Nữ sinh xung phong chống dịch: “Đời cho ta bao lần đôi mươi”

09/09/2021 06:22
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xung phong tình nguyện khi tuổi chớm 20, Nhựt Linh sẽ không bao giờ quên những tháng ngày cùng ăn, cùng làm việc với các y bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch.

Cơ hội để thực hiện “sứ mệnh” tương lai

Suốt gần 4 tháng qua, cô sinh viên Đào Nguyễn Nhựt Linh (20 tuổi, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) vẫn cần mẫn cùng đồng đội tham gia tình nguyện trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19.

Cô là một trong hàng nghìn sinh viên xung phong tham gia phòng chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh từ những ngày đầu, khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát.

Vừa trút khỏi bộ đồ bảo hộ kín mít sau khi khép lại một ca làm việc trong ngày, Nhựt Linh vừa đưa tay lau vội những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt.

Cô gái với dáng người nhỏ nhắn thả mình ngồi xuống chiếc ghế đá giữa khoảnh sân, nở một nụ cười tươi trước khi bắt đầu câu chuyện: “Mình bắt đầu tham gia chống dịch từ cuối tháng 5 đến nay. Có thể nói, tinh thần tình nguyện đã có sẵn trong mình từ rất lâu rồi, bởi mình bắt đầu tham gia làm tình nguyện từ khi còn là thành viên dự bị của Đoàn.

Đào Nguyễn Nhựt Linh trong bộ đồ bảo hộ kín khi tham gia chống dịch. (Ảnh: NVCC)

Đào Nguyễn Nhựt Linh trong bộ đồ bảo hộ kín khi tham gia chống dịch. (Ảnh: NVCC)

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, mình đã dành trọn tình yêu cho mảnh đất này từ lâu, có lẽ những người sống ở mảnh đất này cũng yêu và trân trọng nơi đây lắm.

Ngay khi thấy Sài Gòn “bị ốm”, thấy các y bác sĩ nơi tuyến đầu đang từng ngày “căng mình” chiến đấu, ngọn lửa trong tim lại càng thôi thúc mình “ra trận”.

Mình cũng chẳng kịp nghĩ nhiều, chỉ biết là “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, nên cứ đi và làm hết sức mình, san sẻ được phần nào trong lúc này cũng làm “giảm nhiệt” cho tuyến đầu”.

Trong giai đoạn đầu xung phong chống dịch, Nhựt Linh tham gia các hoạt động tình nguyện song song tại trường và địa phương. Đến cuối tháng 6/2021, Linh xin rút về tham gia xuyên suốt các hoạt động của xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh).

Nhựt Linh được phân công dán “code” và nhập liệu. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nhựt Linh được phân công dán “code” và nhập liệu. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nhắc đến những ngày đầu chung tay san sẻ với những chiến sĩ tuyến đầu, nữ sinh 20 tuổi không ngần ngại giãi bày: “Nếu nói là tham gia chống dịch mà không sợ, thì không đúng. Thực ra, mình cũng sợ bị nhiễm bệnh lắm chứ, nhưng lại tự trấn an bản thân rằng, sợ cũng chỉ là cảm giác thôi! Và hơn hết, nếu ai cũng sợ thì ai là người tham gia hỗ trợ “đánh giặc” Covid-19?

Những công việc không tên - đó là câu trả lời mỗi khi ai hỏi mình đi tình nguyện, cụ thể là làm những gì. Bởi, ngoài hỗ trợ lấy mẫu, nhập liệu, đội hình mình còn hỗ trợ tiêm ngừa, phân phối rau củ quả và nhu yếu phẩm cho các hộ dân,… cứ thấy việc là làm thôi!”.

Linh chia sẻ, công việc điều phối viên lấy mẫu xét nghiệm trông có vẻ khá đơn giản nhưng cũng không hẳn dễ làm, bởi cần phải có sự nhạy bén, khả năng sắp xếp, giải quyết các vấn đề và thậm chí, cả sự kiên nhẫn để ổn định một lần mấy trăm người.

Mặc dù cũng sợ “va” phải F0 ở những địa điểm đông người, nhưng tinh thần tình nguyện khiến nữ sinh không lùi bước. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Mặc dù cũng sợ “va” phải F0 ở những địa điểm đông người, nhưng tinh thần tình nguyện khiến nữ sinh không lùi bước. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cô tâm sự: “Có những hôm cảm giác mệt lả người, mình và các bạn ăn cơm còn không nổi… nhưng nhìn thấy các y, bác sĩ làm việc cực nhọc nên lại tự vực bản thân, tự nhủ, nếu không ăn thì sẽ không đủ sức để chiến đấu tiếp, cơ thể mà yếu một xíu, lỡ đâu để “tụi virus” kia xâm nhập vào và có cơ hội hoành hành thì có phải mình đang có lỗi với bản thân, gia đình thật nhiều không”.

Khi đến các khu lấy mẫu xét nghiệm, nhìn thấy các y, bác sĩ ân cần với người dân, nữ sinh chợt cảm thấy một niềm xúc động trào dâng, cô luôn tự dặn mình phải cố gắng. Cô sinh viên luôn xem đây là dịp để bản thân thực hiện “sứ mệnh” của một nhân viên y tế tương lai.

“Điều tích cực thì nên lan tỏa!”

Khoảng thời gian gần 4 tháng gắn bó với hoạt động tình nguyện này của Nhựt Linh tuy không quá dài, nhưng cũng đủ để cô sinh viên gom góp những trải nghiệm quý giá. Mỗi lần thực hiện nhiệm vụ với Linh là một cảm xúc khác nhau.

Kỷ niệm khiến nữ sinh nhớ nhiều nhất là lần cả đội hình phải ở tại điểm lấy mẫu tới gần 2h sáng để hoàn thành xong thông tin các mẫu. “Vì lần đó là lần lấy mẫu diện rộng đầu tiên trên toàn xã, tất cả đều rất tập trung với độ an toàn và chính xác cao nhất, phòng những sai sót không đáng. Mắt thì mờ, tay thì mỏi, mà ai cũng “Dạ tụi em còn khỏe mà” khi anh Bí thư Đoàn hỏi có mệt không”, Linh nhớ lại.

Linh không ngần ngại tham gia mọi khâu để hỗ trợ nhiều người nhất có thể. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Linh không ngần ngại tham gia mọi khâu để hỗ trợ nhiều người nhất có thể. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Đến nay, mặc dù đã quen với các công việc tham gia lấy mẫu, nhưng mình luôn tự nhắc bản thân phải làm các khâu thật tỉ mỉ, sao cho thật an toàn, và cố gắng phối hợp với đồng đội nhịp nhàng nhất để bảo đảm tiến độ, hoàn thành trong thời gian nhanh nhất.

Ai cũng mong “đánh nhanh rút gọn” nhưng vẫn phải đảm bảo chính xác, an toàn, để kịp di chuyển đến những “điểm nóng” khác, nơi có rất nhiều bà con đang chờ”, đôi mắt phía sau cặp kính như bỗng long lanh hơn.

Theo nữ sinh Đào Nguyễn Nhựt Linh, vì cô là tình nguyện viên nên nếu cảm thấy mệt quá thì có thể xin về nghỉ ngơi, nhưng các y, bác sĩ thì không như vậy!

“Họ phải làm cho xong công việc được giao hôm đó. Mình đã chứng kiến những hình ảnh các y, bác sĩ đứng nhiều đến run chân, lấy mẫu nhiều đến mức run tay, thậm chí, đến giờ vào bữa mà chưa làm xong thì cũng chỉ có thể “uống nước cầm hơi”.

Hay những gương mặt đầy những vết hằn, những bộ đồ bảo hộ ướt sũng, những đôi tay nhăn nheo vì mồ hôi đầm đìa trong chiếc găng tay cao su…

Và có cả những nỗi nhớ nhà triền miên, da diết, vì nhiệm vụ mà phải xa gia đình, “tạm gác” việc riêng, vì sức khỏe, tính mạng của người dân mà hy sinh tất cả nỗi niềm riêng tư…

Kiệt sức, tụt huyết áp, ăn không nổi,… là những chuyện thường xuyên mà mình phải chứng kiến những anh chị trong những bộ bảo hộ và khi cởi ra. Với thời tiết ở Sài Gòn mình, việc mặc những bộ đồ đó thật sự là là một thử thách.

Mình thấy biết ơn và trân quý những sự hy sinh ấy vô cùng! Những hình ảnh đó luôn thôi thúc và tạo động lực để mình tiếp tục cố gắng, không bỏ cuộc giữa chừng”, Linh nở nụ cười rạng rỡ trên gương mặt, như muốn xua tan những mỏi mệt sau một ngày dài làm việc.

Công việc hỗ trợ các điểm lấy mẫu xét nghiệm, các khu phong tỏa luôn tiềm ẩn những nguy cơ, nhưng những thanh niên tình nguyện khoác trên mình màu áo xanh của nhiệt huyết tuổi trẻ, vẫn luôn hăng hái và lăn xả. Có người cả tháng vẫn chưa về thăm nhà, chưa có một giấc ngủ trọn vẹn.

Nhựt Linh hy vọng, dịch bệnh chóng qua, bình yên sớm trở lại với mỗi gia đình.

Nhựt Linh hy vọng, dịch bệnh chóng qua, bình yên sớm trở lại với mỗi gia đình.

Chuyện làm nữ sinh viên tình nguyện cảm thấy “ám ảnh” nhất, có lẽ là là lúc cô chứng kiến những người đồng đội của mình hay tin người thân “đi xa” mà bản thân họ cũng không thể trở về nhà, vì họ còn nhiệm vụ nơi tuyến đầu.

“Khi đó, mình xót xa lắm, không dám mà cũng không biết an ủi nhau như thế nào...

Chỉ biết mong cho mau hết dịch, để không phải chứng kiến thêm bất kỳ trường hợp đau buồn nào nữa, không để con virus bé xíu kia còn cơ hội làm hại gì đến chúng ta nữa”, nói đến đây, đôi mắt Linh như rơm rớm niềm xúc động.

Nhắc đến chuyện học tập, Linh hóm hỉnh: “Chúng mình cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Mình hay nói đùa với mọi người: “Chắc là do giảng viên mình cũng bận đi chống dịch hết rồi, còn ai đâu mà dạy nữa?”. Mà cũng đúng, họ là những y bác sĩ tuyến đầu của thành phố mà, trước tình hình này, làm sao mà họ yên tâm ở nhà cho đặng?”.

Đến giờ phút này, đối với không chỉ riêng Nhựt Linh, mà với bất kỳ một tình nguyện viên nào đang dốc sức vì thành phố Hồ Chí Minh, đều không còn một chút đắn đo, do dự nào, mỗi ngày, được đồng hành, hỗ trợ cùng tuyến đầu tham gia phòng, chống Covid-19 là một niềm hạnh phúc. Linh chia sẻ, cô chỉ biết: “Tổ quốc gọi, thì mình lên đường thôi!”.

Cô gái trẻ luôn luôn tâm niệm: “Điều tích cực thì nên lan tỏa!”, và khi có bất kỳ ai nhắc đến chuyện phải cô chỉ khẽ nhún vai: “Đời cho ta bao lần đôi mươi? Không nắm bắt cơ hội để sẻ chia thì biết đến bao giờ mới có thể “góp một bàn tay” vào hành trình tìm bình yên cho cuộc sống…

Mong là tất cả mọi người sẽ luôn bình tĩnh, vững tin vào ngày chiến thắng đã sắp tới. Không sợ hãi, không khuất phục nếu bản thân hay gia đình có người không may mắc bệnh. Hãy xem đó là một thử thách nhỏ mà bản thân phải vượt qua. Thực hiện tốt các Chỉ thị Nhà nước đã đưa ra và rèn luyện sức khỏe thật tốt. Hãy cùng chung tay với cả nước!”.

Nhựt Linh cũng mong “thành phố mang tên Bác” mau khỏe, trả lại cuộc sống nhộn nhịp, tươi trẻ trước đây, trả lại bình an cho mọi người, nhất là cho người thân bên cạnh.

Còn với cô, những ngày làm công việc tình nguyện chính là những ngày không quên, của hôm nay, và mãi mãi sau này, như những dòng thơ của MC Liêu Hà Trinh:

“Những ngày tháng như thế

Chúng ta sẽ không quên

Đường gạo và mắm muối

Một ngàn việc không tên

Ôi những ngày như thế

Ta tan giữa mọi người

Những chuyến xe rất vội

Cứ thế mà đi thôi...”.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Ngân Chi