Nhớ “Tết độc lập” ở quê nghèo miền Trung

02/09/2020 06:09
LÊ ĐỨC ĐỒNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cùng với Tết Nguyên đán cổ truyền, vùng đất Nghệ An quê hương tôi còn có “Tết Độc lập” vào ngày 2 tháng 9 hàng năm…

Không khí Tết rộn ràng khắp ngõ xóm. Nhà nhà chung nhau “đụng thịt”, chung nhau làm thịt một con lợn rồi chia nhau ăn Tết.

Lũ trẻ con chúng tôi thì mừng vui khỏi phải nói. Bởi cũng được mặc áo mới và cũng là áo mặc đi học vì sắp đến ngày khai trường. Hơn nữa, ngày “Tết Độc lập” này còn được ăn xôi, ăn thịt mà ngày thường ít khi có được.

Ngay từ sáng sớm trước mấy ngày, lũ trẻ con chúng tôi theo chân các anh chị thanh niên làm vệ sinh đường sá khắp thôn xóm trở nên sạch sẽ, quang đãng.

Chúng tôi chạy lon ton theo các anh cùng kéo cây, dọn rác, gom đống rồi đốt… Từng ngọn khói trắng tỏa lên, khiến không khí của ngày Tết càng thêm gần gũi, ấm áp.

Xong đâu đó, cả bọn chạy ra bờ sông xem người lớn làm thịt lợn. Các bác rửa thịt, làm sạch phèo và từ bãi cây cơi bên sông; từng đàn quạ bay sang tìm mồi kêu la inh ỏi cả mặt sông.

Nước sông Lam mùa này trong vắt nên thấy từng đàn cá chạy tung tăng. Từng đám rêu xanh chảy dài theo dòng nước như những mái tóc của Thủy thần… Chính màu rêu này tạo nên màu xanh lam của nước và có lẽ từ đó mới có tên sông Lam chăng?

Người Thái ở miền Tây Nghệ An múa xòe với lá cọ đón Tết Độc lập. (Ảnh: Antt.vn)

Người Thái ở miền Tây Nghệ An múa xòe với lá cọ đón Tết Độc lập. (Ảnh: Antt.vn)

Ngày “Tết Độc lập” đã đến! Trên bàn thờ Tổ tiên, đèn dầu đã được thắp sáng và mùi hương trầm nhẹ nhàng tỏa khói, thơm lâng lâng lòng người.

Mâm cỗ thịnh soạn, rất nhiều món thơm thảo được Mẹ dọn lên trước bàn thờ Tổ tiên, ông bà. Trước bàn thờ Tổ tiên, mọi người trong nhà tề tựu đông đủ. Trước Ông bà, Tổ tiên; trước anh linh các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì tự do, độc lập; cha tôi thắp hương thành kính rưng rưng…

Kính thưa Ông bà, Tổ tiên; kính thưa các vị anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho quê hương, đất nước độc lập! Hôm nay là ngày “Tết Độc lập”, chúng con thành tâm làm mâm cơm đạm bạc, kính mong quý vị về đây cùng hưởng, phù hộ cho gia đình!”.

Trong đầu chúng tôi, hiện về hình ảnh những đoàn quân áo vải; tay cầm liềm, cầm gậy xông lên; bất chấp súng đạn kẻ thù, quyết liều thân xông lên giành chiến thắng.

Đi đầu đoàn người là ngọn cờ đỏ sao vàng hồng lên như ngọn lửa… Tiếng hò reo, tiếng hô vùng lên áp đảo kẻ thù…

Có niềm hạnh phúc nào hơn khi giành được chính quyền về tay nhân dân! Có gì hạnh phúc hơn khi con người có quyền sống, quyền làm người; ngẩng cao đầu làm chủ cuộc đời, làm chủ đất nước!

Tất cả những dòng ký ức đó là cha tôi kể lại cho các con để các thành viên ghi nhớ, khắc sâu ý nghĩa của ngày “Tết Độc lập” của quê hương mình.

Rồi anh em họ hàng cùng ngồi chung mâm, chung bữa vui ngày Tết đầm ấm, đoàn kết. Tiếng cười nói, tiếng kể chuyện ôn lại những kỷ niệm ngày xưa vang lên hào hứng, sôi nổi.

Xong buổi vui chung trong anh em, họ hàng; chúng tôi xuống trung tâm xem đá bóng, văn nghệ, thể thao chào mừng “Tết Độc lập” …

Cả một trời cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong nắng mùa Thu. “Tết Độc lập” thật đầy ý nghĩa, bởi từ cái Tết mùa Thu này; cha ông thầm nhắc nhở hãy nhớ đừng quên cái giá của độc lập, tự do!

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, cả vùng quê tôi lại bước vào những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Lớp lớp thanh niên lên đường nhập ngũ, làm tròn bổn phận của người con quê hương, đất nước. Người ở lại “tay súng, tay cày”, hăng say sản xuất với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến; tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Lớp trẻ chúng tôi quyết chí học hành, nếu có lệnh là sẵn sàng lên đường ra trận! Rồi miền Nam giải phóng, non sông nối liền một dải. Cả quê hương tưng bừng bước vào chặng đường xây dựng cuộc sống mới với bao niềm vui, niềm tự hào.

Ngày “Tết Độc lập” vẫn duy trì đều đặn, bền bỉ như một chứng nhân lịch sử cho ngày độc lập của đất nước.

Từ trong những ngày “Tết Độc lập”, bao lớp trẻ luôn hướng về nguồn cội, quê hương mình.

“Tết Độc lập” là lời nhắc nhở hãy nhớ ghi ngày Độc lập thiêng liêng bởi đó là khát vọng, là mơ ước ngàn đời của dân tộc Việt Nam , của con cháu Lạc Hồng…

Cha ông xưa đã đổ biết bao xương máu mới có ngày đất nước vẹn tròn; mới có ngày đất nước có độc lập, tự do.

Sợi chỉ đỏ niềm tin ấy xuyên suốt nhiều thế hệ, nhắc nhở cho mỗi người về lòng gắn bó, lòng yêu quê hương, đất nước. Hãy sống tốt hơn, sống đẹp hơn với truyền thống của quê hương mình…

Xa quê hơn bốn chục năm rôi, nhưng hình ảnh rộn ràng, tươi vui của ngày “Tết Độc lập” luôn làm tôi nhớ mãi mỗi khi nắng vàng cất tiếng gọi mùa Thu về.

LÊ ĐỨC ĐỒNG