Còn cha còn mẹ vẫn "mồ côi"

01/11/2011 14:34
Theo SGTT
Lúc lao đi làm sau khi sinh mổ ba ngày để giải quyết món nợ hơn 2 tỉ đồng từ rủi ro kinh doanh, chị không thể ngờ hai năm sau đó con trai mình bị chứng tự kỷ.
Phó tổng giám đốc của một công ty sản xuất điện thoại thương hiệu Việt, có lần tâm sự: “Tôi cùng chồng tạo dựng mọi thứ từ tay trắng, vinh quang cũng nhiều và cay đắng không ít. Nhưng điều tôi hối tiếc nhất, là để cho đứa con bé nhỏ thiếu bàn tay và tình thương của mẹ, khi cháu mới tròn… ba ngày tuổi”.
Lúc lao đi làm sau khi sinh mổ ba ngày để giải quyết món nợ hơn 2 tỉ đồng từ rủi ro kinh doanh, để vực dậy thương hiệu và cứu sinh mạng công ty, chị không thể ngờ hai năm sau đó con trai mình bị chứng tự kỷ.
Nỗi đau mang tên “mẹ đi vắng”

Nữ doanh nhân trên giao con cho hai người giúp việc, cả hai làm tốt nhiệm vụ cho bé bú đúng cữ, vệ sinh sạch sẽ. Nhưng đến hai tuổi, bé vẫn không biết nói. Gần ba tuổi bé vẫn tiêu tiểu không tự chủ, la hét khi có người lạ vào nhà. Dần dà, bé hung dữ và cào cấu bất cứ ai, và bé hay giận vô cớ. Khi đưa bé đi khám, gia đình mới biết bé bị chứng tự kỷ do hai người giúp việc lâu nay chỉ chăm sóc chứ không vui đùa, trò chuyện với bé. Hai năm điều trị tích cực rất tốn kém, hiện con chị mới nói được từng tiếng một, biết dạ thưa và đi tiêu đúng chỗ.

Có trường hợp cả hai vợ chồng đều là bác sĩ sản khoa, do công việc ở bệnh viện và phòng khám riêng quá bận rộn, phải giao con cho người giúp việc, hậu quả là đến năm bốn tuổi cháu bé vẫn chưa biết nói, có nhiều biểu hiện của chứng tự kỷ.

Cũng có trẻ đổi tính hẳn khi không còn được ở với mẹ. Chị Nguyễn Thu An, 32 tuổi, ở Biên Hoà, chủ một cửa hàng kinh doanh thiết bị điện tử, vì công việc bận rộn nên phải đi làm lại khi con chưa đầy hai tháng tuổi. Chị tâm sự: “Khi tôi giao con cho người giúp việc, cháu rất ngoan, ăn uống đúng cữ và lên cân đều. Nhưng chưa đầy mười ngày sau, bé quấy khóc dữ dội, có khi gào khóc to và không thể dừng được.

Cháu bám cứng lấy mẹ, và có biểu hiện hoảng loạn tinh thần. Tìm hiểu mới biết khi tôi đi vắng, hai cô bé giúp việc ở nhà (16 và 18 tuổi), mải nghe điện thoại và nhắn tin với bạn trai, để con tôi khóc không thèm dỗ nên cháu sợ cứ khóc mãi, càng lúc càng khó dỗ hơn. Mất hơn ba tháng sau, bỏ hết việc để ở nhà chăm sóc, vỗ về con, nhưng tính tình con tôi vẫn nóng nảy, hay khóc hờn và mỗi khi khóc, cháu có xu hướng co giật, tím tái, dỗ dành cháu rất khổ sở”.

Kinh tế càng khó khăn, việc kiếm tiền càng nhiều áp lực, đồng nghĩa với thời gian bố mẹ ở bên con ngày một ít. Làm sao để việc kiếm tiền của ba mẹ không ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của con, không để lại những hậu quả đau lòng?
Còn cha còn mẹ vẫn "mồ côi" ảnh 1

Cần tình hơn tiền

Lý Minh Lan, học lớp 8 một trường ở Tân Bình, nổi tiếng vì có nhiều “người yêu”. Em chia sẻ: “Không phải em thích có nhiều bạn trai, nhưng lúc nào em cũng có cảm giác cần ai đó để chia sẻ. Ba mẹ đi tối ngày, sáng em tự đi học, chiều về nhà chỉ có bà giúp việc, rảnh ra thì bác ấy xem phim Hàn. Đôi khi em thấy mình như là “gánh nợ” của ba mẹ, tồn tại ở đó chỉ để ăn, học, và ngủ. Ba mẹ phải kiếm tiền nuôi em tới mức không có thời gian để nói chuyện với em. Nên em cần ai đó quan tâm xem em ăn gì buổi sáng, trưa uống gì và tối ngủ có ngon không! Các bạn nói em nhiều “bồ”, là như vậy”.

Nguyễn Thế Anh, 25 tuổi, đến gặp chuyên gia tâm lý với chai dầu gió trên tay. Cứ nói chuyện năm ba phút, là anh mở nắp chai dầu ra xức liên tục lên mũi, thái dương, cổ. Được biết, anh không rời khỏi chai dầu, kể cả lúc ăn cơm hay đi ngủ. Chuyên gia tâm lý gọi đó là chứng yếu đuối giả, vì cơ thể anh hoàn toàn bình thường. Nguyên nhân: do cha mẹ phải lo kiếm tiền từ sáng đến tối, có năm anh em thì đứa lớn chăm đứa nhỏ, anh là con út nên hoàn toàn do anh chị chăm. Khi cha mẹ mất, giao tài sản cho anh chị quản lý, anh mới tìm đến chuyên gia tâm lý, chuyên gia luật để tìm cách lấy lại tài sản từ anh chị mình. Anh không tin bất kỳ ai và không thể tiếp thu bất cứ một phân tích nào từ phía chuyên gia vì thấy mình trơ trọi, yếu đuối, bị bỏ rơi trong chính gia đình mình.

Kinh tế càng khó khăn, việc kiếm tiền càng nhiều áp lực, đồng nghĩa với thời gian bố mẹ ở bên con ngày một ít. Làm sao để việc kiếm tiền của ba mẹ không ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của con, không để lại những hậu quả đau lòng?


Quan sát con để phát hiện và can thiệp kịp thời các sai lệch

Tiếp cận với các em bỏ nhà đi bụi, được cho là cá biệt, quậy phá, tôi thấy các em đôi khi lại khá… hiền. Các em chỉ muốn nổi loạn để chứng tỏ, để được chú ý, vì chẳng ai chú ý tới các em.

Trong điều kiện khác nhau, có những bậc cha mẹ không thể ở bên con, nhưng khi giao phó con cho ai đó chăm sóc, hãy lường trước những rủi ro, rà soát các yếu tố có thể liên quan đến tâm sinh lý con mình. Sau đó, tăng cường các phương pháp quan sát để nhận biết những thay đổi cơ thể, sức khoẻ, tâm lý của con.

Bạn có thể đột ngột trở về để người nhà biết là bạn có thể về bất cứ lúc nào. Bạn có thể trao đổi với con vài câu chuyện mỗi tối, để biết con gặp chuyện gì, có gì vui hay khúc mắc cần chia sẻ. Cha mẹ cũng nên học các kỹ năng trao đổi với trẻ từng lứa tuổi khác nhau, để giảm bớt rào cản ngôn ngữ, quan điểm sống giữa hai thế hệ.

Nếu không thể chăm sóc con cả ngày, hãy tận dụng buổi tối, tìm ra những hoạt động thú vị để cả nhà cùng chơi, cùng chia sẻ. Hình thành thói quen vui chơi hoạt động gia đình buổi tối tuy không dễ, nhưng kiên trì và trên tinh thần tôn trọng nề nếp gia đình, dần dần gia đình sẽ có nề nếp.

ThS tâm lý Võ Thị Tường Vy (giảng viên đại học Sư phạm TP.HCM)
Chuẩn bị nền tảng kinh tế trước khi sinh con

Nguyên nhân của những đứa trẻ thiếu hơi mẹ là do cha mẹ trẻ không quan tâm đến việc chuẩn bị nền tảng kinh tế trước khi sinh con. Làm cha mẹ là công việc cả đời, bạn cần có kế hoạch mới đảm bảo điều tốt nhất cho trẻ.

Những đứa trẻ thiếu hơi bố mẹ từ nhỏ, không được sự chăm sóc từ người có kỹ năng, tình thương yêu, sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm sinh lý, từ rối loạn hành vi, tự kỷ, đến trầm cảm, ích kỷ, hung dữ hoặc tìm vui trong các sinh hoạt không lành mạnh: yêu đương bừa bãi, hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma tuý…

Có quá nhiều trường hợp tội phạm bắt nguồn từ nguyên nhân cô độc, thiếu quan tâm trong gia đình. Vì sự hoàn thiện nhân cách của một thế hệ, đôi khi người lớn phải chịu khó hy sinh. Cha quan hệ xã hội nhiều thì hy sinh chút thời gian về ăn cơm, trò chuyện với con.

Mẹ bận rộn kinh doanh thì hy sinh chút lợi nhuận để đảm bảo tiền mình làm ra chỉ đem lại điều tốt cho con. Không có hy sinh, không thể nào toàn vẹn một gia đình.

Chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Hoa
Theo SGTT