Nhận xét sách giáo khoa vô thưởng vô phạt thế này có nên tiếp tục thực hiện?

19/03/2023 06:34
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên cho rằng, việc tổ chức cho giáo viên góp ý sách giáo khoa như hiện nay thật sự là không cần thiết.

Năm nào cũng vậy, vào giữa tháng 3 giáo viên lại vùi đầu vào việc bình chọn sách giáo khoa cho năm học mới.

Một công việc mà theo đánh giá của nhiều thầy cô giáo chúng tôi là khá hình thức.

Những góp ý kiểu này, giáo viên thường gọi là "góp ý vô thưởng vô phạt" (ảnh tác giả)

Những góp ý kiểu này, giáo viên thường gọi là "góp ý vô thưởng vô phạt" (ảnh tác giả)

Những nhận xét sách giáo khoa vô thưởng vô phạt?

Mỗi giáo viên tiểu học phải góp ý ít nhất 27 đầu sách, có nơi thiếu giáo viên các môn Nghệ thuật, Thể dục, Tin học…giáo viên phải góp ý gần 40 đầu sách giáo khoa.

Giáo viên chỉ cần ghi chép ưu khuyết điểm của từng ấy cuốn sách giáo khoa cũng đã thấy một khối lượng công việc không nhỏ. Giáo viên khó có đủ thời gian đọc hết chứ nói gì đến nghiên cứu, nghiền ngẫm để tìm ra đâu là ưu, đâu là khuyết của từng trang, từng bài trong bộ sách để mà góp ý?

Đó là chưa nói đến việc, muốn xem từng cuốn sách giáo khoa để góp ý, phần đông giáo viên phải vào đường link để xem sách giáo khoa điện tử. Công việc này bắt buộc các thầy cô giáo phải ngồi vào máy tính.

Vậy thời gian nào thầy cô xem được sách để chọn? Trong khi, cả ngày ai cũng đi dạy, tối về còn biết bao công việc cần giải quyết, rồi gánh nặng mưu sinh cũng không thể lơi là.

Thực tế, không ít thầy cô làm công việc này cho xong bằng cách lên mạng kiếm tìm nhận xét của những đồng nghiệp nơi khác. Trường này xin trường nọ, người này copy của người kia để chép vào phiếu cho đủ và nộp.

Thế nên, những nhận xét của giáo viên ở nhiều trường học thậm chí ở nhiều địa phương sẽ na ná nhau. Với những góp ý chung chung, vô thưởng vô phạt liệu có thể giúp cải thiện được chất lượng các đầu sách?

Nhận xét sách ngốn bao nhiêu thời gian, công sức, tiền bạc?

Mỗi giáo viên được phát một xấp giấy ghi sẵn tên các đầu sách để nhận xét có độ dài khoảng 18 trang (9 tờ) giấy khổ A4. Nếu tính một trường học khoảng 40 giáo viên sẽ có 40 bộ giấy mà mỗi bộ có độ dày 18 trang. Tổng cộng số trang giấy đã in ra là 720 trang giấy (360 tờ).

Nếu tính một địa phương có khoảng 20 đến 30 trường tiểu học thì tiêu tốn trên 7 nghìn tờ giấy.

Vừa tốn giấy, tốn mực, tốn công in và giáo viên cũng mất nhiều thời gian để tìm kiếm nhận xét, để ghi vào giấy mang nộp.

Tổ chuyên môn, rồi nhà trường, cấp phòng, sở cũng mất công ngồi tổng hợp những nhận xét mà phần lớn là “vô thưởng vô phạt” để gửi đi.

Cách nào có được những nhận xét sách giáo khoa chất lượng?

Thứ nhất, cần tổ chức bình chọn sách giáo khoa đúng thời điểm (vào tháng 8 hàng năm khi giáo viên chưa phải lên lớp giảng dạy).

Thứ hai, ý kiến nhận xét theo tổ chuyên môn hoặc chung cả trường mà không nhất thiết phải từng giáo viên nhận xét như hiện nay.

Thứ ba, cần có chế độ trả thù lao xứng đáng cho giáo viên khi tham nhận xét về sách giáo khoa. Khuyến khích các nhà giáo đầu tư công sức để có những nhận xét chất lượng.

Thứ tư, Bộ cần mở thêm kênh góp ý tự do một cách công khai trên các cổng thông tin đại chúng để các nhà giáo tự do đưa ra những nhận xét của mình mà không yêu cầu phải ghi tên, ghi trường nơi giáo viên công tác.

Để có được một bộ sách giáo khoa đủ điều kiện đến tay giáo viên nhận xét thì bộ sách giáo khoa ấy đã phải trải qua cả một quá trình dài. Từ việc chọn người viết sách có uy tín, đến lọt qua các vòng thẩm định của những nhà chuyên môn có kinh nghiệm chắc chắn trong quãng thời gian không ngắn.

Bởi thế, việc yêu cầu giáo viên nhận xét ưu khuyết điểm vài chục cuốn sách giáo khoa (một cách chất lượng) trong một thời gian quá ngắn đúng vào thời điểm giáo viên còn bận rộn giảng dạy thì quả là một đòi hỏi quá sức.

Vì vậy, nhiều giáo viên cho rằng, tổ chức cho giáo viên góp ý sách giáo khoa như hiện nay thật sự là không cần thiết.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thảo Ly