Nghề giáo tuy thanh bạch về vật chất, nhưng rất giàu tình cảm

18/11/2021 06:25
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghề giáo tuy nghèo chút về vật chất nhưng bù lại chúng ta rất giàu tình cảm và được xã hội trân trọng. Điều này cũng đủ làm cho chúng ta hạnh phúc rồi!

LTS: Phó giáo sư Nguyễn Xuân Bả - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đại học Huế, nguyên Trưởng Khoa Chăn nuôi thú y, Đại học Huế vừa vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2021.

Trước vinh dự này, nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi để lắng nghe chia sẻ của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Xuân Bả.

Trước tiên xin chúc mừng Thầy vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Xin Thầy chia sẻ cảm xúc khi nhận được danh hiệu cao quý này?

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Xuân Bả: Trước hết, xin trân trọng cảm ơn phóng viên và Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tạo cơ hội cho bản thân tôi có dịp để chia sẻ những cảm xúc và tình cảm của mình đến các thế hệ thầy cô giáo và các thế hệ sinh viên nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2021), một dịp rất đặc biệt cho cá nhân tôi, vừa được Chủ tich nước trao tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”.

Nhân dịp này, cho tôi được gửi lời tri ân đến quý thầy cô giáo đã dìu dắt tôi trong suốt chặng đường qua và trân trọng cảm ơn các đồng nghiệp, lớp lớp thế hệ sinh viên đã hỗ trợ, là động lực, nguồn cảm hứng cho tôi trong sự nghiệp đào tạo.

Đặc biệt, gia đình là chỗ dựa vững chắc cho tôi gắn bó với nghề và là nguồn “năng lượng” dồi dào cho tôi học tập, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong thời gian qua.

Phó giáo sư Nguyễn Xuân Bả - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đại học Huế, nguyên Trưởng Khoa Chăn nuôi thú y, Đại học Huế vừa vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2021.(ảnh: NTCC)

Phó giáo sư Nguyễn Xuân Bả - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đại học Huế, nguyên Trưởng Khoa Chăn nuôi thú y, Đại học Huế vừa vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2021.(ảnh: NTCC)

Bản thân tôi, sau khi tốt nghiệp đại học (năm 1985), vinh dự được nhà trường giữ lại làm giảng viên của trường Đại học Nông nghiệp II Hà Bắc, nay là Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, sau đó tiếp tục được rèn luyện 2 năm trong quân đội, rồi từ đó đến nay, gần như suốt cuộc đời nghề nghiệp của mình làm NGHỀ GIÁO.

Năm nay tôi đã bước sang tuổi 61 rồi, nhận được danh hiệu này tôi rất xúc động và tự hào với nghề, với đời. Quá trình phấn đấu, gắn bó, những đóng góp của bản thân dù chưa lớn lắm nhưng có ý nghĩa nhất định cho sự nghiệp đào tạo khi được Đảng, Nhà nước ghi nhận.

Đặc biệt, sau khi nhận được danh hiệu này, qua mạng xã hội đã có hàng trăm lời chúc mừng từ những thầy, cô của tôi từ thời còn phổ thông đến thầy đào tạo sau đại học, từ đồng nghiệp, người thân và đặc biệt là hàng trăm cựu sinh viên, sinh viên từ mọi miền Tổ quốc, điều đó càng làm cho tôi thêm phấn chấn, trách nhiệm, như tiếp thêm “năng lượng” để tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp đào tạo ở chặng đường tiếp theo.

Bên cạnh cảm xúc hạnh phúc, tự hào thì điều mà tôi lo lắng, suy nghĩ nhiều hơn là với danh hiệu cao quý này, bản thân mình phải sống, làm việc sao cho xứng đáng với danh hiệu, niềm tin của đồng nghiệp, của sinh viên.

Điều này chính là động lực cho tôi có thêm sức mạnh không ngừng học tập, rèn luyện để giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ tốt hơn. Tôi đã tự hứa với lòng mình, những năm còn lại của “cuộc đời nghề giáo” tôi sẽ tiếp tục làm người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, dành thời gian, tâm sức để chia sẻ những kinh nghiệm tích lũy được trong suốt cuộc đời cho thầy cô trẻ, cho sinh viên và cho cả những người sản xuất chăn nuôi trong khu vực.

Dưới góc độ là một Nhà giáo ưu tú, Thầy có thể chia sẻ về vai trò của người thầy xưa và nay?

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Xuân Bả: Về vai trò của người thầy xưa và nay thì không có gì thay đổi và luôn luôn phải giữ được “đạo làm Thầy”. Thời nào, nước nào cũng vậy, nghề giáo là nghề đặc biệt trong tất cả các nghề, nghề đào tạo nên con người, mà “không thầy đố mày làm nên”. Thịnh hay suy của một đất nước, khu vực, vùng miền tùy thuộc rất lớn vào nền giáo dục và đào tạo.

Vậy nên, phải xem giáo dục đào tạo là trung tâm của sự phát triển. Muốn xã hội phát triển, phồn vinh thì phải có người tài giỏi, tâm đức làm lãnh đạo, quản lý. Nhân lực là yếu tố quyết định thành công hay thất bại của tổ chức/doanh nghiệp. Muốn có chất lượng nhân lực cao, không có con đường nào khác là phải đào tạo.

Muốn có trò giỏi, thì thầy phải giỏi, muốn có trò ngoan thì thầy phải mẫu mực! Thầy cô phải là “tấm gương sáng” thì sự nghiệp giáo dục, đào tạo mới thành công, phát triển.

Vậy nên, thầy cô có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định nên chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục, đào tạo. Đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng trong các trường đại học rất quan trọng bởi là chỉ số phản ánh năng lực, chất lượng đào tạo.

Tuy vậy, giáo dục, đào tạo ngày xưa và nay có sự khác biệt chút ít trong phương thức tiếp cận. Ngày nay, xã hội càng phát triển, công nghệ mới được áp dụng rộng rãi, tính chất toàn cầu hóa diễn ra rất nhanh chóng, khả năng tiếp cận của sinh viên với công nghệ, với thông tin, ngoại ngữ, kiến thức mới tốt hơn rất nhiều so với trước.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các bệnh mới nổi xuất hiện ngày càng nhiều hơn và các vấn đề xã hội trên thế giới cả tích cực và tiêu cực đã ảnh hưởng sâu sắc đến giáo dục và đào tạo của chúng ta.

Từ những vấn đề như vậy, hệ thống đào tạo cần phải điều chỉnh, thay đổi cách thức tiếp cận, tổ chức thực hiện để đạt chuẩn năng lực cho người học, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động. Bản thân mỗi thầy cô cũng cần thay đổi thích ứng với môi trường mới.

Thầy cô phải là người dẫn dắt (facilitators), người truyền cảm hứng để sinh viên chủ động học tập và sáng tạo, chứ không phải là người “độc thoại trên giảng đường”.

Vì vậy, ngoài năng lực chuyên môn tốt thì thầy cô phải có năng lực ngoại ngữ, kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin, có phương pháp tiếp cận đào tạo hiện đại, tích cực, lấy người học làm trung tâm.

Nói tóm lại, chất lượng đào tạo phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ thầy cô giáo. Thầy cô ngày nay yêu cầu không chỉ tâm hồn trong sáng, yêu nghề mà phải có năng lực cao trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phải có năng lực về ngoại ngữ, máy tính .. mới đáp ứng được trong hoàn cảnh mới.

Nhân dịp 20/11, Thầy có gửi gắm gì tới các đồng nghiệp của mình trong hành trình thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục?

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Xuân Bả: Sự nghiệp đào tạo, giáo dục là trường kỳ, liên tục và vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một nghị quyết lớn của Đảng ta nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cao cho tương lai, đáp ứng cho sự phát triển của đất nước.

Để thực hiện được nghị quyết này bằng các hành động cụ thể có hiệu quả thì bản thân thầy cô phải thay đổi thực sự trong nhận thức và hành động.

Nhân dịp này, tôi có đôi điều muốn chia sẻ đến đồng nghiệp, thế hệ trẻ đang làm nhiệm vụ đào tạo từ kinh nghiệm của bản thân trong suốt thời gian làm công tác giảng dạy, nhất là giai đoạn hiện nay Nhà nước đang hướng đến tự chủ cho các trường đại học, trong đó cần tự chủ học thuật đến từng giảng viên.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Xuân Bả (ảnh: NTCC)

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Xuân Bả (ảnh: NTCC)

Thứ nhất, thầy cô giáo PHẢI THỰC SỰ CHỦ ĐỘNG THAY ĐỔI trong phương pháp tiếp cận đào tạo. Đào tạo theo hướng đạt chuẩn đầu ra (learning outcome), đào tạo nguồn nhân lực có có chất lượng cao đáp ứng nhà tuyển dụng lao động, bắt đầu từ nhà tuyển dụng lao động cần gì ở sinh viên của mình, chứ không phải bắt đầu từ thầy có gì thì dạy cái ấy cho sinh viên.

Muốn vậy, thầy cô phải coi sinh viên là trung tâm của đào tạo, tăng tính chủ động, sáng tạo của người học; Chương trình đào tạo cần thay đổi theo hướng tiếp cận mục tiêu, nội dung chương trình, hoạt động đào tạo phải gắn với mục tiêu/chuẩn đầu ra; Phương pháp giảng dạy cũng cần thay đổi theo hướng học tập tích cực, sinh viên chủ động, tích cực hơn.

Để đạt được những thay đổi này, đòi hỏi thầy cô phải tiếp cận tri thức hiện đại và tăng cường tiếp cận với sản xuất, các nhà tuyển dụng lao động để hiểu được hiện trạng hệ thống sản xuất diễn ra thế nào?

Có như vậy mới hiểu họ đang cần gì ở nhân lực mà chúng ta đào tạo ra rồi cần tăng liên kết, hợp tác tốt giữa các bên liên quan trong đào tạo. Ở đây, tôi nhấn mạnh liên kết, hợp tác giữa các trường đại học trong nước và khu vực, các ngành trong trường và liên kết giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sản xuất.

Thứ hai, với đội ngũ giáo viên trẻ, tôi xin chia sẻ với các bạn rằng (không hề lý thuyết ở đây mà rất thực tế), nghề giáo tuy nghèo chút về vật chất nhưng bù lại chúng ta rất giàu tình cảm và được xã hội trân trọng. Điều này cũng đủ làm cho chúng ta hạnh phúc rồi! Mỗi chúng ta được sinh ra và tự lựa chọn nghề cho mình, không ai giỏi nghề ngay từ đầu mà muốn trở thành người có nghề giỏi, đặc biệt là nghề giáo, thì điều đầu tiên phải gắn bó, yêu nghề.

Thầy cô trẻ cần quyết liệt, bám đuổi mục tiêu đến cùng và áp dụng phương pháp tiếp cận từng bước một (Step by step) trong cải thiện năng lực của bản thân. Để giỏi trong tương lai thì phải bắt đầu từng hành động nhỏ từ hôm nay!

Vậy, mỗi thầy cô cần vạch ra cho mình mục tiêu cụ thể từng giai đoạn và quyết tâm thực hiện hành động đó. Ngoài chuyên môn giỏi thì năng lực ngoại ngữ, tin học, tư duy hệ thống, logic … là những năng lực cốt lõi để thành nhà giáo giỏi, đóng góp cho sự phát triển nền giáo dục, đào tạo.

Tóm lại, trong bối cảnh mới, nhiều cơ hội và thách thức đang đặt ra cho đội ngũ giáo viên trẻ, để tham gia trong hành trình thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thì trước hết thầy cô thay đổi về nhận thức, quan điểm và năng lực của mình trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phương pháp tiếp cận dạy học.

Trân trọng cảm ơn Thầy.

Thùy Linh (thực hiện)