Nghịch lí chuyện thừa, thiếu giáo viên bao giờ mới được giải quyết?

29/08/2013 13:58
Xuân Trung
(GDVN) - Theo số liệu mới công bố của Bộ GD&ĐT thì cả nước hiện đang thiếu khoảng 27.000 giáo viên các cấp, trong khi hằng năm lượng sinh viên sư phạm tốt nghiệp cũng không hề ít, nhưng lại không xin được việc làm. Nghịch lí này bao giờ được giải quyết?

Thiếu trầm trọng nhất có lẽ là Tp Hồ Chí Minh. Cụ thể, năm học 2013-2014 thiếu khoảng 1.200 giáo viên trong đó thiếu 300 giáo viên mầm non, 500 giáo viên tiểu học và 400 giáo viên THCS, tiếp sau đó là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang…

Con số thiếu hơn 27.000 giáo viên ở trên được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thừa nhận mới đây trong một Hội nghị trực tuyến hơn 60 tỉnh thành. Ngoài ra, theo báo cáo của Vụ giáo dục mầm non, tính đến tháng 3/2013 có 9.670 người chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo. Một bộ phận giáo viên hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp, bất cập trong việc thực hiện chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ.

Ảnh mang tính chất minh họa.
Ảnh mang tính chất minh họa.

Chuyện thiếu giáo viên vẫn diễn ra ở nhiều tỉnh thành, nhất là các vùng khó khăn. Hằng năm số lượng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không phải ít, nghịch lí này được Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) thừa nhận là một thực trạng đã diễn ra nhiều năm nay.

Ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục nhà giáo cho biết, so với những năm trước thì năm nay số lượng giáo viên thiếu giảm đi nhiều. Theo nhận định, việc này phụ thuộc vào một số yếu tố, điển hình là các địa phương đã có kế hoạch xây dựng đội ngũ giáo viên, triển khai mạng lưới  trường lớp phù hợp, kế hoạch tuyển sinh đảm bảo cho lượng giáo viên đầy đủ hơn.

Theo ông Minh, hiện tình trạng thiếu giáo viên vẫn tập trung ở một số thành phố lớn và một số nơi khó khăn. Ngay như tại Tp Hồ Chí Minh cũng đang thiếu 2.500 giáo viên, sau đợt tuyển thứ nhất vẫn còn thiếu 1.200 giáo viên, Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang cũng thiếu trên 1.000 giáo viên.

Lanh đạo Cục Nhà giáo cũng nhận định nguyên nhân thiếu chủ yếu là do các địa phương triển khai Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tăng thời lượng giảng dạy 2 buổi/ngày cũng làm thiếu giáo viên, hơn nữa việc triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020 cũng là một trong những yếu tố làm tăng số lượng thiếu giáo viên. Một số môn học cấp THCS như âm nhạc, mỹ thuật cũng có yếu tố làm tăng đội ngũ nhà giáo.

Lí giải về sự bất cập trong “quy hoạch” mạng lưới giáo viên hiện nay dẫn đến chỗ thừa, chỗ thiếu, ông Hoàng Đức Minh cho biết giáo viên được đào tạo nhiều theo nhu cầu nhưng đã đủ, đặc biệt là vùng đô thị lớn.

“Trong 2 năm nay Bộ đã thực hiện quy hoạch ngành gắn với điều chỉnh đào tạo các trường sư phạm để gắn đào tạo với nhu cầu, đồng thời đánh giá tốt giáo viên theo chuẩn và các đánh giá khác” ông Minh chia sẻ.

Vấn đề thu hút giáo viên về vùng khó khăn công tác, ông Minh cũng cho biết hiện bộ đang cho triển khai Nghị định 79 của Chính phủ và thực hiện một số chính sách thu hút khác. Ngoài ra, bộ cũng đang thực hiện đánh giá lại năng lực đào tạo các trường sư phạm và đẩy mạnh cơ sở dữ liệu cũng như dự báo nguồn nhân lực của ngành để gắn đào tạo và sử dụng thực tế được tốt hơn.

Nhiều câu hỏi đặt ra rằng, đến khi nào tình trạng thừa và thiếu giáo viên mới được giải quyết dứt điểm? Ông Hoàng Đức Minh cho biết, dứt điểm tình trạng này cần phải có thời gian vì còn cần giải pháp đồng bộ cùng với sự điều chỉnh cơ học của dân số, đây là vấn đề không chỉ phụ thuộc vào ngành giáo dục. Lãnh đạo Cục Nhà giáo cũng khẳng định quyết tâm từng năm sẽ giải quyết được điều này.

Ngoài ra, cần đòi hỏi sự chung tay của các địa phương và toàn dân cùng có giải pháp, như việc học sinh chọn ngành sư phạm ngoài việc theo sư phạm đúng với năng lực của mình thì các em cần phải nắm được thông tin từ các địa phương làm sao lựa chọn đúng môn mà địa phương còn thiếu.

Xuân Trung