Mẹ dịch giả tí hon Đỗ Nhật Nam chia sẻ việc nuôi dạy con

16/05/2011 00:22
Mỗi bà mẹ đều có cách nuôi dạy con riêng, nhưng với mẹ cậu bé đa tài Đỗ Nhật Nam, thì bí quyết của chị Phan Thị Hồ Điệp lại vô cùng đơn giản.

Mỗi bà mẹ đều có cách nuôi dạy con riêng, nhưng với mẹ cậu bé đa tài Đỗ Nhật Nam, thì bí quyết của chị Phan Thị Hồ Điệp lại vô cùng đơn giản.

{iarelatednews articleid='1806,2315'}

"Tôi không cầu kỳ trong việc nuôi dạy con"
 
Cái tên Đỗ Nhật Nam có điều gì đó khá đặc biệt, chị có thể bật mí cho độc  giả biết về ý nghĩa của cái tên đó?

Năm 1998, chồng tôi, anh Đỗ Xuân Thảo sang Nhật Bản giảng dạy tại đại học Osaka, năm sau đó tôi cũng sang Nhật theo chồng.

Tên Nhật Nam hình thành khi tôi bắt đầu có thai bé, khi ấy cả ông xã và tôi đều sinh sống và làm việc ở Nhật Bản. Trong suốt thời gian mang thai bé, tôi phải làm quen với nếp sinh hoạt của người dân ở xứ sở hoa anh đào. Tôi có điều kiện quan sát người Nhật, trẻ em Nhật Bản, họ có một nghị lực phi thường. Vợ chồng tôi cũng mong ước bé sau này cũng có được những phẩm chất và tính cách ấy nhưng vẫn giữ hồn cốt Việt Nam, đó là lí do cái  tên Nhật Nam ra đời. Cái tên chất chứa tình hữu nghị giữa hai quốc gia.

Từ khi Nhật Nam được sinh ra, chị có chế độ chăm sóc đặc biệt gì cho con? Có khác so với các trẻ cùng trang lứa?


Nam được chăm sóc như bất cứ các em bé khác thôi. Có điều khác là  từ khi cháu còn rất nhỏ, tôi đã cho Nam làm quen với sách, chơi với sách, đi đến bất cứ đâu, nếu có gì không hiểu, hai mẹ con cùng ghi nhớ, về nhà lại cùng lên mạng để tìm hiểu.

Nam đặc biệt yêu thích sách, trong các món quà được nhận từ bé đến giờ, lúc nào cháu cũng lựa chọn sách. Ở nhà cháu cũng giữ  gìn sách vô cùng cẩn thận. Cháu thường lên mạng để tìm các thông tin về sách, thấy có sách gì hay là tìm mua ngay, hoặc đọc dưới dạng e-book, sau đó kể cho mẹ nghe.

Về vấn đề dinh dưỡng thì tôi thường cho Nam uống nhiều sữa. Thế thôi chứ cũng không có gì cầu kỳ trong việc chế biến các món ăn. Trộm vía, Nam rất dễ ăn, dễ nuôi, ít đau ốm và dễ lên cân nữa (cười!)

 
 Chị có nhận thấy một khả năng đặc biệt nào đó của con từ khi cháu còn rất nhỏ?

Từ lúc nhỏ, tôi thường có thói quen ghi chép nhật kí phát triển của Nam, thấy có gì hay thì ghi lại để lúc rảnh rỗi lấy ra đọc. Tôi nhận thấy Nam có khả  năng ngôn ngữ tốt, trí nhớ cũng tốt.

Một kỉ niệm mà làm nhớ mãi, đó là khi Nam chưa đầy hai tuổi (lúc này cháu đã nói lưu loát rồi, cháu không hề bị nói ngọng), khi tôi hỏi vui đố Nam trong cơ thể bộ phận nào cũng có nhiệm vụ như mắt để nhìn, mũi để ngửi... Vậy cái rốn để làm gì? Nam trả lời: “dạ, để nhắc là con đã được mẹ sinh ra vì khi con nằm trong bụng mẹ, con nối với mẹ bằng cái rốn. Có cái rốn thì không ai quên được bụng mẹ mình!.” Thực sự câu trả lời của con làm tôi rất bất ngờ và cảm động nữa.

Chị đã nuôi dưỡng  tài năng của con như thế nào?

Tôi luôn động viên và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con trong khả năng có thể. Vợ chồng tôi không ngần ngại trước những cuốn sách đắt tiền, dù mình  có thể bớt chi tiêu ở những khoản khác để mua được sách cho  con.

Điểm đặc biệt là mỗi khi cháu học hỏi được điều gì mới đều chia sẻ cho bố mẹ, dẫu đến thời điểm hiện tại, trình độ tiếng Anh của Nam đã vượt xa mẹ nhưng tôi vẫn luôn lắng nghe và bày tỏ sự thích thú của mình.

Với Nam, vợ chồng tôi luôn tạo cho con khát  vọng học hành, được tìm hiểu, được khám phá, có lẽ vì thế mà Nam luôn luôn cố gắng vươn lên.

Khi gia đình về nước, chị có băn khoăn việc chọn trường tiểu học thế nào cho con?

Không đâu, tiêu chí chọn trường của vợ chồng tôi đơn giản lắm. Tôi muốn trường có xe đưa đón tại nhà cho an toàn. Còn với Nam, tiêu chí của cu cậu hơi buồn cười, đó là trường có nhà vệ sinh sạch sẽ. Thế thôi, tôi không quan tâm đến yếu tố gì khác.
Một trang dịch của Đỗ Nhật Nam trích từ sách khoa học thiếu nhi có tên
Trang dịch của Nam trích từ sách khoa học thiếu nhi "Nạp điện".
Đây là một trong các cuốn của bộ "Cu tí khám phá thế giới"

Nhật Nam có tính  tự lập rất cao
 
Một ngày của Nhật Nam diễn ra như thế nào?

Buổi sáng Nam dậy lúc 6 giờ 30, làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng và chờ xe đi học. Đi học về thì cháu làm bài tập ngay, buổi tối học tiếng Anh khoảng 30 phút đến 1 tiếng. Nam chưa bao giờ học đến 9 giờ tối.

Nam xem ti vi hoặc đọc sách báo đến 10 giờ thì đi ngủ. Điều đặc biệt tuy thời gian học ít nhưng Nam đã ngồi vào bàn thì cực kì nghiêm túc, lúc đó không có ai có thể làm Nam phân tâm được. Cũng có khi Nam say học quá mà quên mất giờ nghỉ, tôi thường phải nhắc nhở con nghỉ sớm.

Nhật Nam là cậu bé có tính tự lập rất cao, anh chị dạy con điều này từ khi còn bé?


Nam rất tự lập. Đến thời điểm này, Nam hoàn toàn lo cho bản thân từ việc ăn, học, sinh hoạt, tôi rất nhàn bởi không cần can thiệp gì cả. Mọi người hay nói đùa là Nam chăm lo cho mẹ chứ không phải mẹ chăm lo cho Nam. Có được điều này có thể bởi tuổi thơ của Nam đã làm quen với phong cách sống của người Nhật, con sẽ tự làm trong khả năng có thể, bố mẹ chỉ là người hỗ trợ, đưa ra lời khuyên chứ không làm hộ. Khi con làm sai thì bình tĩnh và chờ đợi những lần làm sau, tuyệt đối không nôn nóng. Không vì thương con mà “xông vào” cuộc sống riêng của con rồi áp đặt theo suy nghĩ của mình.

Nam bắt đầu học tiếng Anh từ khi nào? Hàng ngày cháu đã rèn luyện vốn tiếng Anh của mình ra sao?


Nam học tiếng Anh trước khi đi học lớp 1 ba tháng. Khi mới đi học, Nam học ở một trung tâm tiếng Anh nhỏ ở gần nhà. Thời gian đầu mới đi học, hai mẹ con luyện từ với nhau thông qua trò chơi.

Đến khi Nam có vốn liếng từ kha khá, Nam bắt đầu học từ qua các bài đọc, thông thường trong một ngày, Nam đọc thuộc 1,2 bài dài khoảng 1 trang rồi đọc lại cho mẹ nghe. Để con khỏi nản thì tôi có thể chọn bài đọc cho con, hầu hết là những bài có nội dung thú vị liên quan đến sở thích của Nam như về ăn uống, máy bay, ô tô...

Có lẽ vì chăm đọc cho nên khi thi TOEFLT ibt, trong khi các anh chị thường hay ngại bài đọc vì liên quan đến nhiều lĩnh vực thậm chí cả triết học, sinh học, thuyết phân tử thì Nam lại vô cùng hứng thú và vượt qua khá tốt.

Đối với Nam, sự giáo dục  của gia đình hẳn phải có sự  khác biệt?


Vợ chồng tôi luôn là khán giả của Nam vì Nam luôn tổ chức các buổi hội thảo khoa học, trong đó, Nam là diễn giả. Chủ đề của hội thảo do bố mẹ đặt hàng. Ví dụ, gần đây bố muốn tìm hiểu về Lịch sử chữ quốc ngữ, thế là Nam sẽ lên mạng tìm tài liệu, đọc sách, rồi tóm tắt lại sau đó sẽ trình bày hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Những thông tin Nam tìm được thường rất có giá trị khoa học vì Nam có khả năng tóm tắt và tìm tài liệu tiếng Anh rất giỏi. Thông thường mỗi buổi hội thảo kiểu này sẽ diễn ra vào buổi tối, sau khi diễn giả trình bày sẽ là màn cho điểm của khán giả bố mẹ. Nói chung là rất thú vị. Tôi nghĩ nhờ có những cách này mà một mặt Nam rèn luyện được tiếng Anh, mặt khác là tăng sự gắn kết tình cảm giữa mọi người trong gia đình.

 

Nam làm MC, đóng phim, dịch sách... có lúc nào chị lo sợ con mình sẽ mắc bệnh “ngôi sao”?

Tôi không hề có ý nghĩ lo sợ về điều này, vì với con tôi hiểu Nam hoàn toàn làm chủ được những việc mình làm. Khi được trang bị một vốn kiến thức đầy đủ, cháu sẽ biết cách ứng xử có văn hóa với bản thân và cộng đồng.

Gần đây, hiện tượng cha mẹ ép  con học quá nhiều mong con học giỏi, đỗ đạt không hiếm? Suy nghĩ của chị về điều này như thế nào?

Ai cũng mong muốn con mình  ngày càng giỏi hơn nhưng tôi luôn tưởng tượng mỗi trẻ em là một cái cây, khi gốc chưa vững, khi chưa đến độ phát triển mà cứ bón thúc bón ép để sớm ra quả thì chắc chắn hoặc là quả không ngon hoặc là cây sẽ dừng phát triển. Mọi việc đối với  con trẻ cần hết sức thận trọng. Con cái sinh ra không phải là để làm thỏa mãn tất cả khao khát của bố mẹ. Trẻ được sinh ra trước hết bởi tình yêu, lớn lên cùng tình yêu của cha mẹ.
 
"Gia đình tôi rất tự hào về con"


Anh chị có nỗi lo về sự nổi tiếng của con?

Lo lắng thì có nhiều lắm, những nỗi lo xung quanh cuộc sống thường ngày như việc đi lại có an toàn không, thực phẩm dành cho con có an toàn không, chuyển mùa con có bị nhiễm bệnh không... ? Mình lo lắng những điều đó cho con như bất cứ một bà mẹ nào khác. Vậy thôi, tôi không hề lo lắng về việc Nam có “nổi tiếng” hay không. Mọi chuyện cứ để diễn ra tự nhiên.

Những ngày cuối tuần, hoặc ngày nghỉ, gia đình mình thường làm gì?

Những ngày cuối tuần khi thì chúng tôi đưa con về quê thăm ông bà, khi thì đưa con đi học đàn. Nam rất say mê violon và cháu cũng tỏ ra rất có năng khiếu trong việc chơi nhạc cụ này.

Trong tương lai, anh chị có định hướng gì cho Nam trên con đường học vấn?

Là một giảng viên tại một trường đại học nước ngòai hoặc là một nhà khoa học.
 
Mong muốn của gia đình đối với Nam là  gì?

Tôi luôn mong con khỏe mạnh, phát triển lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, vừa có tài, vừa có đức!
 
Xin cảm ơn chị, chúc gia đình chị luôn hạnh phúc!

Theo Đinh Liên - MaskOnline