Vietnamnet.vn tường thuật ý kiến của một đại biểu Quốc hội, rằng:
“Con em cán bộ lãnh đạo có sự trưởng thành và được các đại hội Đảng tín nhiệm, được tổ chức tín nhiệm giao những trọng trách thì đó là điều hạnh phúc của dân tộc, của Đảng…
Nếu con em cán bộ mà hư hỏng hết thì đó là điều bất hạnh”. [1]
Vị đại biểu ấy không đề cập chuyện “Con em nông dân, công nhân có năng lực, được tín nhiệm giao trọng trách cũng là hạnh phúc của dân tộc” hay “Con em dân thường mà hư hỏng cũng là bất hạnh” chỉ là do phóng viên không hỏi hay muốn “đề dành” nói vào thời điểm khác?
Nhắc lại chuyện cũ bởi gần đây lại thấy ở đâu đó có con em lãnh đạo mới 28 tuổi đã được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở hoặc 26 tuổi đã là Vụ phó thuộc Ban Chỉ đạo,…
Ảnh minh họa trên baogiaothong.vn |
Phía “cầm cân nảy mực” thì bảo việc bổ nhiệm là “đúng quy trình”, còn phía báo chí thì hình như chẳng mấy ai tin vào lời giải thích rất “đúng quy trình” của “quy trình”.
Nói đến hệ thống tổ chức các cơ quan công quyền của Việt Nam chắc hẳn cụm từ “Bộ, Ban, Ngành” ai ai cũng biết.
Chính phủ chỉ có 18 Bộ và 4 cơ quan ngang bộ, vị chi là 22, “Ban, Ngành” thì không đếm xuể, các tổ chức này trải khắp từ trung ương xuống địa phương, trong hệ thống lập pháp, hành pháp, tư pháp cũng như trong các tổ chức chính trị xã hội, đó là chưa kể đến các tổ chức “vô hình” có thời nở rộ như “Bộ tứ”, “Liên ngành”,… mà quyền lực thì lại rất “hữu hình”.
Nếu thống kê tiếp thì phải kể đến tổ chức mang tên “Ban chỉ đạo”, tổ chức này có khi hoành tráng như một Bộ về trụ sở và nhân sự có khi lại vô hình khiến dân chúng không biết sự tồn tại của nó là thật hay ảo.
Xin nêu một dẫn chứng, liên quan đến kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT, Thông tư quy định việc thành lập “Ban Chỉ đạo thi trung học phổ thông quốc gia” với thành phần:
a) Trưởng ban: Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo;
b) Phó Trưởng ban: Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (KTKĐCLGD), Vụ Giáo dục Đại học, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục thường xuyên; trong đó, Phó Trưởng ban thường trực là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
c) Uỷ viên: Lãnh đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo Cục An ninh Chính trị nội bộ, Bộ Công an;
d) Thư ký: Cán bộ, công chức các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cùng với Ban Chỉ đạo cấp Bộ đã thành lập 63 Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, như vậy ít nhất cũng có 64 “Ban Chỉ đạo”.
Điều khiến dư luận ngạc nhiên là cho đến nay, trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo người dân không thể tìm được Quyết định số 1277/QĐ-BGDĐT về việc thành lập “Ban Chỉ đạo” cấp quốc gia cũng như không tìm thấy Quyết định số 1733/QĐ-BGDĐT ban hành ngày 7/5/2018 “Về việc điều chỉnh, bổ sung thành viên Ban chỉ đạo…”!
Không thiếu chuyện các hợp đồng kinh tế được đóng dấu “Mật” hoặc có quy định “mật” như một số dự án BOT giao thông hoặc thương vụ mua bán một công ty truyền thông mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét.
Báo chí viết: “Thảo luận tại tổ về dự án Luật Lưu trữ sáng nay (12/11), một số vị đại biểu Quốc hội cho rằng hiện nay nhiều tài liệu được đóng dấu “mật” chỉ để đối phó với báo chí”. [2]
Vậy lý do mà Bộ Giáo dục và Đào tạo không công bố Quyết định thành lập và danh sách Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 là gì, có phải “chỉ để đối phó với báo chí” hay thực sự đó là bí mật quốc gia?
Với 64 Ban Chỉ đạo từ trung ương xuống tỉnh, lại thêm hàng trăm Ban chỉ đạo cấp huyện thế mà kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 vẫn xuất hiện hàng loạt sai phạm ở một số tỉnh đã bị Công an khởi tố vụ án và bị can.
Sai phạm đến mức chính Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng của bộ phải than là “hết sức xấu xí” [3] nói lên điều gì?
Cho đến giữa năm 2017, Việt Nam từng tồn tại ba “Ban Tây” là các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Lãnh đạo các ban này đều là cán bộ cao cấp, Phó ban và cán bộ chuyên trách tương đương cấp Thứ trưởng, Tổng Cục trưởng.
Ngày 25/10/2017, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa 12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW (Nghị quyết 18) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Nghị quyết nêu rõ: “Kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao theo hướng vừa bảo đảm quy định chung, vừa bảo đảm tính đặc thù nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng ở ngoài nước.
Chuyển Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về Ban Nội chính Trung ương và tổ chức lại cho phù hợp”.
Sau khi ngừng hoạt động, hàng loạt cán bộ ba ban này chưa biết đi đâu, về đâu và vì thế:
“Ban Tổ chức Trung ương cũng thống nhất đề nghị 3 Ban Chỉ đạo có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo Chính phủ tiếp tục cấp kinh phí chi trả lương, phụ cấp và kinh phí hoạt động thường xuyên đến khi giải quyết xong mọi công việc của các Ban Chỉ đạo (dự kiến hết tháng 6/2018)”. [4]
Tám tháng sau khi ban hành Nghị quyết 18, (từ tháng 10/2017 đến tháng 6/2018) Chính phủ vẫn phải “tiếp tục cấp kinh phí chi trả lương, phụ cấp và kinh phí hoạt động thường xuyên” cho số người đang “chưa biết sẽ làm gì” có cho thấy hiệu quả sử dụng tiền thuế của dân?
Vẫn biết giải quyết bộ máy nhân sự cồng kềnh, kém hiệu quả của hệ thống chính trị từ trung ương xuống địa phương không thể một sớm một chiều.
Việc giải thể ba Ban Chỉ đạo cấp trung ương nêu trên cho thấy quyết tâm rất cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong cải cách hệ thống chính trị và tinh giản bộ máy hành chính.
Vấn đề là quyết tâm ấy được các “Bộ, Ban, Ngành” và địa phương thực hiện thế nào?
Thành phố Cần Thơ, một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương có diện tích 1.407 km2, dân số khoảng 1,224 triệu người - xếp thứ 57/63 về diện tích và thứ 27/63 về dân số (Số liệu trong Báo cáo số 1809/BC-BTNMT ngày 15/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Một thành phố không lớn như Cần Thơ có thời kỳ có tới 109 “Ban Chỉ đạo”.
Từ năm 2007 - 2017, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã thành lập 302 Ban Chỉ đạo.
Tính đến cuối tháng 7/2017, thành phố còn 108 Ban Chỉ đạo đang hoạt động (gồm 15 Ban Chỉ đạo lĩnh vực nội chính, quốc phòng an ninh, tư pháp; 19 Ban Chỉ đạo lĩnh vực đô thị; 41 Ban Chỉ đạo kinh tế và 33 Ban Chỉ đạo khoa giáo văn xã).
Tại Đà Nẵng mới đây Ủy ban nhân dân thành phố đã thống nhất đề xuất của Sở Nội vụ tiến hành giải thể 69 Ban Chỉ đạo. [3]
Tỉnh Đồng Nai từng thành lập “Ban chỉ đạo giải cứu chuối”;
Tỉnh Bình Định từng có “Ban chỉ đạo giải cứu thịt heo cấp tỉnh và cấp huyện”;…
Sự tồn tại của các “Ban chỉ đạo” liệu có phải là nét “đặc sắc” của hệ thống cơ quan quyền lực Việt Nam thời hiện đại?
Có “ban” thỉ tất yếu phải có “bệ”, thế nên mới có chuyện từng xảy ra tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, có người không làm việc ngày nào vẫn được bổ nhiệm hàm Vụ phó.
Cũng trong ngành Giáo dục, có một tổ chức không mang tên “Ban chỉ đạo” mà là “Hội đồng”, đó là “Hội đồng chức danh giáo sư”.
Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tính đến hết năm học 2016-2017, cả nước có 235 trường đại học, học viện (170 trường công lập, 60 trường ngoài công lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài ).
Ngoài ra còn có 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ.
Với ba loại “Hội đồng chức danh giáo sư” trải đều ba tuyến là cấp cơ sở (trường, học viện), liên ngành và quốc gia, số “Hội đồng” đông gần bằng “quân Nguyên” này hoạt động thế nào trong năm 2018?
Nếu không bị dư luận phanh phui, hơn 40 người sẽ trở thành giáo sư, phó giáo sư trong kỳ xét duyệt năm 2018.
Qua ba cấp bình chọn vẫn để lọt những giáo sư, phó giáo sư “không đủ tiêu chuẩn” mà dân gian gọi là “giáo sư rởm” ấy không chỉ do thói gian dối của đương sự mà chắc chắn còn là lỗi của các “Hội đồng”.
Vậy có nên “chấm dứt hoạt động” của các “Hội đồng” ấy, trả cho các trường tự phong giáo sư cho mình?
Trong phạm vi quốc gia có nên chấm dứt truyền thống “sài hàng rởm, hàng kém chất lượng” là các giáo sư, phó giáo sư “lọt lưới” trong hàng chục năm qua, những người mang danh giáo sư, phó giáo sư nhưng hầu như chẳng bao giờ đứng trên bục giảng?
Dựa vào số liệu thống kê số lượng “Ban chỉ đạo” của Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, có ý kiến cho rằng cho đến năm 2017, mỗi tỉnh thành có ngót nghét 100 Ban chỉ đạo, [5] và như vậy cả nước có khoảng 6.300 Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, chưa kể các Ban chỉ đạo cấp trung ương.
Giả sử bình quân mỗi “Ban Chỉ đạo” chỉ có 5 thành viên thì hơn ba vạn “chiến binh” chỉ biết “chỉ đạo” ấy ngốn mất bao nhiêu ngân sách và làm lợi cho đất nước bao nhiêu tiền?
Trong khi đất nước phải gồng mình về lạm phát kinh tế, năm 2018 này có thể vượt 4%, bình quân mỗi người dân gánh trên vai 35 triệu đồng nợ công thì có vẻ những lạm phát khác như lạm phát giáo sư, tiến sĩ, lạm phát Ban chỉ đạo, lạm phát bằng rởm, lạm phát cấp phó,… lại chưa được quan tâm đúng mức.
Tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Thanh Hóa và một số tỉnh thành phố khác, việc giới thiệu, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo cấp sở, cấp huyện bao giờ cũng phải có ý kiến của các “Ban, Ngành” vậy mà vẫn xuất hiện hàng loạt cá nhân “tuổi trẻ tài cao” chỉ sau một thời gian ngắn là bị kỷ luật, cách chức hoặc hủy bỏ quyết định bổ nhiệm.
Nhiều “Ban” thế có phải là “hồng phúc của dân tộc”?
Tài liệu tham khảo:
[1] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/con-lanh-dao-lam-lanh-dao-la-hanh-phuc-cua-dan-toc-269501.html
[2]http://vneconomy.vn/thoi-su/nhieu-tai-lieu-dong-dau-mat-chi-de-ne-bao-chi-2010111201221858.htm
[3] http://congan.com.vn/tin-chinh/nhung-ca-nhan-tap-the-nao-bi-chi-dich-danh-sai-pham-diem-thi-tai-son-la_59178.html
[4] http://dantri.com.vn/xa-hoi/hang-chuc-can-bo-ban-chi-dao-tay-nam-bo-chua-biet-di-dau-ve-dau-20180416153955104.htm
[5] https://nld.com.vn/thoi-su/lam-phat-ban-chi-dao-20170826231515395.htm