LTS: Chuyển sang giáo dục theo tiếp cận năng lực là xu thế chung của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới khi bước sang thế kỷ 21.
Ở nước ta, bước chuyển này đang được thực hiện theo một tiếp cận từ trên xuống với các nghị quyết của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ và Bộ Giáo dục và đào tạo, liên quan đến đổi mới mục tiêu giáo dục, hệ thống giáo dục, chương trình giáo dục, cách dạy, cách học, cách đánh giá...
Tuy nhiên, kinh nghiệm chuyển đổi thành công của các hệ thống giáo dục chỉ ra rằng cần có sự phối hợp hài hòa giữa chỉ đạo từ trên xuống với tổ chức thực hiện từ dưới lên, trong đó nhà trường là đơn vị chính để hiện thực hóa các ý tưởng đổi mới.
Vì thế cần tái cơ cấu nhà trường trên 5 lĩnh vực chủ yếu là chương trình giáo dục, đội ngũ nhà giáo, công tác quản trị, công nghệ thông tin- truyền thông ICT và văn hóa.
Then chốt là đổi mới quản trị, với việc tập trung vào 5 nội dung cơ bản: xác lập cơ chế quản trị mới, xây dựng quan hệ phối hợp mới, hình thành cơ chế khuyến khích mới, chuyển sang phương thức quản trị mới, và tạo dựng nền tảng văn hóa mới.
Bài viết của TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến - Nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ làm rõ hơn về 5 nội dung cơ bản trên, Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Nhận thức lại sứ mệnh và mục tiêu của giáo dục
Từ cuối thế kỷ 20, đặc biệt với Báo cáo “Giáo dục: Một kho báu tiềm ẩn” của UNESCO, đã có sự nhận thức lại sứ mệnh của giáo dục với việc khẳng định: Giáo dục đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển liên tục của cá nhân và xã hội.
Như thế, giáo dục có sứ mệnh kép – đối với người học và đối với xã hội – trong mối tương quan bình đẳng và thống nhất. Giáo dục có sứ mệnh, không chỉ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội về dân trí, nhân lực, nhân tài, mà còn là, và nhiều khi chính là, phát triển nhân cách cho mỗi cá nhân.
Điều đó dẫn đến việc nhận thức lại mục tiêu của giáo dục. Ở đây, mục tiêu giáo dục được hiểu là cái mà giáo dục mong muốn đạt tới và cố gắng đạt tới để hiện thực hóa sứ mệnh của mình.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Như thế trong khuôn khổ của giáo dục truyền thống, mục tiêu giáo dục hoặc là sự phát biểu tường minh về yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội hoặc là sự chuẩn bị những con người hàng loạt cho nền sản xuất công nghiệp.
Đối với các hệ thống giáo dục đã chuyển sang mô hình giáo dục của thế kỷ 21, sự phát biểu về mục tiêu giáo dục chú trong tới cả yêu cầu đối với xã hội và cá nhân.
Chẳng hạn, mục tiêu giáo dục ở Úc là thúc đẩy sự công bằng xã hội và tính ưu tú, chuẩn bị để mọi thanh niên thành những người học thành công, những cá nhân tự tin và sáng tạo, những công dân hiểu biết và tích cực (Melbourne Declaration of Education Goals for Young Australians 2008).
Ở New Zealand, mục tiêu hàng đầu là đạt được những chuẩn mực cao nhất về kết quả học tập thông qua các chương trình giáo dục sao cho mọi học sinh, sinh viên phát huy được đầy đủ các tiềm năng cá nhân, đồng thời có được những giá trị cần thiết để trở thành các thành viên trọn vẹn của xã hội (New Zealand Ministry of Education 2004).
Ở nước ta, mục tiêu giáo dục cũng cần được nhận thức lại để bảo đảm rằng con người, với tư cách là sản phẩm của giáo dục, phải vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển kinh tế-xã hội. Yêu cầu phát triển nhân cách người học phải được đề cao.
Phát triển nhân cách người học là phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học để người học trở thành chủ thể trong việc kiến tạo đời sống của bản thân cũng như trong đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Yêu cầu này buộc giáo dục phải chuyển từ mô hình tiếp cận nội dung sang mô hình tiếp cận năng lực.
Giáo dục theo tiếp cận năng lực
Đây là mô hình giáo dục trong đó việc dạy, học, đánh giá và giải trình dựa trên những kết quả học tập đầu ra của chương trình giáo dục, tức là dựa trên những cái mà người học biết, hiểu và có thể thực hiện sau khi kết thúc một giai đoạn học tập hoặc một đơn vị học tập.
Về cơ bản các nhà giáo dục đồng thuận với một tiếp cận thực tế trong đó một năng lực được hiểu là một tổ hợp các kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để thực thi một nhiệm vụ cụ thể trong một bối cảnh cụ thể.
Với cách hiểu như vậy, nhiều hệ thống năng lực đã được đề xuất phù hợp với yêu cầu cụ thể về phát triển nhân cách người học của quốc gia hoặc khu vực.
Allan (2010) đã có công tập hợp 25 tài liệu và 2 cuốn sách liên quan đến các hệ thống năng lực cụ thể hoặc là áp dụng chung cho ngành giáo dục, hoặc áp dụng riêng cho giáo dục phổ thông, giáo dục đại học.
Con giáo viên: "Con không muốn nghèo như ba mẹ"
(GDVN) - Nhiều thầy cô bước ra khỏi cổng trường người làm tư vấn viên bảo hiểm, người bán hàng đa cấp, phục vụ tiệc cưới, thợ chụp hình, thậm chí là anh xe ôm...
Riêng với Việt Nam, trong khuôn khổ của chương trình nghiên cứu khoa học liên quan đến việc xây dựng chương trình GDPT sau 2015, nhóm nghiên cứu đã bước đầu xác định bộ năng lực chung cơ bản xuyên suốt chương trình GDPT, cùng các năng lực chuyên biệt thuộc lĩnh vực học tập hoặc môn học.
Các năng lực trên phải được xây dựng và phát triển trên cơ sở một nền móng vững chắc các kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết, tính toán và ICT.
Có thể mô tả đề xuất về hệ thống năng lực và kỹ năng cho GDPT Việt Nam sau 2015 trong sơ đồ 1 dưới đây (Đỗ Tiến Đạt và cộng sự 2013).
Đó cũng là các năng lực mà Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT hiện đang hướng tới trong việc xác định chuẩn đàu ra của chương trình giáo dục các cấp học.
Sơ đồ phát triển năng lực sau 2015. |
Đối với các nước đang phát triển thách thức cơ bản là ở chỗ khoảng cách lớn giữa hiện trạng giáo dục và tương lai mong muốn.
Các nước đang phát triển về cơ bản vẫn đang ở giáo dục truyền thống, với nhiều yếu kém, bất cập cả về quy mô, chất lượng, hiệu quả và công bằng xã hội.
Để không bị tụt hậu xa hơn về giáo dục trong một thế giới toàn cầu cạnh tranh cao, các nước đang phát triển cũng đang vận động trong làn sóng cải cách để hướng tới giáo dục của thế kỷ 21.
Theo nghiên cứu của Hargreves & Shaw (2006) thì khoảng cách phải vượt qua là rất lớn trong khi đó có hàng loạt rào cản về kinh tế, xã hội, văn hóa và giáo dục.
Đó là sự thiếu thốn của nguồn lực, sự yếu kém của hạ tầng cơ sở, sự lấn át của kinh tế phi chính thức, tình trạng nhũng nhiễu và tham nhũng, nạn thất nghiệp, cách làm ăn manh mún, giáo viên mất động lực, sự lạc hậu trong đào tạo giáo viên, sự yếu kém của hệ thống dữ liệu v.v…
Với hiện trạng như vậy, sẽ thực là sai lầm khi lấy giáo dục Phần Lan chẳng hạn làm mục tiêu phấn đấu, mà cần đặt giáo dục của nước đang phát triển trong tương quan so sánh với các nước đang phát triển khác để đặt ra hệ thống năng lực phù hợp với đòi hỏi cụ thể của sự phát triển kinh tế-xã hội.
Trên hết, như Báo cáo “Giáo dục và kỹ năng cho cuộc sống” của Pearson (The Economist Intelligence Unit 2014) đã chỉ ra, đối với các nước đang phát triển, trước khi tập trung vào các kỹ năng của thế kỷ 21, cần đảm bảo rằng đã trang bị cho người học các kỹ năng cơ bản một cách hiệu quả.
Ngoài ra, Hargreves & Shaw (2006) còn lưu ý đến các rào cản cần tập trung khắc phục, như sự lạc hậu và trì trệ trong các phương pháp sư phạm lỗi thời, sự chậm trễ trong vận dụng công nghệ hiện đại trong dạy và học, mặt tiêu cực và tính bảo thủ trong môi trường văn hóa truyền thống.
Đã đến lúc cần quan tâm đặc biệt đến một tiếp cận từ dưới lên, tức là nhà trường trong việc tổ chức thực hiện các ý tưởng đổi mới. Nhà trường phải được tái cơ cấu, tức là đổi mới về tổ chức và hoạt động, để có thể thực hiện bước chuyển thành công sang mô hình giáo dục theo tiếp cận năng lực.