"Người trong cuộc" tiết lộ quy trình tổ chức và chấm thi VSTEP

03/01/2024 09:03
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần thường xuyên bổ sung và làm mới ngân hàng câu hỏi; hội đồng ra đề thi nên bao quát hơn, có sự tham gia biên soạn và thẩm định của nhiều chuyên gia.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, áp dụng cho kỳ thi năm 2024. Theo Dự thảo, sẽ có 17 loại chứng chỉ ngoại ngữ thuộc 6 thứ tiếng khác nhau được miễn thi và được công nhận đạt điểm 10 môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nếu Dự thảo được thông qua, năm 2024 sẽ là năm đầu tiên chứng chỉ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP) được đưa vào danh sách chứng chỉ miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ cho các thí sinh.

Xu hướng để VSTEP trở nên “đại trà” ở Việt Nam

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Phùng – Giám đốc kiêm Trưởng Bộ phận đào tạo Trung Tâm Ngoại ngữ, Trường Đại học Quy Nhơn cho biết, lý do của việc chứng chỉ VSTEP trước đây vẫn chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam liên quan nhiều đến tâm lý cố hữu của người sử dụng, cho rằng chứng chỉ này chưa đánh giá đúng năng lực người học bằng các chứng chỉ nước ngoài, chưa có sự tin tưởng đối với các chứng chỉ “nội”.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Phùng – Giám đốc, kiêm Trưởng Bộ phận đào tạo Trung Tâm Ngoại ngữ, Trường Đại học Quy Nhơn. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Phùng – Giám đốc, kiêm Trưởng Bộ phận đào tạo Trung Tâm Ngoại ngữ, Trường Đại học Quy Nhơn. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP vào xét miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp cho học sinh là một điều tốt, giúp chứng chỉ này ngày càng phổ biến, được sử dụng đại trà.

Lý giải điều này, thầy Phùng cho biết, việc công nhận chứng chỉ VSTEP sẽ tạo cơ hội cho nhiều học sinh hơn được tiếp cận với các chứng chỉ ngoại ngữ. Vì hiện nay, việc học và thi các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, TOEIC… đòi hỏi thời gian ôn tập lâu dài và kinh phí cao. Những em ở vùng sâu, vùng xa sẽ ít có điều kiện tiếp cận với những chứng chỉ này.

Bên cạnh đó, chứng chỉ VSTEP có tính chất phù hợp với đối tượng học sinh trung học phổ thông thi tốt nghiệp. Bởi, những chứng chỉ như IELTS, TOEFL,… thường sẽ phù hợp với đối tượng học sinh muốn đi du học nhiều hơn.

Còn những người học không có nhu cầu đi du học mà vẫn muốn ôn luyện tiếng anh 4 kỹ năng, khẳng định trình độ của mình thì chứng chỉ VSTEP hoàn toàn vẫn có thể đáp ứng được, đánh giá đúng được năng lực của thí sinh.

Hiện nay, Trường Đại học Quy Nhơn là một trong 27 đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép cho tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Theo thầy Phùng, đơn vị này đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tổ chức kỳ thi chung được thống nhất trên toàn quốc.

Ngoài ra, quy trình chấm thi cũng là một vấn đề đặc biệt được chú trọng. Cán bộ chấm thi VSTEP đều là những giảng viên/ giáo viên có trình độ ngoại ngữ không thấp hơn bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ hoặc tương đương; và có thời gian tham gia công tác tối thiểu 3 năm liên tục giảng dạy tiếng Anh; cán bộ chấm thi phải được theo học và được cấp chứng chỉ chấm thi về kỹ năng nói và viết tại các cơ sở uy tín do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ định. Vì vậy, về cơ bản có thể yên tâm về trình độ chuyên môn của cán bộ chấm thi.

Thầy Phùng cho rằng, trong tương lai, khi chứng chỉ VSTEP ngày càng khẳng định được vị trí của mình, thì chứng chỉ này cũng có thể được sử dụng một cách “đại trà”; các trường đại học cũng sẽ có xu hướng đưa chứng chỉ này làm một tiêu chí để xét tuyển, tương tự như đang thực hiện với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác.

Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh nêu quan điểm: “Tôi cho rằng độ tin cậy và giá trị của kỳ thi VSTEP tốt, giúp người học yên tâm về chất lượng, không thua kém chứng chỉ quốc tế.

Qua khảo sát nhiều năm, những người thi VSTEP đạt trình độ cao hoàn toàn có thể đáp ứng được điểm chuẩn ở các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác, không có sự chênh lệch lớn.

Vì thế, trong thời gian tới, chắc chắn các cơ sở giáo dục cũng sẽ có xu hướng đưa chứng chỉ này vào làm tiêu chí để tuyển sinh đầu vào đại học, giống như các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác như hiện nay”.

Cần thường xuyên làm mới ngân hàng câu hỏi

Là một giáo viên dạy Tiếng Anh ở bậc trung học phổ thông, cô Lưu Thị Thanh Tú – giáo viên tiếng Anh Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa) nhận định: “Về mặt bản chất, chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP là một chứng chỉ đạt chuẩn; bài thi VSTEP gồm 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, có những điểm tương đồng đối với các bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ khác của châu Âu.

Vì thế, nếu thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ 4 kỹ năng này đương nhiên sẽ tốt hơn việc các em chỉ lựa chọn thi bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông với nội dung chủ yếu nghiêng về mặt ngữ pháp”.

Cô Lưu Thị Thanh Tú – giáo viên tiếng Anh Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: NVCC

Cô Lưu Thị Thanh Tú – giáo viên tiếng Anh Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng (tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: NVCC

Đồng thời, với quan điểm của một người đã từng trực tiếp tham gia bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ Tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP), cô Thanh Tú nhận định, muốn đạt được kết quả tốt ở bài thi này là không hề dễ dàng, đòi hỏi thí sinh phải có quá trình ôn luyện kỹ lưỡng.

“Tuy nhiên, trên thực tế, việc dạy và học tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay thường hướng tới vấn đề về dạy và học các “bài thi ngoại ngữ” (đặt nặng vấn đề ngữ pháp), chứ không phải dạy để hiểu và sử dụng ngoại ngữ (kỹ năng giao tiếp), khiến tính chất học ngoại ngữ đang bị hiểu sai.

Vì thế, chưa chắc chương trình học ngoại ngữ ở bậc trung học phổ thông đã đủ giúp các bạn học sinh đủ năng lực, trình độ để tham gia kỳ thi này.

Nhưng khi chứng chỉ VSTEP trở nên phổ biến hơn, có thể phụ huynh lại bắt đầu ồ ạt, chạy đua cho con đi học chứng chỉ VSTEP ở các trung tâm giống như câu chuyện chạy đua học chứng chỉ IELTS, TOEIC… trước đây.

Khi đó, việc thí sinh học để thi bài thi ngoại ngữ hay học để sử dụng ngoại ngữ lại là một vấn đề cần phải lưu tâm” – cô Lưu Thị Thanh Tú băn khoăn.

Bàn về chất lượng của đề thi VSTEP, một cán bộ trung tâm ngoại ngữ (của một cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép tổ chức thi chứng chỉ VSTEP) vẫn trăn trở về chất lượng bài thi VSTEP vì nhiều lý do như:

Thứ nhất, bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc VSTEP dùng cho chuẩn của Việt Nam. Phạm vi sử dụng chứng chỉ này chỉ giới hạn trong nước, chứ chưa được công nhận ở nước ngoài. Vì thế, gây ra những hạn chế đối với việc người học sử dụng chứng chỉ này khi đi ra nước ngoài du học hay làm việc…

Thứ hai, mặc dù quy trình chấm thi được đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và chuyển dần sang hình thức thi trên máy, nhưng nhìn chung vẫn có những điểm chưa thực sự đảm bảo tính khách quan trong quá trình này.

Dù vậy, cán bộ này cũng đánh giá thi chứng chỉ VSTEP là một kỳ thi khó, luyện thi trình độ cao rất vất vả.

Lý giải về vấn đề chất lượng của đề thi, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Phùng cho biết: “Hiện nay, ở Việt Nam, cả năm toàn quốc chỉ tổ chức một kỳ thi trung học phổ thông với một bài thi ngoại ngữ môn tiếng Anh thực hiện trong khoảng 50 phút (không có kỹ năng nghe và nói) đã là rất vất vả, thì để thiết kế được một bộ đề thi ngoại ngữ tiệm cận với chuẩn quốc tế dùng cho Việt Nam cũng vô cùng khó khăn.

Việc tiếp thu, tham khảo từ nhiều nguồn là dễ hiểu. Tuy nhiên, để thiết kế được định dạng và soạn thảo một bộ đề thi như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã giao cho các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngoại ngữ uy tín trong cả nước nghiên cứu xây dựng và thẩm định trên cơ sở khoa học”.

Để kỳ thi VSTEP ngày càng chuẩn chỉnh, hiệu quả hơn, thầy Phùng kiến nghị Trung tâm Khảo thí Quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục (Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cần thường xuyên bổ sung và làm mới ngân hàng câu hỏi; trong đó, hội đồng ra đề thi nên bao quát hơn, phải có sự tham gia biên soạn và thẩm định của nhiều chuyên gia ở nhiều cơ sở giáo dục và địa phương, nhằm đảm bảo tính khách quan, công bằng, toàn diện hơn.

Kim Minh Châu