Để phổ cập giáo dục cho trẻ từ 3-5 tuổi cần sự chung tay của toàn xã hội

04/07/2024 08:49
Bích Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo GS.TS.NGND Nguyễn Thị Mỹ Lộc, việc đưa ra mục tiêu phổ cập có ý nghĩa rất tốt đẹp, nhân văn nhưng để đạt được mục tiêu sẽ có nhiều thách thức.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Nghị quyết về Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi để lấy ý kiến. Đây là nội dung mà ngành giáo dục địa phương, các chuyên gia giáo dục và người dân đang rất quan tâm.

Xuất phát từ tình hình thực tế, các chuyên gia, thầy cô đều cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết, bởi việc chăm sóc giáo dục đầu đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của con người.

Tuy nhiên, để tiến tới thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc từ các cấp quản lý tới từng gia đình, người dân.

Cần huy động nguồn lực của toàn xã hội

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho biết: Phổ cập tức là tất cả những ai ở trong độ tuổi sẽ được hưởng thụ chương trình giáo dục tương ứng với độ tuổi đó. Đây là điều nước ta đang phấn đấu để tất cả trẻ em được thụ hưởng một nền giáo dục công bằng, bình đẳng.

Nếu không phổ cập, tùy từng vùng, miền, từng gia đình, sẽ có trẻ được thụ hưởng và có trẻ chưa được thụ hưởng giáo dục. Nhưng khi thực hiện phổ cập, tất cả trẻ em ở mọi vùng miền sẽ được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục. Điều này thể hiện quyết tâm cao của các cấp quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, phổ cập được một bậc học là thách thức rất lớn với hệ thống quản lý và đặt ra trách nhiệm với từng gia đình, cá nhân. Đặc biệt, đối với bậc mầm non, việc thực hiện phổ cập còn kèm theo rất nhiều điều kiện, nhất là về cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ giáo viên.

co loc 2.jpeg
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc. Ảnh: website Đại học Quốc gia Hà Nội.

"Nếu muốn phổ cập một bậc học, không chỉ dựa hoàn toàn vào nguồn lực của nhà nước mà còn phải huy động mọi nguồn lực của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, phổ cập giáo dục mầm non 3-5 tuổi nên là mục tiêu để toàn ngành giáo dục phấn đấu, làm thế nào để cho tất cả trẻ ở trong độ tuổi này đều được hưởng thụ một chương trình giáo dục bình đẳng như nhau", Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc nhấn mạnh.

Trong khi đó, Thạc sĩ Trần Thị Thanh Vân, Trưởng Phòng Giáo dục thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho rằng, chủ trương này của Đảng, chính sách của Nhà nước dành cho trẻ mầm non là rất thiết thực và có ý nghĩa.

Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi sẽ giúp cho toàn xã hội nhận thức về ý nghĩa của giáo dục mầm non, về trách nhiệm của Nhà nước, các cấp chính quyền, xã hội, cha mẹ trẻ và từng người dân đối với công tác phát triển giáo dục mầm non.

Cùng bàn về vấn đề này, cô Hoàng Thị Thập, giáo viên Trường Mầm non Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cho biết, trong những năm học vừa qua, nhà trường luôn duy trì được công tác phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 100%. Nữ giáo viên cũng rất ủng hộ mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi.

"Với chủ trương phổ cập giáo dục mầm non, trẻ 3-5 tuổi sẽ được ra lớp đều, được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục toàn diện. Đây là bước đột phá quan trọng để chuẩn bị tri thức, kỹ năng, thể lực và tâm thế cho các em vào bậc tiểu học. Đảng và Nhà nước rất quan tâm và cung cấp những thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, đảm bảo phục vụ hoạt động học tập, giảng dạy cho giáo viên, học sinh.

Việc thực hiện phổ cập sẽ giúp cho toàn dân nhận thức về ý nghĩa, vai trò cần thiết của giáo dục mầm non đối với sự phát triển của trẻ. Đồng thời sẽ huy động được nhiều nguồn lực xã hội để đầu tư, phát triển sự nghiệp giáo dục mầm non tốt hơn.

Để đạt được mục tiêu trên, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các ban, ngành địa phương và sự chung tay của toàn xã hội, huy động mọi nguồn lực để có thể hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi đúng theo kế hoạch, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em", cô Thập nêu quan điểm.

Thách thức là điều không thể tránh

Bên cạnh những lợi ích của việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi thì những thách thức khi thực hiện là điều khó tránh. Trưởng Phòng Giáo dục thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, trước đó đã có Dự thảo Nghị quyết về thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo tại một số tỉnh, thành phố, dù không có tỉnh Quảng Nam, nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã chủ động phổ biến dự thảo Nghị quyết đến đội ngũ cán bộ, giáo viên để đóng góp ý kiến.

Đơn vị dự kiến tham mưu ủy ban nhân thị xã về kế hoạch thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ 3-5 tuổi. Tiếp đó, triển khai kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ.

Về thuận lợi của thị xã Điện Bàn, cơ sở vật chất trường lớp hiện nay cơ bản đáp ứng cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, đội ngũ được bố trí đảm bảo một lớp học có hai giáo viên.

Trẻ em được quan tâm sâu sát, có nhiều chính sách hỗ trợ, đảm bảo trẻ được chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục tốt hơn. Việc huy động trẻ 3-5 tuổi ra lớp thuận lợi vì có sự hỗ trợ của chính quyền, các ban ngành đoàn thể. Cha mẹ trẻ từ đó cũng yên tâm hơn khi có chế độ chính sách hỗ trợ trẻ, đặc biệt là việc miễn học phí cho trẻ mầm non.

Thạc sĩ Thạc sĩ Trần Thị Thanh Vân, Trưởng Phòng Giáo dục thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: NVCC
Thạc sĩ Thạc sĩ Trần Thị Thanh Vân, Trưởng Phòng Giáo dục thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Trần Thị Thanh Vân, việc tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Bởi nếu triển khai công tác phổ cập, cần bổ sung thêm giáo viên kiêm nhiệm công tác. Tình hình ngân sách ở địa phương còn khó khăn, công tác xã hội hóa gặp nhiều trở ngại nên kinh phí cho đầu tư tuyển dụng giáo viên, cơ sở vật chất vẫn hạn hẹp.

Mặc dù công tác phổ cập thuộc về trách nhiệm của ủy ban nhân dân xã, phường nhưng trường học là cơ quan chuyên môn cũng cần hỗ trợ công tác điều tra, xử lý số liệu phổ cập. Thậm chí, phải đi gõ cửa từng nhà, vận động phụ huynh cho học sinh tới trường. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, giáo viên mầm non vẫn phải đi sớm, về muộn. Điều này cũng tạo thêm áp lực cho giáo viên.

Bên cạnh đó, nhiều con em công nhân ở các địa phương khác theo bố mẹ về sinh sống và học tập ở thị xã Điện Bàn nên tại nơi tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp, số trẻ quá tải ở các trường công lập tăng cao. Cũng vì thế, cha mẹ trẻ phải gửi con ở cơ sở giáo dục tư thục với mức học phí và các khoản thu cao hơn. Điều đó làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của gia đình có mức thu nhập thấp. Đồng thời, địa phương phải phân loại theo đối tượng có hộ khẩu và đối tượng tạm trú để xử lý số liệu.

Trong khi đó, cô Hoàng Thị Thập cho biết, tại địa bàn xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, đa số người dân là người dân tộc thiểu số. Vì đặc điểm địa hình, cán bộ điều tra phổ cập sẽ gặp khó khăn trong việc di chuyển đến từng nhà. Nhiều gia đình có bố mẹ phải đi làm ăn xa. Ngoài ra, đa số các phụ huynh đều là lao động tự do, vì vậy, cán bộ thường phải đi buổi tối mới có thể gặp gia đình để tuyên truyền, vận động.

Cô Thập cũng cho biết, mặc dù khó khăn nhưng tất cả cán bộ, giáo viên làm công tác phổ cập ở trường vẫn tận tâm vì học sinh, vượt qua trở ngại về đường xá để vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường.

Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc khẳng định: Mục tiêu phổ cập có ý nghĩa rất tốt đẹp và nhân văn, nhưng để đạt được mục tiêu đó sẽ có nhiều thách thức. Những yếu tố đảm bảo chất lượng của một bậc học phổ cập còn thiếu và tồn tại nhiều khó khăn.

Hơn thế nữa, trẻ từ 3-5 tuổi có sự phân hóa cá thể hóa rất cao. Mỗi một gia đình sẽ có hoàn cảnh khác nhau, mỗi đứa trẻ sẽ có thiên hướng phát triển khác nhau. Vì vậy, việc phổ cập giáo dục mầm non cũng đòi hỏi sự đa dạng và phong phú, không thể theo một mô thức duy nhất.

Chính vì thế, theo cô Lộc, công tác phổ cập phải đa dạng, có tính phân hóa, thậm chí phải có những chính sách đi vào cá thể hóa.

Hoạt động dạy và học cho trẻ mầm non trên địa bàn thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: NVCC.
Hoạt động dạy và học cho trẻ mầm non trên địa bàn thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: NVCC.

Cũng theo cô Mỹ Lộc, trong quản lý nhà nước, để đạt được mục tiêu phổ cập còn có rất nhiều vấn đề cần các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt. Đầu tiên, vấn đề nan giải nhất là trang bị cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giáo viên. Thứ hai là thay đổi nhận thức của xã hội, của gia đình, nhất là với những người có quan niệm không coi mầm non là một bậc học, không có tính cấp thiết phải phổ cập.

Hiện, trẻ em ở nhiều gia đình có điều kiện người nhà trông nom, tuy nhiên việc này chỉ được coi như hoạt động giữ trẻ, trông trẻ. Việc phổ cập giáo dục phải làm cho cả xã hội hiểu được rằng một đứa trẻ muốn phát triển được tốt, phải có những tác động có chủ đích và có điều kiện để phát triển, đạt tới những mục tiêu đầu ra của đứa trẻ.

Điều đó phụ thuộc vào nhận thức của xã hội, của gia đình, của cha mẹ. Dù họ có điều kiện giáo dục ở đâu, ở nhà hay ở một nhóm trẻ tư nhân chất lượng cao, hay ở trong một trường công lập, đều phải hiểu được rằng trẻ em cần được phát triển theo một mục tiêu, một định hướng khoa học và phù hợp với từng hoàn cảnh, từng cá nhân.

Cần có hệ thống đánh giá chất lượng phổ cập

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc khẳng định: "Nếu cứ nói phổ cập mà Nhà nước không có đủ điều kiện thực hiện thì sẽ không thể làm được. Do đó, càng chuẩn bị tốt bao nhiêu, quá trình triển khai phổ cập sẽ càng thuận lợi, hạn chế những khó khăn bấy nhiêu.

Cần dựa vào đặc điểm của từng vùng miền, từng gia đình, từng đứa trẻ để thực hiện phổ cập. Không phải cứ phổ cập là phải đến trường và phải theo một hình thức, một mô thức giáo dục giống hệt nhau. Phải có những chính sách chấp nhận sự đa dạng dưới nhiều hình thức, dưới nhiều mô hình khác nhau để đạt được phổ cập, kèm theo đó phải có hệ thống đảm bảo chất lượng, hệ thống đánh giá phù hợp.

Ngoài ra, cần có những nghiên cứu đồng bộ giữa các văn bản quy định, triển khai trong thực tiễn các thông tư, nghị định, chế độ chính sách mà Nhà nước đã dày công để đầu tư, ban hành.

Cô Lộc cũng cho rằng, không ít chính sách của Nhà nước ưu tiên cho việc thực hiện mục tiêu giáo dục, đặc biệt là với vùng khó khăn. Tuy nhiên, cần phải có những văn bản hiệu quả hơn, hướng dẫn thực hiện các chính sách đó phù hợp.

Chính sách phải thực tiễn hơn, bám vào đời sống và bám sát vào mục đích thực tế. Nếu chính sách ra đời vì mục đích tốt đẹp nhưng cách triển khai không khả thi, tức là chính sách không còn ý nghĩa đối với thực tiễn.

Trong khi đó, Thạc sĩ Trần Thị Thanh Vân cho rằng, Nhà nước cần quan tâm đến chế độ, chính sách cho giáo viên, nhân viên trong trường mầm non. Đặc biệt, cần có cơ chế đặc thù cho bậc học mầm non để các giáo viên yên tâm công tác. Đồng thời, cần có chế độ cho giáo viên thực hiện công tác điều tra trẻ trong độ tuổi mầm non, cũng như kinh phí hỗ trợ việc in ấn, mua sắm các loại văn phòng phẩm phục vụ công tác điều tra xã hội học.

Bên cạnh đó, Nhà nước có thể bố trí nguồn kinh phí hằng năm cho địa phương mua sắm trang thiết bị, đồ chơi cho trẻ. Từ đó, các giáo viên có thể tiết kiệm thời gian, công sức tự làm đồ chơi, đồ dùng dạy học.

Ngoài ra, cần có cơ chế đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tranh thủ các nguồn tài trợ từ xã hội để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học.

Đối với những khu, cụm công nghiệp có con em công nhân trong diện phổ cập tham gia học tập, Nhà nước cần có giải pháp mở rộng trường lớp công lập cho con em công nhân được đảm bảo quyền lợi học tập.

Về chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thạc sĩ Trần Thị Thanh Vân cho rằng cần bố trí thêm cho mỗi trường 1 giáo viên tiếng Anh để hỗ trợ việc giảng dạy.

Bích Ngọc