LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của tác giả Trương Khắc Trà, một cây bút quen thuộc trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Trong bài viết này, tác giả Trương Khắc Trà đặt niềm tin vào Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực; đồng thời nêu ra một số vấn đề đang cần kíp phải được tháo gỡ để giúp đổi mới và phát triển nền giáo dục nước nhà.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 – 2021 vừa được quyết định thành lập, trong bối cảnh “giáo dục” và “nhân lực” là hai trong số nhiều lĩnh vực đang gặp phải những “nút thắt” cần tháo gỡ ngay trước khi quá muộn.
Trong khuôn khổ một bài viết khó có thể chuyển tải hết mọi vấn đề, người viết chỉ cố gắng soi rọi lại một vài khía cạnh nhỏ vốn không mới nhưng… sợ cũ đi!
1. Với vấn đề giáo dục
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tư lệnh ngành Giáo dục – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định “giáo dục là con người”, mệnh đề này khỏi bàn cãi ở mọi phương diện, nó có đủ hàm lượng cần thiết để lấy đây làm triết lý giáo dục của Việt Nam – vấn đề mà các chuyên gia, nhà khoa học tranh cãi bấy lâu nay.
Tạm chưa bàn đến vấn đề triết lý giáo dục mà hãy chờ xem ngành giáo dục và Hội đồng giáo dục quốc gia cần phải làm những gì để nhào nặn nên con NGƯỜI (viết hoa) như Bộ trưởng Nhạ đã xác định.
Cố nhiên, để đào tạo ra con người thì trước hết môi trường giáo dục phải lành mạnh, người viết không vơ đũa cả nắm nhưng đây là thực trạng nhức nhối bấy lâu nay không thể chấp nhận tồn tại thêm một giờ phút nào trong môi trường “trồng người”.
Đó là đạo đức nhà giáo và vấn nạn bạo lực học đường.
Tại Việt Nam, số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày).
Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau [1].
Nhiều vấn đề nóng trong nền giáo dục cần xử lý kịp thời. (Ảnh minh họa của Xuân Trung/giaoduc.net.vn) |
Vài năm trở lại đây, vấn nạn bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, nhiều vụ việc khiến dư luận bàng hoàng, lo lắng.
Nội hàm của khái niệm bạo lực học đường bây giờ không chỉ phản ánh việc học sinh đánh nhau mà còn học sinh và thầy cô đánh nhau, phụ huynh đánh nhau… thậm chí thầy cô với nhau còn “đánh” theo cách khác!
Cụm từ “bạo lực học đường” khi tìm kiếm trên công cụ Google cho ra 2,3 triệu kết quả! Một con số thực sự kinh hoàng mà không phải ai cũng đủ bình tĩnh để nhìn nhận và suy nghĩ về nó.
Vì sao bạo lực học đường ngày càng gia tăng về mức độ lẫn tính chất? Có phải giáo dục nhân cách, đạo đức của chúng ta đang gặp phải vấn đề mang tính vĩ mô? Hay tại đạo đức, tư cách của không ít nhà giáo hiện nay chưa đủ để khiến học sinh phải noi theo?...
Đi tìm nguyên nhân cho vấn nạn này quả không hề dễ dàng!
Liệu bạo lực học đường có liên quan gì đến đạo đức nhân cách nhà giáo, trước hết phải thừa nhận xã hội ta vẫn còn đó nhiều nhà giáo mẫu mực nhưng cũng không ít những con người thiếu đạo đức, nhân cách đội lốt nhà giáo hàng ngày đứng trên bục giảng dạy học sinh cách làm người.
Có lẽ chỉ đến bây giờ mới nảy sinh hiện tượng “thầy giáo gạ tình học sinh”, “thầy giáo lạm dụng, cưỡng hiếp học trò” và không ít học sinh thậm chí ở bậc mẫu giáo, tiểu học bị xâm hại ngay trong trường học…
Mọi chính sách giáo dục dù hay ho đến đâu chăng nữa cũng sẽ khó thành công nếu môi trường giáo dục đang gặp phải những vấn đề kể trên, nói cách khác, đừng quá chú trọng ở tầm vĩ mô mà bỏ quên những “ung nhọt” tưởng chừng nhỏ nhưng hàng ngày hàng giờ phá hoại nền giáo dục.
Làm sao để dẹp vấn nạn này? Liệu giáo dục như hiện nay có tạo nên con NGƯỜI được hay không? Tôi cho rằng đây phải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng quốc gia giáo dục nhiệm kỳ này.
Thêm một bài toán hóc búa khác đang cần giải quyết ngay là 225.000 thạc sỹ, cử nhân đang thất nghiệp và con số này chưa có dấu hiệu dừng lại.
Thất nghiệp trong nhóm lao động có bằng cấp là câu chuyện không mới, báo chí, dư luận đã phản ánh rầm rộ mấy năm trở lại đây.
Nhưng tình hình xem ra… vẫn rất tình hình, chẳng thể nói khác được vì đội ngũ này thất nghiệp – trước hết là minh chứng cho một nền giáo dục bậc cao chưa phù hợp.
Chúng ta thường hay kêu ca sinh viên Việt lười nhác, cử nhân, thạc sỹ ta yếu chỗ này chỗ nọ… không sai!
Tuy nhiên, ở tầm chính sách cần phải thấy có một thời trường đại học, cao đẳng mở ra tràn lan, dĩ nhiên nó mở toang cơ hội học tập cho toàn xã hội bất kể giàu hay nghèo, kém hay giỏi.
Nhưng mặt trái để lại không phải nhỏ, đến hôm nay mới nảy sinh những con số không biết giải quyết ra sao.
Xã hội hóa giáo dục nhưng thiếu quy hoạch tổng thể lẫn chi tiết nên nhà tranh nhà ngói hóa như nhau, ai cũng có bằng cử nhân, ai cũng có bằng thạc sỹ… cả xã hội ai cũng muốn làm thầy, chẳng ai muốn làm thợ nên mới thừa thầy, thiếu thợ như hiện nay.
Nghịch lý là ta có quá nhiều cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ nhưng lại thiếu đội ngũ thợ lành nghề, vậy nên vị lãnh đạo cao nhất ngành giáo dục mới nói “cử nhân giỏi còn hơn thạc sỹ chẳng giống ai”.
Hàng trăm ngàn người có bằng cấp thất nghiệp rồi cũng phải mưu sinh bằng cách này hay cách khác, nhưng cái giá phải trả là hàng trăm ngàn cái thở dài ngán ngẩm với giáo dục đại học – biểu tượng tri thức của mỗi quốc gia.
Chẳng có gì là muộn màng, nhiệm vụ cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống giáo dục bậc cao phải được coi là việc cần làm ngay, hiện thực hóa chủ trương “tự chủ đại học” tạo một cơ chế “chọn lọc tự nhiên” đối với những cơ sở không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
11 yêu cầu đặt ra với chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp |
Khép bớt cánh cửa đại học để mở ra lối đi phía sau, đó là hiện đại hóa hệ thống trường dạy nghề.
Cơ sở vật chất của lĩnh vực đào tạo nghề hiện đã được đầu tư bài bản đến tận cấp quận, huyện, thị xã và không hiếm trong số đó bị bỏ không.
Vậy tại sao không phát triển các cơ sở có sẵn này trở thành những trung tâm đào tạo nghề thực sự chất lượng?
Chẳng cần phải hốt hoảng lên là giáo dục đại học đã bão hòa, cứ thất nghiệp ắt sẽ tự tìm con đường mới mà đi, có điều con đường ấy phải được vạch ra bằng các chính sách vĩ mô từ các cơ quan hữu quan, trong đó có Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.
2. Với phát triển nhân lực
Giáo dục và đào tạo với phát triển nguồn nhân lực là hai lĩnh vực phải đi kèm với nhau, chúng có mối quan hệ biện chứng.
Giáo dục tốt chất lượng nhân lực sẽ cao và nếu giáo dục chưa tốt chất lượng nhân lực sẽ thấp. Đến lượt con người tốt sẽ xây dựng nền giáo dục tốt.
Hiện nay, nhìn vào nguồn nhân lực nước ta có thể đánh giá giáo dục và đào tạo chưa phát huy hết chức năng vốn có. Không thể lấy số lượng hùng hậu những người sở hữu bằng cấp để cho rằng như vậy đã thành công.
Mà thước đo nằm ở khả năng tương thích với thị trường lao động, hàm lượng chất xám quốc nội trong sáng chế, phát minh, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế, các vấn đề xã hội… và xa hơn là mức độ đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.
Tình trạng thừa thầy thiếu thợ đang trở thành bài toán nan giải hiện nay. (Ảnh minh họa: Bộ Lao động) |
Theo Good Country Index (GCI) – một bảng xếp hạng dựa trên những khảo sát của Liên hợp quốc và WB (ngân hàng thế giới) do nhà tư vấn chính sách Simon Anholt đề xuất về mức độ đóng góp cho nhân loại.
Kết quả của bảng xếp hạng cho thấy Việt Nam đứng áp chót [2].
Bảng xếp hạng này phần nào nói lên chất lượng nguồn lực của Việt Nam thực sự chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập.
Vấn đề ở đây là không phải chúng ta không có những “hạt giống” tốt mà là vấn đề gieo nó như thế nào để thu được hoa thơm trái ngọt.
Dư luận từng xôn xao với việc 13 quán quân Olympia lên đường du học chỉ có 1 người quay lại phục vụ quê hương, có người còn vướng vào kiện tụng lùm xùm với cơ quan chủ quản…
Sau tất cả là câu hỏi chúng ta đang thu hút nhân tài như thế nào? Đã đúng với chính sách chủ trương hay chưa?
Để phát triển nhân lực, một mặt phải được thực hiện bởi giáo dục, đào tạo, mặt khác là chính sách thu hút đãi ngộ, việc này không phải mới mẻ gì, cũng chẳng phải sáng kiến gì lớn lao mà cái quan trọng là có thực sự làm hay không.
Có câu chuyện ở tỉnh nọ, ban hành chính sách thu hút nhân tài mấy năm trời nhưng chỉ có mỗi con ông quan đầu tỉnh đủ tiêu chuẩn theo những “điều” “khoản” quy định trong chính sách ấy.
“Vô chính phủ” trong phân cấp đào tạo khiến khủng hoảng thừa nhân lực sư phạm |
Câu chuyện tuy nhỏ nhưng nói lên xu hướng phát triển nhân lực “tìm người nhà thay vì người tài”.
Vì vậy mới có câu chuyện: Một thí sinh Olympic được đào tạo theo ngân sách của tỉnh. Khi ra trường, người này bị ép làm trái ngành và có làm đề tài nghiên cứu xin ngân sách (mức chỉ 300-500 triệu đồng) nhưng bị... đuổi như tà.
Bí quá, anh gửi dự án đi nhiều nơi và được đơn vị ở Mỹ mời qua nghiên cứu, sau đó được giữ lại. Đến giờ, cả gia đình đều định cư bên đó, mức sống khá tốt.
Chất lượng nhân lực liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế, câu hỏi vì sao nước ta tụt hậu đã phần nào được giải đáp khi số liệu thống kê cho thấy 23 người Việt làm việc chỉ bằng 1 người Singapore!
Nhân lực không tự tốt lên bằng câu chữ trong giấy tờ, bằng vài ba lời lẽ hô hào “trải thảm” “thu hút”… mà những chính sách đã đến lúc phải được hiện thực hóa, hạn chế tình trạng “tìm người nhà”.
Cái mà người tài sợ nhất là bị đối xử không công bằng, sợ phải phục tùng kẻ tiểu nhân, nhỏ mọn, sợ không có môi trường tốt để thi triển tài năng… chứ chưa phải sợ nghèo khổ, thiếu thốn.
Vậy nên, mong Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực – do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch thấu hiểu và quan tâm đến những vấn đề căn cốt cần phải làm ngay trong giáo dục, một khi giáo dục tốt tự nhiên chất lượng nguồn nhân lực sẽ cao.
Tài liệu tham khảo:
[1] Phan Thảo, Thanh Tùng (2010), “Ngăn chặn bạo lực học đường - Cách nào”, http://www.sggp.org.vn,10/06/2012.
[2]http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2014/06/140624_good_country_index_vn_bottom