NXB GDVN, các tác giả không thể im lặng mãi về "sạn" trong các sách Bộ Kết nối

28/09/2021 06:45
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Về nội dung phóng viên hỏi, hiện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang làm việc với các bên liên quan và sẽ thông tin khi có kết quả.

Năm học 2021-2022 là năm thứ hai triển khai sách giáo khoa mới theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Sau lùm xùm về những bất cẩn, các lỗi được phát hiện trong biên soạn và thẩm định bộ sách giáo khoa lớp 1, năm nay, một số chuyên gia tiếp tục thấy “sạn” trong một số cuốn sách giáo khoa lớp 2.

Vì sao, sau những ồn ào về chất lượng của sách giáo khoa lớp 1, các cơ quan biên soạn, thẩm định vẫn để “lọt sạn” đến khi sách đã đến tận tay học sinh. Đặc biệt là các ồn ào xoay quanh các cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 và Ngữ Văn lớp 6 Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống do Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng làm Tổng chủ biên.

Trước những băn khoăn của dư luận, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt (Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông) đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm về vấn đề “sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 và Ngữ Văn lớp 6 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống).

Phó giáo sư Nguyễn Hữu Đạt nghiên cứu rất kỹ các cuốn sách giáo khoa mới. Ảnh: NVCC

Phó giáo sư Nguyễn Hữu Đạt nghiên cứu rất kỹ các cuốn sách giáo khoa mới. Ảnh: NVCC

Phóng viên: Thưa Phó giáo sư Nguyễn Hữu Đạt, sau một năm đầy ồn ào, sách giáo khoa lớp 2 năm nay tiếp tục tồn tại nhiều lỗi được chuyên gia, giáo viên chỉ ra. Năm ngoái, Phó Giáo sư cũng đã có nhiều tìm hiểu và chỉ ra các sạn trong sách giáo khoa lớp 1. Ông có thể phân tích về một số lỗi sai và lý giải nguyên nhân các sách giáo khoa tiếp tục đến tay học sinh khi vẫn còn nhiều “sạn?

Phó giáo sư Nguyễn Hữu Đạt: Tôi có tìm hiểu và thấy lỗi ở cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 2 Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống” do Phó Giáo sư. Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng làm Tổng Chủ biên.

Chẳng hạn, ngay bài học đầu tiên của lớp 2 có tên “Tôi là học sinh lớp 2” (trang 10), đã bộc lộ nhiều băn khoăn. Thứ nhất, đây là bài học không có ý nghĩa giáo dục, đồng thời không thể hiện đúng tâm trạng của học sinh. Nội dung bài học rất giả tạo, thiếu tính tự nhiên và thiếu tính văn học. Đây là cơ sở để nói rằng, các tác giả biên soạn sách thiếu những hiểu biết về văn học, về tâm lý, nên bài đầu tiên của sách Tiếng Việt 2 đã làm mất hứng thú học tập của trẻ em.

Có sự khập khiễng giữa nội dung của bài học và tranh minh họa. Ở bài học đầu tiên này, bức tranh không liên quan gì đến ngày khai giảng mà chỉ là bức tranh miêu tả cảnh gặp gỡ trên đường giữa hai mẹ con của nhân vật được gọi là “em” với các bạn học sinh không rõ lứa tuổi hay lớp nào? Đó là chưa nói, bức tranh hai mẹ con ở đây không phản ánh được nội dung “người mẹ đưa con đi khai giảng”. Nó giống như bức tranh “cô giáo dẫn em bé mới đi học vào lớp”. Chính vì thế, tự bức tranh này đã phá vỡ toàn bộ nội dung của bài học. Ba bức tranh của mục 4 cũng không phản ánh được nội dung “thích hợp với mỗi đoạn trong bài học”…

Về tiếng Việt, các tác giả biên soạn hoàn toàn áp đặt chủ quan theo tư duy cứng nhắc, nên đã đưa ra các câu hỏi tùy tiện, không đúng với bản chất của ngôn ngữ. Ví dụ, các tác giả đặt câu hỏi:

1/ “ Từ nào dưới đây nói về các em lớp 1 trong ngày khai trường?

a. ngạc nhiên b. háo hức c. rụt rè

Cách đặt câu hỏi này khiến tôi có rất nhiều băn khoăn về các tác giả cuốn sách. Tôi thấy các tác giả biên soạn đang không phân biệt được nghĩa của từ và nghĩa của câu, không phân biệt được “khái niệm” và “phán đoán” (lô gích hình thức). Do đó, câu hỏi này trở nên không chính xác và áp đặt tư duy của học trò.

Tương tự như vậy, ở bài 2 (trang 13). Đây là bài thơ của nhà thơ Bế Kiến Quốc. Nội dung của bài thơ này nhằm giáo dục trẻ nhỏ về tinh thần chăm chỉ học tập. Nó là một bài thơ mang tính hình tượng. Thế nhưng, các tác giả biên soạn lại đưa ra một câu hỏi làm cho cách hiểu thơ rất thô thiển:

2/ Theo lời bố, “ngày hôm qua” ở lại những đâu?

Nếu hỏi và dạy theo cách này, thì tư duy văn học của trẻ sẽ méo mó, không phù hợp.

Cùng với đó, tôi thấy tiếng Việt của các tác giả là “tiếng Việt của Tây”.

Trong nghi thức chào hỏi, tiếng Việt có những nét riêng biệt khác với tiếng Trung và các ngôn ngữ Âu châu. Cụ thể, từ “chào tạm biệt” của tiếng Việt chỉ dùng khi chia tay nhau để đi xa ít nhất trong vài ba ngày. Còn trong ngôn ngữ hàng ngày, người ta lại không dùng “chào tạm biệt” giống như các ngôn ngữ khác mà chỉ dùng từ “chào” kết hợp với các từ như: “mẹ, bố, bác, anh, chị...”, thành “con chào mẹ”, “em chào anh”…

Bởi thế, cách dạy nghi thức chào hỏi cho trẻ em ngay từ bài 1 “chào tạm biệt mẹ” ở bài học thứ nhất nó không thực sự phù hợp với nét riêng của người Việt.

Một vấn đề nữa mà nhiều ý kiến đã chỉ ra là việc sử dụng ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa, các tác giả biên soạn không tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong khi phóng tác các tác phẩm, tự tiện thay đổi hoặc thêm bớt từ ngữ làm cho tinh thần của nguyên tác không được đảm bảo, thậm chí sai lạc hẳn tư tưởng tích cực trong tác phẩm nguồn.

Có thể lấy việc phóng tác truyện ngắn trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập 2, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” - chủ điểm “Mái trường mến yêu” bài “Tôi đi học” dựa theo truyện ngắn “Tôi đi học” của cố nhà văn Thanh Tịnh (1911-1988) làm ví dụ.

Ở truyện này, Thanh Tịnh tỏ ra rất cẩn trọng khi miêu tả tâm trạng của trẻ em, nên đã viết: “Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên lạm nhận là vật riêng của mình” (xem thêm bài viết của Xuân Dương “Trích dẫn hoặc phỏng theo tác phẩm văn học, nguyên tắc là gì?” đăng trên giaoduc.net.vn ngày 14/9/2021). Thế nhưng, khi phóng tác, các tác giả biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt 2 lại cắt bớt từ ngữ, thành “Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rồi nhận là vật riêng của mình”.

Đây là hai câu văn khác nhau hoàn toàn khác nhau. Câu của Thanh Tịnh là câu văn miêu tả tâm trạng, còn câu của sách giáo khoa là câu kể. Về tư tưởng, hai câu đó cũng trái ngược nhau. Câu của Thanh Tịnh có ý nghĩa ngầm phê phán “cái ý nghĩ bên trong của một trẻ thơ”, còn câu của của sách giáo khoa lại cổ vũ cho tính ích kỷ nên thiếu hẳn tính giáo dục.

Các lỗi này không chỉ là “sạn” theo cách “né tránh” của báo chí, là các lỗi rất cơ bản không thể được phép xuất hiện trong sách giáo khoa.

Đó không chỉ là lỗi về tri thức Văn học, Tiếng Việt mà còn là lỗi về tư duy, về định hướng giáo dục cũng như tư tưởng và giá trị thẩm mỹ… của môn học.

Với các lỗi trên, tôi thực sự băn khoăn về năng lực tiếng Việt, tri thức văn học của các tác giả biên soạn sách.

Ảnh: Ngân Chi

Ảnh: Ngân Chi

Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư, để “sạn” như vậy trong những trang sách đầu đời của trẻ, trách nhiệm thuộc về những ai?

Phó giáo sư Nguyễn Hữu Đạt: Ngoài trách nhiệm của Tổng Chủ biên và tác giả biên soạn, việc để tái diễn các loại lỗi ở bộ sách trên, còn thể hiện sự coi thường phụ huynh, coi thường dư luận xã hội của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, mà trước hết là trách nhiệm của Giám đốc, Tổng biên tập.

Hàng triệu học sinh đang là khách hàng mua các cuốn sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Về lý thì bất cứ sản phẩm nào có vấn đề thì bên sản xuất đều phải trả lời. Huống hồ, sách giáo khoa là sản phẩm đặc thù. Nó không chỉ dùng một năm mà nhiều thế hệ học sinh sẽ phải dùng.

Trước đó, dư luận từng “nhặt sạn” từ bài thơ “Bắt nạt” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh trong sách giáo khoa Ngữ văn tập 1 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) nhưng đến thời điểm hiện tại, cả Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Tổng Chủ biên cũng đều chưa có động thái gì đính chính hay giải đáp rõ các thắc mắc của dư luận. Thậm chí, tôi còn được biết tác giả bài thơ còn đăng trạng thái chỉ trích ngược trên mạng xã hội.

Tôi cho rằng, đây là một trong một loạt các biểu hiện về thái độ vô trách nhiệm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đứng đầu là Giám đốc, Tổng Biên tập.

Phóng viên: Thưa ông, rõ ràng ngoài trách nhiệm giải trình của các tác giả, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì Hội đồng thẩm định, BGiáo dục và Đào tạo cũng cần sớm liên tiếng làm rõ các "sạn" này đến đâu. Và bài học rút ra cho những bản thảo tiếp theo của bộ sách cho các năm sau là gì?

Phó giáo sư Nguyễn Hữu Đạt: Như đã phân tích ở trên, đó là sự vô trách nhiệm đến mức khó hiểu của toàn bộ các bộ phận liên quan đến việc “để yên” như vậy.

Và bài học đầu tiên là, cần phải chấn chỉnh cách tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo về biên soạn sách giáo khoa. Trước hết, phải đảm bảo tính công bằng, dân chủ giữa các nhà đầu tư biên soạn sách để tránh tình trạng độc quyền và các biến tướng của nó như giai đoạn vừa qua.

Tiếp đó, cần sàng lọc, lựa chọn đội ngũ liên quan đến biên soạn sách giáo khoa như: Tổng Chủ biên, Chủ biên, tác giả biên soạn sao cho có thể đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh và toàn xã hội.

Hội đồng thẩm định sách giáo khoa cũng cần thể hiện rõ ràng vai trò của mình trong việc đánh giá các cuốn sách, để làm sao sách giáo khoa không mắc những lỗi như đã được các chuyên gia nêu ra.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư!

Khi nào Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có kết quả làm việc với các bên?

Ngày 10/9, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để hỏi về “sạn” trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống được các chuyên gia, thầy cô phản ánh trên Tạp chí thì nhận được phản hồi “Về nội dung phóng viên hỏi, hiện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang làm việc với các bên liên quan và sẽ thông tin khi có kết quả cụ thể”.

Đến ngày 28/9, phóng viên chưa nhận được thêm thông tin gì. Ngoài ra, vấn đề này, phóng viên cũng liên lạc với Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam nhưng không nhận được phản hồi.

Thùy Linh

Ngân Chi