Ông bà kiêm vai cha mẹ: Làm sao dạy cháu về giới tính?

07/06/2011 03:43
Có những người xa quê lập nghiệp đến năm sáu năm, cũng chừng đó thời gian con sống với ông bà.

Có dịp tâm sự với nhiều công nhân ở khu công nghiệp Pouyuen, Hoá An, Biên Hoà mới biết, cứ mười người thì đến ba – bốn gửi con ở lại quê cho ông bà nuôi nấng. Có những người xa quê lập nghiệp đến năm sáu năm, cũng chừng đó thời gian con sống với ông bà. Trong những trường hợp như thế này, “khoảng cách thế hệ” theo cách gọi của các nhà xã hội học, càng lớn.

Xa mặt cách lòng

Chị Lý ở quận 9 có hai con gái, cháu lớn năm tuổi, cháu nhỏ ba tuổi. Vì sinh hai con khá gần nhau nên chị nghỉ việc hẳn, ở nhà chăm con. Do đọc nhiều sách về dinh dưỡng và bí quyết nuôi con nên chị Lý chăm con khá giỏi, hai cháu đều tăng cân tốt, khoẻ mạnh, hoạt bát. Khi con lớn, chị Lý trở lại đi làm.

Do công việc đòi hỏi phải đi tỉnh nhiều, chị không thể thường xuyên chăm con. Sau một thời gian thuê người giúp việc giữ con nhưng không hiệu quả, lại mất mát đồ đạc trong nhà, chị bấm bụng gửi con về quê cho ông bà ngoại nuôi. Mới sáu tháng xa mẹ, con gái lớn của chị Lý từ 26kg tụt xuống còn 22kg! Cháu không cười nói, chỉ thích chơi đồ chơi và ngồi một mình. Đặc biệt, khi mẹ gọi điện thoại về, cháu nhất quyết không nghe, chỉ khóc.

Chị Ánh, 30 tuổi, có con trai năm nay học lớp ba. Từ ngày lên Đồng Nai làm việc trong chuyền may của khu công nghiệp Pouyen, mỗi năm chị về nhà một lần, dịp tết. Hỏi chị có nhớ con không, chị trả lời: “Nhớ chứ, nhưng cháu ở với bà ngoại từ nhỏ, quen rồi, nhiều khi mình về mẹ con cũng lợt lạt, hỏi thăm mấy câu rồi cháu chạy đi! Mỗi khi rảnh rỗi tranh thủ gọi về cho cháu, có lúc cháu nghe, có lúc không cầm máy, mình buồn nhưng không biết làm sao!”
 
Cháu hư tại bà?

 

Tại một hội thảo dân số mới đây, TS Giang Thanh Long, phó viện trưởng viện Chính sách công và quản lý, đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội cho biết ở Việt Nam, mô hình gia đình truyền thống gồm nhiều thế hệ đang dần được thay thế bởi gia đình khuyết thế hệ (chỉ có ông bà và cháu).

Kết quả một cuộc điều tra do viện từng thực hiện cho thấy xu hướng này đang tăng rõ rệt. Nếu năm 1992 – 1993 chỉ có 0,68% số hộ gia đình chỉ có ông bà và cháu thì tới năm 2008, con số này đã tăng gấp hai lần (khoảng 1,41%).

Bên cạnh đó, những gia đình chỉ có vợ chồng người cao tuổi cũng tăng nhanh, từ chưa đầy 10% năm 1992 lên tới gần 21,5% năm 2008.

TL

Anh Toàn ở quận Bình Tân, có hai con trai đều gửi ngoại ở quận 11, buổi tối hai vợ chồng đi làm xong chỉ về nhà ngủ, khoán hẳn hai con cho ngoại. Cháu không chịu ăn cơm, bà chỉ cho ăn cháo và uống sữa. Vì thế, cả hai cậu con trai đều rất gầy. Đặc biệt, vì được ông bà ngoại rất mực cưng chiều, nên hai cu cậu Bin và Ti gần như muốn gì được nấy.

Tất cả đồ đạc ở nhà bà ngoại, từ chén, bát muỗng đũa đến tivi, giường nệm, đến cả ông bà ngoại cũng là sở hữu của Bin, sở hữu của Ti hết! Hễ có anh em con cô cậu, dì mợ đến chơi nhà ngoại, y như rằng có hẳn một cuộc chiến tranh giành quyền sở hữu: thấy bóng dáng bà ngoại đâu là hai cu cậu ra sức vòi vĩnh, nhõng nhẽo, quấy khóc cho bà ngoại can thiệp, nhưng hễ bà ngoại vừa ra khỏi nhà là hai cu cậu mỗi người một góc, không nói chuyện với ai, cũng không biết cách hoà đồng với anh em cùng trang lứa. Khi đi học, Bin và Ti đều rất chậm chạp, khó giao tiếp với bạn.

Tương tự là chị Bảo Trân, quận Thủ Đức, hai năm đầu vì bận kinh doanh, chị giao con gái hoàn toàn cho ngoại, buổi tối chỉ về chơi với con một lúc, có khi mẹ về thì bé đã ngủ. Đến khi bé biết nói, chị Trân nhận thấy bé có xu hướng “nằm vạ”: mỗi khi muốn một món đồ chơi mà mẹ không cho, bé có thể nằm lăn ra đường, gào khóc ầm ĩ cho tới khi mẹ mua mới thôi. Thấy lo, chị Trân mới chịu khó để ý mỗi khi bà gần cháu, bà đều đáp ứng nhu cầu của cháu vô điều kiện, đang ăn nhưng cháu đòi uống nước ngọt, bà lập tức bỏ đấy đi mua! Hoảng quá, chị Trân bắt đầu bớt việc để chăm con, gần gũi con nhiều hơn.

                      Làm sao dạy cháu về giới tính?

Chỉ cần khác nhau năm tuổi, mọi tư duy đã khác biệt rất nhiều. Chăm sóc thế hệ cháu với kinh nghiệm có từ lúc nuôi dạy con 20 năm trước đó, chắc chắn không đủ.

Từ sự phát triển dinh dưỡng đến tâm lý, nếu không có sự điều chỉnh, khó có thể nói là hoàn thiện. Trong sáu năm vàng đầu đời, trẻ hình thành nhân cách và hoàn thiện thể chất, nếu không được ở với bố mẹ là một thiệt thòi lớn. Khoảng thiếu hụt này là không gì bù đắp nổi, kể cả tình thương của ông bà.

Những trẻ sống với ông bà nhiều hơn cha mẹ, hoặc sẽ khó giao tiếp với bạn bè do ngôn ngữ bị “già trước tuổi”, hoặc sẽ có những vấn đề về tâm lý, thường là trầm cảm hoặc nóng nảy, ích kỷ, hay vòi vĩnh. Trẻ lớn lên trở nên cố chấp, khó dạy, thậm chí xem bố mẹ như người lạ!

Với nhóm trẻ này, nguy cơ bố mẹ mất con là rất cao, đặc biệt là trong xã hội đầy rẫy các loại thông tin khó kiểm soát như hiện nay. Ông bà cũng khó có thể dạy cháu những hiểu biết về giới tính, về trò chơi trực tuyến, về các chương trình truyền hình, thậm chí còn bối rối không biết cho dầu ăn vào cháo như thế nào!

Giải pháp tốt nhất, là cha mẹ phải nghĩ cách sắp xếp công việc của mình, để có thể trực tiếp chăm con, nếu không được nhiều thì cũng phải có thời gian tối thiểu để trao đổi, tâm sự, uốn nắn con kịp thời.

Đặc biệt với những công nhân xa quê buộc phải gửi con, hoặc với những đứa con ngoài ý muốn, thiệt thòi nhất vẫn là đứa trẻ. Đương nhiên có những ông bà chăm cháu rất tốt, nhưng rõ ràng không thể thay thế vai trò của cha mẹ.

Có thể bổ sung kiến thức nuôi dạy con cho ông bà qua sách báo, các chương trình truyền hình, để cân bằng, cập nhật kiến thức cho ông bà. Bên cạnh đó, với trẻ từ hai tới sáu tuổi, cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn với con, tránh tối đa việc khoán cho ông bà.

Thạc sĩ xã hội học Trần Đình Dũng

Theo SGTT