Nếu tôi là thầy cô giáo: Không sử dụng bạo lực với học sinh

05/05/2012 10:22
Trần Thơm
(GDVN) - Những vụ bạo lực học đường, thầy đánh trò, lăng mạ hay buông lời không hay… đã gây ảnh hưởng rất xấu đến nhân cách và hành vi của học sinh.  

Ngoảnh trước ngó sau, nhìn từ mọi phía, đâu đâu cũng thấy những hình ảnh bạo lực. Bạo lực trong cuộc sống, bạo lực ở mọi lĩnh vực, thể thao, giải trí,… bạo lực ở mọi nơi, từ xã hội đến gia đình, với mọi lứa tuổi…


Trên giảng đường, trong trường học, nơi vốn được coi là “giáo dục”, là văn minh và nề nếp nhất cũng có bạo lực. Bạo lực tràn lan, gia tăng nhanh chóng khiến toàn xã hội chóng mặt và lo sợ.


Không đơn thuần là những hành động lớn bắt nạt bé, những hành động bắt nạt, đánh nhau thông thường của những bạn nam, hay hành động trấn lột về tài sản… Ngày nay, bạo lực ẩn danh dưới những hình thức, chiêu thức khác, man rợ và kinh khủng hơn rất nhiều, nó cũng không chỉ tồn tại ở nam giới mà đã trở nên phổ biến trong chính những cô học trò vẫn được coi là “liễu yếu đào tơ”…Hàng loạt các clip đánh nhau của nữ sinh được tung lên mạng, những trò đánh đấm tập thể trở thành “ngón nghề” để tự lăng xê bản thân. Những hành động đánh đấm trả thù gia tăng hàng loạt, cùng với sự trợ giúp đắc lực của các hung khí, những thứ tưởng như chỉ có ở những trận chiến xã hội đen….


Và, hậu quả của một loạt hành động đó không chỉ dừng lại ở những vết thương ngoài da, tổn thất về vật chất, thân thể, tinh thần nghiêm trọng mà còn cướp đi tính mạng, cuộc đời của không ít người ở tuổi vừa bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời. Đau xót, thương tâm biết bao!


Hành động bạo lực, côn đồ ấy không dừng lại ở học sinh với học sinh, nó thậm chí còn là những hành động của giáo viên với học sinh… Những vụ bạo lực học đường, thầy đánh trò, lăng mạ hay buông lời không hay…. đã khiến không ít những cô cậu học trò sống trong mặc cảm, tự ti và thu mình… Bên cạnh đó, cũng không ít những trường hợp học sinh “trả thù”, đánh hay gây tổn hại với giáo viên của mình… Thực tế cho thấy, bạo lực học đường đang tồn tại và gia tăng nhanh chóng, gây nên những xáo trộn và hủy hoại nhân cách của không ít những “chủ nhân tương lai của đất nước”.


Bài toán nan giải này vẫn đang từng ngày từng giờ được Nhà nước, xã hội quan tâm, cố gắng tìm ra giải pháp. Thế nhưng, một thực tế là, hiện tượng này vẫn không hề suy giảm mà ngày càng gia tăng hơn nữa về số lượng cũng như mức độ nghiêm trọng của vấn đề.


Chúng ta sẽ không thể có những hành động đúng nếu chúng ta không bắt đúng nguyên nhân gây nên căn bệnh này. Phải làm sao, hành động thế nào khi ngày nay, vấn đề nhân cách, đạo đức và cách cư xử của những con người “văn minh” trong thời đại văn minh lại không hề văn minh, làm sao khi xung quanh các em, môi trường xã hội còn tồn đọng quá nhiều bạo lực??? Trốn tránh hiện thực xã hội, vùi đầu trong thế giới ảo, các em lại tiếp xúc nhiều hơn với hình thức bạo lực khác trong các trận game cuồng phong…


Vậy làm sao hành động khi cả trong thế giới thực và ảo, các em đều ngày ngày tiếp xúc với bạo lực???  Vấn đề ấy, vẫn cần lắm trách nhiệm của toàn xã hội, của gia đình cũng như ý thức cá nhân mỗi người!

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

 Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

 Chủ đề tuần này (30/4- 6/5): Bạo lực học đường

  
 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

 Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn

Trần Thơm