Phải cảnh giác với kẻ dùng thủ đoạn gian manh, xảo quyệt để gạt bỏ cán bộ tốt

05/06/2018 06:09
QUỐC TOẢN
(GDVN) - "Phải cách chức ngay những người cản trở, phá rối, vu khống bôi nhọ những cán bộ thuộc diện điều động, luân chuyển nhằm thực hiện mục đích, ý đồ không tốt".

Cán bộ mà xấu thì dù có điều động, luân chuyển đi đâu cũng sẽ không tốt cho địa phương đó

Một trong những giải pháp đột phá trong công tác cán bộ những năm tới là triển khai nhất quán chủ trương Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Nội dung này nhận được sự ủng hộ khá cao tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

Một số Đại biểu Quốc hội cho rằng, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần tăng cường giám sát quyền lực một cách đồng bộ, có hệ thống. Thậm chí, cần trao thêm quyền cho cán bộ lãnh đạo không phải là người địa phương để họ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Bình luận về nội dung này, hôm 2/6, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá, đây là chủ trương thích hợp trong thời điểm hiện tại:

“Trong thời gian qua, nhiều lãnh đạo địa phương là người địa phương đã phát huy tốt vai trò của người đứng đầu trong việc ổn định tình hình, phát triển kinh tế, xã hội.

Nhưng bên cạnh đó còn một số đồng chí là người đứng đầu địa phương có quan điểm cục bộ, phe cánh đặc biệt là trong tuyển dụng, bổ nhiệm theo kiểu “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ", tạo dư luận không tốt.

Do vậy, việc thực hiện chủ trương trên là thích hợp trong thời điểm hiện tại để hạn chế một phần những hiện tượng tiêu cực trong công tác cán bộ hiện nay”, Phó Giáo sư Bùi Thị An đánh giá.

Phó Giáo sư Bùi Thị An. Anh tư liệu của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Phó Giáo sư Bùi Thị An. Anh tư liệu của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tuy nhiên, theo vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII, đây chỉ là giải pháp thích hợp trong thời điểm hiện tại chứ chưa hẳn đã là giải pháp căn bản, có tính đồng bộ để hạn chế tiêu cực trong công tác cán bộ.

"Điều quan trọng nhất để hạn chế tiêu cực trong công tác cán bộ vẫn là vấn đề con người. Cán bộ mà xấu thì dù có điều động, luân chuyển đi đâu cũng sẽ không tốt cho địa phương đó.

Cho nên, để thực hiện tốt chủ trương Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, trước hết cần áp dụng cơ chế công khai, minh bạch trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, chọn được người có đủ phẩm chất, đủ tài, để gánh vác nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ nhằm tránh tình trạng phe cánh, lợi ích nhóm.

Thực hiện tốt công tác giám sát quyền lực cũng là cách bảo vệ cán bộ tốt, để những người được luân chuyển, điều động về địa phương khác không cảm thấy lẻ loi.

Làm tốt điều này sẽ ngăn chặn những biểu hiện không lành mạnh trong công tác tổ chức cán bộ nói chung", Phó Giáo sư Bùi Thị An nêu quan điểm.

Phải cách chức ngay lập tức những người cản trở, phá rối, vu khống bôi nhọ những cán bộ thuộc diện điều động, luân chuyển

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, những cán bộ thuộc diện điều động, luân chuyển tới địa phương khác phải là người có đạo đức, trình độ, bản lĩnh.

Tuy nhiên, điều khiến ông Lê thanh Vân lo lắng là việc (có thể có) nhóm lợi ích kéo bè, kết cánh để trù dập cán bộ có đạo đức, năng lực, trí tuệ khi họ được giao nhiệm vụ ở địa phương mới.

“Nếu cán bộ được điều động, luân chuyển về một tập thể tốt thì họ sẽ phát huy tốt năng lực, trí tuệ cống hiến cho tập thể, cho nhân dân vì sự phát triển chung.

Nhưng nếu cán bộ tốt được điều động, luân chuyển về một tập thể xấu thì họ sẽ bị “quật ngã” dễ dàng. Thậm chí có trường hợp người ta dùng thủ đoạn gian manh, xảo quyệt để gạt bỏ cán bộ (tốt) đó.

Nhưng cũng có tình trạng cán bộ thuộc diện điều động, luân chuyển về địa phương hoặc từ địa phương này sang địa phương khác kéo bè, kết cánh, ham hố, lạm dụng quyền lực, gây tổn hại cho lợi ích tập thể.

Vấn đề này, trung ương phải có trách nhiệm giám sát chặt chẽ bằng nhiều kênh. Bên cạnh đó cơ quan có thẩm quyền cũng phải xử lý nghiêm nếu cán bộ đó (cán bộ được điều động, luân chuyển) hư hỏng, vi phạm pháp luật”, Đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội. Ảnh Hoàng Lực/giaoduc.net.vn.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội. Ảnh Hoàng Lực/giaoduc.net.vn.

Từ những phân tích trên, Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, những cán bộ thuộc diện điều động, luân chuyển cần được trao đủ quyền để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao tại địa phương mới.

“Cán bộ thuộc diện điều động, luân chuyển cần được quyền trực tiếp báo cáo với cấp trên về tình trạng mất đoàn kết, vi phạm pháp luật, làm biến tướng chủ trương của Đảng từ phía một số người ở địa phương đó.

Khi cấp trên xét thấy báo cáo đó là có căn cứ, thì cần có giải pháp cụ thể xử lý, thậm chí phải cách chức ngay lập tức những người cản trở, phá rối, vu khống bôi nhọ những cán bộ thuộc diện điều động, luân chuyển nhằm thực hiện mục đích, ý đồ không trong sáng.

Có làm được như vậy thì cán bộ được điều động, luân chuyển có điều kiện phát huy năng lực.

Bên cạnh đó, cần trao quyền cho những Bí thư cấp tỉnh không phải là người địa phương được hạn chế ngay lập tức nếu hành vi của nhóm lợi ích xâm hại tới uy tín, đi ngược lại với đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng tới lòng tin của người dân.

Đương nhiên, những người được trao quyền đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về những quyền mà mình được trao. Nếu anh lạm dụng quyền được trao, báo cáo sai sự thật, thiếu trung thực thì cán bộ đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm”, Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị.

QUỐC TOẢN