"Người trong cuộc" nêu khác biệt khi đào tạo BS chuyên khoa 1 và thạc sỹ y khoa

19/01/2024 06:24
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tùy theo mục tiêu của từng người học muốn làm theo vị trí công việc nào trong tương lai sẽ lựa chọn chương trình đào tạo BS CKI hay thạc sỹ y khoa cho phù hợp.

Đứng trước nhiều chương trình đào tạo, nhiều người học bày tỏ băn khoăn khi lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, đặc biệt là giữa chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1 và thạc sỹ y khoa.

Nhiều điểm khác biệt giữa 2 chương trình đào tạo

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Văn Chi - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y dược (Đại học Huế) cho hay, chương trình học bác sĩ chuyên khoa 1 và thạc sỹ y khoa có nhiều điểm khác biệt.

Trước hết, về điều kiện đầu vào, để được thi tuyển vào chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1, ứng viên phải đảm bảo có chứng chỉ hành nghề y (18 tháng) và có 12 tháng thực hành chuyên khoa. Trong khi đó, sau khi tốt nghiệp đại học ngành y, người học đã có thể thi luôn chương trình thạc sỹ y khoa mà không cần phải có các điều kiện trên.

Hơn nữa, trong khi chương trình học bác sĩ chuyên khoa 1 không yêu cầu về đầu vào ngoại ngữ mà chỉ yêu cầu về đầu ra thì chương trình đào tạo thạc sĩ y khoa lại yêu cầu người học phải có đầu vào là đạt chứng chỉ tiếng Anh B1 và đầu ra là đạt chứng chỉ tiếng Anh B2.

Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Y dược, Đại học Huế).

Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Y dược, Đại học Huế).

Không những vậy, đối với đầu ra, theo thầy Chi, sau khi tốt nghiệp, nếu muốn học cao hơn, thạc sỹ y khoa có thể học lên cả chương trình đào tạo tiến sĩ và bác sĩ chuyên khoa 2. Trong khi đó, bác sĩ chuyên khoa 1 chỉ có thể học lên chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa 2.

Bên cạnh những điểm khác biệt về đầu vào và đầu ra như vậy, thầy Chi cho biết thêm, 2 chương trình học này lại có thời lượng học như nhau là đều diễn ra trong khoảng 2 năm.

Tuy nhiên, do chương trình học bác sĩ chuyên khoa 1 thiên về thực hành còn thạc sỹ y khoa thiên về nghiên cứu, do đó, sau khi tốt nghiệp, người học muốn đi làm tại bệnh viện nếu đi theo con đường bác sĩ chuyên khoa 1 sẽ nhanh hơn.

"Tùy theo mục tiêu của từng người học muốn làm theo vị trí công việc thế nào trong tương lai để lựa chọn chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1 hay thạc sỹ y khoa cho phù hợp", thầy Chi bày tỏ.

Tuy nhiên, theo thầy Chi, cũng cần lưu ý rằng, hiện nay, ở một số bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 yêu cầu bác sĩ muốn làm trưởng khoa phải là tiến sĩ y khoa (nhằm đảm bảo phục vụ cho cả công tác nghiên cứu chứ không chỉ riêng công tác khám, chữa bệnh).

Sau khi tốt nghiệp đại học, bác sĩ đa khoa có thể tham gia kỳ thi bác sĩ nội trú

Bên cạnh hai chương trình đào tạo trên, thầy Chi cho biết thêm, sau khi tốt nghiệp đại học, các bác sĩ đa khoa còn có kỳ thi bác sĩ nội trú - kỳ thi tuyển chọn ra những tinh hoa của ngành y với sự cạnh tranh rất khốc liệt. Đặc biệt, kỳ thi này chỉ dành cho sinh viên y khoa chính quy dự thi và chỉ được thi duy nhất một lần trong đời.

Được biết, thời gian học chương trình bác sĩ nội trú sẽ diễn ra trong 3 năm, sau khi tốt nghiệp, như tại Trường Đại học Y dược (Đại học Huế), người học sẽ nhận được 2 bằng, 1 bằng bác sĩ nội trú và 1 bằng thạc sỹ nội khoa cùng nhiều kinh nghiệm làm việc. Do đó, đội ngũ này khi đi xin việc cũng thường sẽ được ưu tiên tuyển dụng ngay.

Mặt khác, theo thầy Chi, hiện nay có một số quan điểm cho rằng nên xóa nhòa ranh giới giữa bác sĩ chuyên khoa và thạc sĩ, tiến sĩ. Tuy nhiên, cá nhân thầy cho rằng quan điểm này là không hợp lý vì chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa 2 cũng chỉ học có 2 năm trong khi học tiến sĩ thời gian phải tối thiểu 4 năm nên không thể để tương đương nhau được.

Cùng phân biệt về 2 chương trình học trên, theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Long, công tác tại khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, về mặt định nghĩa, chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1 thiên về mặt lâm sàng, thực hành và người học sẽ học các môn trong chương trình đào tạo rồi thi hết môn để tốt nghiệp. Trong khi đó, chương trình đào tạo của thạc sỹ y khoa lại thiên về mặt nghiên cứu nên người học sẽ phải làm các luận văn, đề tài để tốt nghiệp.

Không những vậy, một số học phần của hai chương trình đào tạo này cũng có sự khác biệt nhất định.

Đơn cử như chương trình đào tạo thạc sỹ y khoa có những học phần về nghiên cứu còn chương trình học bác sĩ chuyên khoa 1 lại dành nhiều thời lượng để đào tạo thực hành. Do vậy, nếu đang học bác sỹ chuyên khoa 1 mà có nhu cầu cũng không thể chuyển sang học thạc sỹ y khoa.

Hơn nữa, còn có sự khác nhau ở một số môn thi đầu vào giữa chương trình đào tạo thạc sỹ y khoa và bác sĩ chuyên khoa 1.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Long, trên thực tế, khi đi làm ở môi trường bệnh viện (môi trường lâm sàng), công việc của bác sĩ tốt nghiệp chuyên khoa 1 hay thạc sỹ y khoa cũng không có nhiều sự khác biệt vì đều làm công tác phục vụ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân; mức lương hiện vẫn tính theo hệ số nên không có sự khác biệt. Trừ khi sau tốt nghiệp, người học muốn lựa chọn theo hướng giảng dạy, nghiên cứu trong môi trường đại học, tất yếu phải chọn học thạc sỹ y khoa mới đáp ứng được yêu cầu hiện hành.

Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Văn Tân – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội cho rằng, chương trình đào tạo thạc sỹ y khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nên đi theo hướng nghiên cứu là chính còn bác sĩ chuyên khoa 1 là bằng cấp do Bộ Y tế công nhận nên chủ yếu đi theo hướng đào tạo thực hành.

Theo thầy Tân, với đặc điểm trong chương trình đào tạo là có nhiều thời gian thực hành, thực tập nên các bệnh viện thường ưu tiên tuyển dụng các bác sĩ chuyên khoa 1, bác sĩ chuyên khoa 2 nhiều hơn so với thạc sỹ y khoa.

Bên cạnh đó, chỉ có thạc sỹ y khoa, tiến sĩ y khoa mới có cơ thể trở thành phó giáo sư, giáo sư còn bác sĩ chuyên khoa 1, bác sĩ chuyên khoa 2 thì không thể.

Ngoài ra, thầy Tân cho biết thêm, các bác sĩ cũng cần lưu ý thêm rằng, theo Luật khám, chữa bệnh mới, việc đào tạo ra chứng chỉ hành nghề y cũng đang ngặt nghèo hơn.

Tường San