Huyền thoại đặc công rừng Sác: Đương đầu với thủy quái

01/05/2011 20:41
Trong suốt những năm chiến tranh đã có 3 chiến sĩ đặc công bị “thủy quái” ăn thịt và vô vàn trường hợp khác bị thương bởi loài cá hung hãn này.

Nguy cơ bị cá sấu rình rập không xa lạ gì với những đặc công rừng Sác.Trong suốt những năm chiến tranh đã có 3 chiến sĩ đặc công bị “thủy quái” ăn thịt và vô vàn trường hợp khác bị thương bởi loài cá hung hãn này.

>>Huyền thoại đặc công rừng Sác: Trận đánh "trảm tướng" Mỹ

Thà chết để bảo vệ tài liệu

Đến giờ, Thiếu tướng Trần Thành Lập còn nhớ như in cái ngày mà đồng đội của mình, đặc công Nguyễn Hữu Nghĩa hy sinh dưới nanh vuốt của cá sấu: “Hôm đó địch vây dữ quá, ta không thể đi thuyền như mọi ngày để đưa tài liệu cơ yếu cho cấp trên. Đoàn 10 Đặc công rừng Sác cử 3 đồng chí mang tài liệu vượt sông. Họ cột dây vào nhau và cùng bơi qua sông Lòng Tàu. Khi ra giữa dòng, đặc công Nguyễn Hữu Nghĩa phát hiện có cá sấu tấn công, anh bình tĩnh giật dây cảnh báo cho hai đồng đội biết và cởi dây để hai đồng đội thoát nạn, còn lại mình anh chống chọi với con thủy quái.

Anh rút dao găm và súng ngắn ra chiến đấu, tuy nhiên súng ngắn dưới nước không thể sử dụng nên chỉ còn dao găm. Sau một hồi vật lộn, sức anh đuối dần, biết không thể thoát được, anh đã tháo thắt lưng cột chặt mớ tài liệu quan trọng cùng với bọc tiền, 10 súng ngắn và 10 dao găm thả trôi theo dòng nước không cho cá sấu làm hỏng. 3 tháng sau, anh em đi tuần mới vớt được bọc tài liệu, tiền cùng vũ khí còn nguyên vẹn mà Nghĩa để lại”.

 

Đói khát, bom đạn cày xéo, chất độc hủy diệt không đáng sợ bằng sự rình rập của lũ cá sấu với đặc công rừng Sác.
Đói khát, bom đạn cày xéo, chất độc hủy diệt không đáng sợ bằng
sự rình rập của lũ cá sấu với đặc công rừng Sác.



Hay như trường hợp của đồng chí Mười Móc, khi phát hiện cá sấu, anh buộc chiếc đèn bin vào bắp đùi, con cá sấu lao tới cắn vào cả thịt lẫn xương đùi anh. Nén đau anh dùng dao găm đâm vào hốc mắt cá, khiến cá phải thả “miếng mồi” để thoát thân, vậy là đồng chí Mười thoát khỏi thần chết.

Còn vô vàn trường hợp chiến sĩ ta phải chiến đấu với thuỷ quái chứ không chịu khuất phục. Các chiến sĩ đặc công đã dùng nhiều cách để tiêu diệt cá sấu như dùng súng bắn, trong đó có cách nhử rất hữu hiệu là cột bộc phá nhỏ dưới bụng vịt, khi thấy vịt bơi cá sấu lao vào cắn sẽ bị nổ tung.

Nữ đặc công rừng Sác


Sống ở rừng toàn nước mặn, với nam đã khó khăn huống hồ là nữ. Nước ngọt không có để tắm giặt, gội đầu nên da dẻ lở loét, tóc rụng nhiều…Vậy nhưng các nữ đặc công rừng Sác vẫn sát cánh với những chàng trai ngày đêm bám trụ.

“Cả Đoàn 10 có 43 chiến sĩ nữ, họ cũng bơi giỏi không thua gì nam. Vượt lên khó khăn gian khổ, các chị vẫn chiến đấu ngoan cường không chịu khuất phục trước mũi súng viên đạn của kẻ thù. Nhiều chị đã hy sinh anh dũng, quyết không khai báo.

Khi giặc vào càn, anh em rút hết, chị Nguyễn Thị Dung tình nguyện ở lại để giữ chân địch. Bị bắn gãy chân, chị vẫn hiên ngang, không nghe theo lời dụ dỗ của địch. Địch đã xả đạn bắn và chị đã hy sinh.

Hay chị Nguyễn Thị Mến, đã có 3 con, khi tập kết ra Bắc, chị gửi các con ở lại và tình nguyện vào Nam chiến đấu. Khi địch tràn vào trạm quân y rừng Sác, chị cõng một thương binh chạy trốn, nhưng bọn địch đuổi kịp và xả hàng loạt đạn vào chị. Dù gục ngã, nhưng trên vai chị vẫn cõng người thương binh. Trong chiếc ba lô của chị, đồng đội tìm thấy 3 chiếc gối đang đan dở để gửi cho các con ở ngoài Bắc. “Chị ra đi khi chưa kịp hoàn thành ước nguyện”, giọng vị Tướng già trầm lại.

 

Ngày nay, rừng Sác đã trở thành một địa điểm du lịch thu hút nhiều khách du lịch.
Ngày nay, rừng Sác đã trở thành một địa điểm du lịch thu hút nhiều
khách du lịch.



Những con số và nỗi niềm của vị tướng già

Trong 9 năm chiến đấu, Đoàn 10 đã tham gia đánh 595 trận lớn nhỏ, diệt 6.200 tên địch; đánh chìm, cháy gần 700 tàu thuyền chiến đấu và vận tải, bắn rơi 29 máy bay. Đặc biệt, trong 2 lần đánh kho bom thành Tuy Hạ, đã phá hủy trên 110.000 tấn bom đạn; đốt cháy kho xăng Nhà Bè thiêu trụi hàng trăm triệu lít xăng dầu của địch.

Để có những thành tích đó, Đoàn 10 đã hy sinh tới 896 cán bộ chiến sĩ đặc công. Với những chiến công đó, ngày 23/9/1973, Đoàn 10 Đặc công rừng Sác được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân đân (AHLLVT). Đoàn 10 còn được tặng 2 Huân chương Quân công hạng 2 và 12 Huân chương Quân công hạng 3 cùng vô số huân, huy chương khác. 6 cá nhân của Đoàn cũng vinh dự được nhận danh hiệu AHLLVTND, 9 cá nhân khác được phong tặng danh hiệu Hành động Anh hùng…

Không thể kể hết các chiến công của đặc công rừng Sác. Điều đọng lại trong tâm trí, làm day dứt người tướng già Trần Thành Lập đến hôm nay là nhiều đồng chí, đồng đội của ông mãi mãi nằm lại rừng Sác. Chiến tranh qua đi 35 năm, nhưng vẫn còn hàng trăm hài cốt đặc công Đoàn 10 chưa tìm lại được. Do rừng Sác là địa bàn sông nước, qua thời gian bị xói mòn làm địa hình thay đổi nên khó tìm lại mộ các anh, chị. Giờ đây tại nghĩa trang của huyện Cần Giờ vẫn có những tấm bia mộ tưởng nhớ các anh, chị; mong các anh, chị được ấm lòng nơi chín suối.

Chia tay vị tướng già, cũng như ông, chúng tôi thầm mong mỏi một ngày nào đó, hài cốt của các chiến sĩ đặc công rừng Sác sẽ được đoàn tụ với gia đình.

(Theo VOV)