Trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội 13 của Đảng, có hai khái niệm được nhắc đến nhiều là “xã hội chủ nghĩa” và “chủ nghĩa xã hội”:
1. Xã hội xã hội chủ nghĩa;
2. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa;
3. Dân chủ xã hội chủ nghĩa;
4. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;
5. Xây dựng chủ nghĩa xã hội phát triển ở Việt Nam;
6. Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…
Vậy “chủ nghĩa xã hội” và “xã hội chủ nghĩa” là gì?
Câu hỏi này được nêu lên bởi nhiều lý do, không ít người lao động ở nông thôn, miền núi, trong doanh nghiệp chưa có sự hiểu biết thấu đáo các khái niệm này.
Ngay với khá nhiều giáo viên phổ thông, đặc biệt là giáo viên tiểu học và trung học cơ sở - những người được đào tạo bài bản trong các trường sư phạm để làm nghề dạy học - khi được hỏi cũng đưa ra những câu trả lời rất đa dạng, thậm chí còn khá ngây thơ về hai khái niệm nêu trên. Xin nói ngay đây không phải lỗi của họ.
Một cách chính xác, cho đến nay, cả hai khái niệm “chủ nghĩa xã hội” và “xã hội chủ nghĩa” đều chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh.
(Ảnh minh họa trên Baohaiquanvietnam.vn) |
Tạp chí Tuyengiao.vn trong bài “Quan niệm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” viết:
“Trong phương thức tiếp cận chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh có nhiều định nghĩa khác nhau:
- Định nghĩa chủ nghĩa xã hội như một chế độ xã hội hoàn chỉnh đối lập với chế độ tư bản chủ nghĩa;
- Định nghĩa chủ nghĩa xã hội bằng cách chỉ ra các mặt riêng biệt của nó (về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, quan hệ quốc tế...);
- Định nghĩa chủ nghĩa xã hội bằng cách nêu bật mục tiêu (tổng quát và cụ thể) của nó, v.v.”. [1]
Trên thế giới, có những nhận định như:
“Không có định nghĩa rõ ràng về chủ nghĩa xã hội mà nó bao gồm một loạt các khuynh hướng chính trị từ các phong trào đấu tranh chính trị và các đảng công nhân có tinh thần cách mạng, những người muốn lật đổ chủ nghĩa tư bản nhanh chóng và bằng bạo lực cho tới các dòng cải cách chấp nhận Thể chế Đại nghị và dân chủ…”.
Gần đây, có sự giải thích cụ thể nhưng khá dài về “xã hội xã hội chủ nghĩa”:
“Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. [2]
Vì các nghị quyết, văn kiện của Đảng viết ra không phải chỉ dành cho các đảng viên, chuyên gia, các vị lãnh đạo chính quyền, tổ chức đoàn thể đọc mà cũng còn là cho dân chúng tìm hiểu nên những khái niệm phổ quát cần được giải thích sao cho mọi người - dù không có điều kiện tiếp cận các khóa đào tạo triết học hay tổ chức nhà nước - cũng có thể hiểu.
Như đã trích dẫn, có thể dễ dàng tìm được các giải thích về “chủ nghĩa xã hội” nhưng lại rất khó tìm một định nghĩa hoặc một biện giải về “xã hội chủ nghĩa”.
Rõ ràng là khi gắn khái niệm “xã hội chủ nghĩa” với nhà nước, với dân chủ, với kinh tế, với pháp quyền,… thì điều đầu tiên cần làm là nêu một định nghĩa hoàn chỉnh - hoặc ít ra cũng phải tiệm cận sự hoàn chỉnh - về khái niệm “xã hội chủ nghĩa”.
Trên mạng xã hội, xuất hiện một số cách hiểu (không chính thống), xin nêu hai trong số các cách hiểu đó:
Thứ nhất, “Xã hội chủ nghĩa là quan điểm xây dựng nhà nước còn chủ nghĩa xã hội là một quan điểm chính trị chẳng hạn chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa dân tộc,…”;
Thứ hai, “Xã hội chủ nghĩa khi là danh từ thì thể hiện phương cách điều hành nhà nước còn khi là tính từ thì giải thích những gì “thuộc về” chủ nghĩa xã hội, ví dụ “phe xã hội chủ nghĩa”, “quốc gia xã hội chủ nghĩa”, “con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa”,…
Với cách hiểu này khi nói “phe xã hội chủ nghĩa” thì có nghĩa là nói về các quốc gia, các khuynh hướng theo “chủ nghĩa xã hội”.
Quan điểm thứ hai chủ yếu dựa vào cách phân loại trong ngôn ngữ bao gồm: danh từ, động từ, tính từ, trạng từ trong đó tính từ dùng bổ nghĩa cho danh từ, thể hiện thuộc tính của danh từ chẳng hạn “lá xanh”, “cờ đỏ”,… thì “xanh” là thuộc tính của lá, “đỏ” là thuộc tính của cờ,…
Viết những dòng trên đây thực ra không nhằm gửi gắm đến các nhà lý luận cao siêu mà chủ yếu dành cho những người “lao động bình dân” muốn tìm hiểu nhưng lại không biết tìm ở đâu, tìm như thế nào.
Nói thế cũng nghĩa là mong muốn Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Chính trị quốc gia có những tài liệu kiểu tờ rơi, có những cuốn sách kiểu bỏ túi cung cấp miễn phí cho người dân giúp họ hiểu chúng ta xây dựng “chủ nghĩa xã hội phát triển” là xây cái gì, dựng cái gì và cần bỏ cái gì.
Hồ Chủ tịch nói về “dân chủ” rất đơn giản: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng”.
Khi chuyển thành “Dân chủ xã hội chủ nghĩa” thì nội dung không còn bình dân mà có vẻ cao siêu hơn: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Ngày nay, khi Đảng đề cập đến “Xây dựng chủ nghĩa xã hội phát triển ở Việt Nam” [3] nếu dân chỉ được 4 quyền giới hạn như trên rõ ràng là không còn phù hợp với quy luật phát triển của xã hội.
Bài đăng trên Tạp chí Danvan.vn viết:
“Về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân: Hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo Cương lĩnh, Hiến pháp 2013, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ…”. [4]
Giải thích rõ hơn, ông Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng:
“Trước đây chúng ta nói cơ chế dân chủ: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhưng lần này thêm “dân giám sát và dân thụ hưởng”. Cái đó là quy luật, làm thì phải được thụ hưởng, còn nếu làm mà không thụ hưởng thì không ai làm. Động lực chính là lợi ích. Lợi ích phải hài hòa tổng thể lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Bây giờ chúng ta phải hoàn thiện điều này”. [5]
“Cương lĩnh ruộng đất” Đảng xây dựng từ năm 1953 tựu trung lại trong một câu rất ngắn gọn: “Người cày có ruộng”.
“Chỉ có thực hiện "người cày có ruộng”, động viên hàng chục triệu nông dân hăng hái tham gia kháng chiến, thì kháng chiến mới hoàn toàn thắng lợi, cách mạng chắc chắn thành công”. [6]
Ngày nay, bên cạnh việc chưa đưa ra được một triết lý giáo dục của Việt Nam, việc các nhà lý luận chưa đưa ra được một định nghĩa hoàn chỉnh về chủ nghĩa xã hội có phải là do hoàn cảnh lịch sử, do thời cơ hay còn do những quan điểm đang được làm cho ngã ngũ?
Nói và viết thật đơn giản để gần 100 triệu người Việt hiểu được chủ nghĩa xã hội là gì, chúng ta đang xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa với các hình thái kinh tế, chính trị nào là việc vô cùng cần thiết bởi chỉ có như vậy mới động viên được sức mạnh dân tộc, gắn kết người dân với nhà nước, với thể chế, tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vấn đề nằm ở chỗ để cho những người bình thường nhất cũng có thể hiểu thì mọi giải thích, lý luận hãy nhằm đến quản đại quần chúng chứ không phải dành cho những người có địa vị xã hội cao hơn.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://tuyengiao.vn/theo-guong-bac/quan-niem-cua-ho-chi-minh-ve-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-36712
[2]http://dangcongsan.vn/tu-lieu-tham-khao-cuoc-thi-trac-nghiem-tim-hieu-90-nam-lich-su-ve-vang-cua-dang-cong-san-viet-nam/tu-lieu-cuoc-thi/dac-trung-mo-hinh-xa-hoi-xa-hoi-chu-nghia-o-viet-nam-544837.html
[3] http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/xay-dung-chu-nghia-xa-hoi-phat-trien-o-viet-nam-123029
[4]http://danvan.vn/Home/Huong-toi-Dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-XIII-cua-Dang/12666/Gioi-thieu-noi-dung-co-ban-cua-Du-thao-Bao-cao-Chinh-tri-trinh-Dai-hoi-XIII-cua-Dang
[5] https://tcnn.vn/news/detail/48621/Du-thao-van-kien-Dai-hoi-XIII-nhan-manh-yeu-to-%E2%80%9Cnhan-dan-thu-huong%E2%80%9D.html
[6] https://dangcongsan.vn/tu-lieu-tham-khao-cuoc-thi-trac-nghiem-tim-hieu-90-nam-lich-su-ve-vang-cua-dang-cong-san-viet-nam/tu-lieu-90-nam-lich-su-dang/cuong-linh-ruong-dat-cua-dang-lao-dong-viet-nam-539959.html