Nguồn tuyển cạn, có nên duy trì trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề?

27/11/2019 08:26
Tùng Dương
(GDVN) - Doanh nghiệp trực tiếp đào tạo lao động thì những trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề này lấy đất đâu mà sống? Vậy phải tính chuyển.

Đến dự buổi Tọa đàm “Khó khăn, lãng phí và xu hướng phổ thông hóa các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề”, do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 22/11, ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ đào tạo thường xuyên, Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội), chia sẻ quan điểm:

Lãng phí các trung tâm giáo dục thường xuyên-dạy nghề vì tư duy có dự án có tiền

"Thống kê tăng lao động hàng năm thì trước đây tăng 1 triệu người, 3 năm gần đây thống kê chỉ tăng dưới 500 nghìn người, số tuyệt đối.

Xu hướng trường trung học phổ thông công lập cũng như tư thục được phép dạy chương trình giáo dục thường xuyên, vừa dạy trung học phổ thông và vừa dạy giáo dục thường xuyên.

Tới đây theo Luật Giáo dục sửa đổi sẽ cho dạy cả chương trình trung học phổ thông và cấp chứng chỉ hoàn thành.

Hiện nay số lượng người rất ít nhưng năng lực các trường phổ thông rất mạnh, nếu các trường phổ thông làm được thì mình cũng đưa con em vào đó học, vậy trung tâm giáo dục thường xuyên này có còn việc mà làm hay không?."

Video: Nguồn tuyển cạn, có nên duy trì trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề?

"Vừa qua chúng tôi có thông kê lại thì các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, trung tâm nghề ở huyện có 25 biên chế dạy văn hóa và 3 biên chế dạy nghề, vì dạy nghề ra sau nên xin biên chế rất khó.

Vậy bây giờ phải chuyển đổi giáo viên dạy văn hóa sang dạy nghề bằng cách học thêm bằng thứ 2, đại học rồi nhưng học thêm trung cấp, có người đồng ý, người không. Đó là xu hướng thứ nhất.

Xu hướng thứ 2, vừa qua có chính sách miễn giảm học phí cho người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trung cấp, lập tức các trường cao đẳng và các trường trung cấp vào cùng với trường giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên bắt đầu đưa chương trình trung cấp vào liên kết dạy.

Vấn đề này chúng tôi phải làm rất căng, kiểm tra xem họ có đủ điều kiện hay không? Phải đăng ký đào tạo trung cấp ở địa điểm này, kiểm tra các điều kiện thiết bị có đủ không thì mới được làm, nếu dạy nghề mà như dạy văn hóa là không được. Qua kiểm tra chúng tôi đã phát hiện và cho dừng lại rất nhiều.

Theo xu hướng này thì một số đông lại vào, ví dụ như Trung tâm Giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề của huyện Diễn Châu (Nghệ An), cũng làm và kết quả thi trung học phổ thông đạt rất cao.

Phổ thông hóa hệ bổ túc và những hệ lụy khôn lường

Cần khảo sát mức độ lãng phí trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề cả nước

Xu hướng thứ 3, riêng bên giáo dục nghề nghiệp thì các cơ chế chính sách thay đổi rất nhiều, họ đào tạo lưu động xuống tận các xã chứ không phải về trường, đến đào tạo tại doanh nghiệp.

Thực hiện đào tạo theo tích lũy mô-đun chứng chỉ chứ không phải cứ theo hình thức tập trung và vừa làm vừa học.

Nhưng để vừa làm vừa học, đào tạo lưu động, đào tạo từ xa thì phải là những trường có năng lực thì mới làm được, vậy thì có cần các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề nữa hay không?.

Cho doanh nghiệp không phải là đơn vị thụ hưởng kết quả đào tạo, mà doanh nghiệp trở thành đơn vị đào tạo, chúng tôi thống kê riêng về đào tạo trong những năm gần đây, thì doanh nghiệp trực tiếp tuyển vào tổ chức học nghề và tuyển dụng luôn khoảng 1,2 triệu lao động 1 năm.

Đó là những doanh nghiệp sản xuất lớn mới có tầm như vậy, còn mấy doanh nghiệp nhỏ thì làm không ra gì, việc này loại trừ hoàn toàn tuyển lao động ở dưới độ tuổi vị thành niên để lợi dụng học nghề rồi chiếm đoạt tiền lương.

Khống chế thời gian học nghề nếu dài là tầm 3 tháng, nhanh thì chỉ 3 tuần. Đi liền với việc này thì chính quyền địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nam, Quảng Ngãi…một số tỉnh thông qua Hội đồng nhân dân hỗ trợ cho doanh nghiệp nếu tuyển 1 người địa phương thì sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng.

Họ dạy tiếng và một số kỹ năng mềm, còn về kỹ năng khác thì khi vào làm họ đào tạo rất nhanh, thực tế những doanh nghiệp của ta hiện nay kể cả doanh nghiệp FDI thì trình độ công nghệ ở mức trung bình và dưới trung bình, số doanh nghiệp ở trình độ kỹ thuật cao chưa nhiều.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang giảm thải 50% lao động, công nhân 23 - 23 tuổi thất nghiệp, khi ra ngoài không làm được gì và kiên quyết không về quê, vậy việc đào tạo lại cho số này chuyển sang nghề mới, nhưng nghề mới là nghề gì?

Việc này lại trông chờ các doanh nghiệp phát triển ra, nhưng hiện nay chưa có doanh nghiệp phát triển ra thì việc đào tạo nghề chuyển đổi cho số này thế nào?

Doanh nghiệp trực tiếp đào tạo thì những trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề này lấy đất đâu mà sống? Vậy phải tính chuyển."

Ngày 22/11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc Tọa đàm “Khó khăn, lãng phí và xu hướng phổ thông hóa các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề”.

Tham dự tọa đàm có Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ đào tạo thường xuyên, Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội).

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường- Chủ tịch Hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội.

Ông Đồng Văn Bình - đại diện Vụ giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Ông Bùi Phương Việt Anh - Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty EAS Việt Nam.

Tùng Dương