Nhiều trẻ không có giấy khai sinh: Lo ngại thách thức khi phổ cập GDMN 3-5 tuổi

10/07/2024 06:26
Bích Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Một số ý kiến cho rằng, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi khó khả thi với khu vực vùng sâu vùng xa, nơi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết "Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi" để thông qua vào tháng 10 năm 2024. Đây là vấn đề mà ngành giáo dục địa phương, các giáo viên mầm non và người dân đang rất quan tâm.

Tuy nhiên, việc thực hiện phổ cập như thế nào để đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục của trẻ em giữa các vùng, đặc biệt là với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề cần lưu tâm. Với đặc thù của vùng dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nên công tác huy động trẻ mầm non ra lớp ở vùng khó luôn đặt ra nhiều thách thức.

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi nan giải ở vùng khó

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non thôn Păng Dê, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cho biết, thôn Păng Dê là thôn đặc biệt khó khăn của xã Bản Mù, cách trụ sở ủy ban nhân dân xã khoảng 8km, chủ yếu là đường đất nên đi lại bằng xe máy gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão. Các hộ dân phần lớn là dân tộc Mông với nghề nghiệp làm ruộng, làm nương.

păng dê bản mù.png
Cơ sở vật chất khó khăn ở Trường Mầm non thôn Păng Dê, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Ảnh: NTCC.

Những năm trở lại đây, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp của trường đạt 97-98%. Mặc dù là vùng cao có nhiều thôn bản lẻ nhưng phần lớn phụ huynh đã cố gắng vượt khó để đưa con tới trường. Nhưng vẫn còn một số khu vực cách điểm trường đến 10km, phụ huynh làm ăn xa nên gia đình không thể sắp xếp để đưa con em đi học được.

Cô Kim Oanh cho biết, phần lớn cán bộ, giáo viên mầm non ở thôn Păng Dê đều ủng hộ chủ trương phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi. Tuy nhiên, nếu thực hiện phổ cập cho trẻ 3-5 tuổi ở miền núi sẽ phát sinh nhiều khó khăn hơn vùng đồng bằng.

"Đối với công tác phổ cập cho trẻ 5 tuổi, các giáo viên đã cố gắng vận động cha mẹ học sinh đưa trẻ tới trường. Với học sinh 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1, phần đông phụ huynh có giải pháp gửi con tới ở nhà người thân gần trường để tiện đi học. Nhưng với trẻ 3- 4 tuổi chưa thể tự phục vụ bản thân nên rất khó gửi các con ở nhà người thân. Thực hiện được phổ cập sẽ đem lại nhiều kết quả tốt, nhưng ở vùng cao sẽ còn nhiều thách thức, khó triển khai thực hiện", cô Trần Thị Kim Oanh chia sẻ.

Dẫu vậy, cô Kim Oanh cũng khẳng định những lợi ích của việc phổ cập giáo dục mầm non. Trong công tác tuyên truyền, nhà trường đã vận động tất cả phụ huynh học sinh. Ủy ban nhân dân xã, chính quyền địa phương cũng đều vào cuộc để tuyên truyền về phổ cập giáo dục mầm non, giúp phụ huynh hiểu được quyền lợi mà trẻ được nhận khi đưa con em đến trường.

Cụ thể, khi đến trường, thầy cô giáo sẽ dạy tiếng Việt cho các em. Nhờ đó, học sinh sẽ tiếp thu được kiến thức, là tiền đề để theo học bậc tiểu học dễ dàng hơn, được chăm sóc theo khoa học, ăn uống điều độ và ngủ đúng giờ giấc.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ngọc Lan, bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cho biết, việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo gặp phải một số khó khăn do 100% hộ dân trên địa bàn là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo.

cô Hải.jpg
Cô Nguyễn Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ngọc Lan, bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: NVCC.

Đối với Trường Mầm non Hoa Ngọc Lan, tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi ra lớp đạt 70-80%. Do nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận người dân về tầm quan trọng của việc huy động trẻ ra lớp cũng như việc nâng cao chất lượng giáo dục và chuẩn bị các điều kiện để trẻ đi học lớp 1 đã ảnh hưởng đến tỷ lệ huy động trẻ.

Trường Mầm non Hoa Ngọc Lan nằm tại một trong những bon làng đặc biệt khó khăn của xã nên số lượng trẻ mầm non ra lớp khá hạn chế. Ngoài ra, công tác điều tra về phổ cập khá bất cập vì dân cư thưa thớt, gây khó khăn cho cán bộ đi điều tra.

Phòng học, cơ sở vật chất của trường cơ bản đã được đáp ứng, nhưng trang thiết bị dạy học và đồ chơi ngoài trời còn thiếu vì địa phương gặp khó khăn trong công tác xã hội hóa.

Theo cô Hải, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi ở địa bàn sẽ gặp khó vì đa số phụ huynh đưa con đi rẫy, đi nương thay vì đưa con đến lớp. Hiện nay, nhiều gia đình không có đủ kinh phí để hỗ trợ cho con ăn học tại trường hay đóng các khoản phí như tiền điện, tiền ga, tiền nước,… Nếu muốn vận động đưa trẻ tới trường, các chế độ, chính sách cho trẻ em cần phải đầy đủ, sâu sát với thực tế hơn.

Cũng theo cô Hải, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi khó có được kết quả khả quan như phổ cập với trẻ 5 tuổi. Với trẻ 5 tuổi, đa số gia đình muốn cho con đi học để con có bước chạy đà lên lớp 1. Nhưng với trẻ 3-4 tuổi, nhiều gia đình có suy nghĩ là cho trẻ đi học cũng được, không đi cũng được.

Ở vùng đồng bằng, thành phố, việc huy động trẻ đến trường ít khó khăn, nhưng vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số thì công tác phổ cập sẽ còn nhiều thách thức.

Khó khăn vì trẻ không làm giấy khai sinh

Cũng đồng tình với quan điểm này, cô Đỗ Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan, bon Bu Dăr Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cho biết, công tác phổ cập giáo dục mầm non đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuy Đức phổ biến rộng rãi tới tất cả các xã. Sau khi huy động, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%, tuy nhiên với trẻ 3-4 tuổi, tỷ lệ trẻ đến trường hiện chỉ đạt 80%.

Cô Đỗ Thị Oanh bày tỏ sự đồng tình với chủ trương phổ cập giáo dục mầm non, vì phụ huynh sẽ có nhiều thời gian để chăm lo cho kinh tế gia đình hơn, trẻ em sẽ được làm quen với nhiều kiến thức từ sớm, từ đó tạo nền móng vững chắc cho trẻ khi vào cấp tiểu học.

Tuy nhiên, huyện Tuy Đức là vùng đặc biệt khó khăn, đường đi lại phần lớn là đường đất. Đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, sự hiểu biết về giáo dục còn hạn chế. Từ đó dẫn tới việc huy động học sinh đến lớp gặp nhiều trở ngại. Giáo viên phải đi đến từng gia đình để động viên, tuyên truyền cho phụ huynh hiểu được ý nghĩa của chủ trương phổ cập.

Trong khi đó, cô Vàng Thị Thương, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Nàn Sín, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai chia sẻ, khó khăn lớn nhất ở xã Nàn Sín chính là nhiều trẻ em không làm giấy khai sinh.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là bố mẹ không có giấy tờ tùy thân và thuộc diện tảo hôn. Theo quy định, những cặp vợ chồng không có giấy đăng ký kết hôn vẫn được quyền khai sinh cho con và lấy theo họ mẹ. Tuy nhiên, do phong tục tập quán, nhiều người dân địa phương không đồng ý để con theo họ mẹ và không đăng ký khai sinh cho con.

nàn sín.jpg
Hoạt động dạy và học tại Trường Mầm non xã Nàn Sín, huyện Si Ma Cai, Tỉnh Lào Cai. Ảnh: NVCC.

Cô Thương cho biết, trẻ trong độ tuổi đến trường không có giấy khai sinh sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các em, nhất là trong việc được hưởng các chế độ và chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Không chỉ học phí, đồ dùng, sách vở học tập, các chế độ khác như chi phí sinh hoạt, thẻ bảo hiểm y tế học sinh cũng không được hỗ trợ.

Rõ ràng trong bộn bề bất cập đó, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi không phải là việc có thể nóng vội một sớm một chiều, mà phải được thực hiện từng bước, vững chắc và lâu dài với nhiều cách thức thay đổi phù hợp với từng vùng địa lý.

Cần có chính sách, chế độ tốt hơn cho giáo viên mầm non

Trong công tác phổ cập giáo dục mầm non, công việc của giáo viên mầm non khá vất vả, vừa nuôi dạy, vừa chăm sóc trẻ nhưng lương vẫn rất thấp. Ở vùng sâu, vùng xa, thực trạng giáo viên mầm non nghỉ việc, bỏ nghề ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối.

Cô Trần Thị Kim Oanh cho biết, giáo viên mầm non ở địa phương cũng nhận được nhiều chế độ, ưu đãi, đặc biệt là chính sách cho giáo viên mầm non dạy tại điểm lẻ của cơ sở giáo dục mầm non công lập ở thôn đặc biệt khó khăn như Păng Dê.

Tuy nhiên, cô Kim Oanh cũng chỉ ra bất cập ở chính sách hỗ trợ nơi ở, giáo viên tại điểm trường lẻ mới có chế độ hỗ trợ, còn giáo viên ở điểm trường chính không được hưởng. Vì nhiều ý kiến cho rằng giáo viên ở điểm trường lẻ sẽ cực khổ hơn, nhưng thực tế điểm trường chính ở nhiều nơi còn khó khăn hơn.

Điểm trường chính thôn Păng Dê nằm ở trung tâm xã, cách trung tâm huyện Trạm Tấu 12km. Còn hai điểm trường lẻ khác chỉ cách huyện 5km nhưng lại được hưởng chế độ hỗ trợ, trong khi giáo viên ở điểm chính cách huyện 12km lại không được hưởng.

Cũng theo cô Kim Oanh, mặc dù chế độ tiền lương của giáo viên mầm non đã được quan tâm nhưng vẫn còn ở mức thấp, chưa tương xứng với thời gian và công sức mà giáo viên bỏ ra, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ngọc Lan cho rằng cần ưu tiên và ban hành nhiều chế độ chính sách hỗ trợ hơn nữa cho con em người đồng bào dân tộc thiểu số, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ chơi ngoài trời để các giáo viên yên tâm công tác. Bởi hiện nay, nhiều giáo mầm non vừa phải chăm sóc, giáo dục trẻ vừa kiêm nhiệm thêm cả việc làm trang thiết bị dạy học nên rất vất vả.

MN MN HNL1.jpg
Các giáo viên Trường Mầm non Hoa Ngọc Lan, bon Bu Prăng 1, Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông tổ chức cho học sinh ăn liên hoan trung thu. Ảnh: NVCC.

Để triển khai tốt công tác phổ cập giáo dục cho trẻ 3-5 tuổi, cô Đỗ Thị Oanh đề xuất: Thứ nhất, cần có sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, đường xá đi lại cần bê tông hóa. Thứ hai, cần tuyên truyền cho phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của giáo dục mầm non với sự phát triển của trẻ. Thứ ba, cần hỗ trợ thêm về lương và phụ cấp đối với giáo viên mầm non. Bởi đặc thù làm việc của giáo viên mầm non rất vất vả, chính sách tiền lương hỗ trợ cho giáo viên còn thấp và chưa công bằng so với các cấp học khác.

Đối với những ngành nghề khác thường chỉ cần làm 8 giờ/ngày, nhưng đối với đa số giáo viên mầm non số giờ làm việc lên đến 10-11 giờ/ngày và phải chịu áp lực về mặt thời gian. Với một số điểm trường nằm ở vùng khó khăn, hiện tại giáo viên đang thiếu thiếu thốn cả về cơ sở vật chất và mức lương đảm bảo cho cuộc sống. Nếu không có thêm những chính sách động viên kịp thời, nhiều giáo viên có lòng yêu nghề, mến trẻ, tâm huyết với nghề sẽ khó có thể gắn bó.

Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Nàn Sín cũng chia sẻ quan điểm về tình trạng nhiều giáo viên nghỉ việc ở địa phương. Thông thường, giáo viên mầm non sẽ làm việc từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Nhiều giáo viên phải trông trẻ cả buổi trưa mà không có kinh phí hỗ trợ. Áp lực công việc của giáo viên mầm non lớn hơn mức lương được nhận rất nhiều.

Đối với những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, cô Thương mong muốn Nhà nước có thêm chế độ quan tâm hơn nữa đối với giáo viên mầm non. Qua đó, giáo viên mới có thể yên tâm công tác. Ngoài ra, cần điều chỉnh chế độ ăn trưa cho học sinh để các em có bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng hơn.

Về cơ sở vật chất, cô Thương mong muốn Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm, đầu tư các thiết bị, đồ dùng tối thiểu để trẻ em học tập, qua đó đảm bảo công tác phổ cập thành công.

Bích Ngọc