Vào cấp 3, con mải yêu quên học

08/11/2011 09:53
Trong giai đoạn này, phụ huynh cần phải cố gắng cư xử thật tinh ý và tế nhị với con cái, tránh cấm đoán, trách móc... vì rất dễ xảy ra tình huống tiêu cực.
Đang ngồi cùng nhóm bạn trong quán nước cạnh trường, Dũng (16 tuổi), học sinh lớp 10 tuyên bố: “Tao vừa cua được một em. Đảm bảo ngoan hiền 100%”.

Dũng vừa dứt lời thì cả nhóm đều nhìn nhau cười như được mùa. “Mày giỏi gớm nhỉ, mới vào năm học đã thay đến ba bốn em”. “Yêu cho nó vui. Mất cái gì đâu”, Dũng chia sẻ. “Bây giờ đứa nào mà chẳng vậy có phải riêng gì ai đâu nên nó cung bình thường thôi. Thích thì yêu, chán thì thôi, yêu người khác”.

Ngày càng nhiều những bạn trẻ chỉ mải mê với việc yêu đương lấy “thành tích” mà quên đi mất nhiệm vụ chính của lứa tuổi mình chính là học tập. Vì vậy mà việc học hành ngày càng sa sút là chuyện thường xuyên gặp phải.

Như trường hợp của Phương Anh và Ngọc Châm, học sinh lớp 12. Để chứng tỏ cho các bạn trong lớp thấy ai mới xứng đáng là hot girl của lớp, hai cô nàng đã thỏa thuận ngầm với nhau đặt ra một cuộc thi “cưa đổ càng nhiều con trai càng tốt, không nhất thiết phải giới hạn lứa tuổi. Đến cuối năm học ai thay đổi người yêu nhiều hơn sẽ là người chiến thắng, xứng đáng ngôi vị hot girl của lớp”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Chính vì mải mê với cuộc chiến tìm người yêu và đổi người yêu quá nên cho đến bây giờ khi sắp hết lớp năm học, bảng danh sách của hai cô nàng Phương Anh và Ngọc Châm vẫn dài dằng dặc, chi chít tên của các anh chàng. Có chàng chỉ tồn tại được chưa đầy 48 giờ đồng hồ.

Nhưng có lần tâm sự với cô bạn cùng lớp, Phương Anh thút thít khóc: “Tối qua cô chủ nhiệm gửi bảng điểm cho bố mẹ tớ. Điểm tụt quá, lại toàn điểm trung bình với dưới trung bình. Bố mẹ tớ buồn quá đâm ra cãi nhau. Tớ chán quá”. Nhìn lại mới thấy bảng thành tích yêu của Phương Anh đang dần tỷ lệ nghịch với bảng thành tích học tập của cô nàng.

Theo các chuyên gia tư vấn tâm lý, hiện tượng yêu nhiều, yêu thử, yêu “trắc nghiệm”, yêu để lấy “thành tích” ngày càng xuất hiện nhiều ở tuổi teen.

Chị Phạm Thị Lan, chuyên gia tư vấn tâm lý, tình cảm của một tổng đài tư vấn cho rằng có nhiều bạn trẻ bây giờ thấy nói chuyện hợp một chút là yêu, cứ thân hơn bình thường là yêu, cứ chở nhau về là yêu, cứ thấy ai hợp mắt mình là yêu…

Chị có kể trường hợp của một bạn nam tên Sơn, gọi điện cho chị từ Thanh Hóa tâm sự về việc Sơn rất thích chinh phục các bạn gái khác “không biết có phải là yêu không, nhưng nghĩ yêu như vậy mình cũng chẳng mất gì nên yêu cho vui, lấy chiến tích khoe bạn bè”. Sơn còn nói, hầu như các bạn học cùng lớp với Sơn ai cũng phải trải qua 3 đến 4 mối tình là ít.

Chia sẻ về những trường hợp này chuyên gia tâm lý cho rằng, vấn đề quan trọng là các bạn trẻ hiện chưa có những nhận thức đúng đắn về tình yêu, nên cần phải có sự quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ của gia đình và người thân.

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, phó giám đốc một Ttrung tâm tư vấn Tình cảm – Hôn nhân và gia đình cho biết, bà cũng rất hay nhận được những cuộc điện thoại của các bậc phụ huynh xin tư vấn về việc con cái mình yêu sớm và quá mải mê trong chuyện yêu đương dẫn đến không chỉ xao nhãng việc học hành mà còn rất nhiều việc khác.

Với những trường hợp như vậy, bà có phân tích “tuổi teen là tuổi mà các em đang rất hiếu động và luôn có xu hướng muốn chứng tỏ bản thân với bố mẹ cũng như bạn bè. Có nhiều cách để thể hiện mình, trong đó việc “yêu để lấy thành tích” cũng là cách tự khẳng định của các em, để mọi người biết “mình đã lớn”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bà có kể về chuyện chị Liên (Mỹ Đình, Hà Nội) gọi điện lên trung tâm chia sẻ rằng chị đang rất lo lắng khi nhìn thấy trong vở của cậu có cả một danh sách các bạn nữ quen biết tuổi từ 15 đến 18, có ghi chú đầy đủ những tính cách, sở thích riêng của từng người.

Theo sự “bí mật” tìm hiểu của vợ chồng chị thì Nam (con trai chị) chỉ vì lời “khích đểu” của một người bạn cùng lớp rằng: “Bây giờ chỉ có những thằng “đụt” mới yêu một nàng thôi” mà Nam tự hứa “phải có một bảng thành tích người yêu dài hơn của nó. Chỉ có như vậy mới không bị bạn bè xem  thường”. Cũng vì thế nên Nam bỗng chốc thay đổi từ một học sinh chăm chỉ, ngoan hiền thành một câu trai bảnh chọe, ăn nói “dẻo kẹo” khiến nhiều em lác mắt.
 
Trong trường hợp này, Bà Hồng Hà khuyên “bố mẹ cần phải có một buổi nói chuyện thẳng thắn với Nam để phân tích tình hình cụ thể. Đồng thời để em có cơ hội chia sẻ suy nghĩ của mình. Từ đó mà đưa ra những lời khuyên. Tuyệt đối không được nóng giận mà chửi bới, quát mắng vì rất dễ tạo ra tiêu cực ở lứa tuổi này".

Việc yêu chỉ để lấy thành tích, hay để chạy theo mốt của lứa tuổi teen hiện nay không chỉ khiến kết quả học tập bị giảm sút mà còn dẫn đến những tổn thương về tâm lý mà có thể đến tuổi trưởng thành các em mới nhận ra.

Khi tìm hiểu qua các trung tâm tư vấn mới thấy rằng những trường hợp như Dũng, Nam ngày càng nhiều. Các chuyên gia tư vấn tâm lý đều đưa ra lời khuyên: “Đây là lứa tuổi nhạy cảm và dễ xúc động nhất vì các em chưa va vấp nhiều nên rất dễ dẫn đến những hành động bột phát và nông nổi, vì vậy không thể ngay lập tức mà cấm đoán. Cần phải có thời gian khuyên bảo, động viên. Quan trọng nhất vẫn là các bậc phụ huynh, cần phải cố gắng cư xử thật tinh ý và tế nhị với con cái trong giai đoạn này. Tránh cấm đoán, trách móc, vì rất có thể xảy ra những trường hợp tiêu cực như bỏ trốn, tự tử…”.

Theo afamily