Là giáo viên, đừng đòi hỏi kỳ nghỉ hè trọn vẹn

08/08/2022 06:42
Nguyễn Mạnh Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Nghề giáo là nghề đặc thù, đòi hỏi sự chia sẻ, yêu thương, cống hiến của giáo viên cho xã hội, cho đất nước, đừng đòi hỏi có một kỳ nghỉ hè trọn vẹn.

Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Nhiều giáo viên chưa bao giờ có một kì nghỉ hè trọn vẹn” của tác giả Hương Ly, bài viết đã nhận được sự quan tâm của giáo viên và đọc giả trên cả nước.

Tác giả Hương Ly đã nêu ra 5 việc khiến giáo viên phải làm việc xuyên hè, không có kỳ nghỉ hè trọn vẹn, dù chỉ một tháng.

Là giáo viên, từng là cán bộ quản lý, từ thực tế của ngành giáo dục, tôi có mấy ý kiến gửi tới bạn đọc, để cho xã hội có cái nhìn khách quan hơn về việc nghỉ hè "không trọn vẹn" của giáo viên.

Lý do thứ nhất, đầu tháng 6, giáo viên bộ môn vào điểm ở sổ gọi tên và ghi điểm, vào điểm học bạ, riêng giáo viên chủ nhiệm còn phải tổng hợp học lực, hạnh kiểm, nhận xét học bạ.

Giáo viên dạy xong chương trình đều phải làm sổ sách, tổng kết đánh giá học sinh, hồ sơ sổ sách có thể làm sớm hay muộn, nhưng không thể không làm.

Công tác ra đề, coi thi, chấm thi lại cho học sinh yếu cũng vậy, là nhiệm vụ của giáo viên, hôm nay chưa làm thì ngày sau phải làm.

Nhà trường thường lấy ý kiến giáo viên trước khi tổ chức cho học sinh thi lại, có thể tổ chức trước hoặc sau ngày 01/8, nếu tổ chức trong tháng 6, chỉ khi có sự đồng thuận cao, nhà trường mới thực hiện.

Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học, đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Khung kế hoạch thời gian năm học, đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên hàng năm đều kết thúc năm học trước ngày 31/5.

Sau ngày 31/5 nhà trường chưa kết thúc năm học là lý do bất khả kháng, không phải của riêng cơ sở giáo dục nào, ví dụ như trong đại dịch Covid-19 vừa qua, giáo viên phải chấp nhận.

Lý do thứ hai, đầu tháng 7, giáo viên coi thi tuyển sinh vào 10 mất 3 ngày, sau đó làm một số công việc khác liên quan đến kì thi...

Công tác coi thi tuyển sinh nói chung, lớp 10 nói riêng, bất cứ trường trung học phổ thông nào cũng có kế hoạch, cho giáo viên đăng ký coi thi, chấm thi.

Giáo viên đều có quyền từ chối, nếu không muốn tham gia hay có công việc trùng vào thời gian thi tuyển sinh vào 10.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Ở địa phương người viết, coi thi tuyển sinh lớp 10, giáo viên được hưởng 800.000/người/ngày, một ngày chấm thi tuyển sinh lớp 10, chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông được hưởng 1.200.000 đồng/người.

Nên mới có chuyện “Chấm thi 1,2 triệu/ngày, có trường cả tổ, nơi không GV nào, Sở GD TP.HCM nói gì?”.

Ngoài ra, nếu giáo viên làm công tác quan trọng hơn, như thanh tra, thư ký, tổ trưởng tổ chấm thi ... tiền bồi dưỡng càng cao hơn.

Được coi thi, chấm thi tuyển sinh lớp 10 ... vừa là niềm tự hào, vừa là dịp làm thêm của giáo viên, giáo viên hoàn toàn tự nguyện, không ai ép buộc.

Lý do thứ ba, giáo viên dạy khối 12 trên địa bàn tỉnh hầu như đều dạy ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh trong tháng 6, có khi kéo dài đến gần ngày thi đầu tháng 7.

Bất cứ giáo viên nào không muốn dạy ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông đều có quyền từ chối, tuyệt đối không có lãnh đạo cơ sở giáo dục nào ép buộc giáo viên dạy ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nếu họ không muốn!

Dạy ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong trường là hoạt động dạy thêm, có thu tiền của người học, giáo viên hoàn toàn tự nguyện, người viết chưa thấy ai từ chối mà chỉ thấy "chạy chọt" để được dạy thêm trong trường học.

Lý do thứ năm, giáo viên tham gia học chính trị hè tập trung hết 3 ngày, sau đó làm bài thu hoạch. Chưa kể, thầy cô còn họp chi bộ, đảng bộ nếu là đảng viên. Ngoài ra, giáo viên còn phải tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông đã quy định rõ:

Thời gian làm việc của giáo viên tiểu học trong năm học là 42 tuần, trong đó: 35 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học; 05 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới; 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó: 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học; 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới; 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

Giáo viên tiểu học có 05 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, giáo viên trung học có 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tổ chức cho giáo viên học tập khi học sinh nghỉ hè là hợp lý, hợp tình.

Nghề giáo là nghề đặc thù, đòi hỏi sự chia sẻ, yêu thương, cống hiến của giáo viên cho xã hội, cho đất nước, nên đừng đòi hỏi có một kỳ nghỉ hè trọn vẹn.

Vì học sinh thân yêu, vì đất nước mạnh giàu, bao thế hệ nhà giáo đã chịu thương chịu khó, vượt qua hoàn cảnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Dù không có kỳ nghỉ hè trọn vẹn, người viết vẫn tin, phần lớn giáo viên trên cả nước sẵn sàng cống hiến thanh xuân của mình để cho năm học mới thành công.

Tài liệu tham khảo:

- Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT.

Nguyễn Mạnh Cường