Những bí mật xung quanh chuyện hoa hồng trong trường học đi về đâu?

19/10/2022 06:44
Ngân Hoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhận hoa hồng, sử dụng như thế nào ở các trường học vẫn đang là câu hỏi ngỏ, vẫn đang phụ thuộc rất lớn đến cái tâm của mỗi hiệu trưởng nhà trường.

“Hoa hồng” trường học là câu chuyện khá nhạy cảm, mọi người rất quan tâm, tò mò nhưng lại chẳng có ai dám có ý kiến để tường minh về chuyện này.

Vì thế, những thắc mắc, những câu hỏi về hoa hồng nhà trường nhiều hay ít, đã đi về đâu vẫn luôn râm ran từ giáo viên này đến giáo viên khác.

Dù không muốn nói nhưng hoa hồng vẫn tồn tại trong các trường học hiện nay. Mỗi một dịch vụ triển khai trong nhà trường dù ít hay nhiều vẫn luôn có một khoản hoa hồng được trích lại cho dù đối tác có đòi hỏi hay không.

Trích hoa hồng gần như đã trở thành luật bất thành văn đôi khi không muốn vẫn cứ phải nhận.

Tiền “hoa hồng” trong nhà trường thu chi đang là chuyện bí mật? (Ảnh minh họa: TTXVN).

Tiền “hoa hồng” trong nhà trường thu chi đang là chuyện bí mật? (Ảnh minh họa: TTXVN).

Đôi khi không muốn nhận hoa hồng cũng không được

Có lần, mấy sinh viên vào lớp tôi giới thiệu bán một số công thức toán, từ điển Anh - Việt, một số sách tham khảo… Vì họ đã có giấy giới thiệu từ cấp trên nên nhà trường và bản thân mỗi giáo viên cũng không tiện từ chối.

Lớp tôi có hơn chục học sinh đăng ký mua. Sau khi nộp tiền cho bên bán, bất ngờ giáo viên được trích lại 120.000 đồng gọi là tiền bồi dưỡng cho cô vì công tác thu hộ.

Tôi không nhận số tiền này nhưng các bạn ấy nói rằng “đó là quy định của bên em, nơi nào cũng như thế. Thầy cô cứ nhận đi, còn sử dụng khoản tiền bồi dưỡng này ra sao thì tuỳ”.

Lần khác, cô văn thư gọi xuống văn phòng ký nhận hoa hồng tiền tin nhắn điện tử. Giá đăng ký tin nhắn điện tử một năm học của học sinh là 50.000 đồng nhưng hoa hồng chi lại cho giáo viên tới 15.000 đồng/học sinh đăng ký.

Người viết nói rằng, mình không nhận đâu nhưng “danh sách đã lập, tiền đã chi, nếu chị không nhận em cũng chẳng biết để đi đâu”, nhân viên văn thư trả lời như thế.

Đủ loại hoa hồng

Nói về các dịch vụ mua bán trong trường học thì rất nhiều, người ta đồn rằng “thượng vàng hạ cám” gì cũng được chi trả hoa hồng.

Từ việc mua chổi, mua giấy, photo tài liệu, đề kiểm tra, mua phần thưởng cho học sinh đến việc bán sách giáo khoa, sách vở tham khảo, đồng phục học sinh…

Ngoài ra, còn có các dịch vụ khác như đăng ký hồ bơi cho học sinh luyện tập, cho một số trung tâm dạy thêm như tiếng Anh, học võ, ôn luyện kiến thức vào trường phát quảng cáo, chiêu sinh…

Dịch vụ nhỏ như thế còn có hoa hồng thì ai dám chắc những dịch vụ lớn như bếp ăn bán trú, sửa chữa và xây dựng cơ sở vật chất nhà trường sẽ không được trích hoa hồng?

Sử dụng hoa hồng nhà trường đang phụ thuộc rất lớn vào tâm của từng hiệu trưởng

Hoa hồng trường học là có thật, tuy thế hiện nay, vẫn chưa có một quy định nào yêu cầu phải công khai hoa hồng trước tập thể. Công khai hay lặng lẽ sử dụng mặc nhiên xem đó là bổng lộc của riêng cá nhân mình đang phụ thuộc rất lớn vào cái tâm của từng hiệu trưởng.

Một lần, hiệu trưởng trường tôi lúc đó đã đưa 2 phong bì với số tiền khoảng 3 triệu đồng (hiệu trưởng giải thích giữa hội đồng đó là tiền hoa hồng được đối tác bồi dưỡng riêng cho hiệu trưởng và kế toán) để nộp vào quỹ phúc lợi nhà trường cho toàn trường dùng chung.

Lần khác, nhà trường gọi dịch vụ hút hầm cầu. Khi công việc được hoàn thành, phía dịch vụ gửi phong bì cho hiệu trưởng để cảm ơn vì đã gọi họ. Hiệu trưởng đã công khai trước tập thể và để lại khoản tiền ấy vào quỹ của nhà trường.

Chỉ là đăng ký hồ bơi cho học sinh toàn trường với mức lệ phí đã được quy định công khai nhưng phía đối tác vẫn trích lại hoa hồng riêng cho hiệu trưởng. Sau khi công bố khoản hoa hồng nhận được, nhà trường đã giảm đi số tiền của học sinh đã đóng, số còn lại bồi dưỡng cho một số giáo viên đã bỏ công (buổi nghỉ) đi hỗ trợ thêm.

Có lần, một trung tâm bồi dưỡng văn hóa trong địa bàn nhờ nhà trường phát tờ rơi cho phụ huynh trong buổi họp cuối năm.

Sau đó, hiệu trưởng công khai phong bì lên đến vài triệu đồng rồi thông báo để vào công quỹ dùng chung. Nhiều người thì thầm "mấy khoản này sếp không công khai cũng chẳng ai biết được".

Một lần, hiệu trưởng trường tôi nói rằng, nhà cung cấp đồng phục cho học sinh có nhã ý gửi tiền hoa hồng. Tuy thế, nhà trường nói không nhận hoa hồng mà yêu cầu giảm giá thành bộ đồ cho học sinh.

Thế nên, đồ đồng phục trường tôi lúc đó vải đẹp mà giá thành lại thấp hơn so với giá ngoài chợ.

Khác với những hiệu trưởng mình đã gặp, cô H. (đề nghị không nêu tên) là nhân viên một trường trung học phổ thông kể rằng, một năm học, nhà trường phải mua rất nhiều thứ như chổi quét, phấn, giẻ lau bảng, sách vở, bút viết… nhưng mua ở đâu đều được hiệu trưởng đưa địa chỉ.

Nhân viên chỉ việc đến nơi đó lấy hàng về, còn cuối năm những nơi đó tự thanh toán tiền với nhà trường. Vì thế, họ trích hoa hồng bao nhiêu người trực tiếp đi mua cũng chẳng thể biết.

Nói rồi cô H. phân trần, lương nhân viên ít đôi khi phải bỏ tiền túi để đổ xăng vì nơi mua hàng khá xa với trường học. Thế nhưng, người đi mua lại không được ưu đãi một chút gì mà hiệu trường mới là người được hưởng.

Sử dụng khoản tiền hoa hồng trường học như thế nào cho hợp lý?

Có những khoản hoa hồng chúng tôi thường nói là “vô hại”, đó được xem như lời cảm ơn để giữ chỗ cho những lần sau. Những khoản hoa hồng kiểu này, gặp hiệu trưởng có tâm sẽ xung vào quỹ chung của tập thể hay dùng trả tiền xăng xe cho những nhân viên đi mua hàng vì đồng lương họ còn quá thấp.

Có những khoản hoa hồng nếu nhận của đối tác sẽ làm giảm chất lượng của sản phẩm. Ví như hoa hồng của nhà cung cấp lương thực thực phẩm cho bếp ăn bán trú hay trực tiếp là các suất ăn của nhà trường.

Hoa hồng nhận càng cao, chất lượng từng bữa ăn sẽ càng thấp, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của học sinh.

Hoa hồng đồng phục học sinh cũng vậy. Có trường đã vì hoa hồng mà liên tục thay đổi mẫu mã đồng phục hoặc bán với giá khá cao nhưng chất lượng các bộ đồng phục lại tỉ lệ nghịch với giá thành.

Điều này đã tạo gánh nặng kinh tế lên vai phụ huynh mà đặc biệt là những phụ huynh nghèo. Nhận những khoản hoa hồng như thế này rất đáng bị lên án.

Nhận hoa hồng, sử dụng tiền hoa hồng như thế nào ở các trường học vẫn đang là câu hỏi ngỏ, vẫn đang phụ thuộc rất lớn đến cái tâm của mỗi hiệu trưởng nhà trường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ngân Hoa