Ngân sách cho NCKH ở trường ĐH: Nên thuộc về chi đầu tư hay chi thường xuyên?

12/11/2022 06:42
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-“Nên chăng cần quy định ngân sách bổ sung cho hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường đại học thuộc về chi đầu tư chứ không phải chi thường xuyên?”.

“Điểm nghẽn” của nghiên cứu khoa học ở trường đại học nằm ở đâu?

Hiện nay, có ý kiến cho rằng, “điểm nghẽn” của nghiên cứu khoa học đang nằm ở chính tư duy quản trị của trường đại học, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Tiền Giang nêu quan điểm, trường đại học có hai chức năng chính là đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học. Thực tế cho thấy ở hầu hết các trường đại học ở Việt Nam, hoạt động chính vẫn là đào tạo nhân lực còn nghiên cứu khoa học nhìn chung chưa phải là hoạt động chính.

“Theo tôi, “điểm nghẽn” của nghiên cứu khoa học cũng có một phần nằm ở năng lực quản trị của trường đại học.

Trường có thực sự xem nghiên cứu khoa học thực chất là chức năng chính, bên cạnh chức năng đào tạo?

Trường có quyết tâm thực hiện được chức năng chính thứ hai này không?

Trường có xây dựng được chiến lược nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phù hợp với sứ mệnh của trường không?

Trường có chủ động tạo được nguồn lực về con người, cơ sở vật chất và tài chính để thực hiện chiến lược trên hay không?

Trường có tổ chức nghiên cứu kỹ các cơ chế, chính sách liên quan hiện hành để đưa vào quy chế tổ chức và hoạt động của trường, nhất là trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao không?

Năng lực quản trị của một trường đại học ở mức độ nào được thể hiện qua việc trả lời thật những câu hỏi trên… Năng lực quản trị của một trường đại học lại phụ thuộc vào từng vị trí, từng thành viên của Hội đồng trường.

Bên cạnh năng lực quản trị của trường đại học thì “điểm nghẽn” của nghiên cứu khoa học ở trường đại học còn do cơ chế, chính sách về việc phát triển khoa học công nghệ trong trường đại học chưa được thông thoáng”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh nhận định.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Tiền Giang (ảnh: Doãn Nhàn)

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Tiền Giang (ảnh: Doãn Nhàn)

Cũng theo nhìn nhận của Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang, khó khăn, vướng mắc nhất về cơ chế chính sách phát triển khoa học công nghệ trong trường đại học hiện nay là do cơ chế tự chủ đại học còn chưa thực chất và chính sách đầu tư công cho nghiên cứu khoa học ở trường đại học nhìn chung còn khiêm tốn.

Thầy Thịnh cho rằng, nếu một trường đại học có cơ chế tự chủ thực chất và có nguồn lực dành cho nghiên cứu khoa học tương đối dồi dào thì trường đó có quyền quyết định các hướng nghiên cứu phù hợp với sứ mệnh của trường, hướng đến phục vụ tốt cho xã hội. Trên cơ sở đó trường tổ chức, mời gọi, tạo điều kiện tốt cho các nhà khoa học ở trong và ngoài trường tham gia. Lúc đó nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường sẽ phát triển tự nhiên và đến một lúc nào đó sẽ tự tạo ra nguồn lực đáng kể để đầu tư trở lại cho hoạt động nghiên cứu khoa học của trường nói riêng và xã hội nói chung …

Tài chính của hầu hết các trường đại học công hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn thu chính là học phí. Học phí thì có giới hạn, trường không thể muốn thu bao nhiêu cũng được. Bản thân nguồn tài chính từ học phí của trường để trang trải cho hoạt động đào tạo với chất lượng đảm bảo đã là bài toán không dễ cho trường. Vì vậy trích một phần từ nguồn kinh phí chủ yếu từ học phí này để trang trải cho hoạt động nghiên cứu khoa học của trường thì phần trích này thường cũng khiêm tốn. Do vậy nếu không có nguồn lực công cũng như tư hỗ trợ cho thì trường khó thực hiện tốt hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường.

Một trường đại học công mà cần sự hỗ trợ/hợp tác từ nguồn lực tư là vấn đề rất khó, yêu cầu thương hiệu nhà trường, năng lực quản trị của trường phải đủ mạnh và pháp luật liên quan thông thoáng.

Một trường đại học công được nhận đầu tư công mạnh hơn về cơ sở vật chất, hệ thống phòng thí nghiệm, sản xuất thử nghiệm… nhằm phục vụ tốt cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên nếu trường nhận ngân sách bổ sung (do nguồn từ học phí còn khiêm tốn như đã phân tích trên) để tăng cường chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học theo định hướng của trường thì trường không đạt được mức tự chủ chi thường xuyên 100% (mức 2 theo Nghị định 60). Lúc đó quyền tự chủ của trường bị hạn chế, trong đó có tự chủ về nghiên cứu khoa học. Đây cũng là bất cập cần được tháo gỡ để cơ chế tự chủ đại học thực chất ở các trường được thực thi.

“Nên chăng cần quy định ngân sách bổ sung cho hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường đại học thuộc về chi đầu tư chứ không phải chi thường xuyên?”, thầy Thịnh đặt vấn đề.

Có nên thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách khoa học công nghệ đối với trường đại học?

Đứng trước thách thức này, một số chuyên gia kiến nghị Nhà nước cần thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách khoa học công nghệ theo mô hình quỹ với phương thức đầu tư đặt hàng. Theo đó, kinh phí được đưa về quỹ và đặt hàng theo yêu cầu của thực tiễn, không bị áp lực giải ngân, nâng cao hiệu quả đầu tư… thì Tiến sĩ Nguyễn Thịnh đánh giá đó là một ý kiến hay, làm được sẽ thuận lợi cho các nhà nghiên cứu trong việc tập trung nhiều thời gian hơn cho nghiên cứu thay vì phải dành thời gian để lo những việc không đáng khác mà áp lực giải ngân là một thí dụ…

Tuy nhiên theo Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Tiền Giang cho rằng giải pháp đó vẫn chưa triệt để, nhà nước cần tăng cường đầu tư công cho nghiên cứu khoa học như đã phân tích. Tuỳ theo loại hình trường đại học với sứ mệnh khác nhau tương ứng với chiến lược nghiên cứu khoa học của trường (trường công cũng như trường tư), nhà nước phân bổ ngân sách nghiên cứu kết hợp đặt hàng nghiên cứu cho các trường. Các trường đại học sẽ tự chủ trong việc chọn các hướng nghiên cứu, đề tài nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu, chọn chủ nhiệm đề tài … Nhà nước chỉ nên tổ chức đấu thầu những nhiệm vụ khoa học lớn về quy mô cũng như độ khó, tầm quan trọng. Còn lại những nhiệm vụ khoa học khác hãy để các trường đại học tự chủ trong việc thực hiện sứ mệnh của mình …

Còn Nhà nước cần đưa ra các bài toán thực tiễn lớn cần được giải quyết hài hoà trong tiến trình phát triển đất nước. Từ đó các trường đại học tuỳ theo sứ mệnh, năng lực có thể dựa vào đó để định ra các hướng nghiên cứu chính, đưa vào chiến lược nghiên cứu khoa học công nghệ của trường và tổ chức thực hiện tốt.

Nhà nước cần cân đối lại nguồn lực quốc gia, dành một phần nguồn lực tương xứng để đầu tư phát triển khoa học công nghệ ở các trường đại học như đã phân tích; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học thành lập Quỹ nghiên cứu khoa học thuộc trường.

Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để các trường có nhu cầu có thể dễ dàng thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ trực thuộc trường hoặc thuộc liên danh giữa trường với những đối tác khác. Chính doanh nghiệp này sẽ làm nhiệm vụ đặt hàng nghiên cứu cho các nhà khoa học cũng như chuyển giao công nghệ cho đơn vị sử dụng

Với các trường đại học chưa thể thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ thì nhà nước cần có cơ quan chuyên trách hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ cho trường.

Linh Hương