Những cái khó trong tuyển sinh ở ĐH Tây Nguyên, ĐH Quy Nhơn là gì?

07/08/2023 06:34
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo các trường đại học, khối ngành nông lâm nghiệp, thuỷ sản có nhu cầu nhân lực lớn nhưng lại khó tuyển sinh, chưa được người học quan tâm.

Đến thời điểm hiện tại, các trường đại học đang bước vào giai đoạn cuối của mùa tuyển sinh năm 2023. Dự kiến ngày 22/8, các trường sẽ công bố điểm chuẩn đại học 2023 và kết quả xét tuyển.

Khối ngành Nông lâm nghiệp khó thu hút người học

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc – Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, năm 2023, nhà trường tuyển sinh cho 35 ngành đào tạo, trong đó có 2 nhóm ngành đào tạo có điều kiện là khối ngành sức khỏe và khối ngành sư phạm.

Riêng với 12 ngành đào tạo giáo viên, trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao 430 chỉ tiêu. Điểm sàn năm 2023 xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Trường Đại học Tây Nguyên về cơ bản không thay đổi so với năm ngoái, ngành Y khoa có điểm sàn cao nhất là 23 điểm.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc cũng nhận định điểm chuẩn năm nay sẽ không biến động nhiều so với năm 2022.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc – Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên. Ảnh: Phạm Minh

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc – Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên. Ảnh: Phạm Minh

Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, những năm qua, có nhiều ngành tuyển sinh thuận lợi, thu hút được số lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển như khối ngành sức khoẻ, khối ngành Kinh tế, ngành Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ Anh.

Bên cạnh đó, với sự ra đời của Nghị định 116/2020/NĐ-CP, tuyển sinh của nhóm ngành đào tạo giáo viên cũng có những tín hiệu tích cực, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển rất đông.

Năm nay, ngành Giáo dục thể chất trường chỉ có 20 chỉ tiêu nhưng có 69 em dự thi năng khiếu, ngành Giáo dục mầm non có 100 chỉ tiêu nhưng thí sinh đăng ký thi năng khiếu gấp đôi số lượng chỉ tiêu.

Dù vậy, trường cũng có một số ngành khó tuyển sinh như ngành Triết học, khối ngành Nông lâm nghiệp.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc, đặc biệt với khối ngành Nông lâm, thuỷ sản, hầu hết các trường đại học đều gặp khó trong tuyển sinh, chỉ tiêu nhiều nhưng số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển lại thấp.

Những năm qua, Trường Đại học Tây Nguyên chỉ tuyển được 30-40% chỉ tiêu đối với nhóm ngành này. Trường cũng đã dừng tuyển sinh với ngành Quản lý tài nguyên rừng vì không có người đăng ký học.

“Trường đào tạo các ngành Kinh tế nông nghiệp, Thú y, Lâm sinh, Quản lý đất đai, Chăn nuôi, Bảo vệ thực vật, Khoa học cây trồng, Công nghệ sinh học, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Công nghệ thực phẩm,… Trong đó có ngành Thú y tuyển sinh khá, vẫn nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển.

Đây là những ngành có nhu cầu nhân lực lớn, thu nhập khá, thậm chí được nhà trường hỗ trợ đầu ra, kết nối việc làm nhưng vẫn chưa thu hút được người học.

Tháng 11/2022, Trường Đại học Tây Nguyên và tỉnh Đắk Lắk đã ký hợp tác và thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk trong Trường Đại học Tây Nguyên - tổ chức ngày hội việc làm, tổ chức sàn giao dịch việc làm để hỗ trợ, kết nối sinh viên với doanh nghiệp, giúp các em tìm được việc làm theo đúng chuyên môn đào tạo.

Tây Nguyên cũng là khu vực có nhu cầu nhân lực nhóm ngành nông lâm nghiệp rất cao. Đã có nhiều đơn vị về trường thông báo tuyển dụng, đặt hàng tuyển dụng nhưng vì người theo học quá ít nên số lượng sinh viên tốt nghiệp vẫn không đủ cho các đơn vị tuyển dụng.

Vì vậy, năm nay, để khuyến khích người học, nhà trường quyết định dành nhiều suất học bổng cho sinh viên khối ngành Nông lâm”, thầy Trúc thông tin thêm.

Tuyển sinh sư phạm tích cực hơn nhờ Nghị định 116

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Lê Xuân Vinh – Trưởng phòng Đào tạo – Trường Đại học Quy Nhơn cho biết, năm 2023, trường tuyển sinh 47 ngành đào tạo với tổng 5000 chỉ tiêu; trong số đó có 936 chỉ tiêu cho 14 ngành sư phạm.

Nhà trường cũng đã thông báo cho các thí sinh trúng tuyển sớm biết kết quả để tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn. Ảnh: Website nhà trường
Sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn. Ảnh: Website nhà trường

Một điểm mới được áp dụng bắt đầu từ năm nay là giảm dần điểm ưu tiên đối với thí sinh có kết quả từ 22,5 trở lên, vì vậy, thí sinh cũng nên lưu ý điều này.

Căn cứ phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành, số lượng thí sinh trúng tuyển sớm và số lượng thí sinh đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống, nhà trường đã công bố điểm sàn vào ngày 21/7/2023.

Dự kiến, điểm chuẩn các ngành Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non, Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Công nghệ Kỹ thuật ô tô dự kiến sẽ trên điểm sàn 0.5 đến 1 điểm. Các ngành còn lại sẽ không biến động nhiều so với điểm sàn.

Về tình hình tuyển sinh những năm qua, Tiến sĩ Lê Xuân Vinh cho biết, các ngành sư phạm tuyển sinh khá tốt, một phần do Trường Đại học Quy Nhơn tiền thân là Trường Đại học Sư phạm, một phần do tác động tích cực của Nghị định 116.

Hàng năm trường đều tuyển được từ 85-90% chỉ tiêu sư phạm, thuộc top cao so với các lĩnh vực khác.

Các ngành tỉ lệ chọi cao là Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non, Sư phạm Tiếng Anh, Sư phạm Toán học.

Trong khi đó, các ngành Sư phạm Tin học, Sư phạm Sinh học, Giáo dục Chính trị ít thí sinh đăng ký và điểm chuẩn thường ở mức điểm sàn (theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành sư phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

“Bên cạnh khối ngành đào tạo giáo viên, các ngành thu hút thí sinh là những ngành thuộc lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý, kế tiếp là nhóm ngành Công nghệ như: Công nghệ thông tin, Công nghệ Kỹ thuật ô tô; và các ngành thuộc lĩnh vực du lịch.

Các lĩnh vực khó tuyển sinh là Toán và Khoa học tự nhiên, nhóm ngành Nông lâm nghiệp và thủy sản.

Đối với các ngành thuộc lĩnh vực này cần có cơ chế, chính sách của Nhà nước để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học công nghệ phục vụ cho các lĩnh vực then chốt, phát triển bền vững nền kinh tế của đất nước”, Tiến sĩ Vinh cho hay.

Phạm Minh