Lãnh đạo của một số trường đào tạo khối ngành sức khỏe cho rằng, thời gian tới, tuyển sinh khối ngành này cần đổi mới, có thể tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về đề xuất này, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, việc tổ chức một kỳ thi riêng đối với khối ngành đào tạo sức khỏe là cần thiết trong bối cảnh những năm tới đây.
“Khối ngành đào tạo sức khỏe rất đặc thù, liên quan trực tiếp đến tính mạng con người nên cần tuyển được những người giỏi nhất. Bên cạnh đó, sự phát triển của xã hội ngày nay đòi hỏi nhân viên y tế cần trang bị rất nhiều năng lực khác nhau bên cạnh chuyên môn và lòng nhiệt huyết với nghề.
Trong khi đó, mục đích chính của đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông là để xét tốt nghiệp, độ phân hóa chưa đủ tốt để các trường y dược có thể sử dụng trong tuyển sinh. Hơn nữa, với chương trình giáo dục phổ thông 2018, hướng tới việc đánh giá năng lực học sinh một cách toàn diện thì việc tuyển sinh vào ngành y chỉ với 3 môn văn hóa truyền thống như hàng chục năm nay đã không còn phù hợp. Vì vậy, các trường đào tạo khối ngành sức khỏe cần có hình thức tuyển sinh riêng, với những bài thi riêng phù hợp với yêu cầu nhân lực hiện nay”, thầy Đinh Đức Hiền nhấn mạnh.
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI. Ảnh: NVCC |
Cũng theo vị giáo viên này, các trường sẽ gặp khó khăn không nhỏ trong việc xây dựng một kỳ thi riêng:
Thứ nhất, phải xây dựng được ngân hàng đề thi đủ lớn, chuẩn hóa, chất lượng. Cái khó của các trường đào tạo khối ngành sức khỏe là không có trung tâm khảo thí, khoa khoa học cơ bản với các môn cơ bản liên quan trực tiếp đến trung học phổ thông, nhân lực liên quan không đủ nên sẽ gặp khó trong việc thiết kế nội dung, ma trận đề thi phù hợp với yêu cầu tuyển sinh nhưng lại không rời xa kiến thức trung học phổ thông. Vì vậy, để kỳ thi được tổ chức thì các nhà trường cần có sự chuẩn bị trong khoảng thời gian ít nhất 1-2 năm tới.
Thứ hai, các trường cần tổ chức làm thế nào để giảm gánh nặng xã hội, gánh nặng cho chính đơn vị tổ chức nhưng vẫn phải đảm bảo tính minh bạch, trung thực
Từ một số vấn đề trên, thầy Đinh Đức Hiền đề xuất, các trường đào tạo khối ngành sức khỏe có thể đặt hàng đơn vị đã có kinh nghiệm trong việc ra đề kỳ thi riêng như Đại học Quốc gia, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Sau khi các trường thống nhất về nội dung và ma trận đề thi có thể đặt hàng các đơn vị này thiết kế đề với các câu hỏi chuyên biệt cho kì thi vào khối ngành sức khỏe.
Ngoài ra, để tránh lãng phí, giảm gánh nặng cho xã hội, các trường có thể thống nhất tổ chức thi theo cụm 3 miền hoặc nhiều hơn theo khoảng cách địa lý, để tránh phụ huynh, thí sinh phải di chuyển quá xa. Tuy nhiên, số lượng cụm thi phải trong khả năng đảm bảo tính bảo mật, an toàn. Thời gian thi chỉ nên diễn ra trong 1 ngày.
“Các trường đào tạo khối ngành sức khỏe cần sớm thống nhất, lên phương án cụ thể và công bố việc tổ chức kỳ thi riêng như thế nào, lộ trình từng năm sẽ ra sao để thí sinh có sự chuẩn bị, ít nhất trước 1 năm tổ chức”, thầy Đinh Đức Hiền nói.
Đồng tình với việc các trường đào tạo khối ngành sức khỏe có kỳ thi tuyển sinh riêng, Phó Giáo sư Lê Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đông cho rằng, điều này có thể giúp các trường lựa chọn được những thí sinh phù hợp, tránh việc thí sinh vào không theo được chương trình học. Tuyển sinh riêng nhưng phải đáp ứng được điều kiện như học lực khá, xếp loại hạnh kiểm khá trở lên.
“Theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, ngưỡng đầu vào các ngành thuộc các ngành đào tạo có cấp chứng chỉ hành nghề thuộc lĩnh vực sức khỏe như ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược phải có học lực lớp 12 xếp loại từ giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ 8,0 trở lên.
Trường hợp các trường đào tạo khối ngành sức khỏe tự chủ trong tuyển sinh và có kỳ thi tuyển sinh riêng có thể giúp cho các em dù không được loại giỏi khi xét điểm học bạ nhưng khi thi thì các môn trong tổ hợp điểm cao, phù hợp với ngành, đáp ứng yêu cầu đầu vào của trường thì các em hoàn toàn có cơ hội được học”, Phó Giáo sư Lê Văn Hùng nói.
Tổ chức kỳ thi riêng đối với khối ngành sức khỏe là cần thiết. Ảnh minh họa: Ngọc Ánh |
Qua mùa tuyển sinh vừa qua, thực tế cho thấy các ngành như Y khoa, Răng - Hàm - Mặt là những ngành thu hút được nhiều thí sinh, điểm chuẩn cao và tỉ lệ thí sinh đăng ký nhập học vẫn rất lớn. Tuy nhiên, các ngành như Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm,… có tỉ lệ xét tuyển khá thấp, điểm chuẩn gần như sát với điểm sàn.
Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đông cho biết, năm nay, với các ngành này, chỉ tiêu nhập học thành công của nhà trường khá thấp, thậm chí thiếu chỉ tiêu. Đặc biệt, ngành Dinh Dưỡng của nhà trường chỉ tuyển được 30% chỉ tiêu đề ra.
Một số ngành thuộc khối ngành sức khỏe có sức hút yếu dù nhu cầu của xã hội rất lớn. Dẫn tới điều này là do 2 năm đại dịch Covid-19 đã khiến xã hội nhận thức được vất vả, áp lực của ngành y dược. Điều này tác động trực tiếp đến tâm lý chọn trường, chọn ngành của phụ huynh và thí sinh. Thực tế, thời gian đào tạo y dược rất dài, chi phí lớn nhưng đãi ngộ của y bác sĩ mới ra trường ở các bệnh viện công lập còn thấp, chưa tương xứng với quá trình học gây ảnh hướng tới việc tuyển sinh của các trường đào tạo y dược.
“Hiện nay, nhân sự thuộc ngành sức khỏe đang thiếu rất nhiều, thậm chí có nhiều y bác sĩ đã bỏ việc hoặc chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư. Vì vậy, trung ương và các cấp có thẩm quyền cần thay đổi hoặc có thêm cơ chế đặc thù với ngành này”, Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đông nói.