Năm nay, trong cách đánh giá tốt nghiệp Trung học phổ thông và việc xét tuyển các trường đại học có nhiều thay đổi.
Đối với việc xét tốt nghiệp trung học phổ thông, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì điểm tổng kết lớp 12 sẽ chiếm không quá 30% số điểm xét tốt nghiệp.
Trong khi đó, nhiều trường đại học cũng thay đổi cách thức xét tuyển theo hình thức căn cứ vào điểm thi trung học phổ thông quốc gia và điểm tổng kết 3 năm phổ thông.
Công thức xét điểm tốt nghiệp năm 2019 (ảnh Trinh Phúc). |
Đơn cử như các trường công an nhân dân. Theo đó, điểm thi trung học phổ thông quốc gia chiếm 75%, điểm học 3 năm phổ thông chiếm 25% trong điểm tuyển sinh.
Ngoài ra, thí sinh muốn tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường công an nhân dân thì điểm tổng kết 3 môn trong tổ hợp thi của thí sinh phải đạt 7 điểm trở lên trong 3 năm.
Sự thay đổi trong cách tính tốt nghiệp trung học phổ thông cũng như xét tuyển vào các trường đại học đã nâng tầm quan trọng điểm tổng kết học bạ của học sinh lên rất nhiều.
Chính vì lẽ đó, nhiều ý kiến lo ngại các trường phổ thông lỏng tay trong đánh giá để học sinh của trường mình có một bảng điểm đẹp, có tính cạnh tranh cao.
Có chuyên gia cho rằng, nếu Bộ cố tình làm thành phần điểm tổng kết 12 chiếm tỉ lệ nhỏ đi trong việc xét tốt nghiệp thì ở dưới các trường sẽ tìm cách kéo cho điểm to lên.
Thầy Nguyễn Văn Hòa Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội (ảnh Trinh Phúc). |
Liên quan đến những lo ngại này, trao đổi với thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cho rằng: “Việc đánh giá quá trình sẽ là cách đánh giá của tương lai.
Cách đánh giá quá trình sẽ khuyến khích được phương pháp dạy học đổi mới và khuyến khích học sinh học phát triển toàn diện.
Đây là cách để cho mọi học sinh đều quan tâm đến học thực. Còn nếu đánh giá chỉ dựa vào thi thì sẽ có chuyện không thi nên không học”.
Thầy Hòa cho rằng, quy định điểm tổng kết lớp 12 chiếm không quá 30% điểm xét tốt nghiệp là hoàn toàn đúng. Còn các trường đại học xét tuyển căn cứ vào điểm tổng kết là việc nên làm.
Theo lý giải của vị này, các trường đại học bản chất là trường nghề, mỗi trường nghề có đặc trưng riêng nên kết quả thi 6 môn chưa nói được điều gì nhiều.
Nếu căn cứ vào đó để xét tuyển chưa chắc đã chọn được thí sinh phù hợp.
Việc tuyển sinh căn cứ vào quá trình, kết quả học bạ của học sinh càng nên làm.
Trước lo lắng, có hiện tượng mưa điểm 10 tổng kết, nâng điểm tổng kết của học sinh để tăng tính cạnh tranh trong tuyển sinh đại học, thầy Hòa cho rằng: “Cần phải tin tưởng vào các trường phổ thông, các thầy cô giáo, những nhà quản lý đa số là người có tâm”.
Còn việc có trường nào để xảy ra việc nâng điểm thì các nhà quản lý giáo dục phải có cách đánh giá cho đúng thực học của học sinh từng trường. Ai sai sẽ phê bình nghiêm khắc.
Trường hợp mưa tổng kết điểm 10 trong khi kết quả điểm thi thấp, theo thầy Hòa: “Những chuyện mưa điểm 10 thì Bộ và sở sẽ nắm được trước khi tổ chức thi.
Trường ở mức độ nào thì các sở sẽ đánh giá được nên sẽ khó có chuyện trường kém lại tổng kết cao”.
Vị này cũng chia sẻ rằng: “Năm nay, các cơ quan quản lý giáo dục đã nhắc nhở từng trường về việc này.
Tôi nghĩ, trong 100 hiệu trưởng thì chỉ có một vài hiệu trưởng làm việc nâng điểm. Dư luận không nên đặt vấn đề tiêu cực quá. Còn nếu xảy ra thì đó là trường hợp cá biệt.
Nếu trường nào để tình trạng mưa điểm 10 tổng kết thì phải giải quyết nghiêm khắc. Mặt bằng trường thấp nhưng điểm tổng kết cao chắc chắn là có vấn đề. Bộ và Sở phải thanh tra cho ra”.
Vấn đề đặt ra hiện nay, nếu có việc nâng điểm thì buộc tổng kết lại hay phải thừa nhận kết quả.
Ý kiến của thầy Nguyễn Văn Hòa cho rằng, nếu trường trung bình mà điểm tổng kết cao thì lộ ngay. Có biểu hiện thì các sở giáo dục phải nhắc nhở và xử lý từ đầu.
Cuối cùng vị này nhấn mạnh: “Ví dụ như Hòa Bình, Hà Giang nhiều điểm 10 là lộ tẩy ngay.
Bây giờ, trường trung bình mà điểm cao thì cũng bị lộ. Những người làm không có tâm chắc chắn sẽ bị lộ”.