Ông giáo già đam mê khuyến học ở xã Tân Minh

08/08/2020 06:20
Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trên chiếc xe đạp cọc cạch, hơn 20 năm nay, ông giáo già Nguyễn Kỳ Khôi vẫn cần mẫn vận động các hộ gia đình trong xã tham gia phong trào khuyến học.

Cả một đời gắn bó với nghề giáo

Mỗi buổi chiều, sau khi thu xếp xong công việc gia đình, ông Nguyễn Kỳ Khôi (81 tuổi, thôn Thọ Giáo, xã Tân Minh, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội) nhẩn nha pha một ấm trà ngồi đọc báo hoặc theo dõi tin tức trên tivi.

Trà đã nhạt, nước đã cạn, ông giáo già vào trong buồng ăn vận chỉnh tề, cầm sổ khuyến học lật đật dắt xe chiếc xe đạp cọc cạch đã ngả màu gỉ sét để bắt đầu công việc hàng ngày của mình – Ông Khôi đến từng nhà vận động bà con trong xã tham gia phong trào khuyến học. Công việc này ông Khôi làm từ năm 1999 đến nay đã hơn 20 năm.

Gắn bó với sự nghiệp trồng người gần 40 năm. Dù ở bất kỳ cương vị nào từ giáo viên cho đến Hiệu trưởng trường Bổ túc văn hóa huyện Thường Tín, ông Khôi luôn dành trọn vẹn tình yêu dành cho học sinh, mái trường, con chữ. Chính vì thế sau khi nghỉ hưu (năm 1999), ông Khôi không cho phép mình được nghỉ ngơi, không cho phép mình xa rời mái trường, xa rời con chữ.

Nghĩ vậy, ông Khôi nung nấu ý tưởng thành lập Hội khuyến học của xã Tân Minh để thúc đẩy phong trào học tập tại quê hương cũng như giúp đỡ những học sinh nghèo có điều kiện để đến trường.

Bên cạnh đó, thời gian rảnh ông Khôi vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động giảng dạy phổ thông, giúp đỡ các cháu không có điều kiện ôn luyện, học thêm bên ngoài.

Ông Khôi tâm sự: “Cả một đời gắn bó với nghề giáo viên, tôi luôn trăn trở và ý thức được sứ mệnh cao quý của sự nghiệp trồng người. Khi còn trẻ thì tôi tham gia giảng dạy khi về già nghĩ chẳng lẽ mình lại ngồi không.

Thời điểm tôi về hưu phong trào học tập tại xã chưa mạnh, chưa có hội khuyến học. Trong khi đó số lượng các em học sinh đỗ đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cho nên tôi mới có ý tưởng thành lập Hội khuyến học để động viên các cháu cố gắng học tập”.

Cả đời gắn bó với nghề giáo, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Kỳ Khôi vinh dự nhận được nhiều phần thưởng, bằng khen: Bằng khen của Hội khuyến học Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội về thành tích khuyến học khuyến tài.

Thế nhưng đối với người giáo già này, phần thưởng cao quý và thiêng liêng nhất đó chính là tình cảm của bà con lối xóm với Hội khuyến học mà ông Khôi vận động thành lập; món quà quý giá nhất là sự thành đạt của nhiều lớp học sinh, con cháu tại xã Tân Minh.

Cứ thế đằng đẵng 20 năm qua, người dân xã Tân Minh đã quen thuộc hình ảnh ông Nguyễn Kỳ Khôi hàng ngày đạp xe đến từng nhà hỏi han tình hình học tập của các cháu, vận động các hộ gia đình tham gia Hội khuyến học của xã.

Ông Khôi đã trở thành tấm gương sáng cho phong trào giáo dục mà người dân xã Tân Minh khi nhắc đến ai cũng cảm thấy tự hào.

Ông Khôi hàng ngày đều đạp xe vận động các hộ gia đình trong xã tham gia phong trào khuyến học (Ảnh:U.N)

Ông Khôi hàng ngày đều đạp xe vận động các hộ gia đình trong xã tham gia phong trào khuyến học (Ảnh:U.N)

Ông Khôi khuyến học của xã Tân Minh

Người dân xã Tân Minh trìu mến đặt biệt danh cho ông Nguyễn Kỳ Khôi là “ông Khôi khuyến học” cũng bởi tâm huyết và thứ đam mê đã ngấm vào máu: đam mê con chữ, đam mê khuyến học.

Thời điểm những năm 2000, tại xã Tân Minh, phong trào học tập chưa thực sự nổi bật; số lượng học sinh thi đỗ Đại học hoặc học cấp 3 rất ít. Phần lớn người dân nơi đây chưa quan tâm đến việc học của của con mà chủ yếu cho con cái đi học nghề, buôn bán hoặc ở nhà làm nông nghiệp.

Thấy lũ trẻ trong thôn thích đi buôn, làm ruộng…nhiều hơn là đi học, ông Khôi một lòng trăn trở: Làm thế nào để lôi kéo các hộ gia đình tham gia vào phong trào khuyến học, trẻ nhỏ thích đi học hơn là thích đi làm, đi chơi?

Nghĩ vậy,ông Khôi cùng một số người chung chí hướng đề xuất với chính quyền xã thành lập Hội khuyến học và chủ trương này đã được Ủy ban Nhân dân xã đồng ý ngay.

Từ đó (năm 2001), Hội khuyến học của xã Tân Minh chính thức được ra đời. Những ngày đầu công việc của ông Khôi gặp nhiều khó khăn một phần do kinh phí còn thiếu thốn và nhận thức của người dân đối với ý nghĩa của việc học còn chưa cao.

Để thu hút người dân tham gia vào Hội khuyến học, ông Khôi chọn cách đến từng nhà vận động, tuyên truyền, giải thích cho bà con nghe, hiểu được tầm quan trọng của giáo dục cũng như phong trào khuyến học.

Chỉ trong một thời gian ngắn, ông Khôi và các thành viên đã đi đến hơn 600 hộ gia đình để tuyên truyền về mục đích cũng như ý nghĩa to lớn của phong trào khuyến học.

Với uy tín của ông, nhiều gia đình bắt đầu thay đổi cách tiếp cận với giáo dục; họ bắt đầu quan tâm đến việc đầu tư cho con cái đi học.

Sự thay đổi đó có thể nhìn được bằng mắt thường hoặc thông qua những con số thống kê. Bằng chứng là sau vài năm, tỷ lệ học sinh đỗ Đại học của con em xã Tân Minh đã tăng rõ rệt.

Sau mỗi buổi học, trẻ không còn bỏ bê sách vở để đi chơi, đi làm mà đều dành thời gian đến nhà thầy giáo Khôi nghe ông kể chuyện hoặc hỏi bài.

Những ngày đầu thành lập Hội khuyến học xã Tân Minh (Ảnh tư liệu: U.N)

Những ngày đầu thành lập Hội khuyến học xã Tân Minh (Ảnh tư liệu: U.N)

Nhớ lại quãng đường vận động xây dựng Hội khuyến học của xã Tân Minh, ông Khôi tâm sự:

“Người làm công tác khuyến học muốn làm được hiệu quả thì phải đi sâu vào quần chúng vận động, tuyên truyền, giải thích cho họ hiểu. Làm khuyến học không chỉ nói suông được mà còn phải khen thưởng, giúp đỡ các cháu học sinh nghèo vươn lên học tập.

Tôi làm công tác khuyến học đến nay đã 20 năm, thời gian đầu cũng có nhiều khó khăn khi người dân vẫn chưa hiểu hết được ý nghĩa và tầm quan trọng của khuyến học.

Nhưng điều đáng mừng là đến nay mọi người trong xã đã nhận ra được điều này. Tôi mong rằng phong trào sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh hơn nữa trong những năm tiếp theo”.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông giáo Khôi vẫn ấp ủ nhiều dự định với Hội khuyến học mà ông đã gầy dựng. Đều đặn mỗi năm số tiền ủng hộ về Hội khuyến học năm sau cao hơn năm trước.

Số tiền đó Hội dùng để mua quà, tặng phần thưởng cho các cháu đạt thành tích cao hoặc hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Khôi vẫn một lòng với giáo dục (Ảnh:U.N)

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Khôi vẫn một lòng với giáo dục (Ảnh:U.N)

Khi kể về Hội khuyến học xã Tân Minh, ông Khôi rung rung cảm động: “Nhiều lúc sức khỏe có hạn cũng thấy mỏi người lắm. Nhưng nguồn động lực lớn nhất của tôi là nhìn thấy phong trào khuyến học của quê hương phát triển.

Mỗi năm xã cũng có mấy chục em đỗ Đại học – đấy là niềm vui lớn nhất của tôi. Mỗi lần có cháu về báo tin hoặc khoe giấy báo điểm cho ông Khôi là tôi vui lắm.

Tôi hy vọng sẽ được chứng kiến nhiều giáo viên, kỹ sư, bác sĩ, công an…trưởng thành từ quê hương mình”.

Trong ánh hoàng hôn cuối buổi chiều tà, người dân thôn Thọ Giáo ( xã Tân Minh) lại hướng tai về chiếc loa phát thanh của thôn, nghe ông Khôi kể chuyện, làm thơ hoặc đọc các tác phẩm tuyên truyền về phong trào khuyến học, về ý nghĩa của giáo dục. Tiếng của ông sang sảng vọt qua bụi tre đầu làng như ước mơ của những đứa trẻ nơi đây - vươn ra biển lớn.

Vũ Ninh