta đang nói chúng ta tiến lên hiện đại chuyện này chuyện kia, chúng ta cũng nói về chuyện biến đổi khí hậu nhưng lại không ai nói đấy là hướng đi của nền kinh tế: Tiến lên hiện đại trong năng lượng.
Nước ta đi sau so với thế giới nhưng lại sử dụng điện tốn kém, không hiệu quả, nguồn lực tài nguyên, tài chính có hạn.
Nhà nước hô hào người dân tiết kiệm điện, các phương tiện truyền thông tích cực tham gia kêu gọi tiết kiệm điện, chống lãng phí điện, bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia. Hoạt động “Giờ Trái Đất” được tổ chức mỗi năm một lần, được đầu tư truyền thông và quảng bá rộng rãi, hô hào người dân tắt điện trong 1h đồng hồ nhưng hiệu quả chưa cao, người dân có hưởng ứng thì cũng chỉ tắt điện giờ ấy, ngày ấy để hưởng ứng theo phong trào, làm việc theo số đông. Kết quả sau hoạt động truyền thông cho thấy, người dân vẫn chưa thực sự thực hành chính sách tiết kiệm điện hiệu quả.
Trong khi đó, chính nền kinh tế lại là thủ phạm lớn gây ra lãng phí điện. Tăng GDP bằng mọi giá đã khiến khẩu hiệu "điện đi trước một bước" được sử dụng như tư tưởng chỉ đạo trong quy hoạch điện năng. Tình trạng này kéo dài hàng chục năm nay, giống như “cỗ xe” kinh tế có “thùng xăng” thủng đáy.
Dưới cương vị Bộ trưởng, tôi sẽ cùng các vị Bộ trưởng khác đầu tư nhiều hơn cho việc đào tạo nguồn nhân lực, khoa học- kỹ thuật, xây dựng một nền khoa học, đại học nghiêm túc, chất lượng cao, đội ngũ nghiên cứu khoa học giỏi để nhanh chóng theo kịp thế giới.
Mỗi nước có cách đi riêng của mình, nhưng chung quy lại, họ đều học hỏi những tiến bộ khoa học – kỹ thuật tiên tiến để về sửa đổi cho phù hợp và áp dụng vào đất nước của mình. Đầu tư cao tri thức sẽ là động lực để tránh tụt hậu với thế giới.
Đánh thức tiềm năng Năng lượng tái tạo
Hiện nay có rất nhiều nguồn năng lượng đang được sử dụng. Các nguồn năng lượng được được phân ra thành 2 loại: năng lượng tái tạo và năng lượng không tái tạo. Than đá, dầu, khí thiên nhiên và uranium là những nguồn tài nguyên không tái tạo được bởi vì sản lượng của nó có giới hạn và sẽ bị cạn kiệt khi khai thác hết. Trong khi đó, năng lượng sinh khối, địa nhiệt, thủy năng, năng lượng mặt trời và năng lượng gió, năng lượng thủy triều và sóng biển là năng lượng tuần hoàn hay năng lượng tái tạo được.
Năng lượng mặt trời, năng lượng gió… được coi là nguồn điện năng tiềm năng vô cùng lớn ở nước ta. |
Nếu tôi là ông Bộ trưởng Bộ Công thương, tôi sẽ “bắt tay” với ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để hợp tác phát triển, khai thác nguồn năng lượng tái tạo.
Với điều kiện địa lý và khí hậu thuận lợi, Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn nhưng chưa được chú trọng khai thác. Phát triển mạnh năng lượng tái tạo sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn điện, đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai. Việc sử dụng những nguồn tài nguyên này có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là đối với nước ta bởi nó không tốn kém, lại có sẵn trong tự nhiên…do đó sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Không có một giải pháp hoàn chỉnh nào cho toàn bộ vấn đề nhưng dưới cương vị Bộ trưởng, tôi sẽ kết hợp nhiều yếu tố, hành động cụ thể để giải bài toán khó về “năng lượng”.
Giữa bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, suy thoái kinh tế, thì tiết kiệm năng lượng, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên không tái tạo được xem như giải pháp khả thi thực tiễn trước mắt cũng như lâu dài. Bên cạnh đó, chiến lược cho sự phát triển bền vững trong tương lai cần hướng đến đa dạng hóa cấu trúc năng lượng, nhất là ưu tiên cho các nguồn năng lượng tái tạo, vừa sạch, vừa có sẵn trong thiên nhiên.
Giải quyết vấn đề năng lượng đòi hỏi chúng ta không chỉ ưu tiên cho việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế mà còn cần chú ý đến các khía cạnh tiết kiệm và nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Tiết kiệm năng lượng sẽ đem lại cho chúng ta lợi ích đáng kể về kinh tế, giảm thiểu suy thoái do việc khai thác và để dành những nguồn tài nguyên quý giá.