Âm nhạc truyền thống Việt vốn luôn phong phú, hấp dẫn với sự đa dạng vùng miền, dân tộc. Mỗi khu vực, địa phương của nước ta đều mang trong mình những đặc trưng âm nhạc truyền thống riêng, đi sâu vào trong mỗi nhận thức của mỗi người dân.
Nếu quan họ là đặc trưng của dân ca miền Bắc, thì tại khu vực miền Trung cũng sở hữu loại âm nhạc truyền thống. Đó là nhã nhạc cung đình Huế, thể loại đầu tiên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Học viện Âm nhạc Huế cũng chính là đơn vị đảm nhận công tác đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc của miền Trung và Tây Nguyên, phục vụ sự nghiệp bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc
Tuy nhiên, so với trước kia, số người lựa chọn theo học ngành âm nhạc truyền thống đã bị giảm đi. Đây sẽ là thách thức gì đối với nhân lực nhã nhạc Cung đình, đàn hát Ca Huế và nhạc cụ truyền thống của địa phương trong tương lai.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Dương Thị Lan Hương, Trưởng khoa Âm nhạc Di sản – Truyền thống, Học viện Âm nhạc Huế cho hay:
“Thực trạng hiện nay, số lượng người học tại Khoa Âm nhạc Di sản - Truyền thống, Học viện Âm nhạc Huế so với trước đây giảm mạnh.
Để khắc phục vấn đề này, trong hai năm trở lại đây, nhờ sự quyết tâm cao của toàn thể khoa cũng như áp dụng một số biện pháp như áp chỉ tiêu cho mỗi giảng viên nên số lượng được cải thiện, chỉ tiêu năm vừa rồi có sự biến chuyển mạnh vượt mức chỉ tiêu đề ra của nhà trường”.
Học viện Âm nhạc Huế tham gia “Cuộc thi độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc – 2023” (Ảnh: Website nhà trường). |
Bên cạnh đó, trước tình hình những năm gần đây, người học âm nhạc truyền thống khá khiêm tốn, cô Hương bày tỏ lo lắng điều này dẫn đến việc đào tạo ra nhân lực bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống Huế gặp nhiều khó khăn.
Hơn nữa, nguồn tuyển sinh đầu vào đôi khi chưa đảm bảo chất lượng, do số lượng chỉ tiêu thiếu nên vẫn nhận vào, “thà có còn hơn không”.
Việc này dẫn đến một số nguy cơ như chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực không cao; đội ngũ nghệ sĩ còn thiếu phần hồn, người yêu nghề và vì nghề dần bị mai một do cơ chế chính sách còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của họ.
Theo Tiến sĩ Dương Thị Lan Hương, trong khi nền giáo dục của chúng ta ngày phát triển mạnh về mặt số lượng, chạy đua tuyển sinh với các ngành nghề khác thì ngành nghệ thuật truyền thống có phần hơi lép vế vì ra trường khó xin việc làm và khó đảm bảo được đời sống của họ.
Do vậy, có thực trạng hiện nay là các em học sinh – sinh viên học giữa chừng rồi chuyển sang ngành nghề khác khá nhiều. Bởi, học nghệ thuật truyền thống khó, cần mài dũa ra được tiếng đàn mang hồn dân tộc không thể ngày một ngày hai, mà rất cần sự đầu tư, công phu trong đó.
“Ngày nay vẫn còn nhiều người chưa xem trọng ngành nghề âm nhạc, nhất là âm nhạc truyền thống, đặc biệt giới trẻ gần như quay lưng, và mặc định suy nghĩ âm nhạc truyền thống là “quê mùa”…”, cô Hương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trước thực tế hiện nay tại Việt Nam, người dân trong nước ít đi xem các chương trình âm nhạc truyền thống nhưng khách du lịch nước ngoài xem tương đối nhiều, cô Hương cho rằng, du khách nước ngoài xem nhiều có thể vì họ muốn tìm hiểu văn hoá Việt nam thông qua âm nhạc của đất nước. Hoặc đơn giản chỉ tò mò do các phương tiện thông tin đại chúng quảng cáo, hay do những hướng dẫn viên sở tại giới thiệu…
Cũng theo cô Hương, hầu hết học sinh - sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Âm nhạc Di sản - Truyền thống, Học viện Âm nhạc Huế được phân bổ đến các trường đại học, trung cấp, cao đẳng nghệ thuật, các đoàn nghệ thuật và các các trường phổ thông, hoặc trở thành những nghệ sĩ biểu diễn tiêu biểu của khu vực miền Trung và Tây Nguyên…
Họ là những con người mang linh hồn nghệ thuật âm nhạc truyền thống đến với công chúng, nuôi dưỡng tâm hồn đến các thế hệ người con Việt Nam.
Vậy nên, nếu không có phương án hữu hiệu, ngành nghề này sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực và như vậy cũng cản trở lớn tới việc định hướng bảo tồn và phát triển như mong đợi.
Mặt khác, theo cô Hương, ngoài việc tích cực tìm kiếm nguồn tuyển sinh, công tác đào tạo cũng là nhiệm vụ sống còn của khoa.
Chính vì vậy, toàn thể giảng viên của khoa luôn tích cực trau dồi tay nghề thường xuyên, bắt kịp xu thế thẩm mỹ của thời đại, nâng cao tay nghề, tìm hiểu sâu hơn về các nghiên cứu ngành nghề mình giảng dạy.
Từ đó thổi hồn, khơi dậy lòng đam mê, truyền cảm hứng đến các em với mong muốn đào tạo ra được các thế hệ chất lượng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu xã hội ngày nay.
Để tháo gỡ những nút thắt khó khăn, vướng mắc trong việc đào tạo nghệ thuật, âm nhạc di sản, truyền thống, tránh sự thiếu hụt nguồn nhân lực này trong tương lai, Trưởng khoa Âm nhạc Di sản – Truyền thống đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất.
Thứ nhất là, lãnh đạo các cấp cùng địa phương cần quan tâm hơn nữa đến âm nhạc truyền thống, đưa ra nhiều chế độ chính sách thiết thực phù hợp nhu cầu thực tế cho đội ngũ nhân lực truyền nghề, nghệ sĩ, nghệ nhân… hoạt động lĩnh vực nghệ thuật truyền thống.
Cụ thể như: tạo công ăn việc làm, trợ cấp nhà ở, phí sinh hoạt, đau ốm chữa bệnh…cho những con người đang hoạt động bảo tồn âm nhạc Di sản, truyền thống.
Thứ hai là, cần tạo ra sân chơi bổ ích cho âm nhạc di sản truyền thống bởi nó nên được phủ sóng rộng hơn nữa so với các hoạt động biểu diễn các thể loại âm nhạc khác trên toàn quốc lẫn địa phương.
Ngoài ra, cần tổ chức thêm nhiều cuộc thi từ cấp làng xóm, xã huyện cho đến cấp trung ương; tổ chức các cuộc thi sáng tác âm nhạc Truyền thống; Thành lập hội âm nhạc Di sản Truyền thống,….