Nhân loại đã làm giáo dục nhân bản, khai phóng từ lâu rồi!

24/01/2017 07:30
Thùy Linh
(GDVN) - Mục đích của giáo dục, không phải để bắt buộc thế hệ hiện tại phải quy phục theo nhưng tư tưởng, ý chí của thế hệ trước, nhưng để soi sáng những điều này.

LTS: Mới đây, tại hội thảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và vận dụng vào điều kiện Việt Nam do Bộ GD&ĐT và Ngân hàng Thế giới tổ chức, Tổng chủ biên chương trình GS.Nguyễn Minh Thuyết đã công bố những điểm mới về hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới

Điểm mới nhất của định hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới là sự phân biệt giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp.  

Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung (Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục – IRED) xung quanh những điểm mới trong định hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Tổng chủ biên nêu ra. 

Phóng viên: Theo Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới mục tiêu hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, với triết lý giáo dục là thực học – thực nghiệp và đảm bảo tính dân chủ. Ông nghĩ sao khi chúng ta xác định rõ ràng “Triết lý giáo dục”? 

Là người nghiên cứu nhiều về giáo dục các nước hiện đại như Pháp, Phần Lan, ông đánh giá thế nào về triết lý giáo dục này? 


TS.Nguyễn Khánh Trung
: Tinh thần mà GS. Nguyễn Minh Thuyết nói về Chương trình tổng thể mới mà tôi biết được qua báo chí nghe có vẻ mới mẻ với nền giáo dục nước ta chứ thực tế các nước phương Tây họ đã xác định điều này như triết lý giáo dục, như mục tiêu nhắm tới của nền giáo dục từ lâu, có lẽ là từ thế kỉ Ánh sáng (thế kỉ 18) đến nay. 

Đó là tư tưởng của các triết gia lớn như Rousseau, Kant, Condorcet và sau này là các nhà tư tưởng, các nhà thực hành giáo dục lớn chẳng hạn như Montessori, Piaget, Dewey, Freinet,...  

Tuy mỗi nhân vật có một đường hướng, nhấn mạnh một khía cạnh đặc biệt khác nhau, nhưng dường như người sau thừa hưởng những thành tựu của người trước và ai cũng nhấn mạnh đến tinh thần giáo dục khai phóng con người, hướng đến đào tạo mẫu người tự chủ, tự trị và phát triển.

Nhân loại đã làm giáo dục nhân bản, khai phóng từ lâu rồi! ảnh 1
Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung (Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục – IRED) (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tôi tâm đắc với lời phê phán của triết gia Rousseau khi nói về nền giáo dục khi ông còn sống và tôi ngỡ như câu nói ấy rất đúng với nền giáo dục Việt Nam hiện nay. 
Quả thực với phương pháp này các vị (giáo viên, phụ huynh) sẽ khiến nó (trẻ em, học sinh) u mê đần độn, nếu các vị luôn luôn chỉ huy nó, luôn luôn bảo nó: đi đi, đến đây, ở lại đó, làm cái này, đừng làm cái kia. Nếu đầu của các vị luôn luôn dẫn dắt các cánh tay của nó, thì đầu của nó thành ra vô dụng với nó”, triết gia Rousseau nói. 

Hay triết gia Condorcet đã phát biểu trước Quốc hội Pháp vào thời của ông ấy rằng: 

Mục đích của giáo dục không phải làm cho con người quy phục nền hiến pháp đã có sẵn, nhưng làm cho họ có khả năng nhận xét và sửa đổi nền hiến pháp đó, không phải để bắt buộc thế hệ hiện tại phải quy phục theo những tư tưởng, ý chí của thế hệ trước, nhưng để soi sáng những điều này nhằm mục đích làm cho mỗi người ngày càng xứng đáng với phẩm giá, và dùng lý trí của riêng mình để tự điều chỉnh lấy bản thân".

Có thể nói, tinh thần giáo dục khai phóng nói trên đã làm nên sự phát triển về mọi mặt tại các quốc gia phương Tây cũng như tại những quốc gia nào biết học hỏi áp dụng tinh thần này. 

Nhân loại đã làm giáo dục nhân bản, khai phóng từ lâu rồi! ảnh 2

GS. Phạm Minh Hạc: Nước ta muốn phát triển thì phải đưa trẻ lên lớp dạy cả ngày

(GDVN) - Trong định hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới đã nêu 3 năm là định hướng nghề nghiệp nhưng thiếu đi phần quy định bậc phổ thông là 9 năm.

Bởi suy cho cùng, con người luôn là yếu tố quyết định sự phát triển, mà chất lượng con người chủ yếu lại được quyết định bởi chất lượng giáo dục (gồm cả giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội). 

Quốc gia không thể hùng cường, mạnh mẽ và thực sự có tự chủ, nếu các công dân của quốc gia đó không có năng lực, thiếu mạnh mẽ trong tính cách và thiếu khả năng tự chủ về trí tuệ, về thể chất và tinh thần. 

Tôi nghĩ tinh thần giáo dục nói trên là hoa trái của những suy tư giàu hàm lượng lý tính, được đúc kết từ những trải nghiệm thực tế, từ kết quả của nhiều công trình nghiên cứu.

Đó là thành quả chung của nhân loại, nó đã được chứng minh bằng thành tựu phát triển ở các quốc gia biết đề cao tinh thần này. 

Việt Nam chúng ta bước đi sau, đáng lẽ ra chúng ta đã phải tận dụng các thành quả này từ lâu nhưng đến bây giờ chúng ta mới nói đến, mới thể hiện được một phần trong dự thảo.

Tuy nhiên, tôi rất vui khi thấy được những tín hiệu tích cực được “phát” ra từ vị Tổng chủ biên của dự thảo chương trình. 

Theo tôi, chúng ta không có con đường nào khác ngoài việc trở lại với đường đi chung của nhân loại tiến bộ nếu thực sự mong muốn kiến tạo một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Là một chuyên gia giáo dục, tiến sĩ nhận định như thế nào về định hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Ban biên soạn đưa ra?


TS.Nguyễn Khánh Trung: Vì nguyên văn dự thảo chương trình mới chưa được công bố cụ thể nên tôi chưa có căn cứ để bình luận về nội dung. 

Tuy nhiên tôi thấy, những lần trước khi các nhà soạn thảo đã không đưa ra được một triết lý thuyết phục, một mục tiêu giáo dục quốc gia, một “hình ảnh lý tưởng của người học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông” cụ thể phải là thế nào, nên đã không thuyết phục được mọi người. 

Nhân loại đã làm giáo dục nhân bản, khai phóng từ lâu rồi! ảnh 3

Chuyên gia băn khoăn về cách ghép môn trong chương trình giáo dục phổ thông mới

(GDVN) - Cơ sở lý thuyết nào sẽ là nền tảng cho sự tồn tại của môn học Lịch sử và Địa lý? Cơ sở nào để ghép hai môn học này lại làm một?...

Nên lần này đã có mục tiêu giáo dục đưa ra tiến bộ, mang hàm lượng lý tính cao, thuyết phục được mọi người, do vậy nếu các nhà xây dựng chương trình có sự nhất quán đi từ mục tiêu đến nội dung một cách mạch lạc, thì tôi nghĩ nội dung cũng sẽ tiến bộ. 

Bởi tôi thấy cách làm chương trình giáo dục quốc gia của các nước có nền giáo dục phổ thông phát triển như Phần Lan chẳng hạn, họ dành nhiều công sức đầu tư vào việc định nghĩa, mô tả mục tiêu giáo dục quốc gia, hình ảnh lý tưởng của người trẻ mà hệ thống giáo dục của họ lấy làm đích hướng đến, từ đó họ xác định mục tiêu của từng cấp học, từng lớp học, từng môn học, từng hoạt động giáo dục một cách rất rõ. 

Tất cả những điều này phải nằm trên một lộ trình, liên hệ chặt chẽ với nhau. Đọc vào đó thì ai cũng nắm được, thấy tính khả thi và biết được phải làm thế nào và tại sao lại như vậy. Làm được tất cả những điều này rồi thì chuyện thiết kế nội dung sẽ trôi chảy.

Khác với dự thảo chương trình tổng thể được công bố năm 2015, dự thảo lần này không gộp Lịch sử và Địa lý vào thành môn Khoa học xã hội. Cấp THPT cũng không gộp Lịch sử vào môn học mới là Công dân với Tổ quốc. Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi này?

TS.Nguyễn Khánh Trung: Ở Pháp, trong chương trình giáo dục phổ thông mới (bắt đầu áp dụng từ năm học 2016 – 2017), tôi thấy họ gộp hai môn Sử và Địa vào chung và đặt trong nhóm “lĩnh vực 5” có tên gọi là “trình bày thế giới và các hoạt động của con người”. 

Tuy nhiên theo tôi, việc gộp hay không gộp hai môn này là vấn đề kỹ thuật mà thôi. Bởi khi ta xác định mục tiêu giáo dục quốc gia rõ ràng và thuyết phục thì sẽ biết cách tổ chức các môn học thế nào để đạt đến mục tiêu đó một cách hợp lý nhất, và công việc này nên dành cho các nhà chuyên môn.

Nhân loại đã làm giáo dục nhân bản, khai phóng từ lâu rồi! ảnh 4

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Đã xác định được triết lý giáo dục phổ thông

(GDVN) - Theo GS.Nguyễn Minh Thuyết: “Phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới theo triết lý giáo dục là thực học – thực nghiệp và đảm bảo tính dân chủ”.

Tôi thấy vấn đề đáng nói hơn, đáng thay đổi hơn đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn nói chung và môn Sử nói riêng đang được giảng dạy ở ta hiện nay là hãy trả lại đúng vị trí và chức năng cho từng môn. 

Lịch sử là một môn khoa học. Mục tiêu của việc giảng dạy nó là trang bị cho học sinh những kiến thức và kỹ năng của một nhà sử học: biết đọc các sự kiện lịch sử trong thời gian và không gian của nó, biết các phương pháp sử học, biết thẩm định các tài liệu lịch sử… 

Còn ở ta xưa nay, việc dạy sử chỉ là việc chuyển tải một chiều và có tính áp đặt cho học sinh những kiến thức mang nặng tính xã hội chính trị có sẵn như những tín điều trong tôn giáo, chứ không phải là cách giảng dạy một môn khoa học thực sự. Tôi nghĩ đây mới là điều cần thay đổi chứ không phải là chuyện gộp lại hay chưa gộp.

Vậy Tiến sĩ có đề xuất, góp ý gì trước khi dự thảo lần 2 về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chuẩn bị được công bố?

TS.Nguyễn Khánh Trung: Để có một dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tốt thì tôi nghĩ trước hết hãy thành lập một Hội đồng cải cách giáo dục quốc gia độc lập với Bộ GD&ĐT, hội đồng này quy tụ các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà giáo các cấp, đại diện các phụ huynh, đại diện của thị trường lao động và đại diện các nhà hoạt động văn hóa và xã hội. 

Hội đồng này chịu trách nhiệm soạn thảo, sau đó là giám sát, đôn đốc, nghiên cứu điều chỉnh để công cuộc cải cách có thể đi đến đích.

Hội đồng đó cũng phải có một cớ chế làm việc mở sao cho báo chí và người dân có thể theo dõi, góp ý, phản biện để cùng nhau nhìn về một hướng và cùng hành động.

Vay 77 triệu đô la Mỹ cho đổi mới giáo dục Phổ thông và Quyền được thông tin

Một hội đồng độc lập như vậy sẽ tránh được sự khống chế, xô đẩy của các lợi ích nhóm khác nhau, và vì trong hội đồng có đại diện của các giới, các cấp khác nhau nên cũng có thể hạn chế bớt những bất cập, hay xa rời thực tế. 

Ngoài ra trong dự thảo cũng nên trình bày cả kế hoạch và lộ trình thực hiện, tính toán và có những giải pháp để giải quyết các lực cản đang rất nhiều hiện nay.

Nói chung, công cuộc đổi mới có thành công hay không trước tiên là tùy thuộc vào tầm nhìn, vào viễn kiến, vào cách tư duy, vào ý tưởng của những người chủ trương, sau đó là tùy thuộc vào kế hoạch, vào chiến lược hành động và cách thức tổ chức thực hiện thế nào. Bỏ qua khâu nào, hay giữa các khâu không ăn khớp với nhau đều có nguy cơ làm cho toàn bộ dự án không thành công.

Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ. 

Theo dự án, giai đoạn giáo dục cơ bản gồm các cấp tiểu học và THCS; còn giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp học THPT.

Trước đó, tháng 11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ GD&ĐT đã triệu tập một số chuyên gia nghiên cứu hoàn thiện dự thảo chương trình tổng thể. 

GS.Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội được chọn làm Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới.

Dự kiến, cuối tháng 1/2017, dự thảo chương trình tổng thể sẽ hoàn thành để xin ý kiến các chuyên gia giáo dục.

Đầu tháng 2/2017 sẽ trình Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình và tiếp tục hoàn thiện theo ý kiến hội đồng. Muộn nhất là tháng 3/2017 phải có chương trình tổng thể để biên soạn các chương trình môn học.

Thùy Linh