Nhầm lẫn kinh phí góp tự nguyện và nguồn vận động XHH dẫn đến chi không phù hợp

23/10/2022 06:46
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số đơn vị chưa phân biệt được kinh phí nào là từ nguồn đóng góp tự nguyện và nguồn vận động XHH nên thực hiện các nội dung chi không phù hợp.

Trong bối cảnh năm học mới 2022-2023 diễn ra được hơn một tháng, vấn đề nóng liên quan đến các khoản thu đầu năm, việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018,... nhận rất nhiều được sự quan tâm của dư luận xã hội.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng cho biết, hàng năm thông qua Hội nghị hướng dẫn công tác kiểm tra, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai, quán triệt các văn bản hướng dẫn về công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các văn bản hướng dẫn của địa phương.

Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Ảnh minh họa: Hoài Ân
Ảnh minh họa: Hoài Ân

“Các hoạt động thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó, chú trọng một số nội dung trọng tâm cần thực hiện trong các năm học qua, như: việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, lựa chọn sách giáo khoa, việc thu, chi các khoản, hàng năm.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn đến tất cả đơn vị trường trực thuộc công tác kiểm tra nội bộ hàng năm, trong đó chú ý triển khai, quán triệt đầy đủ văn bản của các cấp đến tất cả đơn vị trực thuộc”, vị này cho hay.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm 2021 đến nay, Sở đã tiến hành 6 cuộc thanh tra, kiểm tra tới 7/11 phòng Giáo dục và Đào tạo, cùng 3 đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Qua kiểm tra, nhìn chung đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được phân công dạy các lớp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều đạt trình độ chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019 và được tham gia đầy đủ các khóa tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018;

Trong đó, phần lớn giáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, kinh nghiệm giảng dạy phong phú; có kỹ năng áp dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy. Cán bộ quản lý và giáo viên, luôn có tâm thế chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, thực tế đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học vẫn thiếu; vẫn còn một ít giáo viên chưa quen với việc dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh để hướng tới đạt được mục tiêu đổi mới.

Hiện nay, các khối phòng phục vụ học tập, khối phòng hành chính quản trị, khu đất làm sân chơi, bãi tập, khu vệ sinh giáo viên, học sinh, hệ thống cấp thoát nước,... đáp ứng tương đối đầy đủ ở các trường. Thiết bị dạy học được trang bị đảm bảo chất lượng hiệu quả giảng dạy đối Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Kế hoạch tiếp nhận tài trợ, xã hội hóa chưa được xây dựng cụ thể

Đặc biệt, liên quan đến việc thực hiện chỉ đạo Nghị quyết số 41/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện 2 cuộc thanh tra, kiểm tra các nội dung về hoạt động thu, chi đầu năm học; Việc thực hiện tiếp nhận tài trợ, xã hội hóa giáo dục và khoản kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

“Qua 2 cuộc thanh tra việc thực hiện các khoản thu đầu năm học tại một số đơn vị trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, đoàn thanh tra của Sở thấy rằng tất cả các đơn vị được thanh tra thực hiện thu các khoản theo quy định, không có trường hợp thu ngoài quy định.

Về việc thực hiện tiếp nhận tài trợ, xã hội hóa giáo dục, đa phần các đơn vị đã thực hiện đúng các quy định về thực hiện tiếp nhận, xã hội hóa giáo dục, chẳng hạn, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch trước khi tiếp nhận tài trợ, xã hội hóa, thành lập tổ tiếp nhận và thực hiện công khai đến toàn thể giáo viên, nhân viên, phụ huynh.

Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn một số đơn vị chưa phân biệt được kinh phí nào là khoản phí thu từ nguồn đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh cho hoạt động của cha mẹ học sinh và Ban đại diện cha mẹ học sinh, kinh phí nào là khoản phí từ nguồn vận động xã hội hóa của nhà trường nên dễ dẫn đến hiểu nhầm và thực hiện các nội dung chi không phù hợp; đồng thời, kế hoạch tiếp nhận tài trợ, xã hội hóa chưa được xây dựng cụ thể”, vị đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng cho biết.

Liên quan đến các khoản kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, thông tin với phóng viên, vị này cho biết kết quả kiểm tra cho thấy các đơn vị đều thực hiện đảm bảo theo quy định Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh; khoản thu của Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ phục vụ cho các hoạt động của học sinh, Ban đại diện cha mẹ học sinh có phân công thủ quỹ, kế toán phụ trách công tác thu, chi của Ban.

“Qua thanh tra, đoàn thanh tra đã hướng dẫn, nhắc nhở và yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc quy định về các khoản thu đầu năm học, khoản tiếp nhận tài trợ, xã hội hóa và thực hiện công khai kịp thời, đúng đối tượng”, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng cho biết.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng đã ban hành một số văn bản hướng dẫn công tác kiểm tra giáo dục, cụ thể:

- Công văn số 2162/SGDĐT-TTr ngày 11/10/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nội bộ năm học 2021-2022.

- Công văn số 2109/SGDĐT-TTr ngày 03/10/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nội bộ năm học 2022-2023.

Doãn Nhàn