Gặp người mẹ sẵn sàng đổi mạng sống để sinh con

27/06/2011 07:27
Anh à, để em đẻ thêm đứa nữa cho thằng Hạnh nhà mình nó có anh em có em?

Anh à, để em đẻ thêm đứa nữa cho thằng Hạnh nhà mình nó có anh em có em?

- Người ta bảo đẻ thì chết thì đẻ làm gì, kẻo tôi lại mang tiếng

- Kệ, đó là việc của em. Sống hay chết gì thì em cũng phải đẻ…”

Mẩu đối thoại kết thúc bằng sự im lặng của người chồng ấy xảy ra cách đây đã 15 năm nhưng cho đến tận bây giờ vẫn in đậm từng câu từng chữ trong đầu chị Diệp. Chính chị cũng không thể ngờ kể từ lúc quyết tâm “sống chết gì cũng phải đẻ thêm đứa nữa” ấy, chị đã phải bước vào đoạn trường những khổ đau; sự sống, cái chết của cả mẹ lẫn con  luôn nhạt nhoà đan cài vào nhau…

4 lần đẻ, chỉ nhìn thấy hai mặt con

Câu chuyện của bác sĩ Hồng, Bệnh viện phụ sản TƯ Hà Nội khiến tôi nhất định phải tìm gặp bằng được người phụ nữ ấy. Quê Hưng Yên, như bao người con gái khác, thủa ấu thơ trong chị là những năm tháng phải dầm mình, ngập đến tận ngang thắt lưng để làm đay.

Vóc người bé nhỏ, vậy mà cứ phải vác những bó đay dài đến cả 2 mét khiến không ít lần chị dúi dụi ngã xuống bùn. Có lẽ đó cũng chính là lý do khiến chị Diệp bị bệnh khớp từ nhỏ. Gia đình đông con, “tạo hoá trêu ngươi” khi mẹ chị sinh đến bận thứ 6 cũng vẫn là con gái.

Thành ra, “đàn vịt trời” trong nhà là nỗi ngang tai chướng mắt của một ông bố gia trưởng. Thủa ấu thơ trôi qua với chị không chỉ là nỗi đau trong bệnh tật mà không được cha mẹ quan tâm mà còn là sự ám ảnh bởi những trận đòn thừa sống thiếu chết của cha.

Học hết cấp 3, chị tất tưởi về làm dâu nhà Minh, người quân nhân cùng thôn. Sau ngày cưới cũng là lúc anh lên đường đi công tác, những chuyến đi dài dằng dẵng đến cả nửa năm mới về phép một lần, còn chị tiếp tục vùi mặt vào hơn một mẫu ruộng bố mẹ chồng giao phó.

Sinh Hạnh là cậu con trai đầu tiên, hơn một năm sau, chị Diệp chửa tiếp người con thứ hai.

“Đó là vào chiều ngày 30/4/1991,  khi đó cái thai trong bụng đã được 7 tháng, vậy mà cố kéo cái xe bò chở đầy thân ngô quá nặng khiến lưng tôi đau cứng. Lúc lê được về đến nhà thì bụng đau dữ dội, từng cơn co thắt ập đến. Người bác dâu và em chồng vội dìu đưa tôi lên được trạm xá thì vừa kịp đẻ ra một bé trai vẫn còn nằm nguyên trong nhau. Bà đỡ vội xé nhau để lôi thằng bé ra thì đã yếu lắm, khi mang được lên đến Bệnh viện Nhi TƯ để nằm lồng kính thì nó đã ra đi tự bao giờ” -  Chị Diệp xót xa kể về lần mang nặng đẻ đau thứ hai không thành.

Từ trạm xá trở về, do mất máu nhiều, chị Diệp xanh bủng như tàu lá chuối, đi không vững, ho bật ra máu,  suốt ngày nằm bẹp một chỗ ôm Hạnh tức tưởi khóc vì tủi thân những lúc cần một bờ vai nương tựa thì chồng vẫn đi biền biệt.

Đúng lúc ấy trong thôn lại vào vụ gặt. Sốt ruột khi thấy nhà người thì gặt về chất thóc đầy sân, nhà mình thì cả mẫu hai ruộng lúa chín vàng ươm vẫn còn nguyên ngoài cánh đồng, mẹ chồng chị đi ra đi vào  đay nghiến: “Trời ơi, sao cái nhà này vô phúc đến thế. Người ăn thì có, người làm thì không…”

Cực chẳng đã, chị vùng dậy đem Hạnh đi gửi và lại lao ra cánh đồng sấp sấp ngửa ngửa gặt hái. Cứ khi nào chị kiệt sức, ngất ngay bên khóm lúa  thì những người xung quanh lại cho chị lên xe bò kéo về nhà nghỉ. Tỉnh dậy, chị lại lao ra làm, cứ như không có chuyện gì xảy ra…

Ngoài việc đồng áng, cả đàn lợn mấy chục con cũng một tay chị chăm bẵm. Rảnh tay phút nào là phút ấy lao vào vần cái cối xay đậu. Lúc nào cũng bị vắt kiệt sức như thế khiến  lần mang thai tiếp theo của chị cũng lại ngập trong nước mắt.

Chị kể: “Như định mệnh sắp đặt, hôm đó là chiều 28 Tết, cũng đúng lúc cái thai được 7 tháng thì con lại đòi ra sớm. Tôi đang ngồi gói bánh chưng với bố chồng thì thấy bụng đau cứng lên. Thấy tôi ôm bụng lảo đảo đứng dậy, bố chồng tức tối hất cả rá gạo ra sân chửi “Thế này thì Tết nhất gì nữa”. Thật may lúc đó có bác hàng xóm sang xin lá trầu không thấy vậy liền lôi tuột tôi lên chiếc xe bò để ngoài sân, kéo ra trạm xá.

Cũng giống như lần trước, tôi đẻ khá nhanh, được một cậu con trai nặng 2kg. Khi bà đỡ đặt thằng bé nằm cạnh mẹ, linh tính mách bảo chuyện chẳng lành khi  người đứa bé lạnh ngắt, tôi vội nhờ người cho con bú vì sữa mình chưa có.

Vậy mà rạng ngày 29 Tết, cậu con trai thứ 3 của tôi cũng theo người anh nó mà ra đi. Chồng tôi nghỉ phép về nhà ăn Tết chẳng hiểu nghe lời đàm tiếu, dị nghị gì mà không thèm nhìn mặt vợ lấy một lần, giận dỗi đeo ba lô bỏ đi luôn. Đó là năm cả nhà không có Tết và tôi suy sụp hoàn toàn…”

Lạ là sau đẻ, thấy bụng vẫn to chướng lên, đoán là do sót nhau, chị Diệp đành tiếp tục nhờ người chị dâu đưa lên một phòng khám ở Hải Dương để nạo. Sau 5 lần tiến hành thủ thuật này mà nhau vẫn còn nhau sót, các bác sĩ tại đây sợ nếu tiếp tục thực hiện thì tính mạng chị sẽ nguy hiểm nên khuyên chị lên Bệnh viện phụ sản TƯ để  khám. Các bác sĩ tại đây vội vã bắt chị nhập viện sau khi phát hiện  căn bệnh hẹp van tim hai lá của chị lúc này đã tiến triển khá nặng.

Đối mặt với bạo bệnh, những năm tháng đằng đẵng tiếp theo của chị Diệp là không có chồng bên cạnh, một mình tha con trai, là chỗ dựa duy nhất, đi  hết từ viện này đến viện khác để chữa trị. Vất vả, cơ cực là thế song không khi nào chị Diệp  ngừng khát khao có thêm một đứa con cho gia cảnh bớt quạnh quẽ.

Gặp người mẹ sẵn sàng đổi mạng sống để sinh con ảnh 1
 



Giành giật lấy con từ tay “tử thần”

Năm 1995, khi ấy Hạnh đã lên 6, chị Diệp đánh liều bàn với chồng đẻ thêm một người con nữa. Trước quyết tâm không thể lay chuyển của vợ, anh Minh đành chiều theo ý chị. Trong lần về phép 3 ngày ấy, anh ra điều kiện “Chỉ một lần thôi, được thì em đẻ, còn không thì chỉ có một mình thằng Hạnh là con thôi”.

Chị ngậm ngùi đồng ý. Và số phận đã bắt đầu mỉm cười khi sau cái đêm duy nhất gần gũi chồng ấy, một giọt máu đã hình thành trong bụng. Bắt đầu những ngày mang thai cũng là quãng thời gian vô cùng đau yếu, mệt mỏi của chị Diệp. Vài tháng sau, vì lo lắng và sợ hãi, anh Minh về phép và cương quyết bắt chị đi phá thai. “Người ta bảo nếu mẹ đẻ là chết đấy, con không cần em bé nữa đâu” - Thậm chí đến cả bé Hạnh nghe lời người lờn cũng mếu máo bắt mẹ  phải bỏ em.

 Thế nhưng, chị vẫn gạt nước mắt, quyết tâm đến cùng giữ gìn đứa con đang bắt đầu hình thành trong bụng. Đến tháng thứ 5 thì chị Diệp đã cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Chị bị tức ngực, khó thở đến mức đêm nào cũng phải vác bụng ngủ ngồi. Thế rồi trong một đêm cơn đau tức đột ngột kéo đến.

Chồng đi vắng, chị chỉ  kịp lê ra cửa gọi người hàng xóm sang cứu giúp. Trong đêm hôm khuy khoắt, cả xóm nháo nhào lên, người có sức khoẻ  thì vác chị đi cấp cứu, người ở nhà sang trông Hạnh đang đêm hôm bị đánh thức dậy sợ hãi khóc toáng cứ đòi theo mẹ còn người thì gọi điện báo cho anh Minh biết sự việc.

Lúc chị Diệp được đưa đến bệnh viện thị xã thì toàn thân đã tím tái, nguy hiểm đến tính mạng, buộc các bác sĩ sau khi sơ cứu phải chuyển lên tuyến trên là Bệnh viện quân y 103, Hà Đông, Hà Nội. “Tôi còn nhớ bác sĩ Hiếu khi đó chỉ đạo ca cấp cứu phải mổ phá thai ngay để cứu mẹ. Tôi lén nghe thấy liền sợ hãi, dồn hết sức lực còn lại trong người  để chạy ra trốn ở một quán cơm bình dân ven cổng Bệnh viện rồi một mình mò về nhà tận Hải Dương. Mọi người thân trong gia đình biết chuyện, nhất là anh Minh thì giận lắm, một lần nữa bắt vợ phải phá thai vì lo lắng cho tính mạng của tôi. Nhưng tôi vẫn dứt khoát phải giữ lấy đứa bé, phải để cho Hạnh có một người em” - chị Diệp bùi ngùi nhớ lại những tháng ngày quyết liệt đấu tranh với bản thân và người nhà để quyết tâm sinh con.

Trụ thêm được đến tháng thứ 8 thì các bác sĩ bắt chị phải nhập Viện Phụ sản TƯ  trong suốt một tháng tiếp theo để tiện theo dõi. Khi chỉ còn 2 ngày cuối cùng chờ sinh thì thử thách cuối cùng ập đến.

Chị Diệp kể tiếp: “Sáng hôm ấy, sau khi được các y tá tiêm thuốc, tôi bỗng đau bụng quằn quại và muốn đẻ ngay lập tức. Cơn khó thở kéo đến, tràn lên đến tận cổ họng thì may mắn các bác sĩ đến kịp. Sau khi được tiêm thuốc vào tĩnh mạch, tôi còn nhớ rất rõ cảm giác cơn khó thở cứ bị đẩy xuống, từng bước, từng bước một cho đến khi tôi thở được trở lại. Tất cả mọi người cùng reo lên: “Thế là sống rồi”.

Tim mẹ được hồi sinh và thật may, là tim con vẫn hoạt động bình thường. 2 ngày sau, khi lên bàn đẻ, các bác sĩ dặn dò rất kỹ lưỡng là trường hợp của tôi không được dặn như bình thường mà phải đẻ foóc - xép. Vậy mà nghe sản phụ nằm kế bên xui nếu đẻ foóc - xép sẽ ảnh hưởng đến con nên tôi quyết… liều thêm một phen.

Chỉ biết sau khi tôi lấy hết sức bình sinh dặn một hơi thì người bác sĩ đỡ đẻ hốt hoảng vứt đánh xoảng chiếc foóc - xép xuống sàn để đưa tay ra đỡ đứa bé. Chỉ chậm trong giây lát thôi là em bé đã bị rơi xuống rồi. Con gái tôi ra đời đúng vào ngày 8/3, nặng 3kg, căng tròn, xinh xắn. Ngày hôm đó, cả khoa mừng cho tôi mẹ tròn con vuông. Tôi đã ghẹn ngào trong nước mắt khi nhận được rất nhiều bó hoa chúc mừng. Các cụ vẫn nói “Người chửa, cửa mả”, riêng với tôi, câu nói ấy thấm thía vô cùng”.

Những năm tháng nuôi con thơ sau này, cứ mỗi khi chị gắng sức làm một việc gì đó là cả xóm lại nháo nhào mang chị đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Hiện sau phẫu thuật thay van tim, sức khoẻ của chị có tiến triển hơn. Song là người biết bệnh của mình hơn ai hết, người phụ nữ 48 tuổi ấy đang từng ngày từng giờ cố gắng vun vén một cách chu đáo, vẹn toàn nhất cho cuộc sống hạnh phúc bên 2 người con ngoan ngoãn, học hành giỏi giang.

Theo Phunutoday