Nguyễn Phương Thảo và bí quyết lấy bằng xuất sắc ngành tài chính ngân hàng

19/09/2021 06:59
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Nếu chuyên môn tốt nhưng kỹ năng giao tiếp và thái độ làm việc không tốt thì sẽ thu hẹp cơ hội của chính bản thân mình”, Thảo chia sẻ.

Chú trọng học tập, làm việc nhóm để phát triển tư duy

Bước chân vào đại học theo đúng nguyện vọng là kết quả của cả một chặng đường nỗ lực, cố gắng của rất nhiều bạn trẻ trong một thời gian dài. Tuy nhiên, học tập như thế nào để có thể đạt được kết quả đúng mong đợi khi tốt nghiệp lại là một câu chuyện khác, bởi môi trường đại học không giống với phổ thông trung học.

Nguyễn Phương Thảo, nữ sinh tốt nghiệp Xuất sắc ngành Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên năm 2021. (Ảnh NVCC)

Nguyễn Phương Thảo, nữ sinh tốt nghiệp Xuất sắc ngành Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên năm 2021. (Ảnh NVCC)

Chú trọng trao đổi nhóm, nâng cao tinh thần tự học, tập trung tối đa thời gian nghiên cứu, mở rộng tri thức… là những gì Nguyễn Phương Thảo đã trải qua để trở thành nữ sinh tốt nghiệp Xuất sắc ngành Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học Thái Nguyên.

Từ bé, Phương Thảo đã có đam mê với những con số và yêu thích môn Toán. Sau này lớn hơn một chút, Thảo ước mơ được làm việc trong ngành ngân hàng. Đó cũng là lý do vì sao cô gái sinh năm 1999 chọn ngành học này vào 4 năm về trước.

Thảo cho biết: “Em là người ở Thái Nguyên nên điều kiện học tập có phần tốt hơn so với nhiều bạn ở tỉnh ngoài. Em luôn được sự hỗ trợ, động viên và quan tâm rất lớn từ gia đình.

Tuy nhiên, để có kết quả học tập tốt thì đó là cả một quá trình nỗ lực và cố gắng bền bỉ. Môi trường học tập hoàn toàn bình đẳng và luôn được công nhận chính đáng nếu chúng ta cố gắng hết mình. Em luôn quyết tâm như vậy ngay từ ngày đầu tiên là sinh viên tại trường”.

Theo Phương Thảo, để học tốt nhưng lại không cảm thấy áp lực thì nên tập trung nghiêm túc ngay từ lúc đầu, không để đến gần thi hay gần cuối một môn mới học thì lượng kiến thức rất lớn, dễ nản chí và không nhớ hết được chi tiết. Để làm được như thế thì cần tập trung hoàn toàn với các giờ học trên giảng đường, chỗ nào chưa rõ, chưa hiểu thì trao đổi luôn với các thầy cô. Điều đó sẽ giúp sinh viên hiểu sâu và nhớ lâu hơn.

Ngoài ra, việc thực hành, áp dụng ngay kiến thức được học cũng là cách ghi nhớ kiến thức. Cứ như vậy thì kiến thức về lý thuyết sau mỗi lần vận dụng sẽ được nhớ và hiểu thêm.

Theo Phương Thảo, một trong những kỹ năng cần thiết để kiểm tra, trau dồi kiến thức cần có ở môi trường đại học là làm việc nhóm.

“Theo em ngoài việc chúng ta tự học, bản thân cố gắng, học những người thầy định hướng tốt thì nên học ở các bạn có cùng chí hướng và quan điểm.

Em có một nhóm bạn luôn giúp đỡ nhau trong quá trình 4 năm học tại trường và đến cả bây giờ thì nhóm vẫn đang tiếp tục giúp đỡ nhau trong cuộc sống khi đã tốt nghiệp.

Học nhóm giúp chúng ta bổ sung và hoàn thiện kiến thức của từng thành viên. Thí dụ ý tưởng của em tốt nhưng việc thực hiện không tốt thì có thể hoàn thiện bởi các ý kiến từ các bạn còn lại. Ngoài ra, việc trao đổi, thu nhận thông tin trong một nhóm bạn cũng giúp tính cách bản thân mỗi người được trau chuốt hơn, ứng xử hòa đồng cũng như tiếp thu những ý kiến xung quanh để hoàn thiện bản thân tốt hơn”, Thảo chia sẻ.

Kỹ năng mềm tốt sẽ mở ra nhiều cơ hội

Theo Nguyễn Phương Thảo, đối với một sinh viên khi học tập tại trường thì kiến thức sẽ quyết định được bạn sẽ xếp loại sinh viên nào. Nhưng đối với một sinh viên tốt nghiệp ra trường, ngoài kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thì kỹ năng mềm là một trong những yếu tố sẽ quyết định được bạn làm việc ở môi trường nào.

Phương Thảo cùng các bạn trong lớp. (Ảnh NVCC)

Phương Thảo cùng các bạn trong lớp. (Ảnh NVCC)

“Ở trong trường học, kỹ năng mềm đã được nhà trường và thầy cô chú trọng, luôn luôn nhắc nhở. Tuy nhiên em thấy đối với việc phát triển kỹ năng mềm, sinh viên chúng em vẫn còn bị động, chưa chủ động để có nhiều cơ hội cho mình.

Trên thực tế, khi các doanh nghiệp tuyển nhân sự, họ chỉ quan tâm là bạn sẽ làm gì được tại vị trí đó và sẽ đánh giá thái độ làm việc của người được tuyển dụng.

Nếu như chuyên môn tốt nhưng cách giao tiếp và thái độ làm việc không tốt thì sẽ thu hẹp cơ hội của chính bản thân mình”, Thảo tâm sự.

Lấy thí dụ từ chính công việc của mình sau khi tốt nghiệp, Thảo cho biết: “Hiện tại, em đang làm việc ở một ngân hàng lớn, thường xuyên tiếp xúc với khách hàng. Bản thân em vẫn đang luôn cố gắng trau dồi kiến thức cũng như các kỹ năng giao tiếp để vừa lòng khách hàng cũng như mang lại nhiều thuận lợi cho chính công việc của mình trong tương lai”.

Ngoài ra các kỹ năng như ngoại ngữ, tin học theo Phương Thảo thì luôn luôn cần bồi dưỡng để phù hợp với xu hướng thời đại cũng như yêu cầu, đòi hỏi của công việc và xã hội. Đồng thời bổ sung càng nhiều kỹ năng có ích với tinh thần ham học hỏi, luôn cố gắng, cầu thị thì sẽ không thiếu những cơ hội công việc tốt chờ đợi các bạn sinh viên.

Tốt nghiệp ra trường vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại và có rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thị trường việc làm cũng bị thu hẹp hơn so với khi không có dịch bệnh. Một công việc tốt, có thu nhập khá là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ tại thời điểm này.

“Em may mắn là đã tìm được công việc đúng ngành học ngay sau khi ra trường. Hiện tại để tìm một công việc ổn định đối với các bạn sinh viên mới tốt nghiệp là khá khó khăn bởi việc làm thì ít đi mà cử nhân rất nhiều, lại đúng vào thời điểm dịch bệnh vì vậy có rất nhiều bạn bè cùng học với em chưa tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp”, Thảo cho hay.

Tuy nhiên, Phương Thảo cho rằng, trong thời gian chờ ứng tuyển thì hãy cố gắng hoàn thiện tốt nhất các kiến thức chuyên ngành và kỹ năng cần thiết để tìm được công việc phù hợp ngay sau khi dịch bệnh có thể kiểm soát tốt và thị trường lao động hoạt động bình thường trở lại. Đối với các bạn đã có một công việc tốt thì hãy nhiệt tình hết mình và luôn trau dồi các kỹ năng để làm tốt hơn trong tương lai.

Cao Kim Anh