Nhận hỗ trợ 4,75 triệu/tháng, lưu học sinh Lào có tháng chi tiêu thừa 1,5 triệu

12/03/2024 10:12
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Các lưu học sinh Lào cho hay, với mức hỗ trợ 4,75 triệu đồng/tháng hiện nay với họ đủ để chi tiêu, có người chi tiêu thừa 1-1,5 triệu đồng/tháng.

Tháng 12/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 75 hướng dẫn quản lý kinh phí đào tạo cho lưu học sinh Lào, Campuchia (diện Hiệp định) học tập tại Việt Nam sử dụng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam. [1] (Thông tư 75 thay thế cho Thông tư 24/2018/TT-BTC)

Kể từ tháng 1/2024, lưu học sinh Lào, Campuchia học tập tại Việt Nam sử dụng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam được tăng khoản hỗ trợ như kinh phí đào tạo, chi sinh hoạt phí, hỗ trợ trang cấp ban đầu, hỗ trợ chi phí đi lại.

Trong đó, đối với lưu học sinh hệ đại học (hệ đào tạo dài hạn) được nhận mức sinh hoạt phí là 4.750.000 đồng/tháng. Trước đây, theo Thông tư 24/2018/TT-BTC, đối tượng này được nhận hỗ trợ mức sinh hoạt phí là 3.630.000 đồng/người/tháng. [2]

Liên quan đến nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với các lưu học sinh Lào đang học hệ đại học.

Anh Souksamlan Boutdakkang (lưu học sinh Lào, sinh năm 1989) hiện đang là sinh viên năm 2 ngành Chính trị học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ, trước khi sang Việt Nam, anh làm nhân viên y tá cho trung tâm y tế tuyến huyện. Anh được đơn vị cử đi học và trong quá trình học tập tại Việt Nam, anh vẫn được nhận hỗ trợ lương cơ sở khoảng 2 triệu kíp/tháng.

gdvn_luu-hoc-sinh-lao-.jpg
Anh Souksamlan Boutdakkang. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, hằng tháng anh được nhận mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt từ Chính phủ Việt Nam.

"Kể từ tháng 1/2024, tôi được nhận tăng mức hỗ trợ sinh hoạt phí từ 3.630.000 đồng/tháng lên 4.750.000 đồng/tháng. Với mức hỗ trợ mới, tôi chi tiêu vẫn thừa tiền", anh Souksamlan Boutdakkang cười nói.

Anh Souksamlan Boutdakkang cho hay, anh và các bạn lưu học sinh Lào ở tại khu ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chi phí tiền điện, nước, chỗ ở của lưu học sinh được miễn phí. Tại nơi đây, ở mỗi tầng, có khu nấu ăn riêng, thuận lợi cho người học.

"Nếu chúng tôi không nấu ăn, có thể đi ăn cơm quán ở ngoài hoặc ở nhà ăn trong ký túc xá. Tôi thường ăn suất cơm khoảng 30 nghìn đồng", anh Souksamlan Boutdakkang chia sẻ.

Souksamlan Boutdakkang chia sẻ thêm, mức chi tiêu mỗi ngày của anh dao động trên khoảng 100.000 đồng. Nếu như trước đây, anh được nhận mức hỗ trợ 3.630.000 đồng/tháng, thì có tháng gia đình vẫn phải gửi thêm tiền cho anh.

"Việc tăng mức hỗ trợ là phù hợp khi mức phí sinh hoạt tăng, điều này giúp cho lưu học sinh yên tâm học tập", anh Souksamlan Boutdakkang cho hay.

Ngoài chi phí ăn uống, khi có nhu cầu đi lại ở Thủ đô Hà Nội, anh thường gọi xe ôm để đi vì đường phố đông đúc, nhiều tình huống giao thông phức tạp.

gdvn_ky-tuc-xa-hoc-vien-bao-chi-va-tuyen-truyen (1).jpg
Khu nhà ở của lưu học sinh Lào. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Chia sẻ về việc học tập, Souksamlan Boutdakkang nói, trong lớp của anh có 18 lưu học sinh Lào, trước khi vào học cùng các sinh viên Việt Nam, lưu học sinh phải học tiếng Việt.

Ngày đầu tiên đến lớp, ngồi học cùng các bạn sinh viên lứa tuổi mười tám, đôi mươi, khiến anh Souksamlan Boutdakkang ngại ngùng, không tự tin trò chuyện. Đây cũng là rào cản với lưu học sinh nhiều tuổi, bên cạnh đó là phải đọc thông, viết thạo tiếng Việt.

Trong quá trình học tập, các bạn sinh viên Việt Nam đã giúp đỡ lưu học sinh Lào, tạo sự hòa đồng cho lớp học.

Souksamlan Boutdakkang nói, trước đây anh là cử nhân ngành y tại một trường đại học ở Huế. Khi đó, anh học với các bạn cùng lứa tuổi, dễ tiếp xúc, trò chuyện hơn.

Về tương lai khi học xong ngành Chính trị học, anh Souksamlan Boutdakkang sẽ quay trở về quê hương công tác. Hiện anh đã có vợ và ba người con.

Chia sẻ thêm về việc học tập tại Việt Nam, Tulaphone - lưu học sinh Lào là sinh viên năm ba ngành Y - Dược, Trường Đại học Tân Trào cho biết, cô vượt qua kỳ thi với ba môn gồm Toán, Văn và Hóa để được trúng tuyển sang Việt Nam học tập theo chương trình hợp tác giữa tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Xiêng Khoảng. Sau khi sang Việt Nam, Tulaphone được học tiếng Việt trong 1 năm để đảm bảo điều kiện tham gia xét tuyển vào các ngành học tại Trường.

Tulaphone cùng các bạn lưu học sinh Lào được bố trí ở miễn phí tại ký túc xá của nhà trường.

"Chi phí sinh hoạt hằng tháng của tôi giao động khoảng 2-3 triệu đồng", Tulaphone cho biết trong trường hiện có gần 40 lưu học sinh Lào. Trường có thư viện và khu hoạt động thể dục, thể thao khá rộng rãi nên rất thuận lợi cho các lưu học sinh tổ chức các hoạt động chung.

Về việc tăng mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt hằng tháng, Tulaphone cho biết, bản thân cô cảm thấy rất vui khi được sự ưu ái, đãi ngộ chính sách của nhà nước Việt Nam.

Với số tiền 4.750.000 đồng/tháng, Tulaphone có thể dành dụm tiết kiệm hơn 1 triệu đồng/tháng nếu không chi tiêu nhiều. Trước đây, khi chưa tăng mức hỗ trợ, nữ sinh từng có tháng phải xin thêm tiền của bố mẹ từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng.

Tulaphone dự định sau khi tốt nghiệp, cô sẽ về nước để kiếm việc làm.

Chia sẻ về việc lựa chọn ngành Y - Dược, Tulaphone cho biết, cô lựa chọn theo định hướng của người bố đang là bác sĩ làm trong bệnh viện tỉnh, còn mẹ của cô là giáo viên.

"Tương lai, tôi sẽ đi làm một đến hai năm để được cấp giấy phép mở quầy thuốc riêng. Tại Lào, người bán thuốc sẽ cấp phát thuốc cho người bệnh theo đơn thuốc, hoặc kê đơn theo người bệnh kể bệnh tình", Tulaphone nói.

gdvn_sv-lao-truong-dai-hoc-tan-trao.jpg
Tulaphone chia sẻ, cô từng có nhiều kỷ niệm đẹp khi học tập, sinh hoạt tại Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Nhớ về kỷ niệm trong quá trình học tập, sinh sống ở Việt Nam, Tulaphone cho hay, bản thân cô có khá nhiều kỷ niệm đẹp, đó là những buổi tổ chức giao lưu văn hoá, ẩm thực Việt- Lào với các bạn sinh viên Việt Nam, 2 nước khá giống nhau về khẩu vị ăn uống như có những bạn Việt Nam thích ăn đồ cay, nhưng điểm khác nhau là cách chế biến món ăn.

Với bản thân Tulaphone, cô phải mất một thời gian để làm quen với đồ ăn tại nơi đây.

"Tết của người Lào vào tháng 4 (Dương lịch). Vào dịp Tết, người Lào cũng đi chúc tết nhau và sum vầy cùng nhau bên mâm cơm, đi chùa chiền, đồng thời ngày tết cũng có lễ hội té nước.

Tôi có một lần ăn tết tại Việt Nam do dịch Covid-19 bùng phát, không về được nước. Nhà trường cũng tổ chức cho sinh viên các hoạt động đón tết tại trường", Tulaphone chia sẻ.

Thầy Trần Quang Huy (Trưởng phòng Quản lý Sinh viên Trường Đại học Tân Trào) cho hay, nhà trường hiện có 36 lưu học sinh Lào tại các ngành đào tạo của nhà trường.

Kể từ ngày 1/1/2024, các lưu học sinh được tăng mức hỗ trợ sinh hoạt phí lên 4.750.000 đồng.

"Đối với sinh viên Lào, ngoài các chính sách theo quy định, hàng năm, vào dịp Tết Việt Nam và Tết của Lào, nhà trường đều có quà cho các em và còn được nhận quà của Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Tuyên Quang và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang", thầy Huy chia sẻ.

Tài liệu tham khảo:

1) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Thong-tu-75-2023-TT-BTC-quan-ly-kinh-phi-dao-tao-cho-luu-hoc-sinh-Lao-va-Campuchia-tai-Viet-Nam-593535.aspx

2) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/tai-chinh-nha-nuoc/thong-tu-24-2018-tt-btc-huong-dan-quan-ly-kinh-phi-dao-tao-cho-luu-hoc-sinh-lao-campuchia-380037.aspx

Mạnh Đoàn