Nhà giáo Ưu tú gợi ý bài tập hữu ích để cả thầy và trò nghỉ Tết vui trọn vẹn

16/01/2023 06:29
Nhà giáo Ưu tú Tô Ngọc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phải làm sao để học sinh nghỉ Tết vui trọn vẹn và khi trở lại trường nhanh chóng bắt nhịp trở lại việc học, không quên kiến thức? 

Xuân về - Tết đến, là khoảng thời gian được nhiều mong chờ, nhiều niềm vui rạo rực với các thế hệ người Việt. Các em học sinh hân hoan phấn khởi vì sẽ được nghỉ Tết khá dài, từ 1 đến 2 tuần, tùy từng địa phương.

Nhưng nghỉ Tết và phải làm sao để khi trở lại trường, các em học sinh nhanh chóng bắt nhịp trở lại việc học? Làm cách nào để các em vui Tết trọn vẹn mà vẫn không quên đi kiến thức?

Nhiều thầy cô tâm huyết với nghề chắc chắn sẽ có nhiều phương cách hay để cùng học sinh vui đón Tết. Tôi xin được góp thêm những ý kiến vào kho giải pháp mà thầy cô đang vun đắp. Hi vọng đây cũng sẽ là cách thức hữu ích để thầy và trò cùng vui Tết hiệu quả.

Ảnh minh họa: nguồn baochinhphu.vn

Ảnh minh họa: nguồn baochinhphu.vn

Khi xuân về, không chỉ trẻ thơ, học sinh, sinh viên,… mà ngay cả những người lớn tuổi cũng mong có những ngày nghỉ thật an nhàn, vui vẻ trọn vẹn bên những người thân; đón nhận, trao đi những món quà ấm áp; có những ngày thăm hỏi, du ngoạn xuân; cũng có khi, chỉ đơn giản là ngồi trò chuyện, nghỉ ngơi bên chén trà, hay dự những buổi gặp mặt. Tất cả công việc, học hành… dường như được khép lại.

Trước xu hướng tâm lí đó, nhà trường và những thầy cô thường lo lắng học trò của mình sẽ xao lãng việc học, quên đi kiến thức và khi trở lại trường sẽ mất đi thời gian khá dài mới có thể bắt nhịp trở lại, nhất là các em học sinh tiểu học.

Khi vui Tết các em cần lưu ý điều gì?

Trước khi nghỉ Tết, thầy cô hãy thống kê các kiến thức trọng tâm cần ôn tập lại cho các em. Sau đó, thầy cô ghi ra giấy một cách ngắn gọn nhất (có thể là các từ khóa) để các em dễ nhớ những nội dung cần thiết ấy.

Thầy cô chỉ cho các em sự cần thiết của những kiến thức trong cuộc sống. Những kiến thức này sẽ được sử dụng lúc nào và cách thức sử dụng ra sao, nhất là trong dịp Tết. Thầy cô hãy dành thời gian khoảng 5, 10 phút để chỉ bảo các em (có thể dành trọn tiết sinh hoạt lớp, tiết ngoại khóa,…). Chẳng hạn như:

Với những kiến thức về vốn từ, ngữ pháp: Khi mua hoa, những vật dụng trang trí nhà cửa trong ngày Tết, các em cần hiểu nghĩa các từ đối (từ trái nghĩa, hoặc gần nghĩa, đồng nghĩa) để lựa chọn câu đối, câu thành ngữ hay phù hợp với gia đình, phù hợp với sự sung túc, phát triển trong năm mới.

Quan sát các cảnh vật trong ngày Tết như: cảnh nhà cửa, cảnh chợ Tết, cảnh công viên, cảnh sắc quê hương trong ngày Tết,…

Kiến thức Toán học cũng sẽ được kiểm chứng và vận dụng khi các em cắt đo giấy, làm hoa, trang trí các họa tiết trong nhà. Các kiến thức về tự nhiên xã hội, kỹ năng giao tiếp cũng sẽ được chỉ ra để các em lưu tâm.

Tất cả các hoạt động trong ngày Tết sẽ hỗ trợ tích cực trong việc phát triển ngôn ngữ, củng cố kiến thức của các em. Thầy cô hãy giới thiệu, lưu ý nhấn mạnh để các em ghi nhớ và trải nghiệm.

Những việc cần tránh tham gia trong ngày Tết

Bên cạnh những những điều cần lưu ý, thầy cô cũng hướng dẫn các em quan sát những việc làm cần tránh. Vì sao những việc ấy không được làm? Những từ ngữ cần dùng để thực hiện việc làm này là gì? Những từ ngữ kiến thức đã học, thầy cô đã chỉ có đúng và sát với thực tế chưa? Những từ ngữ nào mới lạ, chưa biết, chưa học?

Song song với việc làm trên, thầy cô cũng cần thống kê các kiến thức cơ bản nhất, trọng tâm nhất mà các em sẽ học sau Tết. Không được chỉ cho các em đây là kiến thức ở bài học nào hay sách vở gì. Vì khi nghe đến sách vở các em sẽ rất ngán, ngại.

Giáo viên cũng tuyệt đối không được dùng từ học bài, xem bài, làm bài tập vì các em phải được chơi Tết. Phải để các em được vui chơi, đón xuân theo khát vọng, mong chờ của các em.

Chúng ta hãy gắn kết việc chơi Tết với việc học thông qua những từ khóa gợi mở, thông qua những hoạt động các em sẽ làm. Chẳng hạn khi thăm ông bà dịp Tết: Các em hãy lựa chọn từ ngữ, câu nói hay để chúc Tết ông bà. Những câu nói nào được ông bà, cô bác khen? Vì sao? Những câu nói nào của ông bà, mọi người dành cho mà em thấy vui và hài lòng nhất? Vì sao? Các hoạt động nào không hay, không đẹp, và việc làm nào em không thích...? Vì sao?

Với những việc làm trên, thầy cô nhất thiết phải chỉ ra kế hoạch để các em khắc sâu và thực hiện. Như có "Ngày hội trưng bày kết quả, gặt hái đầu năm" chẳng hạn (thầy cô có thể nghĩ ra thêm tên gọi gì đó ra sao cho hay, hấp dẫn, thu hút).

Mẫu gợi ý về những nội dung vui và học trong ngày Tết.

Mẫu gợi ý về những nội dung vui và học trong ngày Tết.

Hoạt động vui – học kiểm tra kiến thức sau Tết

Tùy theo tình hình thực tế, tùy theo khả năng đặc trưng của lớp học, hay điều kiện riêng mà những ngày đầu tiên khi đi học trở lại sau nghỉ Tết, thầy cô tổ chức ôn tập cho các em bằng nhiều hình thức như: Ngày hội, hội thi, triển lãm,…

Ví dụ: Ngày hội chia sẻ các hoạt động ngày Tết mà em tham gia.

Để tổ chức được ngày hội này, thầy cô yêu cầu các em thực hiện trước bảng liệt kê các hoạt động ngày Tết mà các em đã trải nghiệm. Thầy cô có thể làm mẫu cho các em hoặc để các em tự trình bày cho phong phú. Các em sẽ ghi lại tất cả những việc đã làm vào tờ giấy (phải trình bày đẹp).

Học sinh lựa chọn vị trí trong lớp học để trưng bày và chia sẻ, trình bày những điều đã ghi lại từ trải nghiệm Tết của mình. Thầy cô, các học sinh trong lớp có thể yêu cầu học sinh trình bày chỉ ra (một hay vài) từ ngữ hay kiến thức đã vận dụng...

Hoặc có thể tổ chức hội thi: Chia sẻ những câu nói hay, kể những hoạt động ngày Tết hấp dẫn nhất đối với em….. Những hình ảnh đẹp (bằng cách chụp lại qua điện thoại) có thể gửi vào nhóm Zalo, Facebook,…

Những dặn dò lưu ý trên, thầy cô có thể gửi qua nhóm Zalo, Facebook,… cho các em hoặc yêu cầu các em ghi lại ngắn gọn, dễ nhớ và thực hiện trong kỳ nghỉ Tết.

Lưu ý các em: Trong Tết, các em nên tranh thủ ghi lại yêu cầu của thầy cô, còn đến những ngày chính Tết thì có thể dành mỗi buổi tối để ghi lại những hoạt động hay, ý nghĩa phù hợp với yêu cầu mà thầy cô dặn.

Nhà giáo Ưu tú Tô Ngọc Sơn