Nhóm tác giả phản hồi về góp ý của GV với SGK Ngữ văn 10 - Chân trời sáng tạo

27/12/2022 06:38
PGS.TS Nguyễn Thành Thi (thay mặt nhóm tác giả)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhóm tác giả sách giáo khoa môn Ngữ văn 10 - Chân trời sáng tạo có phản hồi về những góp ý của giáo viên liên quan đến một số nội dung trong sách. 

LTS: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 24/12/2022, có đăng bài viết: "Giáo viên nêu một số điểm chưa hợp lý trong sách giáo khoa môn Ngữ văn 10 - Chân trời sáng tạo" của tác giả Hương Ly, nêu một số ý kiến của giáo viên về sách giáo khoa Ngữ văn 10 – Chân trời sáng tạo.

Sau khi bài viết được đăng tải, Tạp chí nhận được phản hồi của nhóm tác giả về những ý kiến đã nêu trong bài viết. Để thông tin khách quan, đa chiều, Tạp chí trân trọng đăng tải ý kiến phản hồi của nhóm tác giả.

Sách giáo khoa Ngữ văn 10 - Chân trời sáng tạo. (Ảnh: Hương Ly)

Sách giáo khoa Ngữ văn 10 - Chân trời sáng tạo. (Ảnh: Hương Ly)

Nhóm tác giả xin trân trọng cảm ơn các ý kiến nêu trong bài báo, và nhân đây, cảm ơn các thầy cô và tác giả ở bài viết trước đã chỉ ra một số lỗi chính tả, chúng tôi đã tiếp thu, chỉnh sửa. Tuy nhiên, trong bài viết lần này, có một số vấn đề cũng cần được trao đổi, nhằm có được nhận thức chung và nhất là tránh sự hiểu lầm không đáng có.

Dưới đây là một số ý phản hồi, chia sẻ của chúng tôi.

1. Bài viết nêu băn khoăn của giáo viên, và đặt câu hỏi “Ngữ liệu tham khảo có hợp lí?”. Ý kiến cụ thể trong bài viết ấy, xin được dẫn lại như sau:

“Bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể (trang 23-26) được minh họa bằng ngữ liệu tham khảo: “Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của truyện ngụ ngôn Chó sói và chiên con (La Phông-ten)”.

Nhiều giáo viên thắc mắc, trước bài học này là bài thần thoại, vì sao tác giả sách lại minh họa bằng một bài viết khác thể loại (ngụ ngôn)?

Vậy nên, phần Thực hành viết theo quy trình (trang 26) yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện kể (thần thoại, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện cổ tích) thì đa số các em lựa chọn truyện ngụ ngôn vì nếu chọn các thể loại khác thì không có tài liệu tham khảo.

Chưa kể, học sinh chưa được học qua các thể loại như truyền thuyết, truyện cười, truyện cổ tích... thì làm sao các em có thể viết được bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện theo yêu cầu?

Bởi, về nội dung và nghệ thuật, các thể loại thần thoại, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện cổ tích đều có những đặc điểm khác nhau. Ví dụ nhân vật trong thần thoại thường là thần, có sức mạnh phi thường để thực hiện công việc sáng tạo thế giới và sáng tạo văn hóa.

Còn nhân vật trong truyện cổ tích thường gặp là: nhân vật bất hạnh, nhân vật dũng sĩ và nhân vật có tài năng kì lạ, nhân vật thông minh và nhân vật ngốc nghếch, nhân vật là động vật (con vật biết nói năng, hoạt động, có tính cách như con người).” [Hết trích]

Xin được trả lời ý kiến trên như sau:

Nguyên tắc chọn và sử dụng ngữ liệu tham khảo trong dạy viết của Ngữ văn 10 – Chân trời sáng tạo là:

1) Không sử dụng ngữ liệu viết về các tác phẩm đã dùng cho học sinh đọc hiểu trong sách giáo khoa, nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các yêu cầu đọc hiểu của bài học (ví dụ: không được làm lộ đáp án các câu hỏi bài tập sau khi đọc của văn bản được học ở lớp 10);

2) Không dùng ngữ liệu viết về tác phẩm mà học sinh chưa từng được học, được đọc; ngữ liệu nên là các bài viết phân tích đánh giá tác phẩm mà học sinh đã được học ở lớp dưới, nhằm tận dụng văn bản có sẵn trong sách giáo khoa Ngữ văn các lớp ấy. Chó sói và chiên con (La Phông-ten) là tác phẩm đáp ứng tiêu chí của truyện kể; học sinh đã được học đọc hiểu khá kĩ ở lớp 7 theo Chương trình Ngữ văn 2018 (xin xem Ngữ văn 7 - Chân trời sáng tạo);

3) Ngữ liệu có tính “thị phạm” về kiểu bài, giúp học sinh trực quan về cách viết, có sức bao quát cho cả một kiểu bài. (Trong trường hợp này, ngữ liệu có nhiệm vụ “thị phạm” cho kiểu bài “phân tích, đánh giá một truyện kể”, các ngữ liệu có nội dung phân tích, đánh giá chủ đề, nét đặc sắc nghệ thuật trong một tác phẩm truyện kể, đều được xem là phù hợp);

4) Ngữ liệu có tính đa dạng, chọn lọc, tạo được hứng thú tham khảo và có tính hệ thống (trong tổng thể các ngữ liệu tham khảo dạy-học viết từ lớp 6 đến lớp 12).

Ngoài ra, cũng cần nói thêm rằng, theo văn bản Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể năm 2018, yêu cầu viết văn bản nghị luận môn Ngữ văn lớp 10 được nêu như sau:

“– Viết được một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học: chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và tác dụng của chúng”.

Điều đó có nghĩa là sau bài học, học sinh phải có kĩ năng “phân tích, đánh giá” “chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và tác dụng của chúng”, đối với các tác phẩm văn học tương đương về độ phức tạp, độ khó thuộc bất kì thể loại nào mà các em đã được học. Vậy “tác phẩm văn học” ở đây cần hiểu là tác phẩm thuộc những thể loại nào?

Về nguyên tắc, thể loại nào học sinh đã được học, đều thuộc phạm vi nội dung kĩ năng ra đề kiểm tra. Nhưng việc đòi hỏi dạy cách viết nghị luận kĩ lưỡng đối với tác phẩm thuộc từng thể loại mà học sinh đã học là không khả thi. Cũng như vậy, việc đưa ngữ liệu minh hoạ về kiểu văn bản nghị luận phân tích, đánh giá tác phẩm văn học đối với từng thể loại đã học là không khả thi.

Nói riêng về tác phẩm tự sự, từ lớp 6 đến lớp 10, học sinh được học truyện truyền thuyết, truyện cổ tích, đồng thoại (lớp 6); truyện ngụ ngôn, truyện khoa học viễn tưởng (lớp 7); truyện cười, truyện lịch sử (lớp 8), truyện thơ Nôm, truyện truyền kì, truyện trinh thám (lớp 9); thần thoại, sử thi (lớp 10),… Sẽ chỉ là kì vọng bất khả thi, nếu với cả 12 thể loại truyện vừa nêu, đều phải dạy như 12 kiểu bài viết với 12 ngữ liệu tham khảo tương ứng. Chúng ta cần tìm một giải pháp khác.

12 thể loại nêu trên dù đa dạng, khác biệt đến thế nào thì chúng vẫn có chung các đặc điểm nội dung, hình thức của tác phẩm truyện, tác phẩm tự sự. Việc dạy đọc các thể loại khác nhau ấy, không đơn giản chỉ là dạy thể loại nào, học sinh biết thể loại ấy. Trái lại, mỗi lần dạy tác phẩm thuộc một thể loại cụ thể nào đó là thêm một lần củng cố kĩ năng đọc tác phẩm truyện, tác phẩm tự sự nói chung cho học sinh. Đối với dạy viết cũng vậy. Sự khác biệt trong cách phân tích, đánh giá giữa các thể loại truyện như ngụ ngôn và thần thoại chẳng hạn, dĩ nhiên là có – đúng như ý kiến trong bài báo đã nêu ra – và việc giúp học sinh phân biệt các thể loại ấy trong đọc hiểu cũng là cần.

Nhưng những việc đó hẳn là chưa quan trọng, thiết yếu bằng việc giúp học sinh có ý thức, kĩ năng phân biệt tác phẩm thuộc các nhóm thể loại, ví dụ như phân biệt cách đọc cách viết về tác phẩm tự sự với tác phẩm trữ tình; giữa tác phẩm truyện với tác phẩm thơ, hoặc tác phẩm truyện với tác phẩm kịch. Tức là chú trọng hơn vào việc hình thành ở học sinh kĩ năng phân tích, đánh giá tác phẩm phù hợp với đặc điểm chung của các cụm thể loại văn học bao quát hơn: truyện, thơ, kí, kịch.

Với tinh thần đó, nhóm tác giả bộ sách Chân trời sáng tạo đã tách yêu cầu viết văn bản “phân tích, đánh giá tác phẩm văn học…” trong chương trình thành 4 kiểu bài nghị luận văn học cụ thể: 1) phân tích, đánh giá một truyện kể [Bài 1]; 2) phân tích, đánh giá một bài thơ [Bài 3]; 3) phân tích, đánh giá một tác phẩm trữ tình (bao gồm cả văn xuôi trữ tình như tuỳ bút, tản văn) [Bài 6]; 4) phân tích, đánh giá một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch (“tác phẩm tự sự” bao gồm cả tự sự phi hư cấu như hồi kí, kí sự, truyện kí,…; “tác phẩm kịch” bao gồm hài kịch, bi kịch, tuồng/ chèo) [Bài 8]. Đây là giải pháp bảo đảm bao quát được tác phẩm thuộc các thể loại mà học sinh đã học qua ở các lớp trung học cơ sở và lớp 10. Với mỗi bài dạy viết cụ thể nêu trên, sách giáo khoa chỉ có thể chọn sử dụng một ngữ liệu tham khảo.

Tóm lại, ngữ liệu đọc tham khảo cho dạy học viết ở Bài 1, tuy chỉ dùng một văn bản phân tích truyện ngụ ngôn, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu tham khảo về cách viết một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể.

2. Về ý kiến cho rằng sáchthiết kế nội dung bài học thiếu thống nhất” (một số bài học tách riêng nội dung nói và nghe, các bài khác lại gộp chung hai nội dung này), xin phản hồi như sau:

Việc dạy nói và nghe, về nguyên tắc, không thể tách rời nhau. Học sinh luôn phải luân phiên đóng cả vai người nói (khi trình bày, phát biểu ý kiến bản thân cho người khác nghe) lẫn vai người nghe (khi theo dõi, ghi chép chuẩn bị phản hồi trao đổi, đánh giá phần trình bày hay ý kiến của người khác).

Như vậy, về cơ bản dạy nói đồng thời cũng là dạy nghe, không có hoạt động nói thì cũng không có/ không cần đến hoạt động nghe. Vì thế, phần lớn các bài trong sách kết hợp, lồng ghép dạy học nói và nghe nhằm thực hiện các yêu cầu cần đạt về nói, nói – nghe tương tác. Tuy nhiên, bản thân việc nghe cũng có những thao tác, bài bản riêng của nó, và chương trình Ngữ văn 2018 cũng đã nêu riêng thành yêu cầu cần đạt: “ Nghe và nắm bắt được nội dung thuyết trình, quan điểm của người nói. Biết nhận xét về nội dung và hình thức thuyết trình.” Đây cũng là yêu cầu cần đạt duy nhất về dạy học nghe, trong khi về nói và nói – nghe tương tác, có đến 4 yêu cầu cần đạt (xem Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể năm 2018, môn Ngữ văn).

Vì các lí do nêu trên, sách giáo khoa vẫn cần thiết tách nghe thành nội dung dạy học riêng ở một số bài; bố trí dạy nghe tiếp sau dạy nói ở Bài 1 (đầu học kì I), Bài 6 (đầu học kì II). Riêng bài 4, nội dung nói và nghe có tính đặc thù, liên quan đến một yêu cầu nghe tương đối phức tạp: “Nghe và nắm bắt nội dung trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu”, sách cũng thiết kế phần nghe tách riêng. Tóm lại, việc phân bố nội dung nói, nghe gộp chung, hay tách riêng trong Ngữ văn 10 là không hề tuỳ tiện và đều được cân nhắc kĩ lưỡng đối với từng trường hợp cụ thể.

3. Về ý kiến cho rằng bài tập tiếng Việt trong sách – cụ thể là bài tập thực hành tiếng Việt số 4, trang 50, Ngữ văn 10, tập một, liên quan đến biện pháp tu từ so sánh – đã đặt ra yêu cầu phức tạp, khó đối với học sinh (“như đánh đố”), xin giải thích như sau.

3.1. Độ khó của bài tập số 4 (Bài 2, tập 1 Ngữ văn 10) có quá mức, “đánh đố” học sinh?

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể 2018, môn Ngữ văn, So sánh là biện pháp tu từ đã được dạy học khá kĩ ngay từ lớp 3: “4.1. Biện pháp tu từ so sánh: đặc điểm và tác dụng”. (Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể 2018, môn Ngữ văn, trang 27). Theo đó, dạng bài tập có “lệnh” như bài báo gợi ý: “… chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong các câu...” đã được thực hiện ở lớp 3. Lên đến lớp 10, sau 7 năm học, nếu ta lại cũng chỉ nêu yêu cầu thực hành như đối với học sinh lớp 3, liệu có thấp quá không?

Hơn nữa, việc thực hành về biện pháp tu từ so sánh, thực ra không phải là nhiệm vụ bắt buộc đối với học sinh lớp 10. Nội dung thực hành của bài học mà chúng ta đang bàn đến là: “cách đánh dấu phần bị tỉnh lược trong văn bản, cách trích dẫn, chú thích và ghi cước chú”. Tuy nhiên, do phép so sánh được sử dụng trong các văn bản sử thi nêu trên rất thú vị và khác biệt, nếu không cho học sinh tìm hiểu, tích hợp với luyện kĩ năng đọc hiểu văn bản thì rất đáng tiếc. Do vậy, nhóm tác giả sách giáo khoa đã bổ sung bài tập này như một bài tập thực hành tiếng Việt mở rộng.

Còn về độ khó, yêu cầu học sinh chỉ ra sự khác nhau trong cách sử dụng biện pháp so sánh qua các ví dụ dẫn từ văn bản “Gặp Ka-ríp và Xi-la” (trích sử thi Ô-đi-xê), và Đăm-San chiến thắng Mtao Mxây (trích sử thi Đăm Săn) có khó quá hay không? Thiết nghĩ, trong trường hợp này, nếu học sinh gặp khó khăn, chỉ cần giáo viên cho các em so sánh với một vài câu văn sử dụng biện pháp tu từ đơn giản, thông thường, như đã học ở lớp 3 là có thể giải quyết được. Nhưng riêng với lứa học sinh lớp 10 năm học 2022-2023, chưa được học theo chương trình Ngữ văn lớp 3 mới (Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể 2018) thì sao? Yêu cầu đó sẽ vẫn gây khó? Câu trả lời là: Bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo cũng như các bộ sách khác, được soạn để dạy từ lớp 1 đến lớp 12. Tình trạng học sinh lớp 10 năm học qua chưa được học một cách hệ thống theo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể 2018, môn Ngữ văn, cần xem như là một trường hợp cụ thể, có tính lịch sử, cần phải sử dụng giải pháp tình thế, để khắc phục, không có cách nào khác.

3.2. Riêng về sự khác biệt giữa sách giáo viên và sách tham khảo mà bài báo có đề cập và trích dẫn, xin được nói rõ: nhóm tác giả sách giáo khoa bộ Chân trời sáng tạo, là tác giả sách giáo khoa và sách giáo viên, không phải tác giả tài liệu sách tham khảo Ngữ văn 10. Vậy, tình trạng mâu thuẫn giữa hai tài liệu sách giáo viên và sách tham khảo, nếu có, đâu phải là lỗi của nhóm tác giả sách giáo khoa, sách giáo viên Ngữ văn 10, bộ sách Chân trời sáng tạo?

PGS.TS Nguyễn Thành Thi (thay mặt nhóm tác giả)