Liên quan đến những bất cập trong việc chi trả tiền hỗ trợ học sinh nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP tại tỉnh Hà Giang, phóng viên Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông N.Đ.L (tên nhân vật đã được thay đổi).
Ông N.Đ.L đã có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục tại tỉnh Hà Giang.
Năm 2019, ông L. đã gửi đơn thư đến ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang.
Trong đơn, ông L. đề nghị xem xét và làm rõ những sai phạm trong quy trình thực hiện chi trả tiền hỗ trợ học tập cho học sinh nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP.
Kể từ đây, câu chuyện về những bất thường trong việc chi trả tiền hỗ trợ học sinh nghèo theo Nghị định 86 mới bắt đầu vỡ lở.
Và dư luận giáo dục tỉnh Hà Giang mới bắt đầu chú ý đến vấn đề này.
Về nguyên tắc tiền hỗ trợ phải chi trả trực tiếp bằng tiền mặt đến tay phụ huynh (người giám hộ) của học sinh nghèo hưởng Nghị định 86/2015/NĐ-CP.
Do vậy cách làm của một số huyện như Mèo Vạc, Yên Minh, Xín Mần...theo ông L. là cách làm biến tướng.
Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện:
Vì sao ông lại phát hiện ra những bất cập trong việc chi trả tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo hưởng Nghị định 86/2015/NĐ-CP tại tỉnh Hà Giang?
Tôi là người đã công tác lâu năm trong ngành giáo dục Hà Giang và cũng có quen biết với một số hiệu trưởng.
Khi nghe hiệu trưởng một số nơi tâm sự tôi cảm thấy việc chi trả tiền hỗ trợ học sinh nghèo rất bất thường.
Đây là cách làm biến tướng, trục lợi trên mồ hôi, nước mắt của học sinh nghèo.
Hiện nay một số huyện như Yên Minh, Mèo Vạc, Xín Mần đang làm như thế.
Nhiều bất thường trong việc chi trả tiền hỗ trợ học sinh nghèo tại tỉnh Hà Giang (Ảnh:V.N) |
Theo ông, nếu tỉnh Hà Giang làm đúng việc chi trả tiền cho học sinh nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP sẽ đạt được những lợi ích như thế nào?
Tôi cho rằng nếu làm đúng quy trình có thể tiết kiệm hơn so với cách làm hiện nay.
Một là, phụ huynh sẽ mua những đồ dùng thiết yếu theo danh mục của Bộ giáo dục và đào tạo chứ không mua đồng loạt như hiện nay.
Hai là, có tình trạng sách vở đồ dùng học tập nhà cung ứng báo giá cao hơn thị trường.
Ba là, loại sách 2 buổi không cần thiết phải mua bộ sách đắt tiền lên đến 80.000 đồng/ bộ.
Bộ sách 2 buổi tại Hà Giang bao gồm 3 đầu sách: bài tập củng cố kỹ năng môn Toán, bài tập củng cố kỹ năng môn tiếng Việt, vở luyện viết chữ đẹp Hà Giang.
Loại sách 2 buổi áp dụng tại tỉnh Hà Giang là do Sở giáo dục lựa chọn sau đó gửi công văn về các huyện yêu cầu tuyên truyền vận động 100% phụ huynh mua cho con em.
Về đúng nguyên tắc, mua sách tham khảo phải dựa theo nhu cầu tự nguyện của học sinh nhưng tại Hà Giang gần như là ép buộc.
Từ những cơ sở tôi phân tích ở trên nếu tỉnh Hà Giang thực hiện đúng có thể tiết kiệm hơn so với cách làm hiện nay.
Nhưng nguyên tắc là tiền hỗ trợ cho học sinh phải chi trả bằng tiền mặt về cho phụ huynh (hoặc người giám hộ) sau đó phụ huynh sử dụng như thế nào là quyền của họ.
Nhà nước không bắt buộc phụ huynh phải bỏ bao nhiêu tiền để mua sách vở, đồ dùng.
Do đó cách làm tại các huyện ở Hà Giang là cách làm biến tướng.
Tôi có ngồi với một số cán bộ giáo dục ở nhiều tỉnh/ thành thì họ nói chỉ có Hà Giang là chi trả tiền hỗ trợ Nghị định 86 theo kiểu này.
Theo ông, việc huyện Mèo Vạc yêu cầu học sinh nghèo sử dụng 100% tiền Nhà nước hỗ trợ (900.000 đồng) để mua sách vở, đồ dùng trong khi đời sống còn nhiều khó khăn có hợp lý hay không?
Nhà nước hỗ trợ cho học sinh nghèo 900.000 đồng/năm học tương đương 100.000 đồng/tháng.
Việc sử dụng như thế nào là quyền của học sinh, phụ huynh.
Theo tôi những thứ thiết yếu như sách giáo khoa là phải mua còn đồ dùng học tập, vở viết có thể linh hoạt.
Số tiền thừa gia đình có thể dùng mua gạo, dầu, mắm...phục vụ cuộc sống.
Học sinh cùng lắm chỉ mua 2/3 còn lại tiết kiệm 1/3.
Bên cạnh đó có những loại đồ dùng như bút, bảng, tập vở...có thể tiết kiệm được (dùng lại của năm trước) không nhất thiết phải mua mới.
Tại Hà Giang, việc học sinh chi nghèo chi bao nhiêu tiền mua sách vở, đồ dùng là tùy theo từng huyện vì danh mục mỗi huyện đưa xuống là khác nhau.
Như tôi đã nói Nhà nước chỉ gọi đây là tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo để mua sách vở, đồ dùng.
Như vậy tiêu xài như thế nào là quyền của các em miễn sao đầu năm các cháu đủ sách vở là được.
Ngay cả học sinh khá giả ở thành phố còn phải tiết kiệm thì học sinh nghèo vùng cao tại sao lại bắt các cháu tiêu xài hoang phí thế.
Điều này tôi cho rằng rất vô lý.
Theo ông, hiện nay quy trình chi trả tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP tại tỉnh Hà Giang hiện nay có điểm gì bất thường?
Nếu tỉnh thực hiện đúng thì phải bỏ số tiền học sinh được hỗ trợ để đấu thầu.
Hiện nay thì không như thế.
Mỗi huyện chọn một nhà cung cấp.
Một huyện làm được là các huyện khác làm theo như thế.
Nhà cung ứng (cửa hàng Hồng An) kê một loạt danh mục rồi tiến hành báo giá.
Sau đó họ sẽ tính toán đồ chơi, đồ dùng như thế nào để đủ con số 900.000 đồng.
Tương ứng số học sinh nghèo, nhà trường phải nhập từng đấy bộ sách vở, đồ dùng.
Khoản tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo bị trừ luôn cho nhà cung ứng tại bưu điện.
Điều này là vi phạm nguyên tắc vì bưu điện được Sở Lao động Thương binh Xã hội thuê để phát tiền cho học sinh nhưng tiền chưa về đến tay học sinh đã bị cắt cho nhà cung ứng.
Hiện nay việc mua bán giữa nhà trường và cửa hàng cung ứng sách vở, đồ dùng được thực hiện như thế nào?
Theo tôi, điều nguy hại nhất đó là thất thoát nguồn tiền thuế của Nhà nước.
Ví dụ trong hoạt động của công ty sách và thiết bị trường học, nếu mua một cái bút chì cũng phải có hóa đơn.
Nhưng cửa hàng mua vào bán ra không có ai kiểm soát được trừ quản lý thị trường.
Nhà trường cũng không cần phải có hóa đơn vì người ta mua cho học sinh, thanh toán xong họ sẽ xé bỏ.
Cho nên mua hàng tỷ đồng cũng không cần hóa đơn.
Năm 2018, ông Vũ Văn Sử có ký văn bản đề nghị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thêm công ty An Vinh trở thành đơn vị cung cấp sách giáo khoa.
Văn bản ông Sử ký chẳng theo tiêu chuẩn nào cả, thích người nào thì cho người ấy làm.
Việc này rất tai hại vì nó có biểu hiện độc quyền, giảm sự cạnh tranh.
Dư luận ngành giáo dục tỉnh Hà Giang mong muốn thanh tra vào cuộc làm rõ sai phạm (Ảnh:V.N) |
Học sinh mầm non có phải là đối tượng thiệt thòi nhất hay không?
Hệ thống giáo dục của Việt Nam hình cái nón, dưới chân nón rộng, đối tượng mầm non rất đông.
Các cháu mầm non không phải mua sách giáo khoa thì chỉ cần 5 quyển tập tô vẽ theo bảng chữ cái là được.
Thế nhưng đằng này mua vô tội vạ không ai kiểm soát.
Thử hỏi học sinh mầm non cần thiết sử dụng hết 900.000 đồng để mua đồ chơi, đồ dùng hay không?
Tại huyện Yên Minh, trường mầm non bắt mua hết 900.000 đồng mà lượng học sinh ở Yên Minh đông gấp 3 lần so với Xín Mần - số tiền rất lớn.
Dư luận ngành giáo dục tỉnh nhà đang mong muốn điều gì, thưa ông?
Chúng tôi hơn ai hết là những người biết rõ việc này quả thực cảm thấy rất đau lòng.
Chúng tôi mong tiền hỗ trợ được chi trả trực tiếp về tay phụ huynh và học sinh.
Sau đó phụ huynh cảm thấy cần thiết cái gì thì tự nguyện mua cho con em.
Ngoài ra nếu phụ huynh ủy quyền cho nhà trường mua sách vở, đồ dùng thì tỉnh nên sử dụng nguồn tiền đó để tổ chức đấu thầu; lựa chọn nhà cung ứng công khai, minh bạch.
Chúng tôi cho rằng trong vấn đề này có lợi ích nhóm liên kết chặt chẽ giữa các huyện, phòng giáo dục, nhà cung ứng và các nhà trường.
Nhìn cảnh học sinh cơm không có mà ăn nhưng tiền Nhà nước hỗ trợ bị cấu véo chúng tôi cảm thấy rất đau lòng.
Vì thế chúng tôi đề nghị thanh tra ngành giáo dục, thanh tra tài chính và các cơ quan Nhà nước vào cuộc để làm rõ vấn đề này, trả lại sự công bằng và quyền lợi cho học sinh nghèo.