Đó là khẳng định của bà Phạm Thị Huyền, đại diện Nhóm chuyên gia nghiên cứu các trường đại học ngoài công lập trong Hội nghị các trường đại học ngoài công lập ngày 14/4.
Hội nghị do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham gia của 60 trường trong cả nước.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị. Ông cho biết, Hội nghị được tổ chức là để bàn luận, thống nhất các vấn đề, giải pháp có tính then chốt để phát triển hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập được bền vững.
Nhiều trường còn tụt hậu so với mặt bằng chung
Bộ trưởng Nhạ đề nghị các đại biểu, đại diện các trường cần nhìn thẳng, nói thật các vấn để trên tinh thần cởi mở cùng bàn luận, đưa ra các vấn đề có tính thực tiễn, khả thi trong giải pháp thực hiện.
''Các trường phải nhìn thẳng vào những vẫn đề đang tồn tại của trường mình thì mới tìm ra được giải pháp khắc phục. Từ đó, chúng ta mới tìm ra được hướng đi cho chính mình'', Bộ trưởng Nhạ nói.
Ông cũng chia sẻ, chủ trương của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo là tiến tơi một môi trường phát triển tốt, bình đẳng trong toàn hệ thống.
Nhiều trường đại học hiện nay đang tụt hậu so với mặt bằng chung - Ảnh: Hutech |
Vì thế, các nhóm chuyên gia nghiên cứu, các trường thẳng thắn trình bày những gì trường mình đã làm được, những gì chưa làm được như: Cơ chế, chính sách, hỗ trợ... để tìm ra các giải pháp, xin ý kiến rồi cùng thồng nhất chương trình hoạt động.
''Tôi thấy nhiều trường chưa ý thức và còn nghi ngờ các vấn đề đang tồn tại của trường mình. Như vậy thì phát triển không bền vững, chất lượng đào tạo không được nâng cao.
Tôi rất mong, sau Hội nghị hôm nay, chúng ta sẽ có những kết luận, tuyên bố để cùng nhau xây dựng các chương trình hoạt động cụ thể'', Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Báo cáo về tình hình hoạt động của các trường, bà Huyền cho biết, theo kết quả nghiên cứu sau khi khảo sát trực tiếp tại 59 trường đại học ngoài công lập của nhóm, có nhiều trường ngày càng phát triển, nhưng có những trường lại tụt hậu so với mặt bằng chung.
Đó là về cơ sở vật chất kỹ thuật. Một số trường có quá nhiều cơ sở, diện tích mỗi cơ sở quá nhỏ. Điều đó chứng tỏ, các trường chưa có đầu tư và chưa có tầm nhìn dài hạn để tạo ra môi trường học thuật.
Ở một số trường, một số ngành học thuộc khối kỹ thuật, công nghệ các điều kiện về trang bị, phòng thí nghiệm, thực hành còn hạn chế. Hệ thống thư viện của một số trường cũng còn yếu, học liệu còn nghèo nàn.
Xảy ra những điều trên là do nguồn lực tài chính của các trường đại học ngoài công lập còn hạn chế. Học phí là nguồn thu chủ yếu của các trường, chiếm hơn 61% tổng thu.
Trong đó có rất nhiều khoản phải chi là: trả lương cho cán bộ nhân viên, điện nước, duy trì bảo dưỡng cơ sở vật chất kỹ thuật đã chiếm tới 59%.
Nguyên nhân là hoạt động chủ yếu của các trường đại học ngoài công lập chủ yếu dựa vào hoạt động đào tạo. Nguồn thu của các trường chủ yếu là học phí, nhưng hiện nay, việc tuyển sinh lại đang gặp nhiều khó khăn. Đó là một rủi ro rất lớn cho các trường.
Chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, việc các trường tụt hậu so với mặt bằng chung chính là do đội ngũ giảng viên. Một tỉ lệ lớn giảng viên các trường đại học ngoài công lập có trình độ cử nhân. Điều đó cho thấy, việc tuân thủ quy định Luật giáo dục đại học ở các trường chưa nghiêm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị. Ảnh Phan Thân |
Tiếp đến là đội ngũ giảng viên ở các trường chưa thực sự năng động và sáng tạo trong việc khai thác các quan hệ với đối tác và doanh nghiệp. Trong khi đó, quan hệ tốt với đối tác và doanh nghiệp thì mới tạo điều kiện cho sinh viên ra trường có việc làm, từ đó mới tạo điều kiện cho trường phát triển.
Theo bà Huyền, vấn đề trên cũng là tồn tại chung của hệ thống các trường đại học hiện nay, không chỉ riêng các trường đại học ngoài công lập.
''Các trường sẽ không thể thu hút sinh viên về trường mình nếu cơ chế, chính sách, địa điểm, uy tín và điều kiện học tập không tốt. Mà không tuyên sinh được sinh viên thì không thu được tài chính, vậy là sẽ tụt hậu'', bà Huyền nói.
Bà Huyền cũng cho rằng, rất nhiều trường đại học hiện nay đào tạo còn nặng về lý thuyết, chưa cập nhật với xu thế phát triển của thế giới và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
''Tỷ lệ lý thuyết - thực hành trong chương trình đào tạo chưa phản ánh đúng tính chất đào tạo ứng dụng của các trường đại học ngoài công lập. Một số trường, chương trình đào tạo chưa được thống nhất và ổn định trong điều kiện đào tạo theo học chế tín chỉ'', bà Huyền nói.
Theo bà Huyền, việc đào tạo còn nặng về lý thuyết và không thống nhất đào tạo theo tín chỉ đã ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức cũng như bố trí lịch học của sinh viên.