Chuyện du học sinh đi học tập tại nước ngoài và không quay trở về nước làm việc không phải chỉ mới xuất hiện, mà đây là thực tế có từ bao năm qua. Chỉ đến thời điểm này, khi câu chuyện 12/13 nhà vô địch Olympia đang làm việc và mong muốn được làm việc tại nước ngoài sau thời gian du học được dư luận quan tâm, người ta mới ngỡ ngàng về thực tế đáng buồn vẫn đang diễn ra lâu nay.
Tại sao các du học sinh không trở về nước?
Sau thời gian học tập và sinh sống tại nước ngoài, du học sinh hiểu rõ con đường nào tốt nhất để phát triển sự nghiệp bản thân, áp dụng những gì học được cho xã hội. Mặt khác, vấn đề quan trọng là lương, trợ cấp ở nước ngoài so với Việt Nam luôn có sự khác biệt.
Như chúng ta biết, đối với nhiều quốc gia như Mỹ, Singapore, Úc… sớm có chính sách thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới.
Tại Singapore, quốc gia được đánh giá là có chính sách thu hút nhân tài bài bản nhất trên thế giới coi việc thu hút nhân tài nước ngoài là chiến lược ưu tiên hàng đầu. Cựu thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu từng khẳng định nhân tài là yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và phát triển của nền kinh tế. Một loạt đãi ngộ dành cho nhân tài nước ngoài như cấp phép định cư lâu dài, chế độ cho người thân định cư cùng, trả lương cao hơn, trợ cấp đối với du học sinh…được áp dụng.
Ngay từ chiến tranh thế giới thứ II, nước Mỹ đã mở cửa chào đón các nhà khoa học, người tài từ khắp nơi trên thế giới về sinh sống. Dẫn tới hiện tượng “chảy máu chất xám”, hiện tượng di cư ồ ạt sang Hoa Kỳ.
Thử hỏi với chính sách mở cửa và ưu đãi như vậy, những người có tài năng cớ gì không lựa chọn? Chưa nói đến các du học sinh, sau thời gian học tập ở nước ngoài liệu có không lựa chọn mà trở về quê hương.
Ưu đãi vật chất, vì sao nhân tài vẫn không muốn về tỉnh?
(GDVN) - Chính sách ưu đãi, cửa mở rộng hết cỡ, nhưng nhân lực có chất lượng vẫn không muốn về các tỉnh công tác, lý do có thực sự ở chế độ vật chất?
Nhìn lại thực tế ở Việt Nam, vào khoảng thế kỉ 15, Thân Nhân Trung – tiến sĩ thời Lê đã từng có câu nói nổi tiếng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Ông khẳng định vai trò của người tài đối với sự hưng thịnh của một quốc gia dân tộc, việc chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo người tài chính là bồi đắp thêm cho nguyên khí quốc gia.
Vai trò của người tài đối với một quốc gia, dân tộc sớm đã được đúc kết từ lâu chứ không phải bây giờ mới có. Tuy nhiên, trải qua 6 thế kỷ từ khi câu nói của vị tiến sĩ này được biết đến, liệu Việt Nam đã thực sự là một quốc gia thu hút và coi trọng nhân tài?.
Chưa nói đến việc thu hút nhân tài nước ngoài, ngay đến nhân tài trong nước, muốn giữ chân họ cống hiến, phục vụ cho tổ quốc cũng là điều khó khăn. Bởi thực tế, Việt Nam đã có chính sách và điều kiện cho người tài phát triển hay có chăng vẫn kèm theo đó những thủ tục rườm rà, thói câu nệ của lối sống phương Đông, của quan niệm “đồng tiền đi trước”.
Ngay như việc sinh viên Việt Nam ra trường không xin được việc làm, bằng tốt nghiệp loại giỏi, lại xuất sắc mà vẫn phải chạy vạy khắp nơi để xin việc.
Như trường hợp thủ khoa tốt nghiệp đại học Giao thông vận tải năm 2013 La Văn Ngọ gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm việc sau khi ra trường. Liệu có mấy ai may mắn như Ngọ được Bộ trưởng Đinh La Thăng trực tiếp kí quyết định nhận về làm việc?.
Chưa nói đến việc muốn nghiên cứu khoa học thì cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu, muốn cống hiến cho cơ quan thì phải chịu sự “kèm cặp” của cấp trên đã, muốn thể hiện bản thân thì bị ghen ghét, đố kỵ…
Hay như dự án thu hút 600 trí thức trẻ vè làm Phó chủ tịch xã, sau thời gian cống hiến 5 năm, khi dự án kết thúc, họ sẽ đi về đâu?
Vấn đề cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng là “tiền lương”, liệu họ có được trả công xứng đáng với chất xám mà mình bỏ ra hay không?.
Thiết nghĩ không phải du học sinh, người tài không có lý tưởng cống hiến cho đất nước, cho quê hương mình mà giữa lý tưởng và thực tế là một khoảng cách rất xa.