Ngành Dược học có môi trường làm việc đa dạng nhất trong khối ngành sức khỏe

22/07/2024 06:18
Bích Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, mức thu nhập của dược sĩ mới ra trường dao động trong khoảng khá rộng, thường từ 10 – 20 triệu đồng/tháng.

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người ngày một tốt hơn, nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cũng được quan tâm nhiều hơn. Các cơ sở y tế tư nhân phát triển, nhu cầu tuyển dụng dược sĩ để giám sát việc cấp phát và sử dụng thuốc cho bệnh nhân ngày một tăng lên. Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học công nghệ cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Dược học.

Chính nhu cầu cao về nhân lực đã tạo ra cơ hội lựa chọn việc làm phong phú cho các cử nhân ngành Dược học với mức lương khởi điểm cùng chế độ đãi ngộ tốt.

Chương trình đào tạo gắn kết lý thuyết và thực tiễn

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thành Suôl, Trưởng Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết, về tính chất, các ngành thuộc khối sức khỏe đều được học những kiến thức, kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm nhằm chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Vì trực tiếp liên quan đến tính mạng con người, áp lực trong công việc là điều không thể tránh khỏi.

Nếu công việc của bác sĩ, điều dưỡng phải đối mặt với nhiều áp lực thì dược sĩ cũng cần có trách nhiệm cao, trong việc tạo ra các loại thuốc có chất lượng tốt nhất để điều trị bệnh, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, phát huy tối đa tác dụng có lợi của thuốc, giảm thiểu nguy cơ rủi ro cho người bệnh.

PGS TS Phaü0+1m Thaü0+6nh Suoü0+8l 2.jpeg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thành Suôl, Trưởng Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Ảnh: NVCC

Chương trình đào tạo ngành Dược học tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đặc biệt chú trọng gắn kết lý thuyết với thực tiễn, kết hợp kiến thức chuyên môn với kỹ năng thực hành, chú trọng đến các kỹ năng mềm và thực tập tại phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành tại các bệnh viện (khoa dược bệnh viện, nhà thuốc bệnh viện, các khoa, phòng điều trị,…); nhà thuốc; các công ty sản xuất thuốc, phân phối dược phẩm; các trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm.

Về việc ứng dụng và thực hành thực nghiệp, nhà trường liên kết với các doanh nghiệp, công ty phân phối và sản xuất dược phẩm trong và ngoài nước nên có thể hỗ trợ sinh viên trong vấn đề tìm vị trí thực tập và việc làm sau khi tốt nghiệp.

Trong suốt quá trình đào tạo, nhà trường thường xuyên mời các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực chuyên môn dược đến trình bày chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cũng như trao đổi trực tiếp với sinh viên về ngành nghề đào tạo.

Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức chương trình khởi nghiệp với mục đích tạo sân chơi bổ ích cho sinh viên đam mê khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chương trình thu hút đông đảo sinh viên của nhà trường nói chung, sinh viên ngành Dược học nói riêng tham gia với những ý tưởng khởi nghiệp độc đáo, sáng tạo, đầy tiềm năng, được ứng dụng từ việc học lý thuyết.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho biết, chương trình đào tạo ngành Dược học của Trường Đại học Văn Lang được thiết kế dựa trên khung chương trình của khối ngành sức khỏe và một số yêu cầu đặc thù của Bộ Y tế. Bên cạnh đó là sự tham khảo và đối sánh với một số trường tốp đầu trong và ngoài nước có đào tạo ngành Dược học.

Về kiến thức, phần kiến thức đại cương chiếm khối lượng 25% chương trình đào tạo, là những học phần nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nền tảng để sinh viên tiếp tục học vào kiến thức ngành/chuyên ngành. Trong đó, nhà trường chú trọng công tác đào tạo và nâng cao năng lực tiếng Anh để sinh viên ra trường dễ dàng hội nhập quốc tế, ngoài ra là các nhóm kỹ năng thiết yếu theo yêu cầu chung của nhà trường. Phần kiến thức giáo dục chuyên nghiệp chiếm 75% chương trình đào tạo, bao gồm các kiến thức cơ sở khối ngành, cơ sở ngành, và kiến thức ngành.

ts Tuấn ok.png
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: NTCC

Về kỹ năng, kỹ năng chuyên môn thực hành được xây dựng và rèn luyện trong các học phần thực tập phòng thí nghiệm, các bài tập tình huống nghề nghiệp và thực tập cơ sở, thực tập nghề nghiệp. Thời lượng sinh viên thực hành tại phòng thí nghiệm, thực hiện bài tập tình huống, thực tập cơ sở,… chiếm từ 55% đến 65% tổng thời lượng thực học.

Các học phần thực tập cơ sở, thực tập nghề nghiệp, nhà trường tuân thủ quy định của Nghị định 111/2017/NĐ-CP Quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe như sinh viên thực tập tại khoa dược của các bệnh viện hạng 2 trở lên, các công ty dược đạt chuẩn GMP, WHO, …

Với khối lượng 8 tín chỉ thực tập nghề nghiệp tại các cơ sở chuyên ngành dược, nhà trường đã tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên tiếp xúc nhiều hơn với thực tế nghề nghiệp. Các học phần này giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng cơ bản như: kỹ năng giao tiếp, tư vấn sử dụng thuốc, giáo dục liên ngành Y - Dược - Điều dưỡng, làm việc nhóm liên ngành,…

“Sinh viên không phải lo lắng ra trường không có việc làm”

Theo Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, đặc điểm môi trường làm việc của dược sĩ là phong phú và đa dạng nhất trong khối ngành sức khỏe. Sinh viên tốt nghiệp có nhiều cơ hội tìm được việc làm phù hợp với năng lực và sở thích cá nhân.

Sinh viên có thể làm việc tại khoa dược ở bệnh viện, công ty sản xuất thuốc, công ty kinh doanh và phân phối thuốc, các phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển của các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo nhân lực dược, học nâng cao sau đại học và tự kinh doanh, khởi nghiệp như mở nhà thuốc tư nhân, mở công ty phân phối thuốc,...

Mức thu nhập của dược sĩ mới ra trường dao động trong khoảng khá rộng, tùy theo công việc cụ thể và khả năng thuyết phục qua phỏng vấn, thường từ 10 – 20 triệu đồng/tháng.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có kiến thức, kỹ năng chuyên môn để hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả và sản xuất, kiểm nghiệm, quản lý, cung ứng thuốc đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, sinh viên cần có khả năng nghiên cứu khoa học và tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Khoa Dược của Trường Đại học Văn Lang đã có một khóa sinh viên ra trường, với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên môn là trên 71%. Khóa 25 sắp tốt nghiệp (khoảng tháng 8/2024), nhưng đã có một số sinh viên được nhận làm việc tại các cơ sở y tế và thực tập ngay sau khi hoàn thành chương trình đào tạo.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thành SuôI cho hay, xã hội càng phát triển, nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế, đặc biệt là các dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân càng lớn. Vì vậy, nhu cầu nhân lực ngành Dược học được dự báo sẽ tăng cao trong những năm tới.

Đây là những nhân tố cơ bản dẫn đến sự phát triển tất yếu của ngành Dược học ở Việt Nam, mang đến cơ hội việc làm vô cùng tiềm năng và rộng mở cho sinh viên ngành Dược học.

Trường Đại học Y Dược Cần Thơ rất chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển. Do đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp không phải lo lắng về việc ra trường sẽ không có việc làm.

Tỷ lệ sinh viên Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp năm 2023 là 96,74%. Các sinh viên tốt nghiệp đều đạt được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, có kiến thức và kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhiều vị trí công việc khác nhau. Rất nhiều sinh viên sau nhiều năm cố gắng đã được thăng tiến, giữ những vị trí cao trong công việc.

Dược sĩ Nguyễn Thiên Vũ, cựu sinh viên khóa Dược 40, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, hiện đang công tác tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ chia sẻ, về mặt cơ bản, công việc của anh liên quan trực tiếp đến kiến thức chuyên ngành về dược lý, dược lâm sàng được đào tạo trong quá trình học đại học. Tuy nhiên, trên thực tế, công việc đòi hỏi có sự cập nhật kiến thức chuyên môn thường xuyên và liên tục để đáp ứng nhu cầu chuyên môn, triển khai các quy định, quy trình, kỹ thuật mới tại đơn vị.

ds nguyễn thiên vũ.jpg
Dược sĩ Nguyễn Thiên Vũ, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Ảnh: NVCC

Ngoài yêu cầu khả năng tự học, tự tìm hiểu để thực hiện tốt các quy định pháp lý và chuyên môn, công việc thực tế còn đòi hỏi kỹ năng để dược sĩ lâm sàng có thể tương tác và phối hợp hiệu quả với đồng nghiệp tại bệnh viện, bao gồm nhiều đối tượng với trình độ và chuyên môn khác nhau như bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ và các chuyên viên y tế khác.

Một số lĩnh vực khác (như cung ứng thuốc, bảo hiểm y tế…) có liên quan, kết nối với công tác dược tại bệnh viện cũng đòi hỏi dược sĩ khi ra trường cần tìm hiểu và tham gia các lớp đào tạo liên tục để nâng cao năng lực chuyên môn, bên cạnh kiến thức được đào tạo tại trường đại học.

"Khó khăn chủ yếu của sinh viên mới ra trường là còn thiếu hụt các kỹ năng mềm cần thiết để triển khai công việc, điển hình như kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, làm việc nhóm,... Tuy nhiên, ưu điểm của sinh viên mới ra trường là ý chí cầu tiến và chủ động học hỏi kiến thức mới.

Do vậy, hầu như những khó khăn này có thể được khắc phục sau thời gian sinh viên thích ứng với môi trường thực tế, cùng với đó là sự hướng dẫn của đồng nghiệp có kinh nghiệm và lãnh đạo tại đơn vị." - Dược sĩ Nguyễn Thiên Vũ cho biết.

Bên cạnh cần nắm chắc các kiến thức cơ bản trong lĩnh vực, sinh viên ngành Dược học khi ra trường cần trao dồi thêm các kỹ năng mềm thiết yếu để làm việc hiệu quả, bao gồm giao tiếp, thuyết trình, quản lý thời gian, lên kế hoạch, làm việc nhóm,… và có thái độ chủ động học hỏi, không ngừng tự rèn luyện nâng cao, năng lực chuyên môn.

Bạn Nguyễn Thuỳ Trang, sinh viên năm cuối ngành Dược học, Trường Đại học Dược Hà Nội chia sẻ: "Mình thấy các kiến thức chuyên ngành ở giáo trình rất đầy đủ và cập nhật nên áp dụng được nhiều trong thực tế và công việc. Tuy nhiên, kỹ năng chuyên môn riêng của từng công việc thì nhà trường không thể đào tạo được hết, mà bản thân sinh viên khi ra trường vẫn cần tự chủ động học hỏi thêm từ các anh chị đi trước."

sv thu trang.jpg
Bạn Nguyễn Thuỳ Trang, sinh viên năm cuối ngành Dược học, Trường Đại học Dược Hà Nội. Ảnh: NVCC

Thùy Trang cho rằng, khó khăn lớn nhất là hầu hết sinh viên mới ra trường là chưa có mục tiêu cụ thể và ít kinh nghiệm làm việc. Một phần do chương trình đào tạo khá nặng nên sinh viên có ít thời gian đi làm trong quá trình học. Hiện tại, nhà trường, các công ty, khoa dược ở bệnh viện cũng đã bắt đầu tạo cơ hội nhiều hơn cho sinh viên trải nghiệm thực tế. Thuỳ Trang đang tham gia thực tập để có thể tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp cho bản thân.

Những thuận lợi và khó khăn trong công tác đào tạo ngành Dược học

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thành SuôI cho biết, công tác đào tạo ngành Dược học tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ có nhiều thuận lợi, từ việc chương trình đào tạo đã được công nhận chất lượng, đến cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên học tập và phát triển.

Thời gian qua, chất lượng đào tạo ngành Dược học tại nhà trường luôn được cải thiện, phát triển liên tục, đồng bộ về quy mô hoạt động, chuyên môn kỹ thuật, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế trong giảng dạy, nghiên cứu. Qua đó góp phần đáng kể vào việc khẳng định hình ảnh và vị thế của nhà trường.

Bên cạnh kết quả đạt được, cũng còn không ít khó khăn trong công tác đào tạo ngành Dược học tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Thách thức đặt ra là hiện nay có nhiều cơ sở giáo dục tư nhân cũng đào tạo ngành Dược học nên có sự cạnh tranh trong tuyển sinh. Hơn nữa, chỉ tiêu tuyển sinh ngành Dược học của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thấp hơn các trường khác.

Trường Đại học Y Dược Cần Thơ phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm gia tăng chỉ tiêu tuyển sinh và thu hút được thí sinh dự tuyển vào ngành.

Với Trường Đại học Văn Lang, ngành Dược học có đội ngũ giảng viên trẻ được đào tạo bài bản từ các trường đại học có uy tín trong nước và quốc tế. Các giảng viên đều nhiệt huyết trong công việc, tận tâm với sinh viên và luôn cập nhật kiến thức chuyên ngành mới trong bài giảng.

Bên cạnh đó, sinh viên trong quá trình đào tạo tại trường được khuyến khích và có cơ chế tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học cùng với giảng viên. Sinh viên sẽ được đào sâu kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, làm việc nhóm,… qua việc tham gia nghiên cứu khoa học.

Trong năm 2023, ngành Dược học của Trường Đại học Văn Lang có một nhóm sinh viên đã đoạt giải Khuyến khích của giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học EURÉKA. Năm 2024, nhóm sinh viên tiếp tục có bài báo khoa học được đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế (Journal of Molercular Structure).

Đối với những kế hoạch, biện pháp để nâng cao chất lượng dạy và học ngành Dược học, thu hút sinh viên theo học, Tiến sĩ Võ Văn Tuấn cho rằng, chất lượng đào tạo luôn là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của nhà trường. Để hoàn thành được nhiệm vụ này, nhà trường chú trọng đến hai nguồn lực.

Thứ nhất là nhân lực, thu hút và tuyển giảng viên có chuyên môn giỏi, nhiệt huyết với nghề, tận tâm với sinh viên, có kỹ năng và đam mê nghiên cứu khoa học.

Thứ hai là đầu tư cơ sở vật chất. "Các phòng học, phòng thí nghiệm của Trường Đại học Văn Lang rất khang trang, được trang bị máy móc, hóa chất,… đáp ứng chất lượng đào tạo. Nhưng chúng tôi vẫn đang từng bước đầu tư các thiết bị chuyên ngành hiện đại để phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhằm từng bước cố gắng theo kịp với sự phát triển của ngành Dược học trên thế giới", Tiến sĩ Võ Văn Tuấn chia sẻ.

Điều kiện làm việc về giảng dạy và nghiên cứu khoa học tốt cũng là điểm nhấn thu hút các chuyên gia giỏi về làm việc tại ngành Dược học của Trường Đại học Văn Lang.

Bích Ngọc