Những điểm tương đồng của bà Triệu Thị Chính và ông Trần Xuân Yến trước tòa

17/10/2019 06:28
NHẬT DUY
(GDVN) - Ông Yến và bà Chính đều đang đảm nhận chức danh Phó Giám đốc Sở Giáo dục, họ cùng bị truy tố, cùng được tại ngoại, cùng liên quan đến con số 13 thí sinh.

Phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi năm 2018 ở Hà Giang và Sơn La đang có những diễn biến rất bất ngờ. Điều đặc biệt ở 2 phiên tòa này có những nét tương đồng thú vị từ 2 bị cáo là ông Trần Xuân Yến và bà Triệu Thị Chính.

Bởi, tại thời điểm sự việc xảy ra thì ông Yến và bà Chính đều đang đảm nhận chức danh Phó Giám đốc Sở Giáo dục, họ cùng bị truy tố, cùng được tại ngoại, cùng liên quan đến con số 13 thí sinh. Đứng trước tòa, cả 2 bị cáo này cũng đều khai là chỉ “nhờ xem điểm trước”!

Bị cáo Triệu Thị Chính đến tòa (Ảnh: Trinh Phúc)
Bị cáo Triệu Thị Chính đến tòa (Ảnh: Trinh Phúc)

Ông Trần Xuân Yến là phủ nhận lời khai trước đây.

Những ngày Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La xét xử vụ án gian lận thi cử ở địa phương này, điều mà chúng ta luôn thấy được đó là vẻ chải chuốt, gọn gàng của bị cáo Trần Xuân Yến khi đến dự phiên tòa.

Nếu như trước đây, ông đã từng khai với cơ quan điều tra là đã nâng điểm thi cho 13/44 thí sinh được nâng điểm thi ở Sơn La. Đây đều là những trường hợp do cấp trên, đồng nghiệp và người quen nhờ vả.

Trong số 13 thí sinh này, có 8 trường hợp do chính ông Hoàng Tiến Đức, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La "gửi gắm" để nâng điểm.

Cũng từ thông tin này, báo chí đã khai thác rất nhiều những thông tin thú vị liên quan đến ông Hoàng Tiến Đức. Trong thời gian qua, ông Đức bị Ban Bí thư kỷ luật, bị Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La chưa cho nghỉ hưu vào thời điểm ngày 1/7/2019.

Khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương về Sơn La làm việc thì ông Đức đi chữa bệnh, 2 lần phiên tòa xét xử vụ án này thì ông Đức vẫn đang đi chữa bệnh. Đồng thời, cơ quan điều tra Sơn La còn mở rộng điều tra sang giai đoạn 2 trong thời gian tới.

Những điểm tương đồng của bà Triệu Thị Chính và ông Trần Xuân Yến trước tòa ảnh 2Bị cáo Trần Xuân Yến bất ngờ phủ nhận nhờ nâng điểm

Vậy mà, đứng trước tòa lần này thì ông Trần Xuân Yến lại quay ngoắt 180 độ để phủ nhận lời khai của mình trước đây với cơ quan điều tra. Cũng giống như ông Hoàng Tiến Đức, ông Yến chỉ nhận là “nhờ xem điểm trước”.

Có điều, cấp dưới của ông Yến khai rành rọt từng chi tiết về việc chỉ đạo của ông Yến, từng việc nhận tiền của một số người nhờ nâng điểm?

Bà Triệu Thị Chính cũng nhờ cấp dưới... xem điểm!

Hình ảnh hàng ngày qua khi đến dự phiên tòa, chúng ta luôn thấy bị cáo Triệu Thị Chính trong trang phục khá đẹp mắt và bước ra từ chiếc xe ô tô sang trọng.

Có điều, những lời khai trước tòa của bị cáo Triệu Thị Chính và Nguyễn Thanh Hoài lại hoàn toàn mâu thuẫn, trái ngược nhau. Bị cáo Hoài thì vẫn khẳng định là bà Chính lập danh sách nhờ Hoài nâng điểm môn cho 13 thí sinh.

Tuy nhiên, bị cáo Triệu Thị Chính liên tục khẳng định không nhờ bị cáo Hoài nâng điểm mà chỉ đưa danh sách 13 thí sinh nhờ bị cáo Hoài “xem điểm” mà thôi. 

Có một chi tiết rất thú vị là trong biên bản làm việc của Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo khi xảy ra vụ việc đã ghi rõ lời bà Triệu Thị Chính như sau: “Trong cơ quan, nhiều người biết có con đồng chí Triệu Tài Vinh thi năm 2018.

Mọi người có lúc trao đổi ngoài lề với nhau, đồng chí Vũ Văn Sử (Giám đốc Sở Giáo dục) có nhắc "con Bí thư đấy", bà Chính nói "em biết rồi”".

Vậy, “em biết rồi” là “nhờ xem điểm trước” thôi sao? Vậy, con gái ông Triệu Tài Vinh được nâng 5,4 điểm chắc là do ông Hoài...nhầm!

Với cương vị là Phó Giám đốc Sở thì cần gì phải “nhờ xem điểm trước”?

Những điểm tương đồng của bà Triệu Thị Chính và ông Trần Xuân Yến trước tòa ảnh 3Bị cáo Chính nói: "Sai lầm của tôi là sống quá tình cảm"

Chưa bao giờ cụm từ “nhờ xem điểm trước” lại được nhiều người ở Hà Giang và Sơn La “đồng thanh” nói nhiều như bây giờ. Trong đó, có những thành viên Ban Giám đốc Sở như ông Yến và bà Chính.

Nếu chỉ cần “xem điểm trước” thì bà Chính và ông Yến có cần thiết phải lập danh sách đưa cho cấp dưới của mình hay không? Bởi, 2 bị cáo này ở thời điểm ấy nằm trong Ban chỉ đạo Hội đồng thi, đồng thời là thành viên Ban Giám đốc Sở.

Trong khi đó, lúc vào điểm thi xong thì bao giờ cũng phải có sự phê duyệt của lãnh đạo Hội đồng thi xong thì mới có thể công bố điểm.

Nếu cần xem, thì lúc đó xem, việc gì phải nhờ vả cấp dưới “xem trước” làm gì để bây giờ đứng trước vành móng ngựa thì 2 vị nguyên là Phó Giám đốc Sở đang phải thanh minh cho sự trong sáng và vô tội của mình?

Có lẽ trước tòa, mọi chuyện sẽ được làm sáng tỏ và mọi bị cáo cũng thấu hiểu được lòng nhau nhiều hơn. Cho dù người đó đã một thời là cấp trên, là đồng nghiệp của nhau nhưng đối diện với chốn lao tù không phải ai cũng can đảm nhận những việc mà mình đã từng làm trước đó!

Nhìn 2 bị cáo nguyên là Phó Giám đốc Sở đến tòa thật đẹp và sang trọng, quần áo phẳng phiu, đi giầy bóng nhoáng, thậm chí bước ra từ một ô tô sang trọng.

Bất giác, chúng tôi nhớ đến hình ảnh những bị cáo khác mặc chiếc áo màu xanh, đi đôi dép lê, tay bị còng, mặt cúi gằm xuống thấy mà thấy xót xa. Họ cũng mang thân phận bị cáo và đã từng là cấp dưới của ông Yến, bà Chính ngày nào...! 

Tài liệu tham khảo:

//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bi-cao-tran-xuan-yen-bat-ngo-phu-nhan-nho-nang-diem-post203452.gd

//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bi-cao-chinh-noi-sai-lam-cua-toi-la-song-qua-tinh-cam-post203422.gd

NHẬT DUY