Những ngày này, khi dịch bệnh covid-19 đang quay trở lại, đe dọa cuộc sống của người dân ở nhiều tỉnh, thành phố, cô giáo Vũ Thị Thảo – Bí thư Đoàn trường tiểu học Quang Trung (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) lại nhớ về những ngày làm tình nguyện viên chống dịch.
Đó là quãng thời gian hơn 33 ngày luôn túc trực để hỗ trợ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chạy thận trong khu cách ly tập trung tại một khách sạn trên đường Phạm Văn Đồng.
Cô giáo xung phong lên tuyến đầu
Đà Nẵng những ngày giữa tháng 7, cả thành phố oằn mình chống dịch. Những gác chắn, barie, khu vực cách ly, phong tỏa… được dựng lên.
Cô giáo Vũ Thị Thảo xung phong làm tình nguyện viên trong khu cách ly bệnh nhân nghi nhiễm covid-19. Ảnh: NVCC |
Khi tình hình dịch bệnh có chiều hướng phức tạp, cùng với đội ngũ y bác sĩ từ khắp mọi miền về hỗ trợ thì thành phố cũng kêu gọi các tình nguyên viên chung tay.
“Vào thời điểm đó, ngoài trách nhiệm là một giáo viên, một đoàn viên thanh niên, mình muốn đóng góp một chút sức lực bé nhỏ cùng với thành phố chống dịch.
Hơn nữa, nhìn những bệnh nhân đang bị bệnh tật giày vò, bị cách ly, phải sống xa người thân nên mình càng muốn cố gắng để xoa dịu”. Cô Thảo nhớ về quyết định lên đường vào khu cách ly, chỉ có vỏn vẹn 30 phút để sắp xếp việc gia đình, dặn dò con cái.
“Mình nói các con về sự nguy hiểm của dịch bệnh covid 19, về những người bệnh trong khu cách ly đang rất cần sự hỗ trợ của những người Đoàn viên thanh niên như mẹ.
Các con đều hiểu và đồng ý cho mẹ đi, tự giác hứa sẽ chăm sóc nhau trong những ngày mẹ vắng nhà. Cũng đúng vào thời điểm này thì chồng tôi đang đi công tác xa, nên chỉ kịp nhắn tin báo”. Sau đó, cô Thảo mang hai con nhỏ đến nhà người thân gửi nhờ chăm sóc hộ để bước vào khu cách ly.
Công việc hàng ngày của cô là cùng các tình nguyện viên phụ nhà bếp chế biến thức ăn, đưa thức ăn, nước uống, đồ dùng phục vụ sinh hoạt lên các phòng cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Bảo đảm sức khỏe cho những bệnh nhân để họ được chạy thận đúng giờ, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
“Ngoài việc lo cơm nước thì chính các tình nguyện viên là nguồn động viên tinh thần cho mọi người trong khu cách ly cũng vững tin sẽ chiến thắng dịch bệnh”, cô Thảo nói.
Sau những giờ làm việc căng thẳng, tranh thủ lúc rỗi, cô Thảo lại chọn một góc kín để gọi điện tâm sự với các con. Nhiều lúc nhớ con, ba mẹ con lại ôm mặt khóc.
“Bố hay đi công tác xa nên hai anh em cũng rất cứng cáp và tự lập. Hai đứa nhỏ tìm cách để thích nghi với cuộc sống không có bố mẹ ở bên.
May mắn là các con đều hiểu chuyện và là nguồn động viên cho vợ chồng tôi những lúc mệt nhọc”, cô Thảo chia sẻ.
Niềm vui ngày trở về
Hơn một tháng trôi qua, dịch bệnh ở Đà Nẵng thời điểm đó dần được khống chế. Những khu cách ly, phong tỏa đã vơi bớt.
Sau hơn 33 ngày tham gia chống dịch ở khu cách ly, cô Thảo trở lại với mái trường thân yêu. Ảnh: AN |
Khi những đội ngũ y bác sĩ hùng hậu từ Chợ Rẫy, Bạch Mai… dần rút về thì các tình nguyện viên như cô Thảo cũng đến ngày rời khu cách ly.
“33 ngày trong khu cách ly, tôi thèm một cái ôm với hai đứa con, chồng, học trò và người thân. Thèm cái cảm giác được nghe tiếng gió biển rì rào rít qua tai, thèm được thở không khí trong lành.
Những ngày ở đây, ngoài những cuộc điện thoại của người thân thì học trò, đồng nghiệp cũng gọi điện động viên khiến tôi rất vui và như được tiếp thêm sức mạnh”.
Khi rời đi rồi, cô Thảo cũng không quên chào tạm biệt những tình nguyện viên đã cộng tác cùng mình suốt nhiều ngày qua. Vẫy chào những bệnh nhân chạy thận được trở về nhà sau thời gian cách ly, chúc họ mọi điều tốt đẹp.
“Những ngày trong khu cách ly quả thực là một kỷ niệm rất đáng nhớ trong cuộc đời của tôi. Ở đó, mọi người đều xem nhau như những người thân trong gia đình, những tiếng trẻo đùa, những lời chào buổi sáng, những lời cảm ơn rất bình thường, nhưng đầy nhung nhớ và trân quý.
Ở đó, mọi người đã cùng nhau chiến đấu để đẩy lùi được dịch bệnh, cho những người thân và toàn xã hội có được khoảnh khắc bình yên, có được cái tết sum vầy như ngày hôm nay”, cô Thảo vui vẻ nói.