Giá của "sự thật" = mồ hôi + máu + nước mắt

19/05/2012 15:35
Nguyễn Gái K31
(GDVN) - Mỗi bài báo được đánh đổi bằng bao mồ hôi, máu, nước mắt và cả sự hy sinh của những con người cống hiến, đấu tranh vì hai từ cao quý: "sự thật".

Người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng

Nhà báo được ví như người chiến sĩ dùng sức mạnh cây bút của mình làm vũ khí chiến đấu để đấu tranh phục vụ cho một xã hội công bằng tốt đẹp hơn.

Thế nhưng, trong thời gian ngắn gần đây, xã hội đã vô cùng bàng hoàng và bức xúc trước những vụ việc gây chấn động trong làng báo: nhà báo, phóng viên bị giết hại, hành hung, coi thường, gây bất lợi khi đi tác nghiệp ngày càng nhiều.

Trong cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hợp quốc con số thống kê chỉ ra rằng đã có hơn 60 nhà báo thiệt mạng trong năm 2011. Nhiều nhà báo, phóng viên bị hành hung, đánh đập, coi thường, bị gây bất lợi trong quá trình tác nghiệp và mức độ đang ngày một nghiêm trọng.

Số lượng nhà báo bị giết hại và tỉ lệ tử vong của phóng viên thuộc lĩnh vực điều tra đang ngày càng gia tăng. Số phóng viên bị đe dọa, bị hành hung, bắt cóc, khống chế tăng lên nhanh chóng chỉ trong một thời gian ngắn. Vì vậy, tính nguy hiểm cao đã và đang mang lại những tâm lí căng thẳng cho những người trong nghề.

Trong một môi trường sống tồn tại quá nhiều bất cập như hiện nay, bên cạnh những nhà báo đã “bẻ cong ngòi bút” thì ta vẫn thấy sáng nhiều tên tuổi gắn liền với những bài báo chống lâm tặc, tham ô, quan liêu tham nhũng, những đối tượng xuyên biên giới về buôn ma túy, trẻ em và phụ nữ. Những con người dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh xả thân cho một xã hội công bằng tốt đẹp hơn bằng chính sức mạnh ngòi bút của mình. Họ đứng đầu sóng ngọn gió chịu bao tổn thất nhưng vẫn đương đầu với khó khăn thử thách, xông pha vào “hang hùm miệng sói”. Họ là những người viết nên những trang báo “vàng”, góp phần làm nên "quyền lực thứ tư" một cách tự hào để cống hiến đấu tranh cho một xã hội bình yên và phồn thịnh.

Được bảo vệ và tự bảo vệ

Nhà báo Nguyễn Như Phong, Phó Tổng biên tập Báo Công An Nhân Dân khẳng định: "Nhà báo phải sống trong 1 môi trường quá nhiều cạm bẫy". Còn với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Báo Lao động: "Nghề báo phải đấu tranh với rất nhiều điều”.

Chỉ duy nhất với sức mạnh ngòi bút của mình, không một công cụ nào hỗ trợ, không được đào tạo võ thuật hay những chiêu thức tự bảo vệ mình nhưng các nhà báo phải điều tra như công an, trinh sát. Vì vậy, điều đầu tiên nhà báo phải làm là tự biết bảo vệ mình khi đi điều tra hay tác nghiệp.

Đưa võ thuật vào giảng dạy, nâng cao năng lực điều tra, an toàn hiệu quả trong các trường đào tạo báo chí là phương án hữu ích góp phần giảm tỉ lệ rủi ro trong quá trình tác nghiệp. 

                                                                                            

Cần có chính sách, cơ chế bảo vệ nhà báo một cách hiệu quả. Nâng cao nhận thức về Luật Báo chí, Quyền và Nghĩa vụ của Báo chí. Phối hợp với cơ quan bảo vệ của pháp luật, trong đó có lực lượng công an là chỗ dựa vững chắc nhất cho ký giả.

Cần phải coi việc hành hung tấn công nhà báo trong quá trình tác nghiệp là chống lại người thi hành công vụ và cần được pháp luật xét xử nghiêm minh, giải quyết đúng pháp luật, để răn đe những đối tượng khác ẩn mình trong bóng tối, trong vòng lao lí của pháp luật đang có ý định trả thù, bảo vệ danh dự, quyền tác nghiệp của nhà báo.

Chính phủ cần bảo vệ cho ký giả và tạo cho ký giả một môi trường thật an toàn khi tác nghiệp. Có như vậy, báo chí mới yên tâm để cống hiến, đấu tranh, phát huy ngòi bút của mình thật hiệu quả.

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (14/5- 20/5): Nghề báo - Nghề nguy hiểm

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn
                                                                                
Nguyễn Gái K31