Nghịch lý buồn ở Tây Nguyên: Xã lên nông thôn mới… giáo viên xin nghỉ việc

28/02/2022 06:33
AN NGUYÊN - MINH THẢO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không chỉ học sinh gặp khó vì xã đạt chuẩn nông thôn mới mà nhiều giáo viên ở các khu vực khó khăn của Tây Nguyên cũng bị cắt giảm các khoản phụ cấp.

Bị cắt chế độ trợ cấp khi xã lên nông thôn mới

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 2013, cô giáo NTH. (giáo viên Trường tiểu học Pờ Ê, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, Kon Tum) có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục và đào tạo huyện Kon Plông. Cô từng giảng dạy tại nhiều trường vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn.

Giáo viên vùng cao gặp nhiều khó khăn khi bị cắt chế độ vì xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: MT

Giáo viên vùng cao gặp nhiều khó khăn khi bị cắt chế độ vì xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: MT

Tuy nhiên, đến tháng 10/2021, cô H. lại có đơn xin nghỉ dạy với lý do điều kiện gia đình có người đau ốm, phải đi lại công tác xa nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Điều đặc biệt là cũng vào thời điểm năm học 2020-2021, ngoài cô H. thì có đến 5 giáo viên khác của Trường tiểu học Pờ Ê cũng có đơn xin nghỉ dạy với nhiều lý do khác nhau.

Trong đó, có nhiều giáo viên đã có thâm niên công tác trong ngành giáo dục từ 8-10 năm, từng xung phong giảng dạy tại nhiều điểm trường xa xôi, khó khăn của Tây Nguyên.

Qua tìm hiểu thì từ tháng 5/2020, khi xã Pờ Ê được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì nhiều chế độ phụ cấp dành cho giáo viên đang giảng dạy, công tác tại khu vực này bị cắt.

“Xã đạt chuẩn nông thôn mới thì giáo viên đang giảng dạy trên địa bàn xã không còn được hưởng các chế độ các trợ cấp của vùng đặc biệt, khó khăn theo nghị định 76/2019 của Chính Phủ.

Mức lương cũng như các khoản phụ cấp của chúng tôi bị cắt giảm, chỉ còn ½ so với trước đây. Trong khi các khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày càng tăng, khoảng cách từ nhà đến trường cũng gần trăm cây số nên tôi phải ở lại trên này, chỉ cuối tuần mới về thăm nhà.

Với mức lương chỉ ngang với mức lương của giáo viên ở khu vực thành phố Kon Tum thì thực sự chúng tôi không thể đủ trang trải cuộc sống cũng như lo cho gia đình”, cô Tr. chia sẻ.

Cũng như cô Tr., nhiều giáo viên khác ở các xã như: Măng Đen, Măng Cành… (vừa đạt chuẩn nông thôn mới) cũng gặp khó khăn vì bị cắt giảm các khoản phụ cấp, lương.

“Dù đạt chuẩn nông thôn mới nhưng cuộc sống của người dân ở các xã như Pờ Ê, Măng Cành… vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Học sinh ở đây vẫn thiếu thốn đủ bề nên giáo viên thường xuyên phải bỏ tiền túi ra mua lương thực, nhu yếu phẩm, dụng cụ học tập để hỗ trợ các em.

Nhưng giờ chính bản thân những giáo viên như chúng tôi cũng bị cắt giảm nhiều khoản lương, phụ cấp khiến cuộc sống gia đình rất vất vả. Nhiều giáo viên phải vượt hàng chục cây số để đến trường mỗi ngày, chi phí xăng xe đi lại cũng tốn kém.

Chúng tôi mong muốn được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ để yên tâm công tác, bám trường, bám lớp”, một giáo viên ở điểm trường Kon Du (thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành, huyện Kon Plông, Kon Tum) chia sẻ.

Ba xã lên nông thôn mới… 12 giáo viên nghỉ việc

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông (Kon Tum) cho biết, thời gian qua, cùng với việc các xã đạt chuẩn nông thôn mới khiến nhiều học sinh bị ngắt chế độ hỗ trợ bán trú theo Nghị định 116 của Chính phủ thì chế độ dành cho giáo viên cũng bị cắt theo.

Theo đó, nếu như trước đây, giáo viên vùng khó có mức lương từ 8-10 triệu đồng/tháng thì nay bị cắt giảm chỉ còn 4-5 triệu đồng/tháng. Nhiều khoản phụ cấp về xăng xe, đi lại cũng bị cắt.

“Vừa qua thì ở huyện Kon Plông có 3 xã lên nông thôn mới thì có đến 12 giáo viên ở các khu vực này có đơn xin nghỉ việc gửi về phòng Giáo dục. Trong đơn xin nghỉ của giáo viên thì họ cũng nêu lên những khó khăn về hoàn cảnh gia đình, con nhỏ, đau ốm…

Theo quy định, khi có đơn xin nghỉ của cán bộ giáo viên thì Phòng Giáo dục và Đào tạo đã đến tận trường động viên, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các thầy cô giáo, khuyến khích các thầy cô cố gắng bám trường bám lớp, ở lại truyền dạy con chữ cho các em học sinh vùng khó khăn.

Tuy nhiên, hầu hết các giáo viên này đều không thay đổi ý định nên bước đầu, Phòng đã đồng ý cho 10 giáo viên nghỉ việc theo đúng quy định của pháp luật”, ông Cường cho hay.

Cũng theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông (Kon Tum) thì mặc dù ngành giáo dục đã có nhiều kiến nghị về việc kéo dài mức hỗ trợ cho học sinh cũng như giáo viên tại các khu vực vừa đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chưa được chấp thuận.

AN NGUYÊN - MINH THẢO