"Hoa hồng" bán sách trong trường học vẫn thuộc loại "bí mật"

01/07/2022 06:32
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có lẽ mức chiết khấu mà các công ty cung ứng sách chi khá hấp dẫn, dẫn đến một số trường học đã quên đi phụ huynh, học sinh của trường mình còn nhiều học sinh.

Để phân biệt rạch ròi các loại sách mà nhiều nhà trường đang bán cho học sinh phổ thông vào dịp đầu năm học đối với phụ huynh là một vấn đề khá nan giải, không phải phụ huynh nào cũng phân biệt được mà phân biệt được thì phụ huynh cũng khó chối từ khi danh mục sách đã được nhà trường thông báo trọn gói.

Sách được các nhà xuất bản đang bán cho học sinh các trường học phổ thông hiện nay có 3 loại chính.

Đó là: sách giáo khoa được sử dụng chính thức theo danh mục quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sách bổ trợ, được biên soạn sát theo nội dung chương trình sách giáo khoa như sách bài tập, vở tập viết; sách tham khảo, cung cấp thêm các dạng bài tập, các kiến thức nhằm mở rộng kiến thức cho học trò.

Và, các loại sách phục vụ học tập ở các nhà trường phổ thông đều được in giá cụ thể sau bìa mỗi cuốn sách nên cho dù phụ huynh mua ở nhà trường, mua ở nhà sách thì ở đâu cũng phải chi ra số tiền như nhau.

Một bộ sách lớp 6 được bán ở mức giá 661.000 đồng (Ảnh chụp tại website của nhà trường Trung học cơ sở Chu Văn An, thành phố Thái Nguyên)

Một bộ sách lớp 6 được bán ở mức giá 661.000 đồng

(Ảnh chụp tại website của nhà trường Trung học cơ sở Chu Văn An, thành phố Thái Nguyên)

Hoa hồng bán sách trong trường học vẫn thuộc “bí mật” với mọi người

Trước đây, khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa năm 2006, việc mua bán sách trong nhà trường chủ yếu chỉ được thực hiện ở cấp tiểu học vì học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông có thể tự mua ở bất cứ nhà sách, cửa hàng sách đều được bởi đó là “một chương trình - một bộ sách giáo khoa”.

Bắt đầu từ năm học 2011-2012, chương trình VNEN ra đời, sách giáo khoa này bắt đầu len lỏi thêm đến các trường trung học cơ sở và được bán theo đường nội bộ. Sở, Phòng Giáo dục gửi thông báo về các nhà trường - trường thông báo và cho học sinh đăng ký số lượng, trường tập hợp số lượng gửi về trên. Đầu năm học, sách sẽ về tại trường cho học sinh.

Phát huy “lợi thế” của sách VNEN, sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018 cả 3 cấp học hiện nay đang được nhiều trường tích cực phân phối với lý do sách có nhiều bộ khác nhau.

Vấn đề đặt ra là nhà trường có phải là đơn vị đứng ra “làm không công” hay không? Và, phía sau việc “mua hộ” sách cho học sinh ở mỗi năm học, việc chiết khấu (hoa hồng) mà các loại sách nhà trường bán sẽ là bao nhiêu phần trăm?

Theo tiết lộ của 1 hiệu trưởng đang công tác tại một tỉnh phía Nam, các công ty phát hành sách đang chiết khấu các loại sách cho các nhà trường trung bình khoảng 15% của giá bìa.

Như vậy, nếu chỉ tính mình sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cả 3 cấp học, mức chiết khấu cho mỗi bộ sách/ 1 học sinh vào khoảng 25 - 60 ngàn đồng vì mỗi bộ sách dao động từ gần 200 ngàn đến 400 ngàn đồng.

Nhưng, nếu “lồng ghép” được sách bổ trợ vào, mức chiết khấu cho các nhà trường khoảng 45 -110 ngàn đồng cho mỗi bộ sách trọn gói/ 1 học sinh. Nếu bán thêm được sách tham khảo, mức chiết khấu còn cao hơn một chút - tùy vào số lượng sản phẩm bán được.

Chính vì thế, sách bán cho học sinh hiện nay không đồng nhất với nhau. Chẳng hạn như bộ sách của các lớp 1, 2, 3, có nơi trên 300 ngàn đồng (nếu nguyên sách giáo khoa, có nơi trên 600, có nơi trên 700 ngàn (nếu có cả sách bài tập, sách tham khảo...). Thực tế này đã được phản ánh trong một số bài viết đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong thời gian qua.

Bộ sách lớp 10 cho năm học 2021-2022 được niêm yết giá 653.000 đồng (Ảnh chụp từ màn hình)

Bộ sách lớp 10 cho năm học 2021-2022 được niêm yết giá 653.000 đồng

(Ảnh chụp từ màn hình)

Một chủ cửa hàng sách ở Thanh Hóa chia sẻ với chúng tôi rằng, sách giáo khoa chương trình 2006 đang được chiết khấu khoảng 15-18%, còn sách chương trình năm 2018 được chiết khấu khoảng 12-13% vì các cửa hàng sách bên ngoài lấy số lượng ít.

Bởi, sách chương trình giáo dục phổ thông 2018 chủ yếu được bán ở các nhà trường nên các cửa hàng, nhà sách bán rất ít vì không có khách hàng.

Nhiều người đặt câu hỏi, có phải vì mức chiết khấu hấp dẫn như vậy cho nên việc nhiều trường học phổ thông hiện nay đứng ra làm khâu trung gian phân phối các loại sách?

Nhà trường có hoa hồng chiết khấu, liệu có tư vấn chọn sách chính xác cho phụ huynh?

Thực ra, chuyện chiết khấu phần trăm (hoa hồng) đối với các sản phẩm bán sỉ thì mặt hàng nào cũng có chứ không riêng gì sách giáo khoa, sách bổ trợ, sách tham khảo dành cho học sinh phổ thông ở các nhà trường.

Vì thế, việc nhiều nhà trường đứng ra bán sách chương trình giáo dục phổ thông 2018 tất nhiên không ai làm không công cho các nhà xuất bản. Bởi các trường làm sẽ mất thời gian, công sức thì việc được nhận “hoa hồng” của các nhà xuất bản là điều đương nhiên.

Song, vấn đề đặt ra là nếu như các nhà trường đứng ra bán sách giáo khoa cho học sinh thì không nói làm gì, đằng này nhiều trường học cũng “chung lưng đấu cật” với các đơn vị phát hành sách để bán sách bổ trợ và sách tham khảo cho học sinh.

Bởi, về cơ bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ phê duyệt sách giáo khoa của chương trình hiện hành (chương trình 2006) và chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sách bổ trợ và sách tham khảo không được Bộ và các địa phương phê duyệt.

Tuy nhiên, trong danh mục sách gửi các phụ huynh, các công ty cổ phần sách và thiết bị trường học vẫn nhiệt tình giới thiệu các sách bổ trợ, thậm chí là sách tham khảo với trường. Các trường học cũng "nhiệt tình" lập danh mục sách gộp sách giáo khoa, sách bổ trợ, sách tham khảo gửi đến phụ huynh đăng ký.

Đáng lẽ với vai trò cơ quan chuyên môn, các nhà trường phải là những nhà tư vấn cho phụ huynh là chỉ cần những loại sách nào thực sự cần thiết, sách nào nhà trường và giáo viên dạy. Từ đó, phụ huynh mua với giá thấp nhất có thể, đặc biệt là tránh lãng phí khi nhiều quyển sách theo phụ huynh phản ánh là cả năm không dùng đến..

Nhưng, có lẽ mức chiết khấu mà các công ty cung ứng sách chi đang khá hấp dẫn, dẫn đến một số trường học đã quên đi phụ huynh, học sinh của trường mình còn nhiều học sinh nghèo và cũng có nhiều loại sách bổ trợ mua nhưng không dùng đến hoặc dùng rất ít!

NGUYỄN NGUYÊN