Khó thu hút người học lên trình độ cao ngành Văn hóa học vì thiếu chế độ đãi ngộ

28/09/2023 06:34
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Số lượng người học cao học, nghiên cứu sinh của Khoa Văn hóa học những năm gần đây đang có xu hướng giảm so với trước kia.

Từ trước đến nay, văn hóa luôn giữ một vị trí đặc biệt và quan trọng trong sự điều tiết, vận động mọi mặt của xã hội, là động lực để thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Do đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa luôn là việc làm quan trọng và cấp thiết.

Cơ hội việc làm rộng mở khi lựa chọn học Văn hóa học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Toản – Trưởng khoa Văn hóa học (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) nhấn mạnh, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã xác định rõ, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực, nguồn lực nội sinh to lớn trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước.

Do vậy, ngành Văn hóa học có vai trò quan trọng đào tạo nguồn nhân lực văn hóa chất lượng cao cho đất nước, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam hội nhập quốc tế.

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục đại học tiên phong trong đào tạo ngành Văn hóa học (cả ở trình độ đại học và sau đại học) với gần 30 năm đào tạo. Từ khi bắt đầu đào tạo đến nay, ngành Văn hóa học năm nào cũng tuyển sinh đủ chỉ tiêu được phê duyệt.

Sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trong buổi giao lưu âm nhạc với ban nhạc “Blood Moon” đến từ Hoa Kỳ (Ảnh: Website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trong buổi giao lưu âm nhạc với ban nhạc “Blood Moon” đến từ Hoa Kỳ (Ảnh: Website nhà trường).

Để thu hút và đáp ứng được yêu cầu của người học, Khoa Văn hóa học luôn phải cập nhật và đổi mới trong công tác đào tạo.

Trước kia, Khoa chủ yếu tập trung đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu văn hóa. Tuy nhiên, để phù hợp với với xu thế hội nhập và phát triển, bên cạnh chuyên ngành Nghiên cứu văn hóa, Khoa đã mở đào tạo thêm chuyên ngành Văn hóa truyền thông và chuyên ngành Văn hóa đối ngoại.

Nhờ sự cập nhật này, Khoa ngày càng thu hút được nhiều người học quan tâm đăng ký vào học, đặc biệt là ở chuyên ngành Văn hóa truyền thông. Điều này thể hiện rõ tại mùa tuyển sinh 2023 với điểm chuẩn của chuyên ngành Văn hóa truyền thông là một trong những chuyên ngành có điểm chuẩn cao nhất năm nay của trường với 26,18 điểm (khối C00).

Bên cạnh đổi mới nội dung chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên của khoa cũng không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy thích ứng với sự thay đổi không ngừng của xã hội.

Với những mặt thuận lợi trên, qua khảo sát của Khoa những năm gần đây, tỉ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành và những công việc liên quan đến ngành học đều đạt trên 90%.

Tỉ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp như vậy cũng cho thấy rằng, nhu cầu tuyển dụng nhân lực đối với lĩnh vực Văn hóa học hiện nay khá lớn.

Theo thầy Toản, sau khi tốt nghiệp ngành Văn hóa học, các em có thể làm việc tại các đơn vị, cơ quan văn hoá thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Ví dụ: Vụ Đào tạo, Vụ Khoa học và Công nghệ, Cục Văn hoá, Thông tin cơ sở, Cục Di sản, Viện Nghiên cứu văn hóa…); Chuyên viên tại các phòng nghiệp vụ, truyền thông thuộc Sở Văn hoá, Phòng Văn hoá, Trung tâm văn hoá…ở các địa phương; Các trung tâm văn hoá của nước ngoài, tổ chức văn hoá phi chính phủ, quỹ văn hoá; giảng viên, giáo viên giảng dạy các môn học thuộc lĩnh vực văn hoá, truyền thông, đối ngoại tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp văn hóa - nghệ thuật trực thuộc trung ương và địa phương…

Đặc biệt, bên cạnh những vị trí công việc trên, sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Văn hóa truyền thông có thể làm phóng viên, biên tập viên,… tại các cơ quan báo chí, các cơ quan thông tấn của trung ương và địa phương.

Mặt khác, thầy Toản cho biết thêm, đối với đào tạo trình độ sau đại học, số lượng người học cao học, nghiên cứu sinh những năm gần đây đang giảm so với trước kia.

Qua khảo sát về lý do, thầy Toản bày tỏ, có hai nguyên nhân cơ bản gây ra thực trạng trên.

Thứ nhất, hạn chế về ngoại ngữ đang là yếu tố cản trở đối với người học cao học, nghiên cứu sinh của lĩnh vực Văn hóa học.

Thứ hai, do chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý đối với nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa nói riêng, nên chưa tạo được động lực thu hút người học lên các bậc học cao hơn trong lĩnh vực này.

Cũng bàn về vấn đề trên, Tiến sĩ Phan Thúy Hằng, Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam – Khoa Khoa học xã hội và nhân văn (Trường Đại học Khánh Hòa), phụ trách đào tạo 3 ngành Văn học, Văn hóa học và Việt Nam học của Khoa bày tỏ, qua khảo sát nhu cầu của xã hội, nhà trường nhận thấy nhu cầu của người học và nhu cầu về nhân lực nên từ năm 2020 đã bắt đầu tuyển sinh ngành Văn hóa học với chuyên ngành Văn hóa truyền thông.

Theo cô Hằng, hiện nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc ứng dụng văn hóa vào các hoạt động du lịch đang được sử dụng rất nhiều để phục vụ cho nhu cầu của địa phương. Không những vậy, mảng truyền thông của thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cũng đang trên đà phát triển. Vậy nên, có thể thấy rằng, nhu cầu về nhân lực về văn hóa truyền thông đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ.

Trong những năm qua, vấn đề tuyển sinh ngành Văn hóa học của Khoa luôn đạt ở mức tương đối với gần 70% chỉ tiêu tuyển sinh.

Cô Hằng chia sẻ, trên thực tế, thoạt đầu khi chỉ nhìn thấy tên ngành, nhiều bạn chưa hiểu được hết tính chất của ngành, chưa thấy được cơ hội, định hướng nghề nghiệp trong tương lai ra sao. Nhưng khi vào học rồi, hầu như các em đều yêu thích ngành học này.

Bởi, Khoa đã đào tạo theo hướng tiếp cận đa mục tiêu, không chỉ đào tạo riêng về văn hóa mà còn cả về truyền thông để sau khi tốt nghiệp các bạn có cơ hội việc làm rộng mở hơn cũng như trở thành nguồn nhân lực Văn hóa có chất lượng cao.

Theo đó, nếu các em lựa chọn làm việc ở lĩnh vực văn hóa, có thể ứng dụng được truyền thông vào trong văn hóa hoặc ngược lại để làm tốt hơn được công việc của mình.

Ngoài ra, do là ngành còn mới nên đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy về truyền thông của Khoa còn đang hạn chế, chỉ tạm thời đáp ứng đủ. Do đó, hiện nhà trường vẫn đang tuyển dụng thêm đội ngũ này để đảm bảo cho hiệu quả của công tác đào tạo ngành Văn hóa học trong tương lai.

Tường San